Khi mắc các vấn đề về sức khỏe tâm thần, bạn sẽ cần tìm đến bác sĩ tâm thần hoặc bác sĩ tâm lý để điều trị. Tuy nhiên, bạn có biết khi nào mình nên gặp bác sĩ nào không?
Chắc hẳn bạn không phải là người duy nhất chưa rõ về sự khác biệt của hai chuyên khoa này. Nhiều người vẫn nhầm lẫn hai chuyên khoa tâm lý và tâm thần là một. Mặc dù cả hai có những điểm tương đồng (như cả hai đều được đào tạo để giúp đỡ những người có những triệu chứng bệnh liên quan đến hệ thần kinh) nhưng giữa chúng cũng có những khác biệt quan trọng.
Nhà tâm lý học và nhà tâm thần học đều được trang bị kiến thức về sự hoạt động của bộ não, những cảm xúc, suy nghĩ của con người. Cả hai đều có thể điều trị bệnh tâm thần. Tuy nhiên, bác sĩ tâm thần học trường y và trở thành bác sĩ đa khoa, sau đó họ chọn chuyên khoa tâm thần để theo học. Vì vậy, họ hiểu được mối liên hệ giữa các vấn đề về tinh thần và thể chất, đồng thời họ cũng có thể kê toa thuốc.
Có ba khác biệt chính giữa hai khái niệm này, bao gồm:
Quá trình học tập
Nhà tâm lý học phải học và thực tập ít nhất 6 – 8 năm bao gồm khoảng thời gian học đại học và khoảng thời gian ban đầu mới ra trường hành nghề dưới sự giám sát của các nhà tâm lý có kinh nghiệm. Họ cũng có thể học lên thạc sĩ hoặc tiến sĩ chuyên môn về tâm lý. Nếu họ có bằng tiến sĩ, nhà tâm lý học có thể được gọi là “Tiến sĩ’, nhưng họ vẫn không phải là bác sĩ y khoa.
Bác sĩ tâm thần là những bác sĩ y khoa phải trải qua khoảng thời gian đào tạo khoảng 10 năm hoặc hơn. Đầu tiên, họ phải tốt nghiệp ở một trường y khoa với tấm bằng bác sĩ đa khoa. Sau đó, họ sẽ tiếp tục thực tập ở nhiều khoa khác nhau trong khoảng từ 1 đến 2 năm trước khi học chuyên khoa về tâm thần trong ít nhất 5 năm.
Phương pháp điều trị của bác sĩ tâm thần và tâm lý
Các nhà tâm lý học chủ yếu tập trung vào điều trị bằng các liệu pháp tâm lý. Liệu pháp này thường được bắt đầu bằng giai đoạn nhà tâm lý học tìm hiểu về mối quan tâm, lo lắng của người bệnh. Sau khi nắm rõ vấn đề của bệnh nhân, họ sẽ đưa ra chiến lược điều trị, các phương pháp cụ thể, những bài tập bệnh nhân cần thực hiện và đánh giá sự cải thiện của bệnh nhân.
Trong khi đó, bác sĩ tâm thần thường có thể điều trị bằng nhiều phương pháp hơn so với các chuyên gia về tâm lý học dựa vào vấn đề cụ thể của từng bệnh nhân. Bao gồm những biện pháp như:
- Dùng thuốc
- Kiểm tra sức khỏe tổng thể, bao gồm khám sức khỏe và thực hiện các xét nghiệm
- Các liệu pháp tâm lý
- Liệu pháp kích thích não như liệu pháp phóng điện não (ECT).
Loại bệnh chữa trị thuộc mỗi chuyên ngành
Nhà tâm lý học thường chữa trị các loại bệnh có khả năng tiến triển tốt khi sử dụng các liệu pháp tâm lý như các vấn đề về rối loạn hành vi, rối loạn cảm xúc, học tập khó khăn, trầm cảm và lo âu.
Bác sĩ tâm thần thường chữa trị những người mắc phải bệnh tâm thần nặng – những người cần phải có những phương pháp can thiệp về thuốc, thủ thuật hoặc có thể gây bất ổn cho xã hội. Đây thường là những người mắc phải các bệnh tâm thần phức tạp, ví dụ: trầm cảm nặng, rối loạn lưỡng cực, tâm thần phân liệt… Đặc biệt những người có ý định tự tử cần phải được khám bởi các bác sĩ tâm thần.
Nếu không chắc chắn về việc nên chọn bác sĩ tâm lý hay tâm thần, bạn hãy thảo luận và xin ý kiến của các bác sĩ đa khoa hay bác sĩ gia đình. Họ có thể giới thiệu một nhà tâm lý hoặc nhà tâm thần phù hợp cho bạn. Việc bạn nên gặp bác sĩ nào còn phụ thuộc vào tình trạng bệnh của bạn, một số trường hợp bạn cần phải khám cả ở bác sĩ tâm lý và tâm thần.
[embed-health-tool-bmi]