backup og meta

Cardicor

Cardicor

Tên thuốc: Cardicor

Tên hoạt chất: Bisoprolol fumarate

Tác dụng

Cardicor là thuốc gì?

Cardicor là loại thuốc chứa hoạt chất bisoprolol fumarate, là một loại thuốc chẹn beta. Nhóm thuốc này hoạt động bằng cách ngăn chặn các thụ thể beta được tìm thấy trong tim.

Thuốc khiến tim đập chậm hơn và ít tác động hơn. Điều này làm giảm áp lực bơm máu của tim đi khắp nơi trong cơ thể.

Thuốc được chỉ định trong các trường hợp sau đây:

  • Tăng huyết áp từ nhẹ đến vừa, giúp kiểm soát và làm giảm huyết áp, nhờ đó ngăn ngừa bệnh tim, đau tim và đột quỵ.
  • Ngăn ngừa cơn đau thắt ngực do bệnh tim, chẳng hạn như bệnh mạch vành.
  • Kiểm soát suy tim mãn tính, giúp tim bơm máu dễ dàng hơn.
  • Giảm nguy cơ nhập viện hoặc tử vong do suy tim.

thuốc cardicor có tác dụng gì?

Cardicor không phải là thuốc chữa trị hết bệnh, bệnh nhân cần phải tiếp tục dùng thuốc đều đặn hàng ngày để kiểm soát những tình trạng bệnh.

Một số tác dụng khác của thuốc không được liệt kê trên nhãn thuốc đã được phê duyệt nhưng bác sĩ có thể chỉ định bạn dùng. Bạn chỉ sử dụng thuốc này để điều trị một số bệnh lý chỉ khi có chỉ định của bác sĩ.

Liều dùng

Những thông tin được cung cấp không thể thay thế cho lời khuyên của các chuyên viên y tế. Bạn hãy luôn tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc dược sĩ trước khi quyết định dùng thuốc.

Thuốc có những dạng và hàm lượng nào?

Thuốc Cardicor được sản xuất ở dạng viên nén bao phim với những hàm lượng sau đây:

  • Cardicor 1.25 mg: Mỗi viên chứa 1.25 mg bisoprolol fumarate
  • Cardicor 2.5 mg: Mỗi viên chứa 2.5 mg bisoprolol fumarate
  • Cardicor 3.75 mg: Mỗi viên chứa 3.75 mg bisoprolol fumarate
  • Cardicor 5 mg: Mỗi viên chứa 5 mg bisoprolol fumarate
  • Cardicor 7.5 mg: Mỗi viên chứa 7.5 mg bisoprolol fumarate
  • Cardicor 10 mg: Mỗi viên chứa 10 mg bisoprolol fumarate

Liều dùng thuốc cho người lớn như thế nào?

Việc điều trị suy tim mãn tính ổn định với cardicor phải được bắt đầu bằng một giai đoạn điều trị tiêu chuẩn. Cụ thể như sau:

  • Cardicor 1.25 mg x 1 lần/ngày trong 1 tuần, nếu dung nạp tốt thì tăng lên
  • Cardicor 2.5 mg một lần mỗi ngày trong một tuần tiếp theo, nếu dung nạp tốt thì tăng lên
  • Cardicor 3,75 mg một lần mỗi ngày trong một tuần tiếp theo, nếu dung nạp tốt thì tăng lên
  • Cardicor 5 mg x 1 lần/ngày trong 4 tuần tiếp theo, nếu dung nạp tốt thì tăng lên
  • Cardicor 7,5 mg x 1 lần/ngày trong 4 tuần tiếp theo, nếu dung nạp tốt thì tăng lên
  • Cardicor 10 mg x 1 lần/ngày trong quá trình điều trị duy trì.

Liều dùng khuyến cáo tối đa là 10 mg x 1 lần/ngày.

Nếu liều khuyến cáo tối đa không được dung nạp tốt, có thể xem xét giảm liều dần dần.

Trong trường hợp suy tim nặng, hạ huyết áp hoặc nhịp tim chậm nên xem xét lại liều lượng của thuốc dùng đồng thời. Bác sĩ có thể cho bệnh nhân tạm thời giảm liều thuốc Cardicor hoặc cân nhắc việc ngừng sử dụng. Việc bổ sung lại cardicor sẽ được xem xét khi tình trạng bệnh đã ổn định trở lại.

Điều trị suy tim mãn tính ổn định bằng cardicor nói chung là một phương pháp điều trị lâu dài.

Liều dùng thuốc cho trẻ em như thế nào?

Không có tài liệu nghiên cứu việc sử dụng thuốc cardicor cho trẻ em, do đó, không khuyến cáo việc dùng thuốc cho trẻ em.

Cách dùng

Bạn nên dùng thuốc như thế nào?

thuốc cardicor và cách dùng

Thuốc cardicor nên được uống vào buổi sáng (trước hoặc trong bữa sáng) và có thể uống cùng với thức ăn. Chúng nên được nuốt cũng với nước và không nên nhai.

Cần theo dõi chặt chẽ các dấu hiệu sinh tồn (nhịp tim, huyết áp) và các triệu chứng của suy tim nặng hơn được khuyến cáo khi bắt đầu giai đoạn điều trị tiêu chuẩn với thuốc. Các triệu chứng có thể đã xảy ra trong ngày đầu tiên sau khi bắt đầu điều trị.

Việc bắt đầu và ngừng điều trị bằng bisoprolol cần phải theo dõi thường xuyên, đặc biệt là ở những bệnh nhân bị thiếu máu cơ tim. Không được tự ý ngừng dùng thuốc đột ngột trừ khi có chỉ định của bác sĩ. Việc ngừng điều trị đột ngột có thể dẫn đến tình trạng đau thắt ngực nặng hơn, xuất hiện tình trạng nhồi máu cơ tim hoặc loạn nhịp thất ở bệnh nhân động mạch vành.

Nếu buộc phải ngừng dùng thuốc cardicor, nên cân nhắc giảm liều từ từ trong vòng 1 tuần dưới sự theo dõi chặt chẽ của bác sĩ. Nếu triệu chứng do ngừng dùng thuốc xuất hiện, hãy dùng thuốc lại ít nhất trong một thời gian.

Bạn nên làm gì trong trường hợp dùng quá liều?

Một số dấu hiệu phổ biến khi dùng thuốc Cardicor quá liều có thể bao gồm: Nhịp tim chậm, hạ huyết áp, chóng mặt hoặc ngất xỉu. Trong trường hợp nghiêm trọng, bệnh nhân có thể mê sảng, hôn mê, co giật, ngừng hô hấp. Suy tim sung huyết, co thắt phế quản, rối loạn dẫn truyền nhĩ thất, hạ đường huyết có thể xảy ra, đặc biệt là với những người có bệnh nền.

Khi xảy ra quá liều nhanh chóng cấp cứu ở các cơ sở y tế, các điều trị hỗ trợ này chỉ có thể thực hiện bởi các nhân viên y tế và thiết bị trong bệnh viện.

Bạn nên làm gì nếu quên một liều?

Nếu bạn quên dùng một liều thuốc, hãy dùng càng sớm càng tốt. Tuy nhiên, nếu gần với liều kế tiếp, bạn hãy bỏ qua liều đã quên và dùng liều kế tiếp vào thời điểm như kế hoạch. Không dùng gấp đôi liều đã quy định.

Tác dụng phụ

Bạn sẽ gặp tác dụng phụ nào khi dùng thuốc?

Một số các tác dụng phụ có thể gặp phải khi dùng thuốc cardicor bao gồm:

Rất phổ biến (ADR >= 1/10)

  • Nhịp tim chậm ở bệnh nhân suy tim mãn tính.

Phổ biến (1/100<=ADR < 1/10)

  • Rối loạn tiêu hóa, như buồn nôn, nôn, tiêu chảy, táo bón.
  • Chóng mặt, nhức đầu thường xuất hiện khi mới bắt đầu điều trị, mức độ nhẹ và biến mất sau 1-2 tuần.
  • Suy tim xấu đi ở bệnh nhân suy tim mãn tính.
  • Cảm giác lạnh hoặc tê bì tứ chi, tụt huyết áp ở bệnh nhân suy tim.
  • Suy nhược ở bệnh nhân suy tim, mệt mỏi thường xuất hiện khi mới bắt đầu điều trị, mức độ nhẹ và biến mất sau 1-2 tuần.

Ít gặp (1/1000<=ADR < 1/100)

  • Yếu cơ và chuột rút.
  • Rối loạn dẫn truyền nhĩ thất, suy tim nghiêm trọng hơn, nhịp tim chậm ở bệnh nhân tăng huyết áp hoặc đau thắt ngực.
  • Co thắt phế quản ở bệnh nhân hen phế quản hoặc có tiền sử bệnh tắc nghẽn đường đường hô hấp.
  • Rối loạn giấc ngủ, trầm cảm.
  • Suy nhược ở bệnh nhân tăng huyết áp hoặc đau thắt ngực.
  • Hạ huyết áp tư thế đứng.

Hiếm gặp (1/10.000<=ADR < 1/1000)

  • Ác mộng, ảo giác.
  • Ngất xỉu.
  • Giảm chảy nước mắt (được xem xét nếu bệnh nhân có đeo kính áp tròng).
  • Rối loạn thính giác.
  • Viêm mũi dị ứng.
  • Viêm gan.
  • Phản ứng quá mẫn trên da (ngứa, đỏ bừng, phát ban và phù mạch).
  • Rối loạn cương dương.
  • Tăng triglyceride, tăng men gan (ALAT, ASAT).

Rất hiếm gặp (ADR < 1/10.000)

  • Viêm kết mạc.
  • Rụng tóc từng mảng.
  • Làm trầm trọng hơn bệnh vẩy nến.

Đây không phải là danh mục đầy đủ tất cả các tác dụng phụ và có thể xảy ra những tác dụng phụ khác. Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc nào về tác dụng phụ, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc dược sĩ.

cardicor và tác dụng phụ

Thận trọng/Cảnh báo

Trước khi dùng thuốc, bạn nên lưu ý những gì?

Bệnh nhân phải ổn định (không bị suy tim cấp tính) khi bắt đầu điều trị bằng thuốc cardicor.

Thuốc chống chỉ định trong những trường hợp:

  • Bệnh nhân quá mẫn với bisoprolol hoặc với bất kỳ thành phần nào trong thuốc.
  • Suy tim độ 3 hoặc độ 4 với chức năng co bóp tâm thất trái thấp (EF < 30%).
  • Sốc tim.
  • Rối loạn dẫn truyền nhĩ thất cấp độ 2 hoặc 3.
  • Nhịp tim chậm xoang (dưới 60 nhịp/phút trước khi điều trị).
  • Bệnh nút xoang.
  • Nhịp tim chậm có triệu chứng.
  • Hạ huyết áp (huyết áp dưới 100 mmHg).
  • Co thắt phế quản nghiêm trọng (hen phế quản, bệnh tắc nghẽn đường hô hấp nặng).
  • Các dạng nghiêm trọng của bệnh tắc động mạch ngoại vi hoặc hội chứng Raynaud nặng.
  • Khối u thực bào không được điều trị.
  • Nhiễm toan chuyển hóa.

Thận trọng khi dùng thuốc trong các trường hợp sau đây:

  • Suy tim cấp tính hoặc suy tim sung huyết chưa được kiểm soát bằng điều trị nền.
  • Đau thắt ngực Prinzmetal.
  • Đái tháo đường với lượng đường huyết cao.
  • Suy gan, suy thận nghiêm trọng.
  • Bệnh mạch máu ngoại vi.
  • Co thắt phế quản và tăng huyết áp không đáp ứng điều trị.
  • Khi cần phẫu thuật và phải gây mê.
  • Bệnh vẩy nến hoặc có tiền sử bị bệnh vẩy nến.
  • Nhiễm độc do tuyến giáp.
  • Rối loạn di truyền hiếm gặp về dung nạp galactose, chứng thiếu men lactase hoặc không dung nạp glucose- galactose hoặc rối loạn hấp thu glucose – galactose.

Những điều bạn cần lưu ý khi dùng thuốc trong trường hợp đặc biệt (mang thai, cho con bú, phẫu thuật,…)

Phụ nữ mang thai

Thuốc Cardicor có thể gây hại cho thai kỳ, thai nhi và trẻ sơ sinh. Nhìn chung, các thuốc chẹn beta làm giảm tưới máu nhau thai, khiến thai nhi chậm phát triển, thai chết lưu, sẩy thai hoặc chuyển dạ sớm. Các tác dụng phụ ngoài ý muốn, chẳng hạn như hạ đường huyết và nhịp tim chậm có thể xảy ra ở thai nhi và trẻ sơ sinh.

Thuốc Cardicor không nên được sử dụng cho phụ nữ mang thai trừ khi thật cần thiết. Nếu bắt buộc phải điều trị bằng thuốc thì cần theo dõi lưu lượng máu đến nhau thai và sự phát triển của thai nhi. Trẻ sơ sinh phải được theo dõi chặt chẽ. Các triệu chứng của hạ đường huyết và nhịp tim chậm thường có thể xảy ra trong vòng 3 ngày đầu tiên.

Phụ nữ đang cho con bú

Chưa có nghiên cứu cho biết liệu thuốc này có bài tiết qua sữa mẹ hay không. Do đó, không khuyến cáo phụ nữ đang con bú dùng thuốc.

Khả năng lái xe và sử dụng máy móc

Trong một nghiên cứu với bệnh nhân mắc bệnh mạch vành, thuốc không làm giảm hiệu suất lái xe. Tuy nhiên, do các phản ứng đối với thuốc khác nhau ở từng bệnh nhân, khả năng lái xe hoặc vận hành máy móc có thể bị suy giảm. Cần đặc biệt theo dõi phản ứng của bệnh nhân khi mới bắt đầu điều trị, sau khi thay đổi thuốc hoặc khi có uống rượu.

Tương tác thuốc

Thuốc có thể tương tác với những thuốc nào?

Thuốc cardicor không nên được kết hợp với:

  • Thuốc chẹn canxi nhóm verapamil hoặc diltiazem.
  • Thuốc chống loạn nhịp nhóm I (ví dụ như quinidine, disopyramide; lidocaine, phenytoin; flecainide, propafenone).
  • Thuốc hạ huyết áp tác dụng trung ương thần kinh như clonidine và các thuốc khác (ví dụ methyldopa, moxonidine, rilmenidine).

Hãy thận trọng khi dùng thuốc cùng với:

  • Thuốc chẹn canxi nhóm dihydropyridine như felodipine và amlodipine.
  • Thuốc chống loạn nhịp nhóm III (ví dụ như amiodaron).
  • Thuốc chẹn beta tại chỗ (ví dụ như thuốc nhỏ mắt để điều trị bệnh tăng nhãn áp).
  • Thuốc cường đối giao cảm.
  • Insulin và các thuốc điều trị đái tháo đường dùng đường uống.
  • Thuốc gây mê như ether, cyclopropan, tricloroethylen.
  • Glycoside digitalis.
  • Thuốc chống viêm không steroid (NSAID).
  • Thuốc chẹn beta (ví dụ isoprenaline, dobutamine).
  • Thuốc giao cảm kích hoạt cả thụ thể β và α (ví dụ như noradrenaline, adrenaline).
  • Thuốc điều trị tăng huyết áp cũng như với các thuốc có khả năng làm hạ huyết áp khác (ví dụ như thuốc chống trầm cảm ba vòng, barbiturat, phenothiazin).

Cân nhắc khi phối hợp với:

  • Mefloquine.
  • Thuốc ức chế monoamine oxidase (ngoại trừ thuốc ức chế MAO-B).
  • Rifampicin.
  • Dẫn chất ergotamin.

Nhiều loại thuốc khác cũng có thể tương tác với Cardicor, ngay cả những loại thuốc không xuất hiện trong danh sách này, vì vậy, hãy nhớ nói với bác sĩ về tất cả các loại thuốc bạn đang dùng.

Thuốc có thể tương tác với thực phẩm, đồ uống nào?

Thức ăn, rượu và thuốc lá có thể tương tác với vài loại thuốc nhất định. Hãy tham khảo ý kiến bác sĩ về việc uống thuốc cùng thức ăn, rượu và thuốc lá. Trừ khi có những lưu ý đặc biệt từ bác sĩ, hãy tiếp tục chế độ ăn uống bình thường của bạn khi dùng thuốc.

Tình trạng sức khỏe nào ảnh hưởng đến thuốc?

Tình trạng sức khỏe của bạn có thể ảnh hưởng đến việc sử dụng thuốc này. Báo cho bác sĩ biết nếu bạn có bất kỳ vấn đề sức khỏe nào.

Bảo quản thuốc

Bạn nên bảo quản thuốc như thế nào?

Bạn nên bảo quản thuốc ở nhiệt độ phòng (dưới 30°C), ở nơi khô mát, tránh ẩm và tránh ánh sáng. Không bảo quản trong phòng tắm hoặc trong ngăn đá. Bạn nên nhớ rằng mỗi loại thuốc có thể có các phương pháp bảo quản khác nhau. Vì vậy, bạn nên đọc kỹ hướng dẫn bảo quản trên bao bì hoặc hỏi dược sĩ. Giữ thuốc tránh xa tầm tay trẻ em và thú nuôi.

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Cardicor 2.5mg Film Coated Tablets. https://www.medicines.org.uk/emc/product/7768/smpc#gref. Ngày truy cập: 19/04/2022

Cardicor. https://www.medicines.org.uk/emc/files/pil.5521.pdf. Ngày truy cập: 19/04/2022

Cardicor 2.5mg Tablets. https://www.pharmacy2u.co.uk/cardicor-2-5mg-tablets-p11556.html. Ngày truy cập: 19/04/2022

CardicorMekophar. https://drugbank.vn/thuoc/CardicorMekophar&VD-33735-19. Ngày truy cập: 19/04/2022

Bisoprolol (Cardicor). https://www.netdoctor.co.uk/medicines/heart-blood/a26554/bisoprolol-uses-and-action/. Ngày truy cập: 19/04/2022

Phiên bản hiện tại

06/05/2022

Tác giả: Trúc Phạm

Tham vấn y khoa: Thạc sĩ - Dược sĩ - Giảng viên Lê Thị Mai

Cập nhật bởi: Huyền Lương


Bài viết liên quan

Điểm danh các loại thuốc điều trị tim mạch thường dùng

Bệnh suy tim độ 4 có chữa được không?


Tham vấn y khoa:

Thạc sĩ - Dược sĩ - Giảng viên Lê Thị Mai

Dược · Đại học Nguyễn Tất Thành


Tác giả: Trúc Phạm · Ngày cập nhật: 06/05/2022

ad iconQuảng cáo

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo