backup og meta

Thuốc Laevolac: Điều trị táo bón và bệnh não gan

Thuốc Laevolac: Điều trị táo bón và bệnh não gan

Thuốc Laevolac (lactulose) có tác dụng gì, cách dùng cho trẻ em và người lớn ra sao? Hãy cùng Hello Bacsi tìm hiểu ngay sau đây để sử dụng thuốc an toàn và hiệu quả nhé!

Tác dụng

Laevolac có tác dụng gì?

Trong một gói dung dịch uống Laevolac 15ml chứa 10g lactulose. Vậy dung dịch uống Laevolac có tác dụng gì? Lactulose là một loại đường tổng hợp được sử dụng để điều trị táo bón nhờ vào khả năng làm mềm phân. Đồng thời, lactulose cũng được sử dụng để làm giảm lượng amoniac trong máu của bệnh nhân bị bệnh gan nhờ vào khả năng thẩm thấu amoniac từ máu vào ruột kết và loại bỏ ra khỏi cơ thể. 

Nhờ vào những tác dụng này mà thuốc Laevolac thường được chỉ định trong các trường hợp như:

  • Táo bón do chế độ ăn uống thiếu chất xơ, ít chất lỏng và thiếu vận động. 
  • Dự phòng và điều trị bệnh não gan (bệnh não do các bệnh lý liên quan đến hệ tĩnh mạch cửa) 

Một số tác dụng khác của thuốc không được liệt kê trên nhãn thuốc đã được phê duyệt nhưng bác sĩ có thể chỉ định bạn dùng. Bạn chỉ sử dụng thuốc này để điều trị một số bệnh lý chỉ khi có chỉ định của bác sĩ. 

thuốc laevolac có tác dụng gì

Liều dùng

Những thông tin được cung cấp không thể thay thế cho lời khuyên của các chuyên viên y tế. Bạn hãy luôn tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc dược sĩ trước khi quyết định dùng thuốc.

Liều dùng thuốc Laevolac cho người lớn như thế nào?

Đối với chỉ định điều trị táo bón:

  • Liều hàng ngày cho 3 ngày đầu tiên dành cho người lớn và trẻ em trên 14 tuổi: 14-45mL mỗi ngày (1-3 gói, tương đương 10-30g lactulose). Sau đó có thể giảm liều tùy từng người. 

Đối với chỉ định dự phòng và điều trị bệnh não do gan:

  • Liều khởi đầu 15ml (1 gói, tương đương với 10g lactulose), 3-4 lần mỗi ngày và tăng lên đến 30-45 ml (2 – 3 gói, tương đương 20-30 g lactulose) 3-4 lần mỗi ngày.

Liều lượng thuốc Laevolac cần phải được điều chỉnh để bệnh nhân có thể đi được 2-3 phần phân mềm mỗi ngày. 

Liều dùng thuốc Laevolac cho trẻ em như thế nào?

Đối với chỉ định điều trị táo bón:

Liều hàng ngày cho 3 ngày đầu tiên:

  • Trẻ em từ 6-14 tuổi: 15ml mỗi ngày (1 gói, tương đương 10g lactulose) 
  • Trẻ em từ 2-6 tuổi: 5-10ml*
  • Trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ và trẻ thơ từ 28 ngày đến 23 tháng: 5ml*

*Để có liều lượng chính xác cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ dưới 6 tuổi, nên dùng Laevolac dạng chai có muỗng lường.

Đối với chỉ định dự phòng và điều trị bệnh não do gan:

  • Trẻ nhỏ: 2–6 g (3–9 ml)/ngày, chia làm nhiều lần.

Nếu liều bắt đầu gây tiêu chảy, cần giảm liều ngay, nếu vẫn còn tiêu chảy, thì ngừng dùng thuốc.

Trường hợp bệnh nhân tiền hôn mê hoặc hôn mê do gan: 

  • Dùng thuốc Laevolac đường trực tràng: 200g (300ml) được pha loãng với 700ml nước hoặc natri clorid 0,9%, giữ nguyên trong 30-60 phút và dùng cách 4-6 giờ một lần. 

