backup og meta

Da trẻ sơ sinh rất nhạy cảm với những tác nhân độc hại!

Da trẻ sơ sinh rất nhạy cảm với những tác nhân độc hại!

Khác với làn da của người lớn, da trẻ sơ sinh thường rất dễ bị tác động bởi các chất kích thích và dễ gặp những tổn thương như bị phát ban, chàm, rôm sảy. Thế nhưng, không ít các mẹ vẫn thắc mắc nguyên nhân khiến da bé nhạy cảm là gì để chữa trị cho con đúng cách hơn.

Nguyên nhân khiến da trẻ sơ sinh nhạy cảm

Da nhạy cảm của trẻ thường dễ bị tác động bởi các tác nhân bên ngoài như sản phẩm giặt giũ có chứa hóa chất trong quần áo bé, sản phẩm vệ sinh và chăm sóc da nhiều mùi hương nhân tạo, thời tiết nóng bức, quần áo vải len khó chịu… Bởi những tác nhân này, da bé có thể trở nên nhạy cảm hơn và dễ gặp các vấn đề về bệnh da liễu.

Dưới đây là những nguyên nhân khiến da trẻ sơ sinh nhạy cảm mà mẹ nên biết để chăm sóc làn da của con yêu đúng cách hơn.

1. Da trẻ sơ sinh rất mỏng manh

Làn da chưa trưởng thành của bé sẽ khiến cho các chất kích ứng dễ hấp thụ qua da, khiến hàng rào bảo vệ da bị tổn thương và làm làn da nhạy cảm hơn.

• Da bé có ít sợi đàn hồi hơn: Điều này khiến các chất kích ứng dễ đi qua da và làm da nhạy cảm.

• Lớp biểu bì mỏng manh: Lớp biểu bì (lóp ngoài cùng của da) mỏng hơn từ  3-5 lần so với người lớn và được tạo thành từ các tế bào nhỏ hơn nên làm tăng sự hấp thụ các chất kích thích khác vào cơ thể.

• Diện tích bề mặt da của bé lớn hơn: Diện tích bề mặt da của bé lớn hơn từ 3-5 lần so với người lớn xét theo cả trọng lượng cơ thể nên da sẽ dễ tập trung các chất gây kích ứng, dị ứng và vi khuẩn từ môi trường.

2. Ít có khả năng giữ được độ ẩm

Da trở sơ sinh thường khá khô nên rất dễ bị kích ứng bởi những tác nhân ngoài môi trường. Mặc dù trẻ lớn hơn (khoảng 8-24 tháng tuổi) phát triển làn da có độ ẩm tốt hơn so với người lớn nhưng mức độ ẩm lại giao động nhiều hơn nên da trẻ cũng có lúc rất khô.

Trong khi đó, tế bào da của người lớn có nhiều phân tử được xem là yếu tố giữ ẩm tự nhiên (NMF) nên giúp da hấp thụ nước tốt hơn, từ đó mà ít bị kích ứng hơn.

 3. Độ pH tự nhiên dễ bị ảnh hưởng

độ pH dễ bị ảnh hưởng là nguyên nhân khiến da trẻ sơ sinh nhạy cảm

Da trẻ sơ sinh có độ pH gần bằng trung tính sau khi sinh và khi lớn dần thì sẽ tăng thêm độ axit. Để làn da của bé khỏe mạnh hơn thì bạn cần nên đảm bảo được độ pH tự nhiên và cân bằng trên làn da bé.

Nhiều sản phẩm có chứa hóa chất và sản phẩm tạo bọt có tính kiềm có thể làm xáo trộn độ pH trên da bé và dễ gây kích ứng. Xà phòng kháng khuẩn và các sản phẩm có chứa cồn (ethanol hoặc rượu ethyl) cũng có thể phá vỡ độ pH của da và gây kích ứng da.

4. Da trẻ sơ sinh không có nhiều melanin

Melanin có thể giúp bảo vệ tế bào da khỏi tác hại bức xạ UVB và giảm nguy cơ ung thư da do hấp thụ ánh sáng hiệu quả và có thể làm tiêu tan hơn 99,9% tia UV hấp thụ.

Tuy nhiên, làn da trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ thường có chứa rất ít sắc tố này nên da bé dễ bị tổn thương bởi ánh nắng mặt trời. Lớp ngoài mỏng của da bé cũng làm tăng nguy cơ hấp thụ tia cực tím quá mức.

