backup og meta

Bạn có phải là người nghiện công việc?

Bạn có phải là người nghiện công việc?

Có khi nào bạn say mê làm việc đến mức chẳng nhận ra là đã sắp hết một ngày mà mình vẫn còn ngồi bên chiếc laptop? Đó có thể là dấu hiệu cho thấy bạn là một người nghiện công việc đấy!

Trong xã hội hiện đại ngày nay không quá khó để bắt gặp hình ảnh những người nghiện công việc xuất hiện ở khắp mọi nơi. Một người nghiện công việc lẽ dĩ nhiên sẽ đặt ưu tiên hàng đầu là hoàn thành các nhiệm vụ và tâm trí lúc nào cũng luôn bị ám ảnh bởi thứ liên quan đến công việc.

Hãy cùng Hello Bacsi tìm hiểu xem bạn có phải là người nghiện công việc không và tìm cách cân bằng cuộc sống lại một cách lành mạnh hơn nhé!

Người nghiện công việc quên cả bản thân

Chị Lan hoàn toàn không biết rằng nghiện công việc là một vấn đề cho tới khi nhận ra mình chỉ có công việc mà không có cuộc sống riêng. Sau 3 năm làm việc ở một vị trí có tính cạnh tranh cao trong một công ty nổi tiếng, chị Lan bị mất ngủ trầm trọng. Chị chỉ có thể ngủ 8 tiếng mỗi tuần và đa số là vào thứ 6, sau khi chị tan làm.

Cuối cùng chị nhận ra rằng làm việc quá sức và cố gắng khẳng định mình trong công việc khiến cho chị bị kiệt sức và mất cân bằng trong cuộc sống.

Nếu nhìn thấy hình bóng của mình trong câu chuyện của chị Lan, bạn có thể đã nghiện công việc tới mức quên đi bản thân. Đã đến lúc bạn nên nhìn lại những ảnh hưởng đối với sức khỏe và đời sống sẽ xảy ra khi bạn nghiện công việc.

Xu hướng nghiện công việc

người nghiện công việc

Cả nam giới và nữ giới đều chịu áp lực công việc và có thể trải qua tình trạng nghiện công việc. Tuy nhiên, nghiên cứu chỉ ra rằng phụ nữ có xu hướng nghiện công việc nhiều hơn và sức khỏe của họ cũng có nguy cơ bị ảnh hưởng hơn do tình trạng làm việc quá sức nhiều hơn.

Một nghiên cứu cho thấy những phụ nữ làm việc trên 45 giờ mỗi tuần có nguy cơ bị tiểu đường cao hơn nhiều so với những người chỉ làm việc dưới 40 giờ. Tuy nhiên, nghiên cứu lại cho thấy tình trạng nghiện công việc ở nam giới lại không làm họ bị tăng nguy cơ mắc tiểu đường.

Nhà tâm lý học Tony Tan cũng cho biết phụ nữ có xu hướng bị căng thẳng do công việc, cảm thấy lo lắng và trầm cảm nhiều hơn nam giới. Thêm vào đó, áp lực dành cho người phụ nữ còn cao hơn khi họ vừa phải hoàn thành công việc, vừa phải chăm sóc con nhỏ và làm việc nhà.

Chính bản thân người phụ nữ cũng thường có xu hướng cảm thấy mình thuộc các trường hợp sau đây:

  • Không được đánh giá cao
  • Nhận được mức lương không bình đẳng
  • Không được hỗ trợ nhiều từ người quản lý
  • Cần phải cân bằng giữa công việc và gia đình
  • Phải làm việc nhiều hơn để chứng minh năng lực

Những định kiến và trở ngại tâm lý khiến phụ nữ phải nỗ lực làm việc nhiều hơn để được đối xử bình đẳng như những đồng nghiệp nam trong công sở.

Phụ nữ và những người theo chủ nghĩa hoàn hảo thường có xu hướng nghiện công việc. Tình trạng này sẽ khiến những người phụ nữ nghiện công việc gặp phải các vấn đề về thể chất lẫn tinh thần. 

Dấu hiệu của người nghiện việc

người nghiện công việc

Dấu hiệu của người nghiện công việc

Người nghiện công việc xuất phát từ tiếng Anh là “workaholic” dùng để chỉ những người dành quá nhiều thời gian, đôi khi là không cần thiết cho công việc. Người nghiện việc cũng thường bị ám ảnh bởi hiệu suất làm việc nên luôn tìm cách để cải thiện chất lượng công việc, nghĩa là họ sẽ mất nhiều thời gian cho công việc hơn.

Nhận biết các dấu hiệu cho thấy bạn là người nghiện công việc là yếu tố quan trọng giúp bạn điều chỉnh thời gian biểu và từng bước cân bằng cuộc sống. Dưới đây là một số dấu hiệu rõ rệt của một người nghiện công việc mà bạn nên lưu ý:

  • Bạn hay ở lại thêm giờ ở văn phòng.
  • Bạn thường xuyên mang việc về nhà để làm.
  • Bạn liên tục kiểm tra email hoặc tin nhắn khi ở nhà.
  • Bạn hầu như không có thời gian dành cho gia đình, hoạt động thể thao, những bữa ăn lành mạnh…

Các nhà nghiên cứu về chứng nghiện công việc cũng đã phát triển một phương thức để đo lường chính xác mức độ nghiện công việc bằng thang đo Bergen với 7 tiêu chí cơ bản sau đây:

  1. Bạn nghĩ cách thu xếp nhiều thời gian hơn để làm việc.
  2. Bạn dành nhiều thời gian làm việc hơn dự định ban đầu.
  3. Bạn làm việc để thấy giảm bớt cảm giác tội lỗi, lo lắng, bất lực hoặc trầm cảm.
  4. Mọi người khuyên bạn nên giảm bớt công việc nhưng bạn không quan tâm.
  5. Bạn thấy bị stress nếu bị ngăn cấm, không cho làm việc nữa.
  6. Bạn luôn ưu tiên công việc thay vì các sở thích, hoạt động giải trí, thể thao.
  7. Bạn làm việc nhiều tới mức sức khỏe bị ảnh hưởng do làm việc quá sức.

Nếu bạn thấy mình “Thường xuyên” hoặc “Luôn luôn” có những dấu hiệu như trên thì không còn nghi ngờ gì nữa, bạn đích thị là một người nghiện công việc rồi đấy!

Tình trạng nghiện công việc có thể ảnh hưởng tới các mối quan hệ cũng như sức khỏe thể chất và tinh thần của bạn.  

Trắc nghiệm đánh giá tình trạng nghiện việc

người nghiện công việc

Để xác định xem bạn có phải là người nghiện công việc hay không và nếu có thì ở mức độ nào, bác sĩ Yasmine S. Ali đã xây dựng bài trắc nghiệm gồm 5 câu hỏi như sau:

Câu 1. Bạn có tập thể dục thường xuyên không? (Có thể chỉ là các hoạt động đi bộ nhẹ nhàng hoặc đi xe đạp)

A- Có. Tôi vẫn duy trì nhiều sở thích cá nhân và dành nhiều thời gian với bạn bè và gia đình.

B- Không. Tôi thường quá mệt nên không có năng lượng cho các hoạt động khác.

Câu 2. Mọi người có dễ dàng liên lạc với bạn (qua email, tin nhắn, điện thoại) về công việc ngoài giờ làm không?

A- Không. Tôi chỉ xử lý tin nhắn trong giờ làm việc thôi.

B- Có. Bất cứ lúc nào kể cả ban ngày lẫn ban đêm. Đôi khi, tôi còn kiểm tra điện thoại vào lúc nửa đêm để đảm bảo không bỏ lỡ những vấn đề công việc khẩn cấp.

Câu 3. Bạn có hay ra ngoài ăn trưa không?

A- Có. Tôi luôn ghé những quán có món ăn mà mình yêu thích.

B- Không. Tôi không hay nghỉ để ra ngoài ăn trưa. Tôi thường ngồi trước máy tính để ăn cơm ngay bàn làm việc hoặc đôi khi bỏ bữa trưa.

Câu 4. Bạn thường làm việc bao nhiêu giờ mỗi tuần?

A- Tôi làm việc từ 20 – 40 giờ mỗi tuần.

B- Tôi thường làm việc trên 40 giờ mỗi tuần.

Câu 5. Bạn cảm thấy thế nào khi không làm việc?

A- Tôi cảm thấy thư giãn và thoải mái khi không làm việc.

B- Tôi thấy không thoải mái, bồn chồn và căng thẳng khi không được làm việc.

Nếu 3/5 câu trả lời của bạn rơi vào đáp án “B” thì nguy cơ cao là bạn đã rơi vào nhóm nghiện công việc rồi đấy.  

Bí quyết giúp bạn cân bằng cuộc sống

người nghiện công việc

Nếu kết quả bài trắc nghiệm cho thấy bạn là người nghiện công việc thì đó là lúc bạn nên có những điều chỉnh để công việc không ảnh hưởng nhiều đến các khía cạnh khác trong cuộc sống.

• Xác định lại các mục tiêu: Các chuyên gia tâm lý cho biết, trước hết bạn cần nhìn nhận những nhu cầu và mục tiêu cuộc sống của mình một cách khách quan để xem mình có thể làm gì để cân bằng cuộc sống.

• Định hình lại các mối quan hệ: Bạn cũng có thể cần xem xét công việc có ảnh hưởng tiêu cực tới các mối quan hệ trong cuộc sống của bạn không. Bạn cần xác định rằng mình không thể hy sinh các mối quan hệ quan trọng và sức khỏe để đổi lấy tiền bạc và sự nghiệp.

• Dành thời gian cho bản thân: Bạn có thể dành ra khoảng 15 – 30 phút mỗi tối để đọc sách, thiền, suy ngẫm hoặc xem những chương trình tivi, bộ phim mình yêu thích hay ngâm mình trong bồn nước nóng…

Nếu bạn cảm thấy mình đang bị ảnh hưởng nặng nề vì làm việc quá nhiều mà không thể tự điều chỉnh được thì bạn nên gặp bác sĩ tâm lý để được hỗ trợ.  

Một người nghiện công việc nếu thực hiện điều chỉnh hợp lý vẫn có thể vừa đảm bảo được công việc vừa không gây ảnh hưởng tiêu cực cho các khía cạnh khác trong đời sống. Bạn hãy định hình lại thời gian của mình để lên kế hoạch hợp lý vừa tối ưu hóa công việc vừa cân bằng cuộc sống.

Hồng Nhung HELLO BACSI 

[embed-health-tool-bmi]

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Take This Quiz: Are You a Workaholic?
https://www.healthline.com/health/mental-health/quiz-are-you-a-workaholic#treatment-advice
Ngày truy cập: 20.02.2019

7 Signs You May Be A Workaholic
https://www.forbes.com/sites/amymorin/2014/09/18/7-signs-you-may-be-a-workaholic/#7f96cd0870d7
Ngày truy cập: 20.02.2019

Are you a workaholic?
http://edition.cnn.com/interactive/2011/05/living/workaholic.test/index.html
Ngày truy cập: 20.02.2019

Phiên bản hiện tại

05/06/2019

Tác giả: Hồng Nhung

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

Cập nhật bởi: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh


Bài viết liên quan

Nên làm gì khi có ý định tự sát? Bác sĩ tâm thần hướng dẫn cách đối diện và ứng phó tình huống

Hello Bacsi | Tăng động giảm chú ý ở trẻ (ADHD) - nỗi lo của phụ huynh


Tham vấn y khoa:

Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: Hồng Nhung · Ngày cập nhật: 05/06/2019

ad iconQuảng cáo

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo