backup og meta

Vượt qua cám dỗ trong quá trình cai thuốc lá (giai đoạn 3)

Vượt qua cám dỗ trong quá trình cai thuốc lá (giai đoạn 3)

Khi đã chọn được một ngày thích hợp để cai thuốc lá, việc tiếp theo bạn cần làm đó chính là vượt qua được tất cả các thử thách, cám dỗ trong quá trình cai thuốc lá.

Ở giai đoạn 2, sau khi đã chọn được ngày bỏ thuốc và có các bước chuẩn bị ban đầu. Trước ngày bỏ thuốc, bạn cần chuẩn bị thật kỹ để tinh thần lẫn thể chất sẵn sàng rời xa điếu thuốc. Quá trình cai nghiện nicotine là cuộc đấu tranh cả về thể chất lẫn tinh thần. Các triệu chứng về thể chất làm cơ thể cảm thấy khó chịu. Đây chính là chất xúc tác để cám dỗ bạn hút thuốc trở lại. Nếu quyết tâm của bạn đủ vững vàng thì dù thèm muốn thế nào, bạn cũng có thể vượt qua được. Vì vậy, vượt qua cám dỗ tinh thần mới chính là thử thách lớn hơn cả trong việc cai thuốc lá.

Quyết tâm cao độ mà bạn vẫn muốn hút?

Thông thường, hành động châm điếu thuốc gắn liền với nhiều thói quen khác, ví dụ như thức dậy vào buổi sáng, ăn uống, đọc sách, xem ti vi hay uống cà phê. Khi từ bỏ thuốc lá, bạn sẽ mất thời gian để “tách” việc hút thuốc khỏi các hoạt động này. Đây là lý do tại sao dù có, bạn vẫn muốn hút thuốc.

Đừng viện bất kỳ lý do nào

Một cách để vượt qua những ham muốn hay cảm giác thèm hút thuốc là nhận ra được những lý do nghe có vẻ hợp lý được đưa ra nhằm đánh bại bản thân bạn trong quá trình cai thuốc lá. Bạn nên nhớ rằng tất cả chúng đều không thực mà chỉ là những biện minh sai lầm để lôi kéo bạn hút trở lại mà thôi. Một số lý do thường được đưa ra là:

  • “Chỉ một điếu thôi mà”
  • “Hôm nay không phải là một ngày tốt lành. Tôi sẽ cai thuốc lá vào ngày mai.”
  • “Đó là thói xấu duy nhất của tôi.”
  • “Hút thuốc có thật sự tệ không? Ông bác cạnh nhà hút thuốc cả đời mà vẫn thọ được hơn 90 tuổi.”
  • “Ô nhiễm không khí cũng tệ như vậy mà.”
  • “Ai rồi cũng phải chết.”
  • “Cuộc sống còn gì là niềm vui nếu không hút thuốc.”
  • “Tôi phải chịu nhiều áp lực. Hút thuốc giúp tôi thư giãn.’
  • “Hút thuốc giúp tôi làm việc hiệu quả hơn.”
  • “Tôi không biết phải làm gì cho khuây khỏa”
  • “Đôi khi tôi bị thôi thúc bởi thuốc lá gần như không thể cưỡng lại”

Bạn có lẽ có thể bổ sung thêm vào danh sách liệt kê trên. Khi trải qua những ngày đầu tiên cai thuốc, danh sách lý do sẽ dài dần thêm. Nhưng dù là gì đi nữa, thì tất cả chúng đều chỉ nhằm mục đích muốn bạn bỏ cuộc mà thôi. Hãy chứng minh điều ngươc lại. Tập trung làm việc khác, lên một kế hoạch hành động, hay bất kì phương pháp nào khác để định hướng lại suy nghĩ.

Đánh bại động cơ hút thuốc

Có phải bạn thường hút thuốc lá khi uống cà phê đọc báo buổi sáng? Hoặc bạn hay hút một điếu thuốc lá khi lướt web trước khi đi ngủ?

Những thói quen hoặc hành động bạn thường làm cùng với hút thuốc lá được gọi là động cơ hút thuốc. Cũng như ly cà phê vào buổi sáng hoặc đọc sách trước đi ngủ, hút thuốc đã trở thành một phần trong cuộc sống của bạn. Và khi bạn bỏ thuốc lá mà vẫn giữ những thói quen khác, theo phản xạ tự nhiên, cơ thể bạn sẽ không chịu được. Bằng cách tập luyện, bạn có thể đánh tan thói quen cũ và bắt đầu với thói quen mới lành mạnh hơn nhiều so với việc hút thuốc.

Bạn hãy xem qua một số ý tưởng sau đây để vượt qua những động cơ khiến bạn lên cơn thèm thuốc lá nhé!

  • Làm xao lãng bản thân. Ví dụ như uống cà phê và nói chuyện phiếm thay vì hút thuốc.
  • Dùng đồ ăn vặt lành mạnh thay cho điếu thuốc. Rau củ quả sống, hạt/ đậu/bơ đậu phộng và trái cây là những lựa chọn rất tốt. Nhai kẹo cao su không đường hoặc dùng kẹo cay cũng là ý tưởng không tồi chút nào!
  • Tránh uống đồ uống có cồn hoặc đẩy bản thân vào môi trường chỉ toàn những người hút thuốc. Uống rượu bia và tiếp xúc với những người hút thuốc lá sẽ ảnh hưởng đến bạn trong quá trình cai nghiện. Bạn đừng mong đợi bạn sẽ thoát được trong vài tuần đầu, hoặc thậm chí vài tháng đầu trong giai đoạn ngưng hút thuốc. Hãy dành thời gian bạn cần để hồi phục và đừng để bản thân vào những tình huống mà bạn không thể xử lý được cơn nghiện của mình.

Tìm kiếm nguồn hỗ trợ

Từ bỏ hút thuốc lá vĩnh viễn sẽ trở nên dễ dàng duy trì hơn nếu bạn nhận được sự hỗ trợ mạnh mẽ và tích cực từ bên ngoài. Nhưng bạn cần lưu ý rằng, bạn bè và gia đình có thể khuyên nhủ bạn, nhưng nếu họ không hút thuốc, họ có thể sẽ không hiểu được việc bạn từ bỏ hút thuốc có ý nghĩa sâu sắc đến bạn ra sao.

Do đó, nếu có thể, bạn nên tìm đến những nhóm những người cùng bỏ thuốc lá hoặc ai đó đã bỏ thuốc lá thành công mà bạn quen biết để nói chuyện cũng như chia sẻ suy nghĩ của mình.

Vượt qua 4 thủ phạm khiến bạn thèm thuốc lá

Hãy thử xem xét những lý do nào khiến bạn chần chừ hay “ngụy biện” cho việc không cần phải bỏ thuốc lá. Và cùng xem cách tiêu diệt những “thủ phạm” đáng ghét đó nhé!

1. Cơn đói bụng

Nếu bạn đói, hãy ăn một bữa ăn vặt hoặc một bữa ăn chính. Phương pháp giải quyết sẽ là thức ăn chứ không phải điếu thuốc. Hãy cố gắng ăn điều độ cho đến khi bạn đã kiểm soát được tình hình và cũng đừng băn khoăn nếu bạn lỡ có tăng cân. Việc từ bỏ hút thuốc phải nằm trong danh sách những ưu tiên hàng đầu cho đến khi bạn thực hiện được.

2. Cơn giận dữ

Hầu hết mọi người khi giận dữ sẽ rất dễ lên cơn thèm thuốc lá. Hãy tìm đến những phương pháp giải tỏa lành mạnh nhằm làm giảm đi cảm giác giận dữ. Nếu có thể, hãy đối mặt với những vấn đề khiến bạn cảm thấy khó chịu và tự mình giải quyết.

Hãy tâm sự với bạn bè, gia đình hoặc bạn có thể viết nhật ký về những cảm xúc mà bạn đang phải trải qua. Bạn không được để cơn giận sôi sục và chiếm lấy toàn bộ tâm trí bạn. Châm một điếu thuốc có vẻ là một cách chữa cháy nhanh, nhưng việc này hoàn toàn sai lầm. Chúng ta có thể sẽ không bao giờ được chọn những sự kiện xảy ra xung quanh ta nhưng chúng ta phải kiểm soát những tình huống bên ngoài có thể ảnh hưởng đến cảm xúc của ta.