 5. Nhiệt độ cơ thể không duy trì ở mức ổn định

Nhiệt độ cơ thể của trẻ sơ sinh thường không duy trì ở mức độ ổn định. Do đó, bạn cần chủ động về việc quản lý các yếu tố có thể ảnh hưởng đến nhiệt độ cơ thể của bé, đặc biệt là khi bé bị phát ban đỏ được kích hoạt bởi nhiệt. Trẻ sơ sinh cũng có ít tuyến mồ hôi hơn nên khó đổ mồ hôi để hạ nhiệt như người lớn.

Làn da của trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ thường rất nhạy cảm. Vì thế, bé luôn cần được bảo vệ và chăm sóc cẩn thận để tránh được những yếu tố kích ứng xung quanh khiến bé bị đau, ngứa hoặc viêm…

6. Tiếp xúc với các yếu tố ngoài môi trường

• Điều kiện thời tiết: Thời tiết quá nóng hoặc quá lạnh cũng có thể khiến da bé bị kích ứng gây khô da.

• Kích ứng với sản phẩm tẩy rửa gia dụng: Da trẻ sơ sinh rất dễ bị kích ứng và nứt nẻ bởi các yếu tố như bột giặt quần áo, nước xả vải, hay chất ny-lon trong quần áo bé mặc.

• Kích ứng với sản phẩm chăm sóc da: Các sản phẩm chăm sóc da như sữa tắm, dầu gội, phấn rôm… có thể khiến làn da nhạy cảm của bé bị kích ứng

Các bệnh về da trẻ sơ sinh dễ gặp phải

bệnh về da ở trẻ sơ sinh

Với làn da nhạy cảm, trẻ sơ sinh thường dễ bị kích ứng với những tác nhân từ môi trường gây các bệnh về da dưới đây:

• Viêm da tiếp xúc: Đây là bệnh da liễu ở trẻ em gây ra triệu chứng phát ban đỏ, ngứa khó chịu do tiếp xúc trực tiếp với chất hóa học hoặc phản ứng dị ứng. Các sản phẩm có thể gây viêm da tiếp xúc bao gồm xà phòng, mỹ phẩm, sản phẩm tẩy rửa,…

• Viêm da dị ứng: Viêm da dị ứng có thể khiến cơ thể bé bị nổi mẩn đỏ và ngứa. Nguyên nhân gây viêm da dị ứng thường là do các yếu tố môi trường gây hại lên da. Do đó, bạn cần thường xuyên lau dọn nhà cửa định kỳ với sản phẩm tẩy rửa tự nhiên.

• Bệnh chàm: Đây cũng là một trong những da liễu thường gặp ở trẻ em. Nguyên nhân gây bệnh chàm ở trẻ em có thể là cơ địa hoặc do tiếp xúc với bụi bẩn, mặc quần áo chất vải thô ráp, hương liệu từ sản phẩm tắm gội, hóa chất tẩy rửa

• Khô da: Trẻ sơ sinh dễ bị khô da nếu mẹ tắm cho trẻ quá thường xuyên, sử dụng sản phẩm tắm gội hay chăm sóc da không phù hợp.

Rôm sảy: Da trẻ sơ sinh nhạy cảm sẽ rất dễ bị rôm sảy khi ở trong nhiệt độ môi trường quá cao, mặc quần áo có chất kích ứng, da chà xát quá mạnh, vùng da mặc tã thường xuyên ẩm ướt, hầm bí…

• Hăm tã: Hăm tã ở trẻ sơ sinh thường là do mẹ không thay tã cho bé đều đặn, dùng giấy lau có chứa chất kích ứng, sử dụng chất làm mềm vải, hóa chất tẩy rửa mạnh để giặt đồ cho con hoặc lựa chọn tã không phù hợp với da bé.

Cách chăm sóc da trẻ sơ sinh

Vì làn da của bé rất mỏng manh nên mẹ cần cẩn thận hơn để giúp bé tránh khỏi những cảm giác khó chịu và những tác nhân gây kích ứng da bé như yếu tố thời tiết, nhiệt độ, hóa mỹ phẩm, quần áo nóng bức…

 1. Dưỡng ẩm da bé đúng cách

Các mẹ thường nghĩ rằng khi thấy làn da của con bị khô thì nên tắm nhiều hơn hoặc sử dụng các loại kem dưỡng ẩm thường xuyên để giúp con khỏi bị kích ứng. Tuy nhiên, nếu bạn thường xuyên làm điều này thì sẽ khiến da bé trở nên trầm trọng hơn là bảo vệ.

Việc để da bé tiếp xúc nhiều với nước hoặc nước lạnh sẽ làm tăng đáng kể tình trạng khô da. Vì thế, bạn chỉ nên làm dịu da nhạy cảm của bé bằng cách tắm nước ấm cho con nhanh chóng 1 lần mỗi ngày trong nhiệt độ từ 36-37°C. Sau khi tắm, bạn hãy vỗ nhẹ cho da khô thay vì chà xát vì có thể làm nặng thêm làn da nhạy cảm.

Bạn cũng có thể giữ ẩm cho da bé bằng một loại kem dưỡng ẩm có thành phần tự nhiên, có nguồn gốc uy tín và được cho phép sử dụng trên da bé. Tốt nhất, bạn hãy hỏi bác sĩ da liễu trước khi chọn loại kem dưỡng ẩm bảo vệ da bé.

2. Lựa chọn quần áo thoáng mát cho bé

lựa chọn quần áo thoáng mát cho da trẻ sơ sinh

Quần áo chất liệu len, sợi vải tổng hợp cọ xát vào da trẻ sơ sinh sẽ làm tăng tính nhạy cảm của da. Vì thế, bạn hãy lựa chọn cho con những loại quần áo từ các loại vải từ tự nhiên như cotton, vải lanh để bé thoáng mát hơn.

Ngoài ra, bạn cũng nên chọn khăn trải giường làm từ vải tự nhiên vì bé dành nhiều thời gian trên giường của mình.

Mẹ hãy giặt quần áo của bé mỗi ngày và thường xuyên vệ sinh giường chiếu định kỳ bằng các sản phẩm giặt từ tự nhiên, không có hóa chất gây kích ứng da bé để loại bỏ ve, mối mọt, côn trùng, bụi bẩn…

3. Thay tã cho bé thường xuyên

Em bé có làn da nhạy cảm sẽ dễ bị hăm tã thường xuyên. Vì thế, bạn hãy giữ cho vùng kín của bé được khô ráo, sạch sẽ và phải thay tã thường xuyên.

Bạn cần lưu ý là không nên sử dụng loại khăn lau có chứa hóa chất và mùi hương gây khô và kích ứng da bé. Thay vào đó, bạn có thể lựa chọn một loại sản phẩm nhẹ nhàng dành riêng cho làn da trẻ sơ sinh và không có chứa hóa chất độc hại.

Một số loại tã có chứa hóa chất có thể làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến làn da nhạy cảm của bé. Vì thế, bạn có thể xem xét mua tã vải cho bé để bảo vệ làn da bé tốt hơn.

4. Chống nắng cho da bé

Để bảo vệ làn da trẻ sơ sinh cách tốt nhất, bạn không nên cho trẻ đi dưới ánh nắng mặt trời giữa trưa, phải mặc quần áo bảo hộ khi ra nắng, sử dụng kính râm để ngăn chặn tia UVA và UVB.

Trẻ dưới 6 tháng tuổi, bạn không nên sử dụng kem chống nắng và cũng không nên đưa trẻ ra ngoài nắng. Còn đối với trẻ trên 6 tháng tuổi thì bạn có thể cho trẻ sử dụng kem chống nắng có chứa thành phần chính là oxit và/hoặc titan dioxide. Những thành phần này tác động qua cơ chế vật lý thay vì hàng rào hóa học nên có thể bảo vệ da nhạy cảm của bé.

Trước khi sử dụng bất kỳ sản phẩm chống nắng trên da của bé hoặc muốn bảo vệ da bé dưới ánh nắng mặt trời tốt hơn, bạn nên tham khảo ý kiến của bác sĩ nhi khoa.

5. Định kỳ dọn dẹp nhà cửa

Bạn nên định kỳ dọn dẹp nhà cửa bằng sản phẩm từ thiên nhiên, nhất là nơi bé ngủ để bụi bẩn không làm ảnh hưởng đến làn da trẻ sơ sinh. Bạn cũng cần lưu ý làm sạch và vệ sinh cả những vật dụng bé hay cầm nắm, tiếp xúc, sử dụng để an toàn cho sức khỏe của con.

Ngoài ra, phòng tắm, gian bếp cũng là những nơi bạn luôn cần giữ khô ráo, tránh ẩm ướt để không tạo điều kiện cho vi khuẩn lây lan làm ảnh hưởng đến làn da của bé.

6. Lựa chọn kỹ sản phẩm chăm sóc gia đình

lựa chọn kỹ sản phẩm chăm sóc gia đình

Một trong những tác nhân phổ biến nhất khiến cho da trẻ sơ sinh dễ bị kích ứng là tiếp xúc phải các hóa chất có trong các sản phẩm tẩy rửa gia dụng. Vì thế, bạn cần để ý đến những tiêu chí sau khi lựa chọn sản phẩm chăm sóc gia đình:

Tránh xa sản phẩm có hóa chất độc hại

Các hóa chất độc hại có trong các sản phẩm tẩy rửa như amoniac, volatile organic compounds, chlorine, butyl cellosolve, natri hydroxit… có thể khiến da bé bị kích ứng. Chúng còn khiến trẻ bị kích ứng mắt, mũi, họng, gây tổn thương gan, thận, hệ thần kinh trung ương, thậm chí gây ung thư.

Bạn hãy để ý các thành phần hóa chất thường được tìm thấy trong các sản phẩm giặt quần áo, nước lau sàn, nước rửa chén, nước tẩy rửa nhà vệ sinh, nước hoa, sáp thơm, mỹ phẩm, khử trùng, nước lau kính, lau bếp…

Chọn sản phẩm an toàn cho da nhạy cảm

Sản phẩm gốc thực vật sẽ đáp ứng những tiêu chí dưới đây:

Chú trọng hàng đầu yếu tố “an toàn cho sức khỏe”

Ghi rõ tỷ lệ % thành phần nguyên liệu gốc thực vật

Không mùi hoặc mùi hương chiết xuất từ thiên nhiên

Không chỉ bảo vệ làn da, những sản phẩm gốc thực vật còn đảm bảo sức khỏe lâu dài cho cả nhà của bạn, đặc biệt là tương lai của con.

Mua sản phẩm có nguồn gốc đáng tin cậy

Những sản phẩm có nguồn gốc đáng tin cậy sẽ đảm bảo các yếu tố dưới đây:

Nhãn hàng có ghi rõ nguồn gốc xuất xứ một cách minh bạch

Thương hiệu sản phẩm được nhiều người biết đến rộng khắp

Sản phẩm được bày bán ở các siêu thị hoặc đại lý của thương hiệu

Bạn cần tránh sử dụng sản phẩm có chứa hóa chất trong gia đình và không nên bị mê hoặc bởi các yếu tố như bao bì đẹp, mùi hương quyến rũ… Thay vào đó, bạn hãy mua sản phẩm có nguồn gốc từ thiên nhiên an toàn để bảo vệ sức khỏe lâu dài cho bé.

Mặc dù có cấu trúc tương tự như da người lớn nhưng da chưa trưởng thành của bé có thể dễ bị tổn thương và nhạy cảm hơn với các tác nhân bên ngoài. Vì thế, điều mẹ cần làm là chọn lựa những sản phẩm gia đình an toàn cho da bé nhằm giúp cuộc sống của con chất lượng hơn nhé.

[embed-health-tool-bmi]

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Eczema in Babies and Children
https://www.healthychildren.org/English/health-issues/conditions/skin/Pages/Eczema.aspx
Ngày truy cập: 13.07.20200

Avoiding Dry Winter Skin in Babies and Toddlers
https://www.healthychildren.org/English/health-issues/conditions/skin/Pages/Avoiding-Dry-Winter-Skin-in-Babies-and-Toddlers.aspx
Ngày truy cập: 13.07.20200

Skincare for babies
https://www.rch.org.au/kidsinfo/fact_sheets/Skincare_for_babies/
Ngày truy cập: 13.07.20200

Phiên bản hiện tại

20/05/2022

Tác giả: Hoa Vũ

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

Cập nhật bởi: Hoa Vũ


Bài viết liên quan

Cách xử lý khi bị ong đốt để tránh bị sưng và hết đau nhức

Bệnh chàm có lây không? Những điều bạn cần nên biết


Tham vấn y khoa:

Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: Hoa Vũ · Ngày cập nhật: 20/05/2022

ad iconQuảng cáo

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo