Biệt dược: Mepatyl
Hoạt chất: Acid acetic 2%
Dạng bào chế: Dung dịch nhỏ tai
Tìm hiểu chung
Tác dụng và công dụng của thuốc Mepatyl là gì?
Thuốc nhỏ tai Mepatyl với hoạt chất acid acetic có tác dụng kháng khuẩn và kháng nấm, hiệu quả trên vi sinh vật gây nhiễm khuẩn tai của bệnh nhân viêm tai ngoài cấp tính lan tỏa. Thuốc được chỉ định để điều trị các bệnh nhiễm khuẩn bề mặt của ống tai ngoài do vi khuẩn, vi sinh vật nhạy cảm gây ra.
Một số tác dụng khác của thuốc không được liệt kê trên nhãn thuốc đã được phê duyệt nhưng bác sĩ có thể chỉ định bạn dùng. Thuốc này chỉ dùng theo đơn của bác sĩ.
Liều dùng
Những thông tin được cung cấp không thể thay thế cho lời khuyên của các chuyên viên y tế. Bạn hãy luôn tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc dược sĩ trước khi quyết định dùng thuốc.
Liều dùng thuốc nhỏ tai Mepatyl cho người lớn là bao nhiêu?
Bạn nhỏ 5 giọt mỗi lần, 3-4 lần/ngày.
Liều dùng thuốc nhỏ tai Mepatyl cho trẻ em là bao nhiêu?
Dùng thuốc cho trẻ em trên 3 tuổi, nhỏ 3-4 giọt mỗi lần, 3-4 lần/ngày.
Cách dùng
Bạn nên nhỏ thuốc Mepatyl như thế nào?
Để thuốc có thể tiếp xúc trực tiếp với bề mặt da bị nhiễm, bạn nên loại bỏ ráy tai trước khi nhỏ thuốc. Chèn bông thấm đẫm dung dịch thuốc vào trong ống tai để tăng quá trình tiếp xúc, bông có thể được thấm đẫm thuốc sau khi chèn bằng cách nhỏ thêm dung dịch vào bông.
Giữ bông trong tai ít nhất 24 giờ và giữ ẩm bằng cách nhỏ thêm 3-5 git5 thuốc sau 4-6 giờ. Sau 24 giờ, gỡ bỏ bông và tiếp tục nhỏ thêm 5 giọt vào mỗi bên tai, 3-4 lần mỗi ngày theo thời gian chỉ định.
Bạn lưu ý không chạm đầu nhỏ giọt vào tai hay bất kỳ bề mặt nào vì có thể gây ra nhiễm khuẩn. Nên lau sạch đầu nhỏ giọt bằng khăn giấy sạch, không rửa lại với nước hoặc xà phòng.
Hãy đọc kỹ hướng dẫn sử dụng trước khi dùng. Nếu có thắc mắc gì về cách dùng, bạn có thể hỏi lại dược sĩ hoặc bác sĩ để được hướng dẫn cụ thể.
Bạn nên làm gì trong trường hợp dùng quá liều?
Việc quá liều khi dùng thuốc nhỏ tai là điều rất khó xảy ra. Tuy nhiên, trong trường hợp có các phản ứng bất thường nghiêm trọng, hãy ngừng dùng thuốc và gọi ngay cho Trung tâm cấp cứu 115 hoặc đến trạm Y tế địa phương gần nhất. Ngoài ra, bạn cần ghi lại và mang theo danh sách những loại thuốc bạn đã dùng, bao gồm cả thuốc kê toa và thuốc không kê toa.
Bạn nên làm gì trong trường hợp quên liều?
Nếu bạn quên một liều thuốc, hãy nhỏ thuốc càng sớm càng tốt. Tuy nhiên, nếu gần với liều kế tiếp, hãy bỏ qua liều đã quên và dùng liều kế tiếp vào thời điểm như kế hoạch. Lưu ý không dùng gấp đôi liều đã quy định.
Tác dụng phụ
Bạn có thể gặp phải tác dụng phụ nào khi sử dụng thuốc Mepatyl?
Khi dùng thuốc nhỏ tai Mepatyl, bạn có thể có cảm giác ngứa thoáng qua hoặc bỏng rát sau khi dùng thuốc trong vài ngày điều trị đầu tiên. Trong một vài trường hợp hiếm, người bệnh có thể bị kích ứng tại chỗ.
Trên đây không phải danh mục đầy đủ tất cả tác dụng không mong muốn có thể gặp phải. Nếu bạn gặp phải bất kỳ tác dụng không mong muốn nào, hãy thông báo với bác sĩ.
Thận trọng/ Cảnh báo
Bạn nên lưu ý những gì khi dùng thuốc Mepatyl?
Thuốc chống chỉ định cho các trường hợp sau:
- Người quá mẫn với acid acetic hoặc dị ứng bất kỳ thành phần nào của thuốc.
- Người bị thủng màng nhĩ
Ngoài ra, trước khi dùng thuốc bạn cần lưu ý những thông tin sau:
- Không sử dụng thuốc quá 7 ngày kể từ sau khi mở nắp.
- Nếu cơn đau xuất hiện trong thời gian dùng thuốc, triệu chứng bệnh xấu đi hoặc không cải thiện sau 48 giờ hay nếu thính giác trở nên suy yếu, bạn hãy ngừng điều trị và đến gặp bác sĩ để được khám và chữa trị.
- Người bị thủng màng nhĩ chỉ được sử dụng thuốc dưới sự giám sát của nhân viên y tế.
- Tính an toàn và hiệu quả của thuốc dành cho trẻ dưới 3 tuổi vẫn chưa được xác định.
- Thuốc chứa benzalkonium clorid có thể gây dị ứng, phản ứng da.
- Thuốc chứa propylen glycol có thể gây kích da.
- Nếu vô tình uống nhầm thuốc, có thể trung hòa thuốc bằng cách uống sữa hoặc nước.
Những vấn đề ở tai nếu chưa được giải quyết có thể ảnh hưởng đến khả năng lái xe và vận hành máy móc, do đó nên hạn chế các hoạt động này trong thời gian điều trị.
Những điều bạn cần lưu ý khi dùng thuốc trong trường hợp đặc biệt (mang thai, cho con bú, phẫu thuật,…)
Không có hạn chế được biết đến khi dùng thuốc cho phụ nữ mang thai và cho con bú. Tốt nhất, để đảm bảo an toàn, bạn hãy tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi dùng bất cứ thuốc nào.
Tương tác thuốc
Thuốc Mepatyl có thể tương tác với những thuốc nào?
Chưa có thông tin về tương tác giữa Mepatyl với các thuốc khác. Để tránh tình trạng tương tác thuốc, tốt nhất là bạn viết một danh sách những thuốc bạn đang dùng (bao gồm thuốc được kê toa, không kê toa, thảo dược và thực phẩm chức năng) và cho bác sĩ hoặc dược sĩ xem. Để đảm bảo an toàn khi dùng thuốc, bạn không tự ý dùng thuốc, ngưng hoặc thay đổi liều lượng của thuốc mà không có sự cho phép của bác sĩ.
Thuốc này có thể tương tác với thực phẩm, đồ uống nào?
Chưa thấy dữ liệu về việc thức ăn, rượu và thuốc lá ảnh hưởng đến thuốc này.
Tình trạng sức khỏe nào ảnh hưởng đến thuốc này?
Tình trạng sức khỏe của bạn có thể ảnh hưởng đến việc sử dụng thuốc. Báo cho bác sĩ biết nếu bạn có bất kỳ vấn đề sức khỏe nào, đặc biệt là được đề cập trong phần Thận trọng/ Cảnh báo.
Bảo quản thuốc
Bạn nên bảo quản thuốc Mepatyl như thế nào?
Bảo quản thuốc ở nơi khô ráo, nhiệt độ dưới 30°C, tránh ánh sáng. Để thuốc tránh xa tầm tay của trẻ em.