backup og meta

Thuốc Glumeform XR

Thuốc Glumeform XR

Thuốc Glumeform XR là loại thuốc được dùng để điều trị đái tháo đường típ 2 ở người lớn. Đây là loại thuốc được bán theo đơn, vì vậy bạn cần dùng thuốc theo đúng hướng dẫn của bác sĩ. 

Công dụng của thuốc Glumeform XR là gì? Liều dùng của thuốc Glumeform XR như thế nào?  Mời bạn cùng Hello Bacsi xem tiếp những thông tin dưới đây để hiểu hơn nhé!

Thuốc Glumeform XR là thuốc gì?

Thuốc Glumeform XR có thành phần chính là hoạt chất Metformin hydroclorid, được dùng để điều trị đái tháo đường típ 2 ở người lớn. Hiện thuốc được bào chế dưới dạng viên nén giải phóng kéo dài với các hàm lượng 500mg, 750mg và 1000mg. 

Tác dụng của thuốc Glumeform XR

Cơ chế tác dụng của thuốc Glumeform XR

Glumeform 500 XR là thuốc trị đái tháo đường với thành phần hoạt chất là metformin, thuộc nhóm biguanid. Metformin làm giảm nồng độ glucose trong huyết tương khi đói và sau bữa ăn ở người bệnh đái tháo đường típ 2. 

Cơ chế tác dụng của metformin được giải thích như sau: metformin giúp ức chế tổng hợp glucose ở gan và giảm hấp thu glucose ở ruột, làm tăng sử dụng glucose ở tế bào, cải thiện liên kết của insulin với các thụ thể, kích thích phân hủy glucose theo đường kỵ khí. Glumeform XR làm giảm sự tăng đường huyết ở người bị đái tháo đường, nhưng không gây tai biến hạ đường huyết (trừ trường hợp nhịn đói hoặc phối hợp với các thuốc hợp đồng tác dụng khác). Thuốc cũng không có tác dụng hạ đường huyết ở người không bị đái tháo đường.

Ngoài tác dụng chống tăng đường huyết, metformin còn có ảnh hưởng có lợi lên thành phần các lipid máu ở những bệnh nhân bị đái tháo đường týp 2. Thuốc làm giảm nồng độ triglycerid, cholesterol toàn phần và LDL cholesterol. 

Chỉ định thuốc Glumeform XR 

Thuốc Glumeform XR được chỉ định trong điều trị đái tháo đường týp 2 ở người lớn, đặc biệt là ở bệnh nhân béo phì, khi chế độ ăn và tập luyện không kiểm soát được đường huyết. Metformin có thể dùng độc lập hoặc kết hợp với các thuốc đái tháo đường uống khác hoặc insulin.

Cách dùng và liều dùng

glumeform xr

Liều dùng

Những thông tin được cung cấp không thể thay thế cho lời khuyên của các chuyên viên y tế. Hãy luôn tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc dược sĩ trước khi quyết định dùng thuốc.

Liều khởi đầu đối với bệnh nhân đang không sử dụng metformin là 500 mg, dùng một lần/ngày. Nếu bệnh nhân không gặp phản ứng có hại đường tiêu hóa và cần phải tăng liều thì có thể dùng thêm 500 mg sau mỗi khoảng thời gian điều trị từ 1 đến 2 tuần. 

Liều dùng của metformin cần được cân nhắc điều chỉnh trên từng bệnh nhân cụ thể dựa trên hiệu quả và độ dung nạp và không vượt quá liều tối đa được khuyến cáo là 2000mg/ngày. Glumeform XR được bào chế có 3 hàm lượng khác nhau 500 mg, 750 mg và 1.000 mg nên giúp bác sĩ và bệnh nhân dễ dàng chỉnh liều từ từ theo hiệu quả của thuốc và khả năng dung nạp.

Đối với người lớn:

  • Glumeform 500 XR: Liều khởi đầu thông thường của Glumeform 500 XR là 1 viên/ngày vào bữa ăn tối. Điều chỉnh liều sau 1 đến 2 tuần dựa trên mức đường huyết (tăng mỗi 500 mg sau 1 đến 2 tuần), Liều tối đa khuyến cáo là 4 viên Glumeform 500 XR/lần/ngày, dùng cùng bữa ăn tối. 
  • Glumeform 750 XR: Liều Glumeform 750 XR nên tương đương với liều hàng ngày của metformin (dạng giải phóng tức thì hoặc giải phóng kéo dài), tối đa là 1500 mg uống vào bữa ăn tối.
  • Glumeform 1000 XR: Liều Glumeform 1000 XR nên tương đương với liều hàng ngày của metformin (dạng giải phóng tức thì hoặc giải phóng kéo dài), tối đa là 2000 mg uống vào bữa ăn tối.

Sau 10 – 15 ngày điều trị nên kiểm tra sự tương thích về liều lượng dựa trên việc đo lượng đường huyết.

Đối với người bệnh suy thận

Cần đánh giá chức năng thận trước khi khởi đầu điều trị với metformin và đánh giá định kỳ sau đó. Chống chỉ định dùng metformin trên bệnh nhân có eGFR dưới 30 mL/phút/1,73 m2. Ngoài ra, không khuyến cáo khởi đầu điều trị với metformin ở bệnh nhân có eGFR nằm trong khoảng 30 – 45 mL/phút/1,73 m2.

Đối với người cao tuổi và trẻ em

Liều dùng của thuốc nên được điều chỉnh dựa vào chức năng thận và cần thường xuyên đánh giá chức năng thận. Đối với trẻ em, do chưa có dữ liệu nên không dùng Glumeform 500 XR cho trẻ em.

Cách dùng:

Uống cả viên Glumeform XR có hàm lượng phù hợp theo chỉ của bác sĩ, không bẻ hoặc nhai viên thuốc. Ngoài ra, để tránh những tác dụng phụ về tiêu hóa, người bệnh nên dùng thuốc vào bữa ăn và tăng liều dần từng bước. Trong quá trình điều trị, không dùng hoặc hạn chế uống rượu do tăng nguy cơ nhiễm acid lactic.

Tác dụng phụ của thuốc Glumeform XR là gì?

Tác dụng không mong muốn (ADR) thường gặp nhất là về tiêu hóa. Những tác dụng này liên quan đến liều và thường xảy ra lúc bắt đầu điều trị, nhưng thường là nhất thời.

  • Rất thường gặp: Rối loạn tiêu hóa: nôn, buồn nôn, tiêu chảy, đau bụng và chán ăn. Các tác dụng này xảy ra thường xuyên hơn trong giai đoạn bắt đầu điều trị và thường tự khỏi trong hầu hết các trường hợp.
  • Thường gặp: Rối loạn vị giác.
  • Rất hiếm gặp: Rối loạn dinh dưỡng và chuyển hóa: nhiễm toan lactic; giảm hấp thu vitamin B12. Rối loạn da và mô dưới da: ban đỏ, ngứa, mày đay.

Khi gặp phải những tác dụng phụ trên, bạn cần báo cho bác sĩ để có hướng can thiệp phù hợp.

Ngoài ra, dù rất hiếm gặp nhưng một số trường hợp sử dụng metformin gặp phải tình trạng nhiễm toan lactic. Các yếu tố nguy cơ của nhiễm toan lactic liên quan đến metformin là suy thận, sử dụng đồng thời với một số thuốc nhất định (ví dụ các chất ức chế carbonic anhydrase như topiramate), từ 65 tuổi trở lên, có thực hiện chiếu chụp sử dụng thuốc cản quang, phẫu thuật và thực hiện các thủ thuật khác, tình trạng giảm oxy hít vào (ví dụ suy tim sung huyết cấp), uống nhiều rượu và suy gan.

Các biểu hiện ban đầu của nhiễm toan lactic có thể bao gồm mệt mỏi khó chịu, cảm giác ớn lạnh, đau bụng, buồn nôn hoặc nôn, đau mỏi cơ hoặc chuột rút, tim đập nhanh hoặc chậm hoặc không bình thường, khó thở, chóng mặt, buồn ngủ hoặc lơ mơ… Bệnh nhân cần tới bác sĩ ngay nếu thấy những biểu hiện này trong thời gian dùng thuốc. 

Thận trọng/Cảnh báo

glumeform xr

Chống chỉ định

  • Thuốc Glumeform XR không được chỉ định trong các trường hợp sau:
  • Bệnh nhân suy thận nặng (eGFR dưới 30 mL/phút/1,73 m2)
  • Quá mẫn với bất kỳ thành phần nào của thuốc. Bệnh nhân đã có tiền sử quá mẫn với metformin.
  • Bệnh nhân toan chuyển hóa cấp tính hoặc mạn tính, bao gồm cả nhiễm toan ceton do tiểu đường. 
  • Đái tháo đường tiền hôn mê.
  • Các trường hợp cấp tính có thể làm thay đổi chức năng thận: Mất nước, nhiễm khuẩn nặng, sốc, dùng các chất cản quang có chứa iod để tiêm tĩnh mạch.
  • Các bệnh cấp hay mạn tính gây ra tình trạng thiếu oxy mô: Suy tim, cơn nhồi máu cơ tim mới xảy ra, suy hô hấp, tắc mạch phổi, sốc, mất nhiều máu cấp, nhiễm khuẩn, các trường hợp hoại tử, viêm tụy.
  • Người phẫu thuật thường xuyên (cần thận trọng).
  • Người suy gan nặng, ngộ độc rượu cấp, nghiện rượu.
  • Phụ nữ đang có thai và đang cho con bú.

Trong một số trường hợp sau, cần ngưng điều trị:

  • Nồng độ lactate huyết tương vượt quá 5 mmol/ lít.
  • Suy giảm chức năng thận hoặc gan 
  • Chẩn đoán nhồi máu cơ tim hoặc nhiễm khuẩn máu
  • Người bệnh nhịn đói kéo dài hoặc được điều trị với chế độ ăn có lượng calo rất thấp 

Tương tác thuốc

Không khuyến cáo sử dụng chung thuốc Glumeform XR với:

  • Rượu: Vì có thể làm tăng nguy cơ ngộ độc rượu và nhiễm acid lactic, đặc biệt trong trường hợp ăn chay, thiếu dinh dưỡng hoặc suy giảm chức năng gan.
  • Chất cản quang chứa iod: Phải ngưng sử dụng metformin trước khi hoặc ngay thời điểm chiếu chụp và không sử dụng lại ít nhất 48 giờ sau đó.

Khi sử dụng phối hợp với các thuốc như NSAIDs, bao gồm cả thuốc ức chế chọn lọc COX2, thuốc ức chế men chuyển, ức chế thụ thể angiotensin II, thuốc lợi tiểu đặc biệt là lợi tiểu quai, cần theo dõi sát chức năng thận khi uống các thuốc này cùng với metformin.

Đối với các thuốc làm tăng đường huyết (nhóm glucocorticoid, thuốc cường giao cảm), cần thường xuyên theo dõi đường huyết, đặc biệt lúc bắt đầu điều trị. Nếu cần phải chỉnh liều metformin khi uống với các thuốc này và khi ngừng sử dụng.

Đối với protein vận chuyển cation hữu cơ (OCT): Do metformin là cơ chất của OCT1 và OCT2 nên nếu sử dụng đồng thời metformin với:

  • Chất ức chế OCT1 (như verapamil): Sẽ làm giảm hiệu quả của metformin.
  • Chất cảm ứng OCT1 (như rifampicin): Có thể làm tăng hấp thu qua đường tiêu hóa và hiệu quả của metformin.
  • Chất ức chế OCT2 (như cimetidin, dolutegravir, ranolazin, trimethoprim, vandetanib, isavuconazole) Làm giảm thải trừ dẫn đến tăng nồng độ metformin trong huyết tương.
  • Chất ức chế đồng thời OTC1 và OTC2 (như crizotinib, olaparib): Ảnh hưởng đến hiệu quả và sự thải trừ của metformin.

Trên đây là một số thông tin cơ bản về thuốc Glumeform XR mà Hello Bacsi muốn chia sẻ cùng bạn. Thuốc Glumeform XR là thuốc kê đơn, chỉ được bán theo toa thuốc được chỉ định từ bác sĩ nên bạn tránh tự ý sử dụng. Ngoài ra, khi được kê toa thuốc, bạn sẽ cần trao đổi kỹ với bác sĩ về tiền sử bệnh, nhất là các vấn đề về gan, thận, tim mạch (suy giảm chức năng gan thận, suy tim, nhồi máu cơ tim mới điều trị…), tiền sử dị ứng, tình trạng có thai, cho con bú và thông tin các thuốc đang sử dụng tại nhà. Khi đã sử dụng, cần dùng đúng liều lượng được chỉ định, không tự ý tăng hay giảm liều nếu không có chỉ định từ bác sĩ. 

Bài viết trên đây được tham vấn y khoa bởi BS Nguyễn Thường Hanh. Mong rằng những thông tin từ bài viết sẽ có thể giúp ích cho bạn đọc!

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

1. Metformin https://www.drugs.com/metformin.html Ngày truy cập: 19/5/2023

2. Metformin (Oral Route) https://www.mayoclinic.org/drugs-supplements/metformin-oral-route/description/drg-20067074 Ngày truy cập: 19/5/2023

3. Metformin https://www.nhs.uk/medicines/metformin/ Ngày truy cập: 19/5/2023

4. Metformin https://medlineplus.gov/druginfo/meds/a696005.html Ngày truy cập: 19/5/2023

5. Metformin: Current knowledge https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC4214027/  Ngày truy cập: 19/5/2023

Phiên bản hiện tại

12/06/2023

Tác giả: Ngân Phạm

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

Cập nhật bởi: Ngân Phạm


Bài viết liên quan

10 sự thật về bệnh đái tháo đường mà nhiều người hay lầm tưởng

Thuốc Neni 800


Tham vấn y khoa:

Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: Ngân Phạm · Ngày cập nhật: 12/06/2023

ad iconQuảng cáo

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo