backup og meta

Tác dụng của vitamin B12 và cách bổ sung phù hợp

Tác dụng của vitamin B12 và cách bổ sung phù hợp

Vitamin B12 rất quan trọng cho quá trình trao đổi chất, sản xuất hồng cầu, chức năng thần kinh và sản xuất ADN. Thiếu hụt vitamin này gây nhiều vấn đề cho sức khoẻ như mệt mỏi, thiếu máu, yếu cơ, tổn thương thần kinh, rối loạn tâm trạng, các vấn đề về đường ruột… Vậy khi nào bạn cần bổ sung vitamin B12, từ nguồn thực phẩm nào hay dạng viên nào phù hợp? Cùng tìm hiểu ngay!

Tên thường gọi: Vitamin B12

Tên khác: Cyanocobalamin, Hydroxocobalamin, Adenosylcobalamin, Methylcobalamin

Tác dụng

Vitamin B12 có tác dụng gì?

Vitamin B12 (cobalamin) đóng vai trò thiết yếu trong việc hình thành tế bào hồng cầu, chuyển hóa tế bào, chức năng thần kinh và sản xuất ADN – các phân tử mang thông tin di truyền.

Hiện nay, có nhiều nghiên cứu về vai trò của vitamin B12 với nhiều hoạt động trong cơ thể. Cụ thể như sau:

  • Bệnh tim mạch: Bộ 3 vitamin B6, B9 và B12 có thể ngăn ngừa các bệnh về tim và mạch máu bằng cách giảm nồng độ axit amin trong máu (homocysteine). Tuy nhiên, bộ 3 vitamin này dường như không làm giảm nguy cơ hoặc mức độ nghiêm trọng của bệnh tim mạch và đột quỵ.
  • Mất trí nhớ: Thiếu vitamin B12 có liên quan đến chứng mất trí nhớ và giảm khả năng năng nhận thức. Tuy nhiên, vẫn chưa rõ liệu bổ sung vitamin này có thể giúp ngăn ngừa hoặc điều trị chứng mất trí nhớ hay không.
  • Tăng cường năng lượng: Thiếu vitamin B-12 làm bạn mệt mỏi và giảm hiệu suất vận động. Dù vậy, không có bằng chứng nào cho thấy bổ sung vitamin B12 sẽ tăng cường năng lượng cho cơ thể hoặc giúp bạn tăng hiệu suất vận động.
  • Bệnh thoái hoá điểm vàng: Thiếu vitamin này có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh thoái hóa điểm vàng do tuổi tác (AMD). Đây là một dạng mất thị lực dần dần thường gặp ở những người trên 50 tuổi. Vì vitamin B12 có vai trò thiết yếu trong hỗ trợ các tế bào hồng cầu khỏe mạnh nên bổ sung chất này có thể giúp giảm nguy cơ mắc bệnh.

Thiếu vitamin B12 gây bệnh gì? Sự thiếu hụt vitamin B12 có thể gây ra thiếu máu nguyên hồng cầu khổng lồ, tổn thương chất trắng của tủy sống và não, bệnh thần kinh ngoại vi,…

Ai nên bổ sung vitamin B12

Hầu hết mọi người đã nạp đủ vitamin B12 từ chế độ ăn uống cân bằng. Tuy nhiên, người lớn trên 65 tuổi, phụ nữ có thai, người ăn chay hoặc thuần chay, người đã phẫu thuật cắt bỏ ruột, bệnh thiếu máu ác tính, viêm teo dạ dày và một số vấn đề về đường ruột, người đang dùng thuốc tiểu đường đường uống hay thuốc trị ợ nóng cần bổ sung thuốc hay thực phẩm chức năng có B12 từ đường uống.

Nếu có những triệu chứng dưới đây, rất có thể bạn đang thiếu vitamin này:

  • Da nhợt nhạt hơn bình thường hoặc bị vàng da.
  • Thường xuyên mệt mỏi/yếu.
  • Chán ăn.
  • Tim đập nhanh.
  • Đau miệng hoặc lưỡi.
  • Tê bì, cảm giác như kim châm ở bàn tay và bàn chân.
  • Khó thở hoặc chóng mặt.
  • Nhìn mờ.
  • Thay đổi tâm trạng hoặc thay đổi tính cách.

Bổ sung vitamin B12 bằng những con đường nào?

Vitamin B12 có trong thực phẩm nào?

Nguồn thực phẩm giàu loại vitamin nhóm B này bao gồm thịt gia cầm, thịt heo, thịt bò, cá hồi, cá ngừ, sò, nội tạng động vật (gan, thận), ngũ cốc nguyên cám, trứng và các sản phẩm từ sữa. Vitamin B12 cũng được bổ sung vào từ một số loại thực phẩm, chẳng hạn như ngũ cốc ăn sáng tăng cường chất dinh dưỡng.

Thực phẩm chứa vitamin B12

Vitamin B12 dạng viên uống

Viên uống vitamin B12 có những dạng và hàm lượng nào?

Vitamin B12 có trong các viên uống vitamin tổng hợp/đa khoáng chất (multivitamin), trong các viên uống chứa phức hợp vitamin nhóm B và trong các viên uống chỉ chứa vitamin B12. Nó thường ở dạng gọi là cyanocobalamin. Các dạng phổ biến khác là adenosylcobalamin, methylcobalamin và hydroxocobalamin.

Vitamin B12 cũng được bào chế dưới dạng viên ngậm dưới lưỡi.

Một số viên uống cung cấp liều lượng vitamin B12 cao hơn nhiều so với lượng khuyến cáo, chẳng hạn như 500 mcg hoặc 1.000 mcg. Điều này không gây hại cho cơ thể nhưng cơ thể chỉ hấp thụ một phần nhỏ mà thôi.

Ngoài đường uống/ngậm có dạng vitamin B12 đường tiêm, dùng điều trị thiếu hụt vitamin này. Việc có sử dụng thuốc tiêm hay không, liều bao nhiêu là theo chỉ định của bác sĩ.

Bên cạnh đó, vitamin B12 còn có dạng gel nhỏ mũi, xịt mũi.

Liều dùng vitamin B12 cho người lớn như thế nào?

Lượng vitamin B12 được khuyến nghị hàng ngày cho người lớn và trẻ em trên 14 tuổi là 2,4 microgam. Liều cao hơn vẫn an toàn bởi đây là vitamin tan trong nước. Cơ thể bạn sẽ chỉ giữ lại lượng cần thiết và đào thải lượng dư thừa ra ngoài theo nước tiểu.

Tuy nhiên, nếu dùng liều cao quá mức, chẳng hạn trong điều trị thiếu hụt, có thể gây một số triệu chứng khó chịu do quá liều.

Liều dùng khuyến cáo khi dùng thuốc vitamin B12 trong điều trị như sau:

  • Thiếu máu nguyên hồng cầu khổng lồ không có các triệu chứng thần kinh: Tiêm bắp, người lớn và trẻ em: 250 – 1000 mcg, cách 1 ngày tiêm 1 lần trong 1 – 2 tuần, sau đó mỗi tuần tiêm bắp 250 mcg đến khi số lượng tế bào máu trở lại bình thường. Điều trị duy trì 1000 mcg tiêm bắp 3 tháng một lần (tiêm hàng tháng nếu dùng Cyanocobalamin).
  • Thiếu máu nguyên hồng cầu khổng lồ có các tổn thương thần kinh: Tiêm bắp, người lớn và trẻ em: 1 mg cách ngày cho đến khi các triệu chứng không cải thiện thêm, duy trì 1 mg/2 tháng một lần.
  • Điều trị dự phòng thiếu máu nguyên hồng cầu khổng lồ do thiếu vitamin B12: Tiêm bắp hydroxocobalamin 1 mg/2 – 3 tháng một lần hoặc cyanocobalamin 250 – 1000 mcg mỗi tháng tiêm một lần.
  • Điều trị giảm thị lực do thuốc lá và bệnh teo dây thần kinh thị giác Leber: Hydroxocobalamin, tiêm bắp 1 mg/ngày trong 2 tuần, sau đó 1 mg, 2 lần/tuần cho đến khi các triệu chứng không cải thiện thêm, duy trì 1 mg/1 – 3 tháng một lần.
  • Thiếu vitamin B12 do chế độ ăn (ăn chay,…): Cyanocobalamin uống 50-150 mcg/ngày trong bữa ăn.
  • Điều trị thiếu hụt vitamin B12: Tiêm bắp Cyanocobalamin 100 mcg/ngày trong 7 ngày, sau đó cách một ngày tiêm một lần trong 7 ngày tiếp theo, sau đó cách 3 – 4 ngày tiêm một lần trong 2 – 3 tuần; hoặc hydroxocobalamin 30 – 50 mcg tiêm bắp hàng ngày trong 5 – 10 ngày. Liều duy trì (cả Cyanocobalamin và Hydroxocobalamin): Tiêm bắp 100 – 200 mcg mỗi tháng một lần, dựa vào kết quả theo dõi về huyết học. Hoặc Cyanocobalamin dùng đường mũi mỗi lần 500 mcg, mỗi tuần một lần. Liều uống tới 1mg Cyanocobalamin đã được dùng. Ở người bệnh có hấp thu bình thường qua đường tiêu hóa, liều 1 – 25 mcg/ngày được coi là đủ để bổ sung cho chế độ ăn. Các triệu chứng về huyết học thường cải thiện nhanh, các triệu chứng thần kinh thường cải thiện chậm hơn, một số trường hợp không giảm hoàn toàn.
  • Điều trị ngộ độc cyanid: Dùng cùng với sự hỗ trợ tuần hoàn và hô hấp. Liều bắt đầu dùng cho người lớn là 5 g truyền tĩnh mạch trong 15 phút (khoảng 15 ml/phút). Tùy vào mức độ ngộ độc và đáp ứng lâm sàng, có thể truyền liều thứ hai 5 g, tổng liều là 10 g. Tốc độ truyền liều thứ hai từ 15 phút tới 2 giờ, tùy theo chỉ định lâm sàng.

Liều dùng vitamin B12 cho trẻ em

Liều vitamin B12 được khuyến cáo khi điều trị cho trẻ em như sau:

  • Điều trị thiếu hụt vitamin B12: Hydroxocobalamin tiêm bắp 30 – 50 mcg mỗi ngày trong 2 tuần hoặc lâu hơn (tổng liều 1 – 5 mg). Liều duy trì: Tiêm bắp 100 mcg mỗi tháng một lần khi cần thiết (tiêm suốt đời).
  • Rối loạn chuyển hóa amino acid (một số người bệnh có homocystein niệu hoặc acid methylmalonic niệu): Tiêm bắp liều khởi đầu 1 mg mỗi ngày, trong 5 – 7 ngày ở trẻ từ 1 tháng tuổi. Giảm liều theo đáp ứng, tới 1 mg một lần hoặc hai lần hàng tuần. Một số trẻ đáp ứng với liều duy trì 5 – 10 mg một lần hoặc hai lần mỗi tuần bằng đường uống.

Vitamin B12 điều trị suy giảm thị lực

Cách dùng

Vitamin B12 nên dùng lúc nào và dùng như thế nào?

Nếu bạn đang dùng dạng viên uống hoặc dạng gel dùng qua đường mũi hãy đọc kỹ hướng dẫn sử dụng trước khi dùng. Nếu bạn có bất kỳ câu hỏi nào, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc dược sĩ. Nếu bác sĩ đã chỉ định vitamin này cho bạn, hãy làm theo chỉ dẫn của bác sĩ. Uống thuốc một lần/ngày, có thể kèm bữa ăn hoặc không. Bạn nên sử dụng sản phẩm đều đặn để có hiệu quả tốt nhất.

Vitamin B12 có rất nhiều tên biệt dược và dạng bao bì. Hãy đọc hướng dẫn sử dụng cẩn thận vì hàm lượng vitamin B12 có thể khác nhau ở từng sản phẩm.

Có thể mất vài tuần trước khi mức vitamin B12 và các triệu chứng (chẳng hạn như cực kỳ mệt mỏi hoặc thiếu năng lượng) bắt đầu cải thiện. Bác sĩ có thể chỉ định cho một số người ngừng dùng Vitamin B12 khi nồng độ trong máu của họ trở lại bình thường.

Bạn có thể xét nghiệm máu thường xuyên trong khi dùng Vitamin B12, để theo dõi nồng độ trong máu của bạn.

Vitamin B12 dạng tiêm, truyền được sử dụng tại các cơ sở y tế theo chỉ định của bác sĩ, bạn không được tự ý tiêm truyền.

Bạn nên làm gì trong trường hợp khẩn cấp hoặc dùng quá liều?

Vitamin B12 là một loại vitamin tan trong nước, vì vậy chúng khá an toàn ngay cả ở liều cao. Tuy nhiên, việc bổ sung quá nhiều Cyanocobalamin có thể gây ra một số tác dụng phụ nghiêm trọng như:

  • Đau đầu
  • Buồn nôn và ói mửa
  • Bệnh tiêu chảy
  • Mệt mỏi hoặc suy nhược
  • Cảm giác ngứa ran ở tay và chân

Trong trường hợp khẩn cấp, hãy gọi ngay cho Trung tâm cấp cứu 115 hoặc đến trạm Y tế địa phương gần nhất.

Bạn nên làm gì nếu quên một liều?

Nếu bạn quên dùng một liều thuốc, hãy dùng càng sớm càng tốt. Tuy nhiên, nếu gần với liều kế tiếp, hãy bỏ qua liều đã quên và dùng liều kế tiếp vào thời điểm như kế hoạch. Không dùng gấp đôi liều đã quy định.

Tác dụng phụ

Bạn sẽ gặp tác dụng phụ nào khi dùng vitamin B12?

cô gái khó thở

Thông thường, tác dụng phụ xảy ra khi dùng liều điều trị thiếu hụt vitamin B12. Các triệu chứng được đề cập ở phần quá liều.

Như mọi chất hay thuốc khác, vitamin này có thể gây dị ứng cho người mẫn cảm với nó. Nếu thấy dấu hiệu của dị ứng nghiêm trọng như sưng môi – lưỡi – mặt, thở nhanh, khó thở, khó nuốt, da môi nhợt nhạt, ngất xỉu cần gọi cấp cứu ngay.

Một số tác dụng phụ khác như: sốt, đau đầu, hoa mắt, co thắt phế quản, phù mạch miệng – hầu, mày đay, ban đỏ, ngứa, phản ứng dạng trứng cá, đau hoặc xơ cứng tại chỗ tiêm, tụ máu ở chi sau khi tiêm, buồn nôn, loạn nhịp tim thứ phát do hạ kali huyết khi bắt đầu điều trị. Cyanocobalamin dùng đường mũi có thể gây viêm mũi, buồn nôn, đau đầu. Hydroxocobalamin dùng liều cao để điều trị ngộ độc cyanid: Nước tiểu màu đỏ, ban đỏ, ban dạng trứng cá, tăng huyết áp, buồn nôn, nhức đầu, giảm bạch cầu lympho, phản ứng tại vị trí truyền.

Không phải ai cũng gặp các tác dụng phụ như trên. Có thể xuất hiện tác dụng phụ khác không được đề cập. Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc nào về tác dụng phụ, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc dược sĩ.

Thận trọng, lưu ý trước khi dùng

Trước khi dùng vitamin B12 bạn nên biết những gì?

Hầu hết người lớn và trẻ em từ 2 tuổi trở lên đều có thể dùng Cyanocobalamin.

Tuy nhiên, vitamin này không phù hợp với tất cả mọi người. Để đảm bảo an toàn, hãy nói với bác sĩ trước khi bắt đầu dùng vitamin B12 nếu bạn:

  • Đã từng có phản ứng dị ứng với cobalamin hoặc bất kỳ loại thuốc nào khác
  • Bị dị ứng với coban
  • Bị u ác tính, do vitamin B12 làm tăng trưởng các mô có tốc độ sinh trưởng cao nên có nguy cơ làm u tiến triển.
  • Không dùng Cyanocobalamin để điều trị bệnh Leber hoặc giảm thị lực do hút thuốc lá.

Một số viên uống chứa Cyanocobalamin có thể không phù hợp với những người ăn kiêng thuần chay.

Những điều cần lưu ý nếu bạn đang mang thai hoặc cho con bú

Vitamin B12 được xem là tương đối an toàn khi sử dụng trong thai kỳ. Trên thực tế, các tổ chức khuyến nghị mẹ bầu đang ăn chay hoàn toàn hoặc một phần nên bổ sung thêm vitamin B12 để phòng tránh nguy cơ thiếu hụt. Tình trạng thiếu hụt Cyanocobalamin có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến thai nhi, làm tăng nguy cơ dị tật ống thần kinh, sinh non, tiền sản giật và sẩy thai.

Tuy nhiên, như bất kỳ loại thuốc hay thực phẩm bổ sung nào, bạn hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để cân nhắc giữa lợi ích và nguy cơ trước khi sử dụng.

Vitamin B12 có phân bố vào sữa mẹ. Chưa có vấn đề gì xảy ra khi dùng thuốc với liều khuyến cáo hàng ngày. Khi người mẹ đang cho con bú mắc bệnh, việc dùng vitamin B12 không phải là một chống chỉ định.

Tương tác thuốc

Vitamin B12 có thể tương tác với thuốc nào?

Tương tác thuốc có thể làm thay đổi khả năng hoạt động của thuốc hoặc gia tăng ảnh hưởng của các tác dụng phụ. Tài liệu này không bao gồm đầy đủ các tương tác thuốc có thể xảy ra. Hãy viết một danh sách những thuốc bạn đang dùng (bao gồm thuốc được kê toa, không kê toa và thực phẩm chức năng) và cho bác sĩ hoặc dược sĩ của bạn xem. Không được tự ý dùng thuốc, ngưng hoặc thay đổi liều lượng của thuốc mà không có sự cho phép của bác sĩ.

Tương tác thuốc của vitamin B12

Một số thuốc có thể làm giảm hấp thu vitamin B12 bao gồm:

  • Axit aminosalicylic
  • Colchicine
  • Metformin
  • Thuốc ức chế bơm proton
  • Neomycin

Ngoài ra, uống vitamin B12 cùng với vitamin C, thuốc tránh thai có thể làm giảm nồng độ vitamin B12 trong máu. Để tránh sự tương tác này, hãy dùng dùng các thuốc có nguy cơ tương tác cách nhau tối thiểu hai giờ trở lên.

Cloramphenicol có thể làm giảm tác dụng của vitamin B12 trong bệnh thiếu máu.

Tác dụng điều trị của vitamin B12 có thể bị giảm khi dùng đồng thời với Omeprazol.

Thức ăn và rượu bia có tương tác với vitamin B12 không?

Hãy tham khảo ý kiến bác sĩ về việc uống vitamin B12 cùng thức ăn, rượu và thuốc lá.

Tình trạng sức khỏe nào ảnh hưởng đến vitamin B12?

Tình trạng sức khỏe của bạn có thể ảnh hưởng đến việc sử dụng loại vitamin này. Báo cho bác sĩ biết nếu bạn có bất kỳ vấn đề sức khỏe nào.

Bảo quản

Bạn nên bảo quản vitamin B12 như thế nào?

Bạn nên bảo quản vitamin B12 dạng viên trong đồ đựng kín, ở nhiệt độ từ 15 – 30 độ C, tránh ẩm và tránh ánh sáng. Vitamin B12 dạng gel và dạng tiêm bảo quản ở nhiệt độ 15 – 30 độ C, tránh ẩm, tránh ánh sáng và tránh đông lạnh. Giữ thuốc tránh xa tầm tay trẻ em và thú nuôi.

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Vitamin B12 https://www.mayoclinic.org/drugs-supplements-vitamin-b12/art-20363663 Ngày truy cập: 16/08/2023

Vitamin B12 benefits and best sources https://health.clevelandclinic.org/vitamin-b12/ Ngày truy cập: 16/08/2023

Vitamin B12 https://www.hsph.harvard.edu/nutritionsource/vitamin-b12/ Ngày truy cập: 16/08/2023

Vitamin B12 benefits https://medlineplus.gov/ency/imagepages/19516.htm Ngày truy cập: 16/08/2023

Vitamin B12 https://ods.od.nih.gov/factsheets/VitaminB12-Consumer/#:~:text=Vitamin%20B12%20is%20a%20nutrient,makes%20people%20tired%20and%20weak. Ngày truy cập: 16/08/2023

Phiên bản hiện tại

22/08/2023

Tác giả: Thương Trần

Tham vấn chuyên môn: Thạc sĩ Dược học Nguyễn Thị Hương

Cập nhật bởi: Lương Lan


Bài viết liên quan

5 loại vitamin giúp giảm táo bón hiệu quả

11 vitamin tốt cho tóc giúp tóc chắc khỏe, kích thích mọc tóc


Tham vấn chuyên môn:

Thạc sĩ Dược học Nguyễn Thị Hương

Dược · Công ty cổ phần dược phẩm Gia Nguyễn


Tác giả: Thương Trần · Ngày cập nhật: 22/08/2023

ad iconQuảng cáo

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo