backup og meta

Bị say nắng nên làm gì? Cách phòng ngừa say nắng, sốc nhiệt

Bị say nắng nên làm gì? Cách phòng ngừa say nắng, sốc nhiệt

Mùa hè là dịp lý tưởng để bạn tận hưởng những chuyến du lịch, song đây cũng là thời điểm bạn có nguy cơ bị say nắng cao nhất trong năm. Vậy bị say nắng nên làm gì? 

Say nắng là tình trạng xảy ra khi cơ thể bạn quá nóng, thường là do tiếp xúc kéo dài với nắng nóng hoặc gắng sức hoạt động quá mức ở nhiệt độ cao. Đây là dạng chấn thương nhiệt nghiêm trọng nhất, say nắng có thể xảy ra nếu nhiệt độ cơ thể của bạn tăng lên 40 độ C hoặc cao hơn. Tình trạng say nắng thường xảy ra vào mùa hè, đặc biệt là trong những ngày nắng nóng cao điểm.

Khi bị say nắng, người bệnh không chỉ mệt mỏi, hoa mắt chóng mặt, nhức đầu, buồn nôn… mà còn có thể gây đột quỵ. Nếu bệnh nhân không được xử trí kịp thời có thể để lại các di chứng thần kinh không hồi phục, thậm chí tử vong.

Mùa hè với tiết trời nắng nóng cùng độ ẩm không khí thấp, thời gian nắng lại kéo dài khiến cơ thể bạn dễ mất nhiều nước, gây nên tình trạng mệt mỏi và hậu quả là bị say nắng. Bạn hãy cùng Hello Bacsi tìm hiểu rõ hơn để bảo vệ bản thân cùng gia đình vượt qua cơn say nắng nhé.

Nguy cơ bị say nắng bạn nên biết

Mọi người đều có khả năng bị say nắng, tuy nhiên khả năng ấy có thể cao hơn đối với một số đối tượng. 

1. Đối tượng thường bị say nắng

ánh nắng mặt trời

Khả năng đối phó với nhiệt độ cao của bạn phụ thuộc vào sức mạnh của hệ thống thần kinh trung ương. Hệ thống thần kinh trung ương của trẻ em chưa phát triển đầy đủ, khả năng điều hòa thân nhiệt chưa hoàn thiện khiến trẻ chậm thích nghi với nhiệt hơn so với người lớn.

Ngược lại, người lớn trên 65 tuổi thì hệ thống thần kinh trung ương bắt đầu yếu đi, vì thế khả năng mắc bệnh khi trời nắng nóng rất dễ xảy ra. Ngoài ra, những người bị các bệnh mạn tính như bệnh tim, bệnh phổi, thận, tăng huyết áp, bệnh tiểu đường cũng có nguy cơ cao bị say nắng.

Những đối tượng có sức chịu đựng kém như trẻ nhỏ, người già yếu hay những người làm việc tiếp xúc với môi trường nắng nóng mà điều kiện bảo vệ không tốt sẽ dễ bị say nắng.

2. Nguyên nhân khiến bạn bị say nắng

Bạn có thể bị say nắng nếu tiếp xúc với nắng nóng mặt trời trong thời gian dài. Đặc biệt trong những ngày hè nóng bức, nhiệt độ không khí gia tăng thì nếu bạn ở ngoài trời lâu sẽ rất dễ rơi vào tình trạng này. Dưới tác dụng liên tục của ánh sáng mặt trời gay gắt, trung tâm điều hòa thân nhiệt cơ thể sẽ bị chấn động làm rối loạn điều hòa thân nhiệt cùng với hiện tượng mất nước cấp của cơ thể.

Ngoài ra, bạn có thể bị say nắng khi hoạt động thể chất quá mức như chơi các môn thể thao cường độ cao hay làm việc ở điều kiện môi trường nóng bức. Không chỉ vậy, chế độ dinh dưỡng không tốt như thiếu nước và chất dinh dưỡng khác cũng làm tăng nguy cơ say nắng. Các dấu hiệu mà người bệnh có thể gặp phải là nhiệt độ cơ thể tăng cao, mặt đỏ, đau đầu, chóng mặt, choáng váng, khó thở, thậm chí là ngất xỉu.

Bị say nắng nên làm gì?

Bị say nắng nên làm gì?

Tình trạng say nắng hay sốc nhiệt có thể để lại nhiều hậu quả nghiêm trọng. Do đó, việc nắm được những kiến thức cơ bản để sơ cứu người bị say nắng là rất cần thiết. Nếu bạn nghi ngờ ai đó bị say nắng, hãy gọi ngay cho cấp cứu hoặc đưa ngay người đó đến bệnh viện.

Trong khi chờ nhân viên y tế đến, bạn hãy tiến hành sơ cứu cho nạn nhân. Đầu tiên, hãy di chuyển người đó đến nơi có máy điều hòa hoặc khu vực râm mát và cởi bỏ quần áo không cần thiết.

Nếu có nhiệt kế, hãy đo thân nhiệt của người đó và tiến hành sơ cứu để hạ nhiệt độ cơ thể nạn nhân xuống dưới 39 độ C. Nếu không có sẵn nhiệt kế, bạn vẫn cần sơ cứu cho nạn nhân. Hãy thử các phương pháp làm mát cơ thể sau:

  • Lấy khăn ướt lau người và quạt mát cho nạn nhân
  • Chườm túi đá vào nách, bẹn, cổ, lưng của bệnh nhân. Đây là những khu vực có nhiều mạch máu gần da, việc làm mát chúng có thể làm giảm nhiệt độ cơ thể.

Cách phòng tránh say nắng hiệu quả

Cách chống say nắng hiệu quả là bạn cần tránh các nguyên nhân có thể khiến bạn bị say nắng như tiếp xúc ánh nắng mặt trời quá lâu, làm việc quá sức, chế độ dinh dưỡng kém…

1. Tránh ánh nắng trực tiếp

Cách phòng tránh say nắng

Bạn nên tránh ra ngoài trời lúc trời nắng nóng vào giờ cao điểm. Nếu có thể thì bạn nên hạn chế ra đường trong khoảng thời gian từ 12 giờ đến 15 giờ mỗi ngày. Mỗi khi ra ngoài đường, bạn nên mặc trang phục kín đáo che nắng với khẩu trang, khăn choàng, áo khoác, váy chống nắng…

Ngoài ra, bạn cần trang bị thêm mũ, nón rộng vành hoặc ô dù để che nắng tốt hơn. Bạn cũng cần bôi kem chống nắng thường xuyên để bảo vệ cơ thể chống ánh nắng trực tiếp.

Đối với người thường xuyên phải làm việc nặng nhọc luôn cần trang bị đầy đủ thiết bị chống nắng chuyên dụng khi lao động, làm việc ngoài trời nắng như quần áo bảo hộ lao động, mũ, nón, kính.

2. Nghỉ ngơi hợp lý

Bạn cần tránh làm việc quá sức, đặc biệt là dưới nhiệt độ cao. Bạn chỉ nên thực hiện những hoạt động nhẹ nhàng vào những thời điểm nóng nhất trong ngày. Nếu bạn không thể tránh hoạt động gắng sức trong thời tiết nóng thì hãy uống nước và trong lúc tập luyện nên xen kẽ việc nghỉ ngơi thường xuyên ở nơi mát mẻ.

Bạn có thể tập thể dục vào buổi chiều khi thời tiết mát mẻ hơn thay vì tập luyện vào buổi trưa nóng bức, nếu không thể thay đổi lịch tập luyện thì nên chọn phòng tập có không khí thoáng mát và dễ chịu.

3. Uống nhiều nước để tránh bị say nắng

Uống nhiều nước

Nước sẽ giúp cơ thể bạn đổ mồ hôi và duy trì nhiệt độ cơ thể bình thường. Bên cạnh đó, bạn hãy ăn nhiều thực phẩm góp phần phòng ngừa say nắng như rau quả xanh, đặc biệt khi tiết trời hanh khô nóng nực. Bạn không quên uống bù lượng nước mà cơ thể mất đi do trời quá nóng hay hoạt động quá nhiều gây ra.

Bạn nên tạo cho mình thói quen thường xuyên uống nước dù chưa khát. Đặc biệt, bạn có thể uống nhiều nước có pha muối hoặc uống dung dịch oresol, nước trái cây để gia tăng hiệu quả bù nước cho cơ thể.

4. Thận trọng khi sử dụng thuốc

Hãy cảnh giác với các vấn đề liên quan đến nhiệt nếu bạn dùng các loại thuốc có thể ảnh hưởng đến khả năng giữ nước và tản nhiệt của cơ thể. Một số loại thuốc cũng có thể làm người sử dụng có nguy cơ cao bị say nắng như thuốc ức chế beta, thuốc lợi tiểu và một số loại được sử dụng để điều trị trầm cảm, rối loạn tâm thần, hoặc hội chứng rối loạn tăng động giảm chú ý.

Nếu bạn đang bị say nắng thì cũng có một số loại thuốc nhất định không được dùng đến vì chỉ làm cho tình trạng trở nên tệ hơn, ví dụ như thuốc hạ sốt aspirin hoặc acetaminophen.

5. Không ở lâu trong xe ô tô đang đậu

Không ở lâu trong xe ô tô đang đậu

Trên các phương tiện truyền thông đã ghi nhận rằng có nhiều trường hợp tử vong khi trẻ em lại trong chiếc xe ô tô đang được đậu vì nhiệt độ của xe có thể tăng lên khá cao. Khi đậu xe dưới ánh nắng mặt trời, nhiệt độ trong xe của bạn có thể tăng hơn 6,7 độ C trong 10 phút. Khi chạy xe thì bạn thường bật điều hòa để duy trì nhiệt độ ổn định nên tránh được tình trạng này.

Bạn không nên ở trong xe đang đậu trong thời tiết ấm áp hoặc nóng, ngay cả khi cửa sổ bị nứt hoặc xe được đậu trong bóng râm. Khi xe của bạn đang đậu, hãy khóa nó lại để ngăn trẻ em có thể bước vào trong.

6. Giữ môi trường thoáng mát

Môi trường làm việc thoáng mát, đặc biệt là các công xưởng, hầm lò rất có ý nghĩa trong việc phòng chống say nắng, say nóng. Khi ấy, bạn không chỉ thấy thoải mái, dễ chịu để làm việc hiệu quả hơn mà còn tránh được tình trạng tăng thân nhiệt quá mức dẫn đến bị say nắng.

Hãy áp dụng nhiều biện pháp nhằm giúp môi trường xung quanh bạn mát mẻ hơn như sử dụng quạt gió, quạt phun sương, điều hòa nhiệt độ, mở cửa sổ cho thoáng khí.

Bất cứ ai cũng có nguy cơ bị say nắng nếu không biết cách đề phòng cẩn thận. Vì vậy, bạn cần biết phải làm gì khi ai đó bị say nắng, cũng như chú ý cách phòng ngừa say nắng để bảo vệ sức khỏe của bản thân tốt hơn nhé!

[embed-health-tool-bmi]

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Heat Stroke: Symptoms and Treatment

https://www.webmd.com/a-to-z-guides/heat-stroke-symptoms-and-treatment#1

Ngày truy cập 20.03.2019

Heat Exhaustion

https://www.webmd.com/fitness-exercise/heat-exhaustion#1

Ngày truy cập 20.03.2019

Heatstroke

https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/heat-stroke/symptoms-causes/syc-20353581

Ngày truy cập 20.03.2019

Phiên bản hiện tại

24/01/2021

Tác giả: Phan Vân Anh

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

Cập nhật bởi: Dung Nguyễn


Bài viết liên quan

“Giải mã” 5 hiểu lầm thường gặp khi chăm sóc vết thương

Triệu chứng chóng mặt đáng báo động hơn bạn nghĩ?


Tham vấn y khoa:

Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: Phan Vân Anh · Ngày cập nhật: 24/01/2021

ad iconQuảng cáo

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo