Tên thường gọi: Mù u
Tên gọi khác: Đồng hồ, khung tung…
Tên nước ngoài: Tamanu, mastwood, pannay tree…
Tên khoa học: Calophyllum inophyllum L.
Họ: Măng cụt (Guttiferae)
Tổng quan về dược liệu mù u
Tìm hiểu chung về mù u
Mù u là một loài cây to, cao khoảng 20–25m. Cành non tròn, nhẵn, màu lục, cành già có màu nâu.
Lá mọc đối, phiến lá dày và cứng, dài khoảng 10–17cm, rộng 5–8cm, đầu tù, mép nguyên, cuống lá dày và dẹt. Hai mặt lá đều nhẵn, mặt trên màu lục bóng, gân phụ rất nhiều và rõ, mọc sít nhau gần như vuông góc với gân giữa.
Cụm hoa mọc thành xim ở kẽ lá và đầu cành. Hoa khá to, có màu trắng với 4 cánh, có mùi thơm. Quả hạch, hình cầu, vỏ ngoài mỏng, vỏ trong dày, hóa gỗ. Bên trong chứa hạt có dầu.
Mùa hoa vào tháng 8–9 và mùa quả vào khoảng tháng 10–11.
Ở Việt Nam, mù u chủ yếu phân bố ở vùng núi thấp, thuộc các tỉnh miền Trung, Đông và Tây Nam Bộ. Cây có thể mọc dọc theo các bờ kênh, rạch cao. Cây ra hoa nhiều mỗi năm, tái sinh tự nhiên chủ yếu từ hạt.
Bộ phận dùng của mù u
Thông thường, mọi người sử dụng dầu và nhựa mù u trong các bài thuốc dân gian.
Sau khi hạt được thu hái vào mùa đông, đem về đập vỡ vỏ, lấy nhân và có thể dùng tươi hay ép lấy dầu.
Nhựa thì có thể lấy quanh năm, phơi khô, tán bột để dùng.
Thành phần hóa học trong mù u
Trong hạt mù u có chứa 41–51% dầu. Dầu thô gồm 2 phần là dầu béo và nhựa. Ban đầu, dầu thô rất sánh, màu xanh lục sẫm, có mùi đặc biệt, vị đắng. Sau khi loại nhựa, dầu sẽ lỏng hơn và có màu nâu vàng.
Nhựa mù u tách ra từ dầu thô có màu nâu sẫm, tan trong các dung môi hữu cơ nói chung (như benzen, ether dầu hỏa, cồn…). Nhựa được trích từ thân cây lại có màu lục nhạt, cũng dùng để làm thuốc. Trong vỏ cây có chứa tanin.
Dầu mù u ép từ hạt có chứa axit palmitic, axit stearic, axit oleic, axit linoleic.
Ngoài ra, trong mù u còn có calonolid, calophylolid, axit calophytic, axit iso calophutic, các mophylym A, B, C, D…
Tác dụng, công dụng của mù u
Dược liệu mù u có những công dụng gì?
Các tác dụng dược lý được nghiên cứu trên mù u gồm có:
- Calophylolid phân lập từ mù u gây giảm phù thực nghiệm chân chuột cống trắng
- Dầu mù u cho thấy tác dụng làm lành vết thương nhanh chóng trên thỏ.
- Vỏ thân mù u gây tăng hoạt động với amphetamin, hiệp đồng tác dụng với thuốc ngủ barbituric, gây hạ huyết áp nhẹ trên thỏ.
- Cả cây mù u trừ rễ có tác dụng hạ huyết áp, hạ nhiệt, gây dãn hồi tràng cô lập trên chuột lang.
- Thử nghiệm lâm sàng cho thấy dầu mù u ép từ hạt già khi nấu thành xà phòng có tác dụng trị ghẻ tốt. Thuốc mỡ bào chế từ dầu mù u có tác dụng trị bỏng, mụn nhọt, lở loét nhỏ.
Theo Đông y, nhựa mù u có màu lục nhạt, mùi thơm, có vị mặn, đắng, tính rất lạnh, có tác dụng gây nôn, giải độc.
Dầu ép có tác dụng chữa bệnh ngoài da.
Nhựa đem phơi khô, tán bột rắc ngoài da để chữa mụn nhọt, lở loét, tai có mủ. Nhựa hòa với nước hoặc mài gỗ với nước vôi giúp làm tan các chỗ sưng cứng, chữa họng sưng không nuốt được.
Nhân hạt giã nát hoặc ép lấy dầu rồi trộn với ít vôi, đun nóng, bôi 2–3 lần/ngày để chữa ghẻ và một số bệnh ngoài da khác.
Một số bệnh viện đã dùng chế phẩm từ dầu mù u điều trị vết thương và bỏng có kết quả tốt, tác dụng kháng khuẩn mạnh, sạch vẩy, hết mủ, không còn mùi hôi ở vết thương.
Có người dùng dầu mù u xoa bóp chữa tê thấp, bôi trị mụn trứng cá. Ngoài ra, loại dầu này còn dùng xoa bóp trị bệnh thấp khớp.
Một nghiên cứu đã chứng minh tác dụng lên sẹo và an thần của dầu mù u.
Từ năm 1983, tại bệnh viện Chợ Rẫy Tp. Hồ Chí Minh đã dùng dầu mù u điều trị các vết thương, viêm xương và cho kết quả rất tốt.
Ở Ấn Độ, dầu hạt mù u bôi ngoài chữa thấp khớp và bệnh da. Dầu tinh chế được dùng tiêm bắp chữa đau cho người bệnh phong. Vỏ cây giã, đắp chữa viêm tinh hoàn. Nước sắc vỏ cây là thuốc rửa trị những vết loét khó lành. Nhựa có tác dụng gây nôn và tẩy.
Theo kinh nghiệm y học dân gian ở Madagascar, dầu hạt mù u dùng trị bệnh phong, bệnh da, diệt sâu bọ và chế thuốc gội đầu trị chấy, nhân hạt điều trị vết thương.
Liều dùng của mù u
Liều dùng thông thường của mù u là bao nhiêu?
Dạng ester ethylic của dầu mù u đã điều trị có kết quả chứng viêm dây thần kinh do bệnh phong với liều dùng là 5–20ml uống hoặc xoa bóp. Có thể dùng nhiều ngày.
Khi dùng dầu mù u bôi ngoài da ở vùng thương tổn có thể dùng với liều tùy ý, vừa phải.
Một số bài thuốc có mù u
Mù u được sử dụng trong những bài thuốc dân gian nào?
1. Chữa cam tẩu mã, chân răng loét
Nhựa mù u trộn với bột hoàng đơn, bôi vào chân răng, bôi nhiều lần trong ngày.
2. Chữa răng đau chảy máu hay tụt nướu, chân răng lộ ra
Rễ mù u, rễ câu kỷ tử với tỷ lệ bằng nhau. Tất cả đem sắc lấy nước rồi ngậm.
Lưu ý, thận trọng khi dùng mù u
Khi dùng mù u, bạn nên lưu ý những gì?
Để sử dụng mù u một cách an toàn và có hiệu quả, bạn nên tham khảo trước ý kiến từ các bác sĩ, thầy thuốc đông y uy tín. Một số thuốc, thực phẩm chức năng hay thảo dược khác mà bạn đang dùng có thể gây ra những tương tác không mong muốn với dược liệu này.
Trong quá trình sử dụng, nếu thấy xuất hiện các triệu chứng bất thường, hãy tạm ngưng dùng và thông báo ngay cho bác sĩ.
Mức độ an toàn của mù u
Chưa có đầy đủ thông tin về việc sử dụng mù u trong thời kỳ mang thai và cho con bú. Bạn cần tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc thầy thuốc trước khi dùng thảo dược này.
Tương tác có thể xảy ra với mù u
Mù u có thể tương tác với một số thuốc, thực phẩm chức năng hay dược liệu khác mà bạn đang sử dụng. Để đảm bảo an toàn và hiệu quả khi dùng, bạn nên hỏi ý kiến của bác sĩ và thầy thuốc trước khi muốn dùng bất kỳ loại dược liệu nào.
Hello Bacsi không đưa ra các lời khuyên, chẩn đoán hay các phương pháp điều trị y khoa.
[embed-health-tool-bmi]