backup og meta
Chuyên mục
Hỏi bác sĩ
Lưu
Công cụ
Mục lục bài viết

Cẩm tú cầu

Tham vấn y khoa: Bác sĩ CKI Võ Thị Nhung · Y học cổ truyền · Quân Y Viện 7A


Tác giả: Quyên Thảo · Ngày cập nhật: 27/03/2023

Cẩm tú cầu

Có một thời kỳ vào những năm đầu 2000, cây cẩm tú cầu lá to được biết đến với tên trà Nhật và được quảng cáo rầm rộ với nhiều công dụng tuyệt vời cho sức khỏe như điều trị bệnh tiểu đường, chữa huyết áp cao, thanh nhiệt mát gan… 

Sở dĩ có tên gọi như vậy là bởi vì cẩm tú cầu có cùng họ với loài cây trà Nhật được di thực trồng tại Sa Pa từ năm 1992 do Viện Dược liệu TƯ (Bộ Y tế)  ký hợp đồng theo đơn đặt hàng với Công ty Hônso Nhật Bản với mục đích là thu hoạch lá cây trà Nhật để chế biến thuốc hút không có chất nicotin. Nhưng thực tế cẩm tú cầu và cây trà Nhật là 2 loài cây khác nhau. 

Vậy thực hư tác dụng của loài hoa này ra sao, cẩm tú cầu có độc không? Cùng tìm hiểu nhé!

Tên thường gọi: Cẩm tú cầu, trà Nhật

Tên khoa học: Hydrangea macrophylla

Tên tiếng Anh: Hydrangea

Tìm hiểu chung về cây cẩm tú cầu

Cẩm tú cầu là một loài hoa đẹp, dạng cây bụi, thân thẳng, có thể cao tới 3 mét và ít cành nhánh.

Lá mọc đối. Lá màu xanh, hình trứng, đầu nhọn, mép răng cưa thô, dài 10-20cm, rộng 6-14cm.

Hoa cẩm tú cầu mọc thành cụm lớn, dày đặc ở ngọn cây. Mỗi bông có 4-5 cánh. Màu hoa thay đổi theo độ pH của đất, có rất nhiều màu như xanh, hồng, hồng tím, trắng… Hoa cẩm tú cầu không thơm.

Quả nang dài 6-8mm, đường kính 1-3mm. Hạt nhiều, nhỏ, màu nâu.

Loài hoa này có mặt nhiều ở vùng Bắc Mỹ và các nước châu Á.

Ở Việt Nam, chúng ta thường thấy cẩm tú cầu được trồng làm cảnh ở góc hay hai bên lối đi vườn nhà, công viên…. Những cánh đồng hoa cẩm tú cầu Đà Lạt là địa điểm thu hút rất nhiều du khách.

Công dụng

Hoa cẩm tú cầu

Hiện tại, các nghiên cứu đã chỉ ra, toàn cây hoa cẩm tú cầu đều có độc. Trong đó, tính độc có nhiều nhất ở hoa và lá. Tuy nhiên, rễ của loài cây này được chứng minh là có các tác dụng dược lý sau: 

1. Thuốc lợi tiểu tự nhiên

Do đặc tính lợi tiểu nên rễ cây cẩm tú cầu thường được sử dụng để hỗ trợ điều trị các bệnh về thận và bàng quang.

2. Tốt cho sức khỏe đường tiết niệu

Như hầu hết các loại thảo dược có công dụng lợi tiểu, rễ cây cẩm tú cầu hoặc trà rễ cẩm tú cầu là những lựa chọn tuyệt vời để điều trị tình trạng nhiễm trùng đường tiết niệu và bàng quang.

Tác dụng lợi tiểu giúp loại bỏ các tạp chất khỏi hệ tiết niệu, bao gồm thận, bàng quang, tiền liệt tuyến (ở nam giới) và niệu đạo.

3. Giúp phòng chống sỏi thận, sỏi bàng quang

Rễ cẩm tú cầu có thể giúp làm tan sỏi thậnsỏi túi mật. Nó cũng giúp chống vôi hóa cơ và gai xương hiệu quả.

Cẩm tú cầu có được đặc tính này là do hợp chất hydrangin – một glycosid trong rễ. Chất này giúp những viên sỏi mềm và tan ra, giảm đau do sỏi và khiến chúng dễ dàng trôi ra ngoài theo đường tiết niệu mà không gây thêm tổn thương. Điều này được công nhận bởi Tiến sĩ Edward E Shook.

4. Chống viêm

Loại thảo dược này có tác dụng chống viêm là do có chứa alkaloid trong rễ. Tác dụng của chúng tương tự như thuốc chống viêm non steroid (NSAID). Rễ của cây cẩm tú cầu có tác dụng trong việc giảm viêm cả bên trong lẫn bên ngoài cơ thể.

5. Chống oxy hóa

Rễ cẩm tú cầu chứa một số chất chống oxy hóa tự nhiên. Chúng giúp bảo vệ cơ thể khỏi các gốc tự do gây hại, thậm chí đảo ngược tổn thương tế bào. Những chất chống oxy hóa này cũng đóng vai trò quan trọng trong việc làm chậm quá trình lão hóa, giúp ngăn ngừa nhiều dấu hiệu lão hóa như nếp nhăn và các nhược điểm khác trên da.

Về tác dụng này, một nghiên cứu của Nhật Bản năm 2003 đã kết luận rễ cẩm tú cầu có tác dụng chống oxy hóa còn mạnh hơn cả nghệ và cây kế sữa kết hợp.

6. Điều trị các rối loạn liên quan đến tự miễn dịch

Gần đây, loại thảo dược này đã được nghiên cứu để xác định công dụng của nó với các rối loạn tự miễn dịch như viêm khớp dạng thấp, đa xơ cứng, bệnh viêm ruột, đái tháo đường tuýp 1, bệnh chàm và bệnh vẩy nến.

Một nghiên cứu được công bố trên số ra tháng 6 – 2009 của tạp chí Khoa học (Science) cho thấy một hợp chất chiết xuất từ hoa cẩm ​​tú cầu là halofuginone có công dụng làm giảm các triệu chứng bệnh rối loạn tự miễn ở chuột.

7. Giảm lo âu, căng thẳng

Lá của cẩm tú cầu lá to khi lên men có tác dụng chống lo âu, căng thẳng trên chuột, tuy nhiên cơ chế tác dụng của nó còn chưa rõ ràng.

Dù vậy, phát hiện này hứa hẹn tiềm năng của cẩm tú cầu trong điều trị rối loạn tâm lý do căng thẳng. Hy vọng nó sẽ sớm được nghiên cứu kỹ hơn và ứng dụng vào các thực phẩm chức năng và thuốc.

8. Tạo ngọt cho trà

Lá cẩm tú cầu lên men được sử dụng ở Nhật Bản để pha trà ngọt và là nguyên liệu trong làm bánh kẹo cùng nhiều thực phẩm khác. Chế phẩm lá lên men cũng được liệt kê trong Dược điển Nhật Bản.

Tác dụng phụ

hoa cẩm tú cầu

Hoa cẩm tú cầu có độc không?

Toàn cây cẩm tú cầu đều có độc. Nhiều người ăn phải sẽ gặp triệu chứng buồn nôn, nôn mửa, tiêu chảy. Khi tiếp xúc với da, cẩm tú cầu có thể gây viêm da, phát ban hoặc kích ứng. Theo kết quả nghiên cứu của Viện Dược liệu xác định độc tính cấp của dịch chiết lá cẩm tú cầu là LD50 = 37,5g/kg cân nặng chuột (đường uống). Trị số LD50 xác định được cho thấy lá cẩm tú cầu có độc tính khá cao.

Thận trọng khi dùng

Mức độ an toàn của cẩm tú cầu

Loại thảo dược này có thể an toàn cho hầu hết mọi người khi uống chỉ trong vài ngày. Liều khuyến cáo là từ 2-4g rễ khô mỗi ngày, tối đa 3 lần mỗi ngày. Bạn không nên dùng quá 2g một lần.

Có rất ít bằng chứng về sự an toàn của cẩm tú cầu khi dùng trong thời gian dài.

Không có đủ thông tin về việc sử dụng cẩm tú cầu trong thời kỳ mang thai và cho con bú. Tốt nhất, bạn nên tham khảo ý kiến tư vấn của thầy thuốc trước khi sử dụng vị thuốc này.

Tương tác

Cẩm tú cầu có thể tương tác với những gì?

Cẩm tú cầu có tác dụng giống như thuốc lợi tiểu. Dùng cẩm tú cầu có thể làm giảm lượng lithium được loại bỏ khỏi cơ thể, tức là tăng lượng lithium trong cơ thể và gây ra các phản ứng nghiêm trọng. Tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng sản phẩm này nếu bạn đang dùng thuốc có chứa lithium. Bác sĩ có thể thay đổi liều lithium của bạn.

Hiện nay, Viện nghiên cứu dược liệu đã đề nghị ngăn cấm việc lưu hành các sản phẩm phơi khô của cây cẩm tú cầu trên thị trường. Tuy vậy, nhiều hộ dân đặc biệt là vùng núi Sapa vẫn tự trồng cẩm tú cầu, với tên gọi trà Nhật, để bán cho khách du lịch và tự sử dụng tại nhà với nhiều công dụng được thổi phồng lên như chữa được tăng huyết áp, đái tháo đường….Nhưng các công dụng kể trên là hoàn toàn không có. 

  Tuy nhiên, bạn hãy nhớ rằng dù 8 công dụng kể trên của cẩm tú cầu là thật nhưng ít có kiểm chứng trên người và toàn cây đều có độc tính khá cao. Vậy nên bạn cần hỏi ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng loài cây này hay bất kì dược liệu nào.

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Tham vấn y khoa:

Bác sĩ CKI Võ Thị Nhung

Y học cổ truyền · Quân Y Viện 7A


Tác giả: Quyên Thảo · Ngày cập nhật: 27/03/2023

advertisement iconQuảng cáo
app promote banner

Bài viết này có hữu ích với bạn?

advertisement iconQuảng cáo
advertisement iconQuảng cáo