backup og meta

Ferlatum

Ferlatum

Tên biệt dược: Ferlatum.

Hoạt chất: Sắt (III) 40 mg, dưới dạng sắt protein succinylat.

Tác dụng

Tác dụng của thuốc Ferlatum là gì?

Thuốc Ferlatum có tác dụng bổ sung nguyên tử sắt vào cơ thể để điều trị các tình trạng bao gồm: thiếu hụt sắt và thiếu máu do thiếu sắt thứ phát ở người trưởng thành trong các trường hợp mất máu mạn tính, phụ nữ mang thai và cho con bú.

Bạn có thể xem thêm: Có nên dùng thuốc bổ sung sắt để da hồng, tóc đẹp, móng xinh?

Liều dùng

Những thông tin được cung cấp không thể thay thế cho lời khuyên của các chuyên viên y tế. Bạn hãy luôn tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc dược sĩ trước khi quyết định dùng thuốc.

Thuốc Ferlatum có những dạng và hàm lượng nào?

Dung dịch uống Ferlatum lọ 15ml.

Liều dùng thuốc Ferlatum cho người lớn như thế nào?

Người lớn có thể sử dụng sắt nước Ferlatum theo sự hướng dẫn của bác sĩ, dược sĩ hoặc theo liều lượng khuyến cáo dưới đây:

  • Uống 1 – 2 lọ/ngày (tương đương với 40 – 80mg sắt III mỗi ngày). Liều tối đa hằng ngày ở người lớn là 80mg sắt III.
  • Thời gian điều trị liên tục cho đến khi trữ lượng sắt trong cơ thể trở lại mức bình thường, phần lớn là từ 2 đến 3 tháng.

Liều dùng thuốc Ferlatum cho trẻ em như thế nào?

Liều lượng của thuốc sắt Ferlatum khi dùng cho trẻ em phải được xác định bởi bác sĩ hoặc dược sĩ. Thông thường là uống 1,5 mg/kg/ngày (tương đương với 4 mg/kg/ngày), không được dùng nhiều hơn.

Cách dùng

Bạn nên dùng thuốc Ferlatum như thế nào?

Dung dịch thuốc Ferlatum có thể dùng để uống trực tiếp hoặc pha loãng với một lượng nước lọc vừa phải. Thời điểm tốt nhất nên uống thuốc là trước bữa ăn. 

Đọc kỹ hướng dẫn sử dụng trước khi dùng. Sau khi mở nắp, lọ thuốc phải được bảo quản ở nhiệt độ dưới 25°C và phải dùng hết trong vòng 24 giờ.

thuốc sắt ferlatum

Bạn nên làm gì trong trường hợp dùng quá liều thuốc Ferlatum?

Sử dụng các chế phẩm chứa muối sắt với liều cao có thể dẫn đến tình trạng quá liều được biểu hiện bằng các triệu chứng như là: đau thượng vị, buồn nôn, nôn, tiêu chảy, thổ huyết, thường kết hợp với buồn ngủ, xanh xao, xanh tím, sốc, thậm chí có thể hôn mê.

Để đảm bảo an toàn trong trường hợp khẩn cấp hoặc nghi ngờ quá liều, bạn cần gọi ngay cho Trung tâm cấp cứu 115 hoặc đến trạm Y tế địa phương gần nhất để được xử trí kịp thời. Ngoài ra, bạn cũng cần ghi lại và mang theo danh sách những loại thuốc bạn đã dùng, bao gồm cả thuốc kê toa và thuốc không kê toa.

Bạn nên làm gì nếu quên một liều thuốc Ferlatum?

Nếu bạn quên uống một liều sắt nước Ferlatum, hãy dùng càng sớm càng tốt ngay khi nhớ ra. Tuy nhiên, nếu gần với liều kế tiếp, bạn hãy bỏ qua liều đã quên và dùng liều kế tiếp vào thời điểm như kế hoạch. Không dùng gấp đôi liều đã quy định.

Tác dụng phụ

Bạn sẽ gặp tác dụng phụ nào khi dùng thuốc Ferlatum?

Rối loạn tiêu hóa với các triệu chứng bao gồm: tiêu chảy, táo bón, buồn nôn và đau thượng vị,… có thể là tác dụng phụ của việc sử dụng thuốc Ferlatum, mặc dù rất hiếm khi gặp phải.

Sự xuất hiện của tác dụng phụ chủ yếu diễn ra ở những trường hợp dùng Ferlatum với liều cao và thường biến mất sau khi giảm liều hoặc ngừng điều trị. Ngoài ra, Ferlatum có thể gây đổi màu phân thành đen hoặc xám đậm tương tự như các chế phẩm sắt khác. 

Đây không phải là danh mục đầy đủ tất cả các tác dụng phụ của thuốc sắt Ferlatum và có thể xảy ra những tác dụng phụ khác. Hãy thông báo cho bác sĩ hoặc dược sĩ biết nếu bạn gặp phải các biểu hiện bất thường sau khi dùng thuốc hoặc nếu bạn có bất kỳ thắc mắc nào liên quan đến tác dụng phụ của thuốc.

Thận trọng/Cảnh báo

Trước khi dùng thuốc Ferlatum, bạn nên lưu ý những gì?

Sắt nước Ferlatum chống chỉ định sử dụng trong các trường hợp sau đây:

  • Người có tiền sử quá mẫn với bất kỳ thành phần nào của thuốc sắt Ferlatum.
  • Bệnh nhân mắc hội chứng tế bào nhiễm sắt hoặc chứng nhiễm sắc tố sắt.
  • Bệnh nhân thiếu máu tan huyết hoặc thiếu máu bất sản. 
  • Bệnh nhân thiếu máu do rối loạn hấp thu sắt (thiếu máu do mất chức năng sử dụng sắt). 
  • Bệnh nhân mắc bệnh viêm tụy và xơ gan thứ phát do nhiễm sắc tố sắt.

Cần phải chẩn đoán chắc chắn và kiên trì điều trị đến cùng đối với tình trạng thiếu máu do thiếu sắt hoặc bất kỳ bệnh lý nào mà nguyên nhân có thể là do thiếu sắt.

Thời gian điều trị với thuốc Ferlatum không nên vượt quá 6 tháng, ngoại trừ các trường hợp như chảy máu kéo dài, rong kinh và có thai.

lưu ý khi dùng ferlatum

Nên thận trọng khi dùng sắt nước Ferlatum cho bệnh nhân không dung nạp với protein dạng sữa do Ferlatum chứa protein ở dạng sữa có thể gây ra các phản ứng dị ứng. 

Chế phẩm thuốc sắt Ferlatum có chứa sorbitol, vì vậy không thích hợp để sử dụng cho bệnh nhân mắc các vấn đề di truyền hiếm gặp liên quan đến không dung nạp galactose/fructose, thiếu hụt lactase hoặc kém hấp glucose-galactose.

Thành phần paraben (natri methyl-p-hydroxybenzoate, natri propyl-p-hydroxybenzoate) có trong thuốc Ferlatum có thể là nguyên nhân gây ra các phản ứng dị ứng chậm phát, cần thận trọng khi sử dụng.

Những điều bạn cần lưu ý khi dùng thuốc Ferlatum trong trường hợp đặc biệt (mang thai, cho con bú, phẫu thuật…)

Bởi vì không có cảnh báo đặc biệt nào được đưa ra đối với việc sử dụng thuốc sắt Ferlatum ở phụ nữ mang thai và cho con bú. Do đó, Ferlatum có thể được chỉ định dùng với mục đích cải thiện tình trạng thiếu sắt ở phụ nữ mang thai hoặc cho con bú.

Bạn có thể xem thêm: Bỏ túi “bí kiếp” dùng thuốc sắt cho bà bầu hiệu quả, an toàn

Tương tác thuốc

Thuốc Ferlatum có thể tương tác với những thuốc nào?

tương tác ferlatum

Sắt nước Ferlatum có thể làm thay đổi khả năng hoạt động của các thuốc khác mà bạn đang dùng hoặc gia tăng ảnh hưởng của các tác dụng phụ. Để tránh tình trạng tương tác thuốc, tốt nhất là bạn viết một danh sách những thuốc bạn đang dùng (bao gồm thuốc được kê toa, không kê toa, thảo dược và thực phẩm chức năng) và cho bác sĩ hoặc dược sĩ xem. Để đảm bảo an toàn khi dùng thuốc, bạn không tự ý dùng thuốc, ngưng hoặc thay đổi liều lượng của thuốc mà không có sự cho phép của bác sĩ.

Những thuốc có thể tương tác với thuốc Ferlatum bao gồm:

  • Tetracycline
  • Biphosphonat
  • Quinolon
  • Penicillamine
  • Thyroxin
  • Levodopa
  • Carbidopa
  • Alpha – methyldopa
  • Acid ascorbic (khi dùng nhiều hơn 200mg)
  • Chlopheniramin.

Thuốc sắt Ferlatum có thể tương tác với thực phẩm, đồ uống nào?

Ferlatum nên được dùng cách xa khoảng 2 giờ trước hoặc sau khi ăn một số loại thực phẩm bao gồm: rau, sữa, cà phê hay trà. Bởi vì chúng chứa những phức hợp (ví dụ: các phosphate, các phytate và các oxalate) có khả năng gây ức chế sự hấp thu sắt. 

Bên cạnh đó, rượu bia và thuốc lá có thể tương tác với vài loại thuốc nhất định. Hãy tham khảo ý kiến bác sĩ về việc uống thuốc cùng với rượu bia hoặc thuốc lá. 

Tình trạng sức khỏe nào ảnh hưởng đến thuốc sắt Ferlatum?

Tình trạng sức khỏe của bạn có thể ảnh hưởng đến quá trình sử dụng dung dịch sắt nước Ferlatum. Thông báo cho bác sĩ biết về bất kỳ vấn đề sức khỏe nào mà gặp phải, đặc biệt là các bệnh lý đã được nhắc đến ở phần Thận trọng/Cảnh báo.

Bảo quản thuốc

Bạn nên bảo quản thuốc Ferlatum như thế nào?

Bảo quản ở nơi khô mát, nhiệt độ không quá 30°C.

Tránh ẩm và ánh sáng trực tiếp. 

Để xa tầm tay trẻ em.

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Tờ hướng dẫn sử dụng thuốc Ferlatum. https://drugbank.vn/thuoc/Ferlatum-%28Dong-goi-thu-cap:-CIT-S-r-l—D-c:-Via-Primo-Villa–17-20875-Burago-di-Molgora-%28MB%29–Italy%29&VN-22219-19. Ngày truy cập 01/06/2022

Iron protein succinylate. https://www.drugs.com/mtm/iron-protein-succinylate.html#:~:text=Iron%20protein%20succinylate%20is%20used,listed%20in%20this%20medication%20guide.. Ngày truy cập 01/06/2022

Iron protein succinylate. https://go.drugbank.com/drugs/DB11209. Ngày truy cập 01/06/2022

Iron protein succinylate. https://pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/16108396/. Ngày truy cập 01/06/2022

Iron protein succinylate. https://www.lancastergeneralhealth.org/healthwise-library/healthwise-article?documentId=d05631a1. Ngày truy cập 01/06/2022

Phiên bản hiện tại

22/07/2022

Tác giả: Ngân Châu

Thông tin kiểm chứng bởi: Ban biên tập Hello Bacsi

Cập nhật bởi: Tố Quyên


Bài viết liên quan

Tổng hợp 5 loại sắt nước cho bà bầu dễ uống, không sợ thiếu máu trong thai kỳ

Mẹ nên bổ sung sắt sau sinh như thế nào để tránh thiếu máu, mệt mỏi?


Thông tin kiểm chứng bởi:

Ban biên tập Hello Bacsi


Tác giả: Ngân Châu · Ngày cập nhật: 22/07/2022

ad iconQuảng cáo

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo