backup og meta

Đâu là những thuốc trị nấm da đầu hiệu quả?

Đâu là những thuốc trị nấm da đầu hiệu quả?

Nấm da đầu gây ngứa ngáy, gàu và rụng tóc,.. làm cho người bệnh khó chịu và ảnh hưởng đến thẩm mỹ. Chính vì thế mà nhiều người bệnh tích cực tìm kiếm những loại thuốc trị nấm da đầu hiệu quả, để nhanh chóng loại bỏ tình trạng này. 

Trong các viết dưới đây hãy cùng Hello Bacsi tìm hiểu về các loại thuốc trị nấm da đầu cũng như một số lưu ý khi điều trị nấm da đầu nhé! 

Thuốc trị nấm da đầu gồm có mấy loại? 

Nấm da đầu (hay còn gọi là hắc lào ở đầu) là một nhiễm trùng nấm ở cả da đầu và tóc. Hắc lào thường biểu hiện nhiều triệu chứng như có các mảng sưng đỏ tròn như hình đồng tiền, có vảy khô bong tróc, mẩn ngứa, rụng tóc. Khi được chẩn đoán nấm da đầu, bác sĩ thường chỉ định cho bệnh nhân một số thuốc uống có tác dụng toàn thân, dùng trong 1-3 tháng. Các loại thuốc bôi ngoài da như kem, bột nhão hay lotion dường như không có tác dụng đối với nấm da đầu. 

Thuốc trị nấm da đầu dùng đường uống

Thuốc trị nấm da đầu đường uống được sử dụng phổ biến hiện nay bao gồm: 

Griseofulvin

Griseofulvin trước đây là loại thuốc trị nấm da đầu đường uống được sử dụng phổ biến nhất. Tuy nhiên, hiện nay nó không còn được dùng nhiều ở một số quốc gia, điển hình như Canada hay Châu Âu. 

Terbinafine

Terbinafine là một dẫn xuất allylamine có đặc tính diệt nấm, thường được dùng để điều trị các bệnh về nấm da như nấm da đầu, vảy nến,… Thuốc được bào chế ở dạng viên nén và dạng cốm (có thể dùng cho trẻ em). 

Khi dùng thuốc trị nấm da đầu này, bạn cần lưu ý: 

  • Tránh tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng mặt trời. Sử dụng kem chống nắng nếu cần thiết. 
  • Nên uống thuốc khi đã ăn no, thuốc có thể gây một số tác dụng phụ như tiêu chảy và đau bụng. Nếu dùng thuốc ở dạng cốm, có thể rắc thuốc trực tiếp lên thức ăn (không có vị chua) để dùng cùng với thức ăn mà không cần nhai. 
  • Báo cho bác sĩ ngay nếu gặp phải các triệu chứng như: phát ban, nước tiểu sẫm màu, đau dạ dày, vàng mắt, vàng da hoặc có sự thay đổi về mùi vị. 

Bạn có thể tìm hiểu thêm: Terbinafine 

Thuốc trị nấm da đầu đường uống

Itraconazole 

Itraconazole là một thuốc chống nấm thuộc nhóm azol, thường dùng để điều trị nhiều bệnh nhiễm trùng nấm kể cả nấm da đầu. Thuốc trị nấm da đầu này có thể dùng ở dạng viên nang hay hỗn dịch uống. 

Một số lưu ý cần biết khi dùng Itraconazole: 

  • Thuốc có nhiều tương tác nghiêm trọng. Vì thế, hãy thông báo với bác sĩ đầy đủ các loại thuốc, thực phẩm bổ sung sức khỏe và thảo dược mà bạn đang dùng. 
  • Sử dụng các liệu pháp tránh thai có độ an toàn cao trong khi dùng thuốc và duy trì trong vòng hai tháng sau khi điều trị với thuốc. 
  • Thảo luận với bác sĩ về việc dùng thuốc nếu bạn đang trong giai đoạn cho con bú. 
  • Thuốc có thể gây đau bụng, tiêu chảy và mệt mỏi. Báo cho bác sĩ ngay nếu bạn gặp phải những triệu chứng như: phát ban, nước tiểu sẫm màu, đau dạ dày hoặc vàng mắt, vàng da. 
  • Uống thuốc cùng với bữa ăn.

Bạn có thể xem thêm: Itraconazole

Fluconazole 

Fluconazole cùng phân nhóm và có cơ chế hoạt động tương tự như itraconazole. Đây là một thuốc trị nấm da đầu có khả năng dung nạp đường uống tốt. Tác dụng phụ thường gặp nhất là đau bụng hoặc đau đầu. Bạn cũng cần báo ngay cho bác sĩ nếu phát hiện dấu hiệu phát ban trên da. 

Các liệu pháp bổ trợ dùng tại chỗ 

Bên cạnh các loại thuốc trị nấm da đầu dùng đường uống, một số phương pháp dùng ngoài da cũng được khuyến cáo kết hợp với thuốc, nhằm nhanh chóng loại bỏ các triệu chứng của nấm, chẳng hạn như: 

Selenium sulfide là muối của kim loại nặng (Selen), có đặc tính kháng nấm và tác dụng ức chế sản xuất keratin ở lớp sừng. Hoạt chất này thường được dùng ở dạng dầu gội với 1% selenium sulfua, có sẵn tại các nhà thuốc quầy thuốc hoặc ở dạng nồng độ cao hơn chứa 2,25% selen sulfua, chỉ được dùng khi có toa từ bác sĩ.  

Việc gội đầu hai lần mỗi tuần bằng selen sulfide cùng với kết hợp với uống griseofulvin đã chứng tỏ tính ưu việt trong điều trị bệnh nấm da đầu so với việc chỉ dùng griseofulvin. 

Thuốc trị nấm da đầu dưới dạng dầu gội

Ketoconazole không được khuyến khích dùng đường toàn thân vì nguy cơ gây tổn thương gan cấp tính cao. Tuy nhiên, hoạt chất này vẫn được dùng để bổ trợ điều trị nấm da đầu hiệu quả bằng các chế phẩm dầu gội chứa 1-2% ketoconazole. 

Ciclopirox là một hoạt chất thuộc nhóm hydroxypyridones và được sử dụng làm chất chống ngứa tại chỗ. Dầu gội chứa 1% ciclopirox có tác dụng hỗ trợ chống nấm hiệu quả và được dùng khi có toa thuốc từ bác sĩ.

Povidone-iodine có đặc tính kháng nấm bằng cách làm hỏng màng sinh chất của chúng. Một nghiên cứu cũng đã chỉ ra rằng có đến 94% người bệnh sử dụng dầu gội povidone-iodine hai lần mỗi tuần, sau 4 tuần đã có kết quả âm tính với nấm. Một trong những điểm trừ khi dùng povidone-iodine thoa ngoài là màu ố sậm màu trên da do thuốc để lại.

Một số lưu ý khi điều trị nấm da đầu 

Trong quá trình điều trị nấm và sau khi điều trị nấm, để ngăn ngừa nấm da đầu tái phát, bạn cần lưu ý:

  • Tránh dùng chung những vật dụng cá nhân như lược, khăn lau đầu, mũ, gối và mũ bảo hiểm. 
  • Giữ cho da đầu luôn sạch sẽ và khô ráo. 
  • Thường xuyên giặt giũ chăn, ga, gối nệm. 
  • Rửa tay sau khi tiếp xúc, vuốt ve hay chơi đùa với vật nuôi. 
  • Cách ly con trẻ của bạn với những bạn nhỏ bị nhiễm nấm da đầu khác. 

Trên đây là những thông tin cơ bản về các loại thuốc trị nấm da đầu phổ biến hiện nay. Hy vọng chúng đã giúp bạn hiểu rõ hơn về phương pháp điều trị nấm da đầu và có cách xử lý phù hợp với tình trạng này nhé! 

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Tinea Capitis: Diagnosis & Treatment Options – Drugs.com

https://www.drugs.com/tinea-capitis.html

Ngày truy cập: 28/10/2022

Treatment of Tinea Capitis – PMC

https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC6615323/

Ngày truy cập: 28/10/2022

Tinea Capitis: Symptoms, Causes & Treatment

https://my.clevelandclinic.org/health/diseases/22449-tinea-capitis

Ngày truy cập: 28/10/2022

Treatment & Outcomes of Dermatophytes | Ringworm | Types of Diseases

https://www.cdc.gov/fungal/diseases/ringworm/treatment.html

Ngày truy cập: 28/10/2022

Tinea capitis 

https://dermnetnz.org/topics/tinea-capitis

Ngày truy cập: 28/10/2022

Phiên bản hiện tại

11/11/2022

Tác giả: Vi Quỳnh

Tham vấn y khoa: Dược sĩ Nguyễn Thị Thu Thủy

Cập nhật bởi: Lương Lan


Bài viết liên quan

Hỏi đáp Bác sĩ: Nấm bao quy đầu có nguy hiểm không? Nên bôi thuốc gì?

Viêm nang lông da đầu: Hiểu để điều trị dứt điểm


Tham vấn y khoa:

Dược sĩ Nguyễn Thị Thu Thủy

Dược · Hệ thống nhà thuốc Pharmacity


Tác giả: Vi Quỳnh · Ngày cập nhật: 11/11/2022

ad iconQuảng cáo

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo