backup og meta

Râu mèo

Râu mèo

Tên thường gọi: Râu mèo

Tên khoa học: Orthorsiphon aristatus (Blume) Miq., Orthosiphon stamineus Benth.

Họ: Bạc hà (Lamiaceae)

Tổng quan về dược liệu Râu mèo

Tìm hiểu chung về râu mèo

Râu mèo là cây thảo, sống lâu năm, cao từ 0,3–0,5m, có khi cao hơn. Thân vuông, cứng, mọc đứng, thường có màu nâu tím, nhẵn hoặc có ít lông, ít phân cành. Lá mọc đối, hình trứng, dài 4–6cm, gốc tròn, đầu  nhọn, gân lá nổi rõ ở mặt dưới. Cụm hoa mọc thẳng ở ngọn thân và đầu cành gồm 6–10 vòng, mỗi vòng có 6 hoa màu trắng hoặc hơi tím. Nhị mọc thò ra ngoài hoa, dài gấp 2–3 lần tràng, chỉ nhị mảnh; vòi nhụy dài hơn nhị. Mùa hoa quả vào tháng 4–7.

Ở Việt Nam, râu mèo phân bố rải rác ở một số tỉnh miền núi như Cao Bằng, Thanh Hóa, Hà Tây, Lâm Đồng, Phú Yên, Vũng Tàu… Cây ưa ẩm, ưa sáng và có thể hơi chịu bóng, thường mọc trên đất giàu chất mùn ở ven rừng, gần bờ nước hoặc trong thung lũng.

Bộ phận dùng của râu mèo

Thường dùng toàn cây trên mặt đất, thu hái khi cây chưa có hoa và đem về phơi hay sấy khô.

Thành phần hóa học trong cây râu mèo

Lá râu mèo có chứa một saponin, một alkaloid, tinh dầu, tanin, axit hữu cơ (axit tartric, axit citric, axit glycoic) và dầu béo. Lá có hoạt tính là do có hàm lượng kali cao và một glycosid đắng là orthosiphonin.

Lá khô và ngọn tươi có hoa chứa các chất vô cơ khoảng 12% với hàm lượng kali cao, flavonoid, các dẫn chất của axit cafeoic, inositol, phytosterol, saponin, tinh dầu.

Tác dụng, công dụng của cây râu mèo

Dược liệu râu mèo có những công dụng gì?

Về dược lý lâm sàng, râu mèo rất có ích cho điều trị bệnh thận và phù thũng. Râu mèo có tác dụng kiềm hóa, nhờ vào hoạt chất orthosiphonin và muối kali trong dược liệu giúp giữ cho axit uric và muối urat ở dạng hòa tan, phòng ngừa lắng đọng tạo thành sỏi thận. Ngoài ra, dịch chiết lá râu mèo có  tác dụng hạ đường huyết ở những người bệnh đái tháo đường nhưng không ổn định. Cơ chế có thể là do kích thích sự hình thành glycogen ở gan. Các chất sinensetin và tetramethylsulcllarein có tác dụng ức chế tế bào u báng Ehrlich.

Theo y học cổ truyền, râu mèo có vị ngọt, nhạt, hơi đắng, tính mát và có tác dụng lợi tiểu, thanh nhiệt, trừ thấp.

Theo kinh nghiệm dân gian, râu mèo được dùng làm thuốc lợi tiểu trong điều trị viêm thận, sỏi thận, sỏi mật, tê thấp, phù thũng, viêm gan. Tài liệu Ấn Độ coi dịch hãm lá râu mèo là thuốc điều trị đặc hiệu các bệnh thận và bàng quang, ngoài ra còn dùng điều trị bệnh thấp khớp và bệnh gout.

Có tài liệu ghi nhận rằng khi cây râu mèo ra hoa phải ngắt bỏ hoa vì hoa sẽ làm giảm lượng hoạt chất trong lá.

Liều dùng và cách dùng râu mèo

Bạn nên dùng râu mèo với liều lượng như thế nào?

Thường dùng 5–12 lá râu mèo hãm với nước sôi, chia làm 2 lần uống trước khi ăn cơm 15–30 phút, nên uống lúc dịch hãm còn nóng. Có thể đem lá đi sắc lấy nước uống. Dùng liên tục 8 ngày, nghỉ 2–4 ngày rồi lại tiếp tục uống nếu cần thiết.

Bên cạnh đó, bạn có thể nấu thành cao lỏng, mỗi ngày dùng 2–5g cao. Cao lỏng râu mèo được dùng làm thuốc hạ đường huyết trong bệnh đái tháo đường.

Nếu dùng cả cây râu mèo thì liều lượng hàng ngày là 30–40g, dùng riêng hoặc phối hợp với các vị thuốc khác.

Liều dùng của râu mèo có thể khác nhau tùy vào từng người bệnh. Liều lượng dựa trên tuổi, tình trạng sức khỏe và một số vấn đề cần quan tâm khác. Bạn hãy thảo luận với thầy thuốc và bác sĩ để tìm ra liều dùng thích hợp.

Một số bài thuốc có dược liệu râu mèo

Râu mèo có mặt trong những bài thuốc dân gian nào?

1. Chữa viêm thận mạn tính, viêm bàng quang, viêm khớp, phong thấp, viêm đường ruột:

Râu mèo 40g, tỳ giải và rễ ý dĩ mỗi vị 30g. Sắc lấy nước uống.

2. Chữa tiểu ra sỏi, tiểu ra máu, tiểu buốt:

Râu mèo 40g, thài là trắng 30g. Sắc lấy nước uống, mỗi lần hòa thêm 6g bột hoạt thạch và uống trong ngày. Mỗi ngày uống 3 lần, liên tục trong 5–7 ngày.

Lưu ý, thận trọng khi sử dụng râu mèo

Khi dùng dược liệu râu mèo, bạn nên lưu ý những gì?

Bạn cần cân nhắc giữa lợi ích của việc sử dụng râu mèo với nguy cơ có thể xảy ra trước khi dùng. Tham khảo ý kiến tư vấn của thầy thuốc hay bác sĩ trước khi sử dụng vị thuốc này.

Mức độ an toàn của dược liệu râu mèo

Chưa có đầy đủ thông tin về việc sử dụng râu mèo trong thời kỳ mang thai và cho con bú. Bạn cần tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc thầy thuốc trước khi dùng thảo dược này.

Tương tác có thể xảy ra với râu mèo

Râu mèo có thể tương tác với một số thuốc, thực phẩm chức năng hay dược liệu khác mà bạn đang sử dụng. Để đảm bảo an toàn và hiệu quả, bạn nên hỏi ý kiến bác sĩ và thầy thuốc trước khi muốn sử dụng dược liệu này.

Hello Bacsi không đưa ra các lời khuyên, chẩn đoán hay các phương pháp điều trị y khoa.

[embed-health-tool-bmi]

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Đỗ Huy Bích và cộng sự, “Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam”, Tập II, trang 623-625.

Đỗ Tất Lợi, “Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam”, trang 219-220.

Orthosiphon stamineus Benth. is an Outstanding Food Medicine: Review of Phytochemical and Pharmacological Activities. https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC6142889/. Ngày truy cập 24/6/2019.

Phiên bản hiện tại

27/06/2019

Tác giả: Ngọc Anh

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

Cập nhật bởi: Tố Quyên


Bài viết liên quan

Lá thường xuân có tác dụng gì? Lưu ý khi sử dụng

Long nhãn: Không chỉ là món ăn mà còn là vị thuốc quý


Tham vấn y khoa:

Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: Ngọc Anh · Ngày cập nhật: 27/06/2019

ad iconQuảng cáo

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo