Gãy xương là loại chấn thương phổ biến thứ tư đối với trẻ em dưới 6 tuổi. Té ngã là nguyên nhân thường gặp nhất dẫn đến gãy xương ở lứa tuổi này. Gãy xương ở trẻ em rất khác biệt so với người lớn, bởi vì xương của trẻ em linh hoạt hơn và có lớp vỏ dày hơn. Gãy xương ở trẻ hiếm khi đòi hỏi phải phẫu thuật, chúng chỉ cần giữ yên, ít chuyển động bằng cách bó bột. Bài viết sẽ hướng dẫn cách sơ cứu kịp thời khi con bạn bị gãy xương.
Các triệu chứng khi con bạn gãy xương
- Đau đớn: đứa trẻ của bạn có thể bị đau khi cố gắng đi hay mang vác một thứ gì đó;
- Bầm tím: bạn cần phải chú ý vết bầm tím quanh vùng bị thương của con. Con bạn sẽ nói rằng chúng cảm thấy đau ở những vùng này;
- Sưng: khi bị gãy xương, con của bạn có thể bị những cục u nổi lên hay có sự thay đổi khác thường trên chân hoặc tay;
- Tiếng gãy rắc: đứa trẻ sẽ nói rằng chúng có thể nghe những tiếng động như thế khi bị thương;
- Tê: đây là dấu hiệu của việc bị tổn thương thần kinh. Những thay đổi màu da cũng có nghĩa tương tự;
- Không thể duỗi thẳng: bé cũng có thể gặp tình trạng này ở những vùng như khuỷu tay. Khi đó trẻ sẽ không thể duỗi thẳng vùng bị thương này;
- Không thể di chuyển tay chân bình thường: đây không phải là dấu hiệu luôn luôn có khi bị gãy xương. Một số đứa trẻ có thể vẫn đi lại bình thường khi xương bị gãy.
Cách tự sơ cứu khi xương của con bị gãy
Khi bạn nghĩ con mình đã gãy xương, hãy gọi cấp cứu nếu xương xuyên qua da hay nghi ngờ đầu, cổ hay lưng của đứa trẻ bị thương. Nếu không phải những trường hợp như thế bạn cũng nên đến gặp bác sĩ càng sớm càng tốt.
Khi trẻ bị gãy xương, trước khi đưa đến trung tâm y tế, bạn có thể sơ cứu bằng cách cho con nằm xuống, đặt lên vùng bị thương một miếng gạc hay một miếng vải sạch. Đừng cố gắng vặn xương trở lại vị trí và bạn cũng đừng nên rửa vùng bị thương.
Nếu bạn không thể nhìn thấy xương bị gãy, đừng để cho đứa trẻ di chuyển. Bạn có thể thử cắt đi những vùng quần áo xung quanh chỗ bị thương để tìm kiếm chỗ xương gãy. Tuy nhiên, bạn hãy làm thật nhẹ nhàng và cẩn thận để bé không đau đớn thêm.
Quấn đá lạnh hay một miếng gạc lạnh trong một miếng vải và đặt nó lên vùng da bị tổn thương. Điều này sẽ làm cho vùng da ít bị đau hơn. Tuy nhiên, bạn đừng nên làm điều này với trẻ sơ sinh và trẻ mới biết đi bởi vì nhiệt độ lạnh có thể làm đau và tổn hại đến vùng da của chúng.
Dùng một thanh nẹp để ổn định vùng bị thương cũng là một cách tốt. Bạn đừng nên cho trẻ ăn bất kì đồ ăn thức uống hay thuốc trong trường hợp chúng cần phẫu thuật.
Những điều lưu ý khi điều trị y tế
Sau khi kiểm tra vùng tổn thương, bác sĩ có thể yêu cầu trẻ phải đi chụp X quang để xem xét mức độ gãy xương. Nếu bác sĩ nghi ngờ sự tăng trưởng của xương bị ảnh hưởng hay xương bị lệch thì sẽ có những tư vấn về chỉnh hình khác.
Bởi vì xương của trẻ lành lại rất nhanh nên bó bột hay đôi khi chỉ là một thanh nẹp cố định có thể đã có tác dụng với những vết nứt nhỏ. Đối với những xương gãy và lệch, bác sĩ có thể chỉ định phẫu thuật sắp xếp xương. Sau khi phẫu thuật, con bạn cũng sẽ phải bó bột cho đến khi xương lành nhưng cũng sẽ chỉ mất khoảng thời gian ngắn hơn so với xương người lớn và điều này phụ thuộc vào độ tuổi của trẻ.
Thông thường bó bột có thể giảm đau nhanh chóng, tuy nhiên nếu con bạn bị đau quá mức, tê hay ngón tay, ngón chân nhợt nhạt hoặc xanh, bạn phải đến bệnh viện ngay lập tức. Nếu bó bột không vừa, việc sưng như thế có thể ảnh hưởng đến dây thần kinh, cơ mạch máu và gây những tác hại khôn lường. Để giải quyết tình trạng này, bác sĩ có thể tháo bột ra, mở một khoảng trống hay có thể thay thế loại bó khác có kích cỡ lớn hơn.
Bạn cũng nên nói cho bác sĩ biết khi bột bị nứt hay quá rộng hoặc khi thạch cao bị ẩm. Nếu bó bột không an toàn và đúng cách, việc bó bột sẽ không làm cho xương bị gãy của con bạn hàn gắn một cách chính xác.
Gãy xương ở trẻ nhỏ có thể khiến bé chịu nhiều đau đớn. Nếu chẳng may con bạn rơi vào tình trạng này, bạn nên có những bước sơ cứu kịp thời trước khi đưa bé đến bệnh viện nhé.
[embed-health-tool-bmi]