3. Nỗi cô đơn

Cô đơn, chán nản là những cảm xúc đáng ghét khiến bạn tìm đến điếu thuốc. Hãy vứt bỏ sự cô đơn và chán nản đó bằng cách ra ngoài đi bộ, xem phim với bạn bè hoặc thực hiện các sở thích riêng. Hãy đưa ra danh sách những việc bạn thích làm và lên kế hoạch thực hiện chúng ngay sau đó. Cảm giác thú vị sẽ giúp bạn thoát khỏi động cơ khiến bạn phải chạm lấy điếu thuốc.

Nếu bản thân bạn cảm thấy sợ hãi, hãy cố gắng thay đổi thái độ của chính mình, nhờ sự giúp đỡ của những người xung quanh. Hãy luôn nhớ kỹ, hút thuốc lá không bao giờ là tốt cho bạn, và cả gia đình bạn, những người xung quanh bạn.

4. Sự mệt mỏi

Mệt mỏi là động cơ lớn nhất đối khiến người mới bắt đầu từ bỏ thuốc lá bỏ cuộc. Thay vì châm điếu thuốc khi bạn cảm thấy mệt mỏi, hãy cho phép bản thân bạn nghỉ ngơi và thư giãn một chút. Hãy ngủ một giấc ngủ ngắn hoặc lên giường ngủ sớm nếu bạn cảm thấy cần thiết. Nghe có vẻ đơn giản nhưng trên thực tế mọi người thường “tham công tiếc việc” và quên mất rằng mình thật sự đang mệt mỏi và cần được nghỉ ngơi.

Cùng với việc vượt qua cám dỗ, lúc này bạn  sẽ cần quan tâm đến việc quản lý thói quen hằng ngày khi cai thuốc lá cũng chính là giai đoạn tiếp theo của hành trình . Trong hành trình 7 giai đoạn cai thuốc lá bạn đừng vội nản chí, hãy luôn tỉnh táo và vững tin vào ý chí của mình. Dần dần, bạn sẽ thấy mình không còn quá lệ thuộc vào thuốc lá nữa.

Hành trình 7 giai đoạn cai thuốc lá thành công:

Giai đoạn 1: Quyết tâm cai thuốc lá

Giai đoạn 2: Bạn cần chú ý gì khi chọn ngày bắt đầu cai thuốc lá

Giai đoạn 3: Vượt qua cám dỗ trong quá trình cai thuốc

Giai đoạn 4: Quản lý thói quen thường ngày khi cai thuốc lá

Giai đoạn 5: Đối phó với căng thẳng khi cai thuốc lá

Giai đoạn 6: Cai thuốc lá thành công – Tự thưởng thôi!

Giai đoạn 7: Không để bản thân tái nghiện thuốc lá

Chúc bạn chiến thắng bản ngã và vượt qua cơn thèm thuốc lá thành công!

KHỞI ĐẦU  ← Giai đoạn 2 – Giai đoạn 4 →

[embed-health-tool-bmi]

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

http://smokefree.gov/. Ngày truy cập 31/05/2015

http://www.cdc.gov/tobacco/quit_smoking/index.htm. Ngày truy cập 31/05/2015

http://umassmed.edu/healthyheart/patientinfo/Change/smokingdecision/. Ngày truy cập 31/05/2015

http://quit.org.au/preparing-to-quit/getting-ready. Ngày truy cập 31/05/2015

Phiên bản hiện tại

01/02/2018

Tác giả: Ban biên tập Hello Bacsi

Tham vấn y khoa: TS. Dược khoa Trương Anh Thư

Cập nhật bởi: Phú Trung


Bài viết liên quan

Cách xử lý khi bị ong đốt để tránh bị sưng và hết đau nhức

Tác hại của thuốc lá đến mẹ bầu và trẻ nhỏ


Tham vấn y khoa:

TS. Dược khoa Trương Anh Thư

Dược · Bệnh viện Đại học Y Dược TP. HCM


Tác giả: Ban biên tập Hello Bacsi · Ngày cập nhật: 01/02/2018

ad iconQuảng cáo

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo