backup og meta
Chuyên mục
Công cụ

1

Hỏi bác sĩ
Lưu

Bệnh mù đường: Nỗi khổ của những ai hay đi lạc

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh · Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: Tuyết Trinh · Ngày cập nhật: 22/01/2020

    Bệnh mù đường: Nỗi khổ của những ai hay đi lạc

    Bạn rất dễ bị lạc đường ngay cả khi có bản đồ trên tay hay sử dụng app của Google Map? Hãy tìm cách chữa trị bệnh “mù đường’ để bạn không phải tốn quá nhiều thời gian xem bản đồ mà vẫn giậm chân tại chỗ nhé!

    Nhiều người có thể nhớ đường cực kỳ tài tình dù mới chỉ đi qua một lần, song cũng không ít người mãi chật vật vì mắc bệnh “mù đường”. Căn bệnh này đôi khi trở thành nỗi ác mộng cho bạn mỗi lần đi ra đường vì sợ đi đâu cũng lạc.

    Mù đường là trạng thái khi bạn gặp khó khăn khi ghi nhớ tên đường, không mô tả chính xác được vị trí hiện tại, hay đã đi qua một nơi rất nhiều lần rồi nhưng vẫn không nhớ được nó ở đâu. Hãy cùng Hello Bacsi tìm hiểu nguyên nhân và bí quyết chữa bệnh “mù đường’ để không còn phải khổ sở khi đi lạc nữa nhé.

    Truy tìm nguyên nhân gây bệnh “mù đường”

    mù đường

    Để hiểu rõ về chứng bệnh “mù đường’, trước hết bạn cần khám phá đôi chút về chức năng của hồi hải mã.

    Chức năng của hồi hải mã giúp định hướng

    Nhiều nghiên cứu cho thấy vấn đề trong việc định hướng có thể xuất phát từ vùng não nhận thức và ghi nhớ không gian. Đây chính là một phần nằm trong bộ nhớ có chức năng lưu trữ các yếu tố từ môi trường bên ngoài và sự kết nối giữa các yếu tố đó.

    Hồi hải mã (hippocampus) là một phần của não trước nằm bên trong thùy thái dương. Khu vực này có liên quan đến hoạt động lưu giữ thông tin, hình thành ký ức trong trí nhớ dài hạn và khả năng định hướng trong không gian. 

    Hồi hải mã có các neuron thần kinh đặc biệt gọi là tế bào lưới và tế bào vị trí thực hiện chức năng tạo ra một bản đồ di chuyển ghi lại những nơi chốn hay tuyến đường mà bạn đã đi qua.

    Một nghiên cứu cho thấy những tài xế ở London lâu năm có hồi hải mã to hơn đáng kể so với những người bình thường. Thực tế thì nếu muốn trở thành một tài xế ở đây, bạn sẽ phải mất khoảng 2 – 4 năm để nắm vững 320 tuyến đường ở London cùng 25.000 tên phố và 20.000 tên các tòa nhà hay công trình.

    “Mù đường” do xác định phương hướng khác nhau

    mù đường

    Não bộ của bạn có thể định hướng bằng cách sử dụng một trong hai hoặc cả hai vùng tế bào lưới và tế bào vị trí. Mặc dù hầu hết mọi người đều dựa vào cả hai vùng tế bào này nhưng não bộ của mỗi người lại có khuynh hướng dùng một vùng nào đó nhiều hơn. Đây có thể là nguyên nhân lý giải tại sao bạn lại gặp khó khăn khi xác định phương hướng.

    Thật ra, bạn có thể định hướng bằng vật thể không gian hoặc trí nhớ không gian. Vật thể không gian gắn với các nơi chốn cụ thể xác định, còn trí nhớ không gian có liên hệ với các số liệu khoảng cách hay tọa độ. Nghĩa là khi nhận được chỉ đường theo hai cách: “Đến hiệu sách X rồi rẽ phải” và “Đi thẳng 500m rồi rẽ phải”, bạn có thể bị “mù đường” khi nhận chỉ dẫn không thuộc cách định hướng sở trường của mình.

    Bạn bị “mù đường” có thể là do không sử dụng cơ chế định hướng tích hợp cả hai vùng tế bào định hướng.

    Bí quyết giúp bạn chữa bệnh mù đường

    mù đường

    Bạn không cần phải quá lo lắng vì việc ghi nhớ và định hướng có thể được luyện tập và cải thiện nhờ vào một số bí quyết sau đây:

    1. Rèn luyện não bộ

    Bạn có thể cải thiện khả năng định hướng tìm đường của mình đơn giản bằng cách luyện tập kỹ năng. Các trò chơi giải câu đố hay học một ngôn ngữ mới sẽ kích thích sự phát triển của các tế bào thần kinh và sự liên kết trong não bộ.

    Trí nhớ cũng có thể rèn luyện bằng các hoạt động liên quan đến các vật thể và sự liên kết. Bạn hãy thử kết hợp hai khả năng này bằng cách quan sát một nơi nào đó thật kỹ rồi tìm cách định vị nó lại trên bản đồ.

    2. Luyện tập thể thao

    Các hoạt động vận động thể chất có thể làm tăng lưu lượng máu đến các cơ quan của cơ thể, đặc biệt là não bộ để chữa bệnh “mù đường’. Nhiều nghiên cứu cho thấy kích thước của vùng hải mã ở người lớn tuổi tăng đáng kể ở những người có luyện tập thể thao thường xuyên, bộ nhớ không gian cũng từ đó mà tăng đáng kể.

    3. Ăn uống tốt cho bộ não

    Một nghiên cứu trên học sinh ở lứa tuổi tiểu học cho thấy việc ăn bột yến mạch có thể giúp cải thiện trí nhớ không gian đáng kể. Các chất chống oxy hóa cũng giúp cải thiện lưu thông máu đến não bộ và tăng cường các kỹ năng ghi nhớ.

    Để cải thiện trí nhớ, bạn có thể bổ sung chất chống oxy hóa từ các thực phẩm như việt quất, chocolate, mâm xôi, rau mùi…

    Bạn có thể tìm hiểu thêm: 6 bí quyết đơn giản giúp bạn cải thiện trí nhớ hiệu quả.

    Bệnh mù đường nhiều khi có thể khiến bạn hoang mang và sợ hãi vì đi đến đâu cũng thấy lạ lẫm vô cùng. Hãy thực hiện một vài bài tập rèn luyện sức khỏe thể chất lẫn trí não để chẳng còn lo bị lạc đường nhé!

    Tuyết Trinh HELLO BACSI 

    Miễn trừ trách nhiệm

    Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

    Tham vấn y khoa:

    Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

    Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


    Tác giả: Tuyết Trinh · Ngày cập nhật: 22/01/2020

    advertisement iconQuảng cáo
    app promote banner

    Bài viết này có hữu ích với bạn?

    advertisement iconQuảng cáo
    advertisement iconQuảng cáo