Người bị tiểu đường thường nhận được nhiều lời khuyên xoay quanh việc kiểm soát đường huyết và chế độ ăn sao cho tốt nhất. Tuy nhiên, các biến chứng của tiểu đường ở da cũng là vấn đề không kém phần quan trọng trong việc điều trị bệnh. Vậy cần chăm sóc da của người bị tiểu đường như thế nào để hạn chế các biến chứng nghiêm trọng xảy ra?
Hiểu rõ các vấn đề về da khi bị tiểu đường sẽ giúp người bệnh hạn chế nhiễm trùng da, các vết lở loét và vết thương lâu lành.
1. Tại sao cần chăm sóc da của người bị tiểu đường?
Nguyên nhân dẫn đến các biến chứng của tiểu đường ở da hiện nay chưa được xác định đầy đủ. Nó thường xảy ra ở bệnh nhân lớn tuổi hoặc đã mắc bệnh ít nhất 10 – 20 năm.
Một số nhận định cho rằng do lượng đường huyết cao mà người bệnh tiểu đường thường mất nước nhiều hơn dẫn đến khô da, nhất là ở vùng da khuỷu tay, da chân và da bàn chân. Khi da khô và nứt nẻ sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các tác nhân nhiễm trùng da xâm nhập.
Mặt khác, nguyên nhân của biến chứng ở da của người bị tiểu đường có thể liên quan đến biến chứng mạch máu, thần kinh. Mạch máu bị tổn thương dẫn tới nuôi dưỡng da kém, thần kinh ngoại vi bị tổn thương khiến người bệnh khó phát hiện những vết xước hoặc vết thương nhỏ. Những biến chứng dù nhỏ này nếu không được chú ý da chăm sóc sẽ nghiêm trọng dần, hình thành các vết lở loét đặc biệt là ở ở chân và bàn chân, có thể phải đoạn chi.
2. Đâu là những vấn đề về da nghiêm trọng của người bị tiểu đường?
Ngoài khô, ngứa, chai sạn da, dày và thâm da, nhiễm trùng, nhiễm nấm da còn có một số biến chứng nghiêm trọng khác, tiêu biểu gồm:
- Hoại tử da dạng mỡ là một trong các biến chứng của tiểu đường ở da xuất hiện sớm với đặc trưng là các tổn thương nhỏ ở phần ống chân, có thể có màu vàng hoặc tím. Các thương tổn này sẽ khiến da mỏng hơn và lở loét, khi lành sẽ để lại các sẹo màu nâu.
- Bệnh da do tiểu đường là một biến chứng da của người bị tiểu đường phổ biến. Tình trạng này để lại trên da những đốm tròn nhỏ màu nâu ở chi dưới, lõm xuống và teo giống như sẹo.
- Xơ cứng ngón tay xảy ra khi da vùng mặt lưng của ngón tay, khớp ngón tay và bàn tay bị dày lên và xơ cứng. Điều này sẽ cản trở hoạt động của khớp, giảm độ linh hoạt của ngón tay và bàn tay.
- Mụn phỏng nước hay còn gọi là bệnh rộp da do tiểu đường là tình trạng xuất hiện nhiều nốt phỏng rộp trên bàn chân và bàn tay, tương tự như mụn nước.
- Bệnh gai đen do tiểu đường (Acanthosis Nigricans) là những vết đốm sắc tố sẫm màu, mượt mà thường hiện ở nếp gấp cơ thể như khuỷu tay, nách, háng,… Chúng khiến da của người bệnh dày lên, khó chịu và bị tổn thương.
- Biến chứng khác gồm u hạt vòng, bạch biến…
3. Mẹo chăm sóc da của người bị tiểu đường
Mọi vấn đề về da ở người bị tiểu đường chủ yếu liên quan đến khô da và nhiễm trùng, dẫn đến mối lo lắng nhất là hình thành vết thương khó lành. Để quản lý và ngăn ngừa những biến chứng da nghiêm trọng cho bệnh nhân tiểu đường, một số lời khuyên sau đây là cần thiết:
Chăm sóc hằng ngày
Da khô nứt nẻ là một vấn đề da cơ bản của người bị tiểu đường và cũng là nguyên nhân dẫn đến các vấn đề da khác. Đặc biệt là khi vào những mùa lạnh, da dễ nứt nẻ và nhiễm trùng hơn. Một số lưu ý dưới đây sẽ giúp bạn chăm sóc da của người bị tiểu đường tốt hơn:
- Tắm, giặt với các loại sản phẩm tẩy rửa và sữa tắm dịu nhẹ, chứa ít hoặc không chứa thành phần chất tẩy rửa. Tắm bằng nước ấm thay vì nước nóng. Sau khi tắm, lau khô người đặc biệt là những vùng nếp gấp cơ thể bao gồm kẽ ngón tay, ngón chân, hạn chế tối đa việc đọng nước ở những khu vực này.
- Sử dụng kem dưỡng ẩm da mỗi ngày, cung cấp đủ độ ẩm cho da của bạn.
- Nếu bạn bị khô nứt nẻ gót chân, hãy thoa loại kem dưỡng ẩm đặc trị có thành phần ure từ 10-25% lên vùng gót chân trước khi đi ngủ và để qua đêm mỗi ngày cho đến khi da lành lại.
- Giữ cho cơ thể đủ nước góp phần hạn chế tình trạng khô da.
- Mặc đồ lót vừa vặn, không bó sát và có chất liệu thoải mái như 100% cotton giúp thoáng khí cho da.
- Đi tất nếu nghi ngờ mắc phải các biến chứng về thần kinh của tiểu đường hay lo lắng cho các vấn đề da ở bàn chân.
Chăm sóc y tế đặc biệt cho các vết chai ở chân hay khi bị nhiễm trùng da/móng
Người bị bệnh tiểu đường thường dễ mắc các bệnh nhiễm trùng hơn do tình trạng rối loạn nội tiết tố sẵn có. Tình trạng nhiễm trùng này sẽ tiến triển nhanh chóng khi không được chú ý và chăm sóc kịp thời. Do đó, khi nhận thấy bất kỳ dấu hiệu bất thường nào trên da, móng sau đây, bạn cần đến gặp bác sĩ ngay:
- Da trông có vẻ sưng phù và đổi màu.
- Mẫn cảm và đau.
- Vết thương rỉ mủ hoặc chảy dịch.
- Chốc lở.
- Nấm móng xuất hiện với dấu hiệu móng biến dạng, dày lên, có các đốm trắng, đốm vàng dưới móng.
Ngoài ra, bạn nên cắt móng chân ngắn, gọn gàng để hạn chế nấm phát triển bên dưới móng.
Xử lý các vết cắt, trầy xước và vết thương ngay lập tức
Trước hết bạn cần kiểm tra da bàn chân hằng ngày, nhất là khi đang bị nổi mẩn, ngứa, trầy xước. Khi xuất hiện vết cắt hay trầy xước, bước đầu tiên bạn cần rửa sạch vết thương với nước và xà phòng. Lưu ý người bệnh đái tháo đường chỉ được bôi thuốc mỡ chứa thành phần kháng sinh khi được bác sĩ chỉ định và luôn băng vết thương bằng băng gạc sạch.
Để giúp vết thương trên da của người bị tiểu đường mau lành, hãy chăm sóc và điều trị chúng mỗi ngày. Nếu quan sát thấy vết thương có dấu hiệu trầm trọng hơn hoặc lâu lành lại, hãy đến gặp bác sĩ ngay.
Bạn có thể xem thêm: Cẩm nang chăm sóc vết thương cho người tiểu đường A-Z
[embed-health-tool-bmi]