Hiện chưa có liều lượng khuyến cáo cho các đối tượng đặc biệt như người cao tuổi, người suy gan, suy thận.

Cách dùng

thuốc laevolac dùng thế nào

Bạn nên dùng thuốc Laevolac như thế nào?

Liều Laevolac hàng ngày nên được uống một lần trong lúc ăn sáng. Thuốc có thể dùng 1-2 ngày cho đến khi có hiệu quả mong muốn vì lactulose chỉ được phân hóa khi đến ruột kết. 

Bạn nên làm gì trong trường hợp dùng quá liều?

Tiêu chảy và mất điện giải là những triệu chứng có thể xảy ra trong trường hợp bạn dùng quá liều Laevolac. Tùy vào triệu chứng bạn gặp phải mà bác sĩ sẽ có cách điều trị tương ứng. Trong đó thường cần ngừng dùng lactulose và dùng kèm theo một chất giữ nước thích hợp. 

Lưu ý: Không lạm dụng lactulose vì có thể gây mất điện giải nghiêm trọng, đặc biệt là giảm kali huyết rất nguy hiểm. 

Trong trường hợp khẩn cấp hoặc quá liều, gọi ngay cho Trung tâm cấp cứu 115 hoặc đến trạm Y tế địa phương gần nhất. Ngoài ra, bạn cần ghi lại và mang theo danh sách những loại thuốc bạn đã dùng, bao gồm cả thuốc kê toa và thuốc không kê toa.

Bạn nên làm gì nếu quên một liều?

Nếu bạn quên dùng một liều thuốc, hãy dùng càng sớm càng tốt. Tuy nhiên, nếu gần với liều kế tiếp, bạn hãy bỏ qua liều đã quên và dùng liều kế tiếp vào thời điểm như kế hoạch. Không dùng gấp đôi liều đã quy định.

Tác dụng phụ

Bạn sẽ gặp tác dụng phụ nào khi dùng thuốc Laevolac?

Một số tác dụng phụ phổ biến của thuốc Laevolac bao gồm:

  • Đau bụng, trướng bụng, ợ hơi. 
  • Buồn nôn, nôn, tiêu chảy kèm theo rối loạn chất điện giải.
  • Hiếm gặp nhưng đôi khi thuốc gây rối loạn cân bằng điện giải quá mức, khiến cho người bệnh nôn mửa, tiêu chảy nghiêm trọng đi kèm với chuột rút, yếu cơ, nhịp tim nhanh. Lúc này phải nhanh chóng đưa bệnh nhân đi cấp cứu. 

Lưu ý: Đây không phải là danh mục đầy đủ tất cả các tác dụng phụ và có thể xảy ra những tác dụng phụ khác. Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc nào về tác dụng phụ, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc dược sĩ.

Thận trọng/Cảnh báo

Trước khi dùng thuốc Laevolac, bạn nên lưu ý những gì?

Thuốc Laevolac chống chỉ định trong các trường hợp:

  • Bệnh nhân quá mẫn với thành phần lactulose. 
  • Tắc ruột.
  • Không dung nạp fructose, thiếu men lactase, mắc chứng galactose huyết hoặc hội chứng kém hấp thu fructose/galactose. 
  • Những triệu chứng dạ dày-tim. 

Thận trọng khi dùng Laevolac trong các trường hợp:

  • Vì 15ml siro Laevolac có chứa đến tối đa 2,6g carbohydrate dễ hấp thu nên cần cân nhắc để tính lại lượng carbohydrate dung nạp với bệnh nhân có bệnh đái tháo đường và người bệnh rối loạn sử dụng khác về carbohydrate. 
  • Cần phải đảm bảo bệnh nhân không mắc chứng không dung nạp fructose bẩm sinh do nhiễm sắc thể lặn, đặc biệt ở trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ và trẻ thơ. Ở những bệnh nhân này, sự phân hóa fructose không hoàn chỉnh dẫn đến giảm fructose huyết và fructose niệu, giảm glucose huyết cũng như giảm glucose gan, thận và làm hư hại não.
  • Trong khi đang điều trị bằng lactulose, bệnh nhân nên cố gắng hạn chế dùng các loại thức uống có cacbonat và các thực phẩm sinh hơi khác
  • Ở vài bệnh nhân, tác dụng làm mềm phân của Laevolac có thể kéo dài trong vài ngày, như thế trong trường hợp này, chỉ dùng thuốc mỗi 2 hoặc 3 ngày một lần. 

