“Bệnh tiểu đường type 1 có chữa được không?’ là thắc mắc rất thường gặp của các bố mẹ khi nghe bác sĩ thông báo về tình trạng sức khỏe của con.
Bệnh tiểu đường type 1 (thường được gọi là tuýp 1) thường xảy ra với trẻ ttrong độ tuổi từ 4 – 7 tuổi và 10 – 14 tuổi. Bệnh diễn tiến âm thầm nên dễ dẫn khiến trẻ phải chịu các biến chứng nguy hiểm. Trong bài viết này, Hello Bacsi mời bạn cùng đi tìm lời đáp cho câu hỏi: Bệnh tiểu đường type 1 có chữa được không và làm thế nào để quản lý chặt chẽ căn bệnh này?
Bệnh tiểu đường type 1 có chữa được không?
Câu trả lời cho câu hỏi trên là: Không, bệnh tiểu đường tuýp 1 không chữa được. Nhưng tin vui là việc kiểm soát tình trạng bệnh lý để không xảy ra biến chứng nguy hiểm là hoàn toàn nằm trong tầm tay của người bệnh và gia đình. Căn bệnh tiểu đường type 1 được hiểu như cơ thể người bệnh không tự sản sinh ra insulin hoặc sản sinh quá ít. Điều này dẫn đến tình trạng đường trong thức ăn khi được nạp vào cơ thể sẽ không đi vào tế bào mà gây ứ đọng, tích tụ trong máu.
Đường huyết quá cao ở người bị bệnh tiểu đường type 1 sẽ gây ra những triệu chứng như: mờ mắt, mệt mỏi thường xuyên, tê tay chân… Vì vậy, việc quản lý bệnh tiểu đường chính là giữ cho lượng đường trong máu của người bệnh ở mức bình thường. Tuy nhiên, lượng đường này vẫn phải đủ để đảm bảo cho người bệnh sinh hoạt và phát triển bình thường.
Nếu người bệnh làm tốt việc quản lý lượng đường trong máu, những triệu chứng và biến chứng bệnh sẽ hầu như không xuất hiện trong khoảng thời gian dài. Ngược lại, nếu kế hoạch quản lý được thực hiện không tốt sẽ dẫn đến việc người bệnh phải đối mặt với biến chứng tim mạch, thận, mắt…
Làm sao để lập kế hoạch quản lý chặt chẽ bệnh tiểu đường type 1?
Để quản lý chặt chẽ được lượng đường trong máu, những người mắc bệnh tiểu đường type 1 cần:
1. Tiêm insulin theo chỉ định
Những người mắc bệnh tiểu đường type 1 phải dùng insulin, hormone quan trọng giúp lượng đường trong cơ thể chuyển hóa thành năng lượng, như một phần của quá trình kiểm soát bệnh lý. Hiện nay, cách duy nhất để đưa insulin vào cơ thể chính là tiêm hoặc bơm. Việc đưa insulin vào cơ thể dưới dạng thuốc viên sẽ không hiệu quả. Nguyên nhân là vì các axit cùng với dịch tiêu hóa trong dạ dày và ruột sẽ phân hủy thuốc. Điều này khiến cho viên thuốc mất tác dụng hoàn toàn.
Có nhiều loại insulin khác nhau được phục vụ cho các mục đích khác nhau. Loại insulin và liều lượng tiêm mỗi ngày sẽ phụ thuộc vào cơ thể và lịch trình hằng ngày của người bệnh. Khi người bệnh trưởng thành, lượng insulin cần dùng có thể sẽ thay đổi. Ngày nay, việc tiêm insulin gần như không đau vì nhờ vào những chiếc kim có bề mặ t tiếp xúc rất nhỏ.
2. Cấy ghép thiết bị tế bào gốc cho người mắc bệnh tiểu đường type 1
Việc tiêm insulin hằng ngày sẽ được thay thế bằng liệu pháp cấy ghép tế bào gốc. Tại Hoa Kỳ, công ty ViaCyte cho thực hiện thí nghiệm để kiểm chứng độ hiệu quả của phương pháp. Cách hoạt động của phương pháp này như sau: Có một thiết bị mang tên là PPEC-Direct, chứa tế bào đảo tụy và được cấy dưới da của người bệnh. Khi được đưa vào cơ thể, thiết bị này sẽ tự động sản sinh ra C-peptide – thành phần sản xuất ra insulin.
3. Ăn uống lành mạnh sẽ giúp lượng đường huyết ổn định
Những người mắc bệnh tiểu đường sẽ phải chú ý đến thực đơn ăn uống của mình nhiều hơn so với người bình thường. Hãy xây dựng một thực đơn cân bằng, lành mạnh và phù hợp với tình rạng sức khỏe và thể tạng. Ngoài ra, hãy lưu ý kiêng một số thực phẩm có lượng đường cao vì chúng sẽ gây ra những triệu chứng làm cản trở sinh hoạt hằng ngày.
Thực phẩm tiêu thụ hằng ngày thường cung cấp 4 nhóm chất dinh dưỡng chính là: carbohydrate, protein, chất béo,chất xơ vitamin và khoáng chất. Thực phẩm chứa carbohydrate khiến lượng đường trong máu tăng cao nhất. Còn thực phẩm chứa protein, chất béo, chất xơ, vitamin và khoáng chất , không ảnh hưởng nhiều đến lượng đường trong máu. Suy cho cùng, cơ thể chúng ta cần tất cả các chất dinh dưỡng này nhưng với tỷ lệ khác nhau để hoạt động bình thường. Một trong những chế độ ăn được khuyến khích là phù hợp với người bệnh tiểu đường là chế độ ăn Keto. Tuy nhiên, việc nhờ đến sự giúp đỡ của bác sĩ hay chuyên gia dinh dưỡng để đưa ra thực đơn phù hợp vẫn là điều quan trọng nhất.
4. Kiểm tra lượng đường trong máu theo định kỳ
Việc kiểm tra lượng đường trong máu định kỳ sẽ giúp bạn theo dõi được quá trình kiểm soát tiểu đường có hiệu quả không. Kiểm tra đường huyết sẽ được thực hiện bằng máy theo dõi đường huyết liên tục (CGM). Việc đo chỉ số đường huyết CGM thường xuyên hơn sẽ giúp bạn và bác sĩ lường trước những triệu chứng và và điều chỉnh liều insulin cũng như kế hoạch quản lý bệnh tiểu đường của bạn tốt hơn.
5. Tập thể dục thể thao thường xuyên
Việc tập thể dục cũng là một phần quan trọng trong kế hoạch quản lý bệnh tiểu đường. Hoạt động thể chất thường xuyên giúp giữ lượng đường trong máu ở mức ổn định. Đồng thời cũng có thể làm giảm nguy cơ mắc các vấn đề sức khỏe khác mà những người mắc bệnh tiểu đường có thể dễ mắc phải, chẳng hạn như bệnh tim.
Bạn nên thảo luận cùng bác sĩ điều trị để có thể có được một kế hoạch tập luyện phù hợp với thực đơn và lượng insulin được đưa vào cơ thể. Bên cạnh đó, việc thảo luận cùng bác sĩ có thể giúp bạn tháo gỡ các khó khăn gặp phải trong lúc tập thể dục. Ví dụ như: hạ đường huyết hoặc tăng đường huyết.
Qua bài viết trên, Hello Bacsi hy vọng rằng bạn đã có lời đáp cho câu hỏi “Bệnh tiểu đường type 1 có chữa được không?’. Bên cạnh đó, bài viết còn cung cấp đến bạn một số đề xuất giúp người bệnh có cái nhìn khách quan hơn và xây dựng được kế hoạch quản lý bệnh tiểu đường type 1 hiệu quả hơn.
[embed-health-tool-bmi]