Nâng cao ý thức giữ gìn vệ sinh chung không chỉ góp phần bảo vệ môi trường sống, môi trường sinh hoạt mà còn thể hiện văn hóa, lối sống của một cộng đồng, thậm chí là một đất nước. Mỗi người cần hình thành thói quen và có những việc làm thiết thực để góp phần giữ gìn vệ sinh chung.
Mỗi người trong chúng ta chỉ cần hình thành 3 thói quen dưới đây, môi trường sống xung quanh sẽ được cải thiện đáng kể.
1. Bỏ rác đúng nơi quy định
Ở các quốc gia phát triển, hiện tượng vứt rác bừa bãi gần như rất ít xảy ra. Thế nhưng, ở Việt Nam tình trạng xả rác không đúng nơi quy định lại diễn ra khá phổ biến. Nguyên do từ việc thiếu ý thức của một bộ phận người dân và tầm quan trọng của việc giữ gìn vệ sinh chung vẫn chưa được hiểu rõ. Chúng ta có thể dễ dàng chứng kiến tại các đô thị, những túi rác vứt không đúng nơi quy định gây tắc nghẽn cống rãnh, ngập úng trên diện rộng. Còn tại các vùng nông thôn, không khó để thấy cảnh tượng rác thải la liệt trên kênh rạch, sông ngòi, gây ô nhiễm môi trường. Việc vứt rác bừa bãi không chỉ ảnh hưởng đến mỹ quan mà còn gây hại cho sức khỏe con người khi môi trường sống bị tác động tiêu cực.
Vứt rác đúng nơi quy định chính là việc làm tuy nhỏ nhưng vô cùng quan trọng trong việc giữ gìn vệ sinh chung, đồng thời góp phần giúp rác được tập kết và xử lý đúng cách. Hãy tuân thủ và thực hiện các nguyên tắc sau:
- Buộc gọn gàng các túi rác cần xử lý
- Tuyệt đối không vứt rác ra đường, cống rãnh, sông ngòi, bãi đất trống…
- Chỉ vứt rác tại nơi được bố trí thùng rác, dù chỉ là 1 mảnh giấy nhỏ hay 1 chiếc vỏ kẹo.
2. Phân loại rác thải tại nguồn để giữ gìn vệ sinh chung
Rác hữu cơ, dễ phân hủy: Đây là các loại rác dễ bị thối rữa trong điều kiện bình thường như thức ăn thừa,thực phẩm hư hỏng…
Rác thải khó phân hủy được chia làm 2 nhóm đó là: rác tái chế và rác không tái chế. Rác tái chế có thể sử dụng lại nhiều lần hoặc được tái chế lại như giấy, kim loại, nhựa… Còn rác không tái chế là những loại đã qua sử dụng, không còn khả năng tái chế và phải tiến hành xử lý trước khi đưa ra môi trường. Loại rác này mất rất nhiều thời gian để phân như túi nilon, các loại pin…
3. Giữ gìn vệ sinh nơi công cộng
Trong bối cảnh dịch bệnh ngày nay, việc giữ gìn vệ sinh nơi công cộng càng phải được chú trọng và nâng cao ý thức. Thực hiện những việc sau sẽ giúp bạn trở thành người văn minh và góp phần trong việc giữ gìn vệ sinh chung trong cộng đồng:
Không khạc nhổ, tiểu tiện, đại tiện bừa bãi
Hạn chế sử dụng túi nilon, đồ nhựa
Thu gom rác và vứt đúng nơi quy định khi vui chơi, picnic hoặc tham gia các lễ hội
Không hút thuốc lá nơi công cộng
Mỗi người nâng cao ý thức giữ gìn vệ sinh chung sẽ góp phần giúp môi trường sống trở nên xanh, sạch đẹp. Hãy tích cực tham gia các hoạt động bổ ích như làm sạch, dọn dẹp khu phố, bãi biển, rừng và sông ngòi… Tuyên truyền cho người thân, giáo dục trẻ em bảo vệ không gian sống và nơi công cộng. Đồng thời, hạn chế sử dụng rác thải nhựa, túi ni lông khó phân hủy, hình thành thói quen phân loại rác tại nguồn và vứt rác đúng nơi quy định.
[embed-health-tool-bmi]