backup og meta

Ráy

Ráy

Tên thường gọi: Ráy

Tên gọi khác: Ráy dại, dã vu, khoai sáp

Tên nước ngoài: Giant taro, giant alocasia, kopeh root…

Tên khoa học: Alocasia macrorrhiza (L.) Schott

Họ: Ráy (Araceae)

Tổng quan về dược liệu ráy

Tìm hiểu chung về cây ráy

Ráy là một cây thảo, cao 0,5–1m, có thể cao đến 2–3m ở chỗ đất ẩm, nhiều mùn. Thân rễ dài và mập, mọc bò ngang, có nhiều đốt ngắn, trên đốt có vảy màu nâu.

Lá to hình tim, mép hơi lượn sóng, cuống lá mập, dài và có bẹ to ôm lấy thân. Hai mặt lá đều nhẵn, mặt trên màu lục sẫm bóng.

Cụm hoa là một bông mo, mọc ở kẽ lá. Quả mọng, hình trứng, màu đỏ.

Loại ráy có nhiều lá quăn dùng tốt hơn.

Mùa hoa quả vào tháng 1–5.

Bộ phận dùng của ráy

Người ta dùng thân rễ cây ráy để làm thuốc, thu hái quanh năm. Sau khi thu về, gọt bỏ vỏ, thái mỏng, ngâm trong nước sạch từ 5–7 ngày, thay nước thường xuyên rồi phơi khô.

Nếu dùng tươi, phải rang với gạo cho đến khi gạo cháy, rồi thêm nước đun sôi đến khi gạo mềm nhừ thì vớt ra. Khi chế biến thường gây ngứa tay nên bạn cần chú ý.

Thành phần hóa học trong cây ráy

Thân rễ ráy có chứa chất alcasin. Theo tài liệu Trung Quốc, ráy còn có trigochin, isotrigochin, ꞵ-glucosidase, campestrol, các vitamin A, D2.

Tài liệu Ấn Độ cho rằng trong ráy có chất gây kích ứng là oxalat calci. Ngoài ra, cây còn chứa 20–40% tinh bột.

Một số nghiên cứu thì phát hiện trong dược liệu này có các enzyme polyphenol oxydase. Các chất cyanid cũng được tìm thấy trong lá và cành.

Nghiên cứu ở Việt Nam về thành phần cây ráy mọc hoang dại ở phía bắc Việt Nam đã phân lập được 2 chất: một chất có cấu trúc stigmasterol-5,22-dien-3-ol và chất kia là acetat thuộc loại sterol.

Tác dụng, công dụng của cây ráy

Dược liệu ráy có những công dụng gì?

Dược liệu này đã được dùng điều trị rắn cắn và cho thấy kết quả khả quan khi hầu hết người bệnh đã hồi phục. Những nghiên cứu thực nghiệm và lâm sàng cho cho thấy ráy có hiệu quả trong điều trị bỏng và vết thương phần mềm.

Theo các tài liệu, cây ráy có vị nhạt, cay, ngứa, tình hàn, có độc nhiều. Khi ăn vào có thể gây ngứa trong họng và miệng.

Trong phạm vi kinh nghiệm dân gian, thân rễ loài cây này chủ yếu dùng để chữa bệnh ngoài da như mề đay, ngứa, lở loét, mụn nhọt, ghẻ, sưng bàn tay hay bàn chân, trượt ngã bị thương, rắn cắn (giã, đắp), sưng vú (giã với cám, đắp).

Người dân còn dùng thân rễ ráy cắt, rồi xát vào chỗ bị tấy ngứa.

Ở Trung Quốc, vị thuốc này dùng uống chữa sốt rét, thũng độc, ngứa lở rụng lông.

Trong y học Ấn Độ, dịch ép từ thân cây có tác dụng chữa bọ cạp cắn.

Liều dùng của cây ráy

Liều dùng thông thường của ráy là bao nhiêu?

Bạn có thể dùng 10–15g mỗi ngày.

Một số bài thuốc có cây ráy

Ráy được sử dụng trong những bài thuốc dân gian nào?

1. Chữa mụn nhọt

Thuốc đắp để phá mủ: rọc ráy, lá xoan, muối, lấy liều lượng bằng nhau. Tiếp đến, đem giã nhỏ, trộn đều, đáp 2 lần/ngày.

2. Chữa sốt rét

Thân rễ ráy (đã chế biến) 10–20g, sắc với 200ml nước còn 50ml. Uống một lần trong ngày.

3. Chữa cảm không ra mồ hôi

Thân rễ ráy giã nát, hơ nóng, bọc bằng miếng vải rồi đánh khắp người như kiểu đánh gió.

4. Chữa cảm hàn

Người sốt cao, lấy củ ráy tươi cắt đôi chà thử vào mu bàn tay, nếu không ngứa thì dùng nửa củ đó chà khắp xương sống và chà khắp lưng. Còn một nửa thái mỏng đun với nước thật sôi, uống 1 bát. Làm khoảng 5 lần như vậy bệnh sẽ khỏi.

Lưu ý, thận trọng khi dùng cây ráy

Khi dùng ráy, bạn nên lưu ý những gì?

Để sử dụng dược liệu này một cách an toàn và có hiệu quả, bạn nên tham khảo trước ý kiến từ các bác sĩ, thầy thuốc đông y uy tín. Một số thuốc, thực phẩm chức năng hay thảo dược khác mà bạn đang dùng có thể gây ra những tương tác không mong muốn với cây ráy.

Trong quá trình sử dụng, nếu thấy xuất hiện các triệu chứng bất thường, hãy tạm ngưng dùng và thông báo ngay cho bác sĩ.

Mức độ an toàn của cây ráy

Chưa có đầy đủ thông tin về việc sử dụng ráy trong thời kỳ mang thai và cho con bú. Bạn cần tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc thầy thuốc trước khi dùng thảo dược này.

Tương tác có thể xảy ra với ráy

Dược liệu ráy có thể tương tác với một số thuốc, thực phẩm chức năng hay dược liệu khác mà bạn đang sử dụng. Để đảm bảo an toàn và hiệu quả khi dùng, bạn nên hỏi ý kiến của bác sĩ và thầy thuốc trước khi muốn dùng bất kỳ loại dược liệu nào.

Hello Bacsi không đưa ra các lời khuyên, chẩn đoán hay các phương pháp điều trị y khoa.

[embed-health-tool-bmi]

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Đỗ Tất Lợi (2014), Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam, Trang 122-123.

Đỗ Huy Bích và cộng sự (2006), Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam, tập II, Trang 614-616.

Alocasia macrorrhizos. http://tropical.theferns.info/viewtropical.php?id=Alocasia+macrorrhizos. Ngày truy cập 18/11/2019.

Phiên bản hiện tại

25/02/2020

Tác giả: Ngọc Anh

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

Cập nhật bởi: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh


Bài viết liên quan

Lá thường xuân có tác dụng gì? Lưu ý khi sử dụng

Long nhãn: Không chỉ là món ăn mà còn là vị thuốc quý


Tham vấn y khoa:

Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: Ngọc Anh · Ngày cập nhật: 25/02/2020

ad iconQuảng cáo

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo