Thuật ngữ growth mindset hay tư duy cầu tiến được giới thiệu lần đầu bởi Giáo sư Tâm lý học Carol Dweck và cộng sự thông qua các nghiên cứu tại Đại học Stanford. Vậy thuật ngữ growth mindset là gì? Thế nào là một người có tư duy growth mindset và phải làm thế nào để phát triển loại hình tư duy này? Growth mindset và fixed mindset khác nhau ra sao?
Mời bạn đọc bài viết dưới đây để cùng tìm hiểu xem growth mindset và fixed mindset là gì, chúng khác nhau như thế nào và lợi ích mà chúng mang đến là gì.
Tư duy cầu tiến là gì? (Growth mindset)
Growth mindset được dịch lại theo nghĩa tiếng việt là tư duy phát triển hay tư duy cầu tiến. Đây là một loại hình tư duy đề cập đến cách mà một người nhìn nhận những thách thức, vấn đề và thất bại của họ. Họ tin rằng mức độ hiểu biết, trí thông minh và kỹ năng của họ có thể sẽ phát triển trong tương lai nhờ vào quá trình nỗ lực học tập, làm việc và được đào tạo (giáo dục).
Ví dụ cho tư duy cầu tiến/ tư duy phát triển (growth mindset):
- Tìm kiếm, cởi mở và học hỏi từ những lời phê bình: Người có tư duy growth mindset sẽ chấp nhận những lời phê bình một cách cởi mở và thoải mái. Họ tin rằng, người phê bình họ chính là người quan tâm, dành thời gian cho họ và mong họ phát triển. Do đó họ luôn trân trọng những lời phê bình và học hỏi từ những lần như vậy.
- Nhận nhiệm vụ mới và chấp nhận thất bại: Người có tư duy cầu tiến tin rằng họ có thể làm tốt, nhưng họ cũng tin rằng là họ sẽ mắc lỗi, nhưng tất cả đều là cơ hội để họ học hỏi.
- Tò mò và chấp nhận thử thách: Đây là đặc điểm tính cách quan trọng của người có tư duy cầu tiến. Họ dành thời gian để học hỏi và nuôi dưỡng trí tò mò. Chính thái độ này đã cho họ động lực luôn chấp nhận những thử thách mới.
Tư duy bảo thủ là gì? (Fixed mindset)
Ngược lại với tư duy cầu tiến (growth mindset) là tư duy cố định hay tư duy bảo thủ (fixed mindset). Tư duy cố định (fixed mindset) là những cá nhân quan niệm rằng khả năng và tiềm năng là cố định và không thay đổi. Những người có tư duy cố định thường tin rằng năng lực của họ được xác định bởi yếu tố bẩm sinh, như trí thông minh hay tài năng thiên bẩm và không thể thay đổi được.
Họ có xu hướng né tránh những thách thức mới, sợ thất bại và thường không chấp nhận phản hồi tiêu cực. Họ thường tỏ ra bế tắc khi gặp khó khăn và dễ bị mất động lực khi gặp thất bại.
Ví dụ cho tư duy bảo thủ/ tư duy cố định
- Tin rằng trí thông minh là do bẩm sinh: Những cá nhân có tư duy bảo thủ thường tin rằng trí thông minh của một người là do bẩm sinh và sẽ đi theo họ suốt đời.
- Xem nhẹ việc thực hành: Chính vì họ tin rằng trí thông minh và tài năng là bẩm sinh nên đối với họ việc thực hành gần như không có nhiều ý nghĩa. Dù có thực hành bao nhiêu lần thì trí thông minh bẩm sinh mới là yếu tố quyết định.
- Khó đối diện với những lời phê bình: Mỗi khi nhận lời phê bình tâm trí của họ sẽ nhận định đây là những lời nói có tính chất công kích và không mang tính xây dựng. Do đó họ ít khi lưu tâm đến những lời phê bình này.
Sự khác biệt giữa growth mindset và fixed mindset là gì?
Growth mindset là người cho phép bản thân vượt thoát ra khỏi vòng an toàn của bản thân, chấp nhận rủi ro và dám đương đầu với thử thách. Ngược lại, fixed mindset là tư duy coi trọng trí bẩm sinh và tài năng thiên bẩm, xem nhẹ việc thực hành và có khuynh hướng né tránh thử thách.
Người có tư duy cầu tiến growth mindset là người như thế nào?
Trong bài viết của Giáo sư Tâm lý học Carol Dweck được đăng trên Tạp chí HBR thuộc Nhà xuất bản Kinh doanh Harvard, giáo sư cho rằng, đặc điểm tính cách của người có tư duy cầu tiến growth mindset là những cá nhân tin rằng bản thân họ có thể phát triển tốt hơn trong tương lai nhờ vào quá trình học tập mỗi ngày, nỗ lực cải thiện bản thân, lắng nghe và chấp nhận ý kiến của người khác… Theo thời gian họ bắt đầu ít cảm thấy lo lắng hơn về trí thông minh bẩm sinh cũng như tài năng thiên bẩm của một người.
Một vài ví dụ minh họa cho tính cách của người có tư duy growth mindset:
- Tôi không phải là người giỏi ngoại ngữ nhưng tôi có thể học và nói được
- Thông qua lần thất bại này, tôi rút ra được nhiều điều để cải thiện bản thân
- Cảm ơn những người đã dành thời gian nhận xét và góp ý để tôi nhận ra những khuyết điểm của mình.
Lợi ích của tư duy cầu tiến growth mindset
Khi bạn đã hiểu được khái niệm của tư duy cầu tiến growth mindset và tư duy bảo thủ fixed mindset là gì, cũng như hiểu được sự khác biệt giữa hai kiểu tư duy này, có lẽ bạn cũng đã thấy được lợi ích của tư duy growth mindset là gì.
Tư duy cầu tiến growth mindset giúp cho các cá nhân trở nên sáng tạo hơn, đam mê học hỏi hơn và ít khi cảm thấy căng thẳng. Người có tư duy cầu tiến cũng ít khi so sánh bản thân mình với người khác.
Để minh chứng cho các lợi ích này, các chuyên gia đã thực hiện thêm một số các nghiên cứu xem mối liên hệ giữa sức khỏe tinh thần và tư duy growth mindset là gì.
Cách rèn luyện tư duy cầu tiến growth mindset
Lối tư duy cầu tiến mang lại rất nhiều lợi ích, giúp một cá nhân phát triển toàn diện; đối diện với thách thức trong cuộc sống và sự nghiệp một cách tích cực. Dưới đây là các bước giúp bạn xây dựng lối tư duy cầu tiến:
1. Ngừng đổ lỗi
Truy tìm lý do và đổ lỗi là xu hướng mà chúng ta thường mắc phải mỗi khi gặp vấn đề khó khăn. Mặc dù không gây ảnh hưởng trực tiếp ngay tại thời điểm đổ lỗi, nhưng theo thời gian thói quen này sẽ khiến chúng ta trở nên yếu ớt và mất đi khả năng đối đầu với những khó khăn trong cuộc sống. Chưa kể, thói quen đổ lỗi còn dập tắt sự tò mò khám phá của chúng ta.
2. Xem nhẹ việc thất bại
Thay vì lo lắng và suy nghĩ nhiều về những tình huống tiêu cực hoặc những trở lực có thể sẽ xảy ra và khiến bạn thất bại, bạn hãy cứ dấn thân và chấp nhận nếu có thất bại để rút ra bài học cho mình.
3. Dành thời gian để đánh giá bản thân
Đánh giá bản thân là một việc mà không phải cá nhân nào cũng có khả năng và muốn dành thời gian để làm. Mặc dù vậy, việc này là cách để bạn biết bản thân bạn đã làm được gì, rút ra được bài học nào sau mỗi vấn đề. Thông qua những lần như thế bạn sẽ hiểu mình cần cải thiện cái gì, bỏ bớt cái gì…
Để có thể đánh giá bản thân một cách khách quan và trung thực, bạn có thể cần biết đến khái niệm Self Awareness – Kỹ năng tự nhận thức bản thân.
4. Ăn mừng những chiến thắng nhỏ
Sau những lần đã dành thời gian nhìn nhận và đánh giá bản thân, bạn có thể sẽ nhận ra một vài điều mà bạn thân đã làm tốt, đã nỗ lực trong một quãng thời gian dài. Có thể những chiến thắng ấy chưa đủ lớn nhưng bạn cũng đừng xem nhẹ chúng. Thay vào đó, bạn hãy tự dành lời khen và tự thưởng cho bản thân. Đó chính là nguồn động lực để thúc đẩy bạn tiếp tục cố gắng và giúp bạn trở nên tự tin hơn.
5. Đặt mục tiêu và chấp nhận thử thách
Để tiếp tục hun đúc cho sự nỗ lực, bạn hãy phóng tầm nhìn ra xa và đặt cho bản thân những cột mốc mới. Đó chính là những thử thách mới, những cơ hội mới giúp bạn hoàn thiện bản thân tốt hơn trong tương lai.
Kết luận
Nhìn nhận một cách khách quan thì có thể thấy rằng, tư duy cầu tiến hay tư duy growth mindset quả thực là một loại hình tư duy giúp chúng ta phát triển và hoàn thiện bản thân tốt hơn. Không những giúp nuôi dưỡng trí tò mò và khả năng dám đương đầu, nó còn giúp chúng ta ít bị căng thẳng và sợ hãi trước những thử thách và khó khăn.
Qua bài viết này, có lẽ bạn đã hiểu được growth mindset là gì, fixed mindset là gì và tầm quan trọng cũng như là lợi ích mà tư duy growth mindset mang đến. Hello Bacsi tin rằng, việc bạn thắc mắc và tìm đọc nội dung ‘growth mindset là gì’ chứng tỏ bạn đã sẵn sàng để thay đổi và mong muốn phát triển để tốt hơn.
[embed-health-tool-bmi]