Những điều bạn cần lưu ý khi dùng thuốc laevolac trong trường hợp đặc biệt (mang thai, cho con bú, phẫu thuật,…)

Thuốc có thể dùng được cho phụ nữ mang thai và cho con bú. Laevolac cũng được khi nhận không có ảnh hưởng đến khả năng lái xe và vận hành máy móc. 

Tương tác thuốc

Thuốc Laevolac có thể tương tác với những thuốc nào?

Thuốc Laevolac có thể làm tăng khả năng thải trừ kali của các thuốc như thiazid, các steroid và amphotericin B

Dùng chung lactulose với các glycosid trợ tim có thể làm tăng tác dụng của glycosid do giảm kali huyết.

Giá trị pH của ruột kết được ghi nhận giảm xuống khi tăng liều thuốc Laevolac dẫn đến bất hoạt một số loại thuốc hấp thu tại ruột kết như 5-ASA.

Ngoài ra, những thuốc có thể tương tác với thuốc Laevolac gồm có:

  • Thuốc nhuận tràng
  • Neomycin
  • Các thuốc kháng axit.

Thuốc Laevolac có thể tương tác với thực phẩm, đồ uống nào?

Thức ăn, rượu và thuốc lá có thể tương tác với vài loại thuốc nhất định. Hãy tham khảo ý kiến bác sĩ về việc uống thuốc cùng thức ăn, rượu và thuốc lá.

Tình trạng sức khỏe nào ảnh hưởng đến thuốc Laevolac ?

Tình trạng sức khỏe của bạn chẳng hạn như tiểu đường và các bệnh lý rối loạn sử dụng carbohydrate khác có thể ảnh hưởng đến việc sử dụng thuốc này. Báo cho bác sĩ biết nếu bạn có bất kỳ vấn đề sức khỏe nào.

Bảo quản thuốc

Bạn nên bảo quản thuốc Laevolac như thế nào?

Bạn nên bảo quản ở nhiệt độ phòng, tránh ẩm và tránh ánh sáng, ở nhiệt độ không quá 30 độ C trong bao bì nguyên gốc. Giữ thuốc tránh xa tầm tay trẻ em và vật nuôi. 

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Laevolac

https://drugbank.vn/thuoc/Laevolac&VN-19613-16

Ngày truy cập: 9/8/2022

Lactulose: MedlinePlus Drug Information

https://medlineplus.gov/druginfo/meds/a682338.html

Ngày truy cập: 9/8/2022

Side effects of lactulose – NHS

https://www.nhs.uk/medicines/lactulose/side-effects-of-lactulose/

Ngày truy cập: 9/8/2022

Lactulose Oral Solution 

https://my.clevelandclinic.org/health/drugs/19131-lactulose-oral-solution

Ngày truy cập: 9/8/2022

Laevolac (Lactulose) – Úc | BvNTP

https://bvnguyentriphuong.com.vn/kien-thuc-duoc-cho-cong-dong/laevolac-lactulose-uc

Ngày truy cập: 9/8/2022

Phiên bản hiện tại

22/08/2022

Tác giả: Vi Quỳnh

Tham vấn y khoa: Thạc sĩ - Dược sĩ - Giảng viên Lê Thị Mai

Cập nhật bởi: Tố Quyên


Bài viết liên quan

Vắc-xin HPV

Ăn gì để không bị táo bón? 9 gợi ý đơn giản, dễ thực hiện


Tham vấn y khoa:

Thạc sĩ - Dược sĩ - Giảng viên Lê Thị Mai

Dược · Đại học Nguyễn Tất Thành


Tác giả: Vi Quỳnh · Ngày cập nhật: 22/08/2022

ad iconQuảng cáo

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo