backup og meta

Cách giúp nam giới vượt qua khủng hoảng tâm lý

Cách giúp nam giới vượt qua khủng hoảng tâm lý

Khủng hoảng tâm lý nam giới gây ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe tinh thần, thể chất và có thể dẫn tới suy giảm các chức năng nghề nghiệp, xã hội. Tuy nhiên vì sự định kiến của xã hội, sức khoẻ tâm lý – tâm thần ở nam giới còn chưa nhận được nhiều sự quan tâm. 

Vậy biểu hiện của khủng hoảng tâm lý nam giới là gì? Cùng tìm hiểu về cách giúp đàn ông vượt qua khủng hoảng tâm lý qua bài viết dưới đây!

Khủng hoảng tâm lý nam giới là gì?

Khủng hoảng tâm lý nam giới là trạng thái mất cân bằng về cảm xúc, tâm lý hoảng loạn khi phái nam đang trải qua sự kiện bất ngờ, khủng khiếp khiến họ sợ hãi, cảm giác mất an toàn và tổn thương về mặt tinh thần nghiêm trọng. Khủng hoảng tâm lý có thể xảy ra ở bất kỳ ai và ở mọi giới tính. 

>>> Đọc thêm: Các rối loạn tâm lý đàn ông thường gặp

Tại sao sức khỏe tinh thần nam giới không được chú trọng?

Một số phái nam không đồng tình hay thừa nhận những khủng hoảng tâm lý mà họ đang trải qua và miễn cưỡng tìm kiếm sự giúp đỡ. Nguyên nhân thường đến từ suy nghĩ nam tính độc hại, định kiến về bản lĩnh đàn ông: rằng là phái mạnh họ phải cứng rắn; rằng nam giới gặp các vấn đề tâm lý là thể hiện sự yếu đuối. 

Những tiêu chuẩn về phái nam như: đàn ông không được khóc, đàn ông phải là trụ cột gánh vác tài chính gia đình,… trở thành những sợi dây vô hình buộc chặt nam giới lại. Họ khép mình không dám bộc lộ cảm xúc chỉ vì sợ mình yếu đuối và thiếu bản lĩnh.

Khái niệm đàn ông phải mạnh mẽ và nam tính không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe tinh thần nam giới mà còn tác động tiêu cực đến chất lượng cuộc sống gia đình và xã hội.

Trên thực tế, các rối loạn tâm thần – tâm lý có thể do nhiều nguyên nhân gây ra. Giả thiết được đặt ra nhiều nhất hiện nay là do sự thiếu hụt hoặc rối loạn các chất dẫn truyền trong não bộ (tùy theo từng rối loạn), kết hợp với các nguyên nhân khác như yếu tố di truyền, môi trường sống,… Do đó, bất kỳ ai cũng có thể mắc các rối loạn tâm lý- tâm thần mà không chỉ là các đối tượng nữ giới.

Theo số liệu thống kê từ BMI Healthcare về các vấn đề sức khỏe tâm thần của nam giới cho thấy:

  • Tỷ lệ nam giới có khả năng tiếp cận các liệu pháp tâm lý chỉ bằng ½ so với nữ giới.
  • Nam giới thường ít nói chuyện với gia đình và bạn bè về các vấn đề sức khỏe tâm thần.
  • 28% nam giới không tìm kiếm sự giúp đỡ về các vấn đề sức khỏe tâm thần (19% ở nữ giới).
  • Tự tử là nguyên nhân tử vong phổ biến nhất ở nam giới dưới 50 tuổi. Các nghiên cứu cho thấy trong một số rối loạn tâm thần, tỉ lệ xuất hiện ý tưởng tự sát ở đối tượng nữ giới nhiều hơn nam giới, tuy nhiên, tỉ lệ tự sát thành công ở nam giới cao hơn so với phụ nữ.

khủng hoảng tâm lý

>>> Đọc thêm: Bệnh trầm cảm ở nam giới: Nguyên nhân khiến bạn cảm giác trống rỗng

Cách giúp đàn ông vượt qua khủng hoảng tâm lý

Chính những số liệu trên cho thấy sức khỏe tinh thần của nam giới cũng cần được chú ý và quan trọng không kém so với phụ nữ. Những định kiến ​​xã hội cũng một phần giải thích lý do tại sao đàn ông có thể do dự trong việc tiếp cận để cải thiện sức khỏe tinh thần của mình. Một số cách dưới đây có thể giúp đàn ông vượt qua khủng hoảng tâm lý như: 

Thấu hiểu và từ chối những định kiến về đàn ông trong xã hội 

Những kỳ vọng của xã hội và vai trò về giới tính đã được gắn chặt từ trước khi chúng ta được sinh ra. Quan niệm giới tính truyền thống vẫn ảnh hưởng vào cuộc sống của mỗi người: Từ chiếc váy hồng xinh xắn cho bé gái, những con khủng long hay robot dành cho bé trai,… Những điều này cũng góp phần định hình cuộc sống và quan niệm về giới tính của nhiều người và không phải lúc nào cũng theo hướng tích cực.

Rất nhiều đàn ông được mong đợi cần phải cư xử theo một cách nhất định và thể hiện sự nam tính như:

  • Cần phải mạnh mẽ
  • Không được bộc lộ nhiều cảm xúc hay sự xúc động, rằng khóc là yếu đuối
  • Nam giới phải ở thế thống trị và chủ động
  • Luôn là người kiểm soát
  • Luôn là trụ cột chính trong gia đình 

Ngay cả khi không ai trực tiếp áp đặt những quan niệm này, họ vẫn có khả năng vô thức tiếp nhận một số chuẩn mực này từ cuộc sống xung quanh thông qua các phương tiện truyền thông, phim ảnh, trường học, bạn bè và gia đình.

>>> Tìm hiểu thêm: Người trầm cảm có tự khỏi được không?

Vì vậy bạn có thể bước ra ngoài, đứng ở vị thế của họ để thấu hiểu những áp lực mà họ đang gặp phải trong cuộc sống.

vượt qua khủng hoảng tâm lý

Đi bộ và nói chuyện

Việc thảo luận trực tiếp về sức khỏe tinh thần với nam giới có thể tạo sự lúng túng và e dè. Nhưng để có một cuộc trò chuyện tự nhiên và hiệu quả, bạn có thể kết hợp những hoạt động ở ngoài như đi bộ để có thể tạo môi trường thoải mái nói chuyện và tương tác với nhau.

Đi bộ là một hoạt động thể chất mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe tinh thần và thể chất. Hoạt động này đã được chứng minh là có thể làm giảm hoặc giảm căng thẳng, cải thiện nhận thức (suy nghĩ) của con người và giảm các triệu chứng trầm cảm, lo lắng. Vì vậy, hãy thử dắt chó đi dạo thường xuyên hơn, đưa lũ trẻ đến công viên vào cuối tuần, hoặc chạy bộ hay đi bộ quanh khu nhà. Việc duy trì hoạt động thể chất ít nhất 30 phút mỗi ngày không chỉ giúp cải thiện sức khoẻ tinh thần mà còn giúp giảm nguy cơ mắc phải các bệnh lý tim mạch, đái tháo đường,…

Lắng nghe và thừa nhận những khó khăn mà họ đang gặp phải

Không phải lúc nào bạn cũng có thể nhận ra chuyện gì đang xảy ra với bạn nam. Tuy nhiên, sẽ có lúc bạn nhận thức được những tình huống đặc biệt khó khăn đang xảy ra với họ. Trong những trường hợp này, bạn có thể ở bên cạnh giúp đỡ, tôn trọng và thể hiện sự quan tâm thực sự của mình. 

“Tôi/em biết rất những chuyện vừa qua thực sự khó khăn, nhưng em luôn ở đây nếu anh muốn trò chuyện. Chúng ta có thể cùng nhau tìm cách giải quyết”

Đàn ông khi gặp vấn đề trong cuộc sống, bên cạnh việc muốn được lắng nghe, họ thường tập trung vào việc tìm cách giải quyết vấn đề. Vì vậy bằng cách trực tiếp thảo luận và cùng nhau giải quyết vấn đề, bạn có thể giúp họ một phần nào gỡ bỏ được gánh nặng trong lòng và trong suy nghĩ. Tuy nhiên, không nên áp đặt những cách giải quyết của bản thân và bắt buộc họ phải thực hiện. Cách tốt nhất là lắng nghe, cùng tìm hiểu và chính họ sẽ là người tìm ra cách giải quyết khi đã nhận ra vấn đề của mình.

>>> Đọc thêm: Trầm cảm cười: Nỗi buồn ẩn sau nụ cười

Tập trung vào “là chính mình” thay vì là “một người đàn ông”

Trong các hoạt động hằng ngày, hãy cố gắng chủ tâm quan sát và ý thức về những lời nói và hành động. Liệu bạn có đang áp đặt những chuẩn mực nam tính lên các bạn nam? Hay bạn có phản ứng thái quá khi họ thể hiện sự nữ tính và cho rằng điều đó là đi ngược với nguyên tắc xã hội?

Thay vào đó, hãy để họ thể hiện chính bản thân mình như cách mà họ muốn. Hãy gỡ bỏ những chuẩn mực xã hội và kỳ vọng để họ có thể trở nên chân thật hơn với phiên bản chính mình.

Hỏi lại lần thứ hai

Nếu bạn bị gạt bỏ bởi những câu trả lời như “tôi ổn” khi cố gắng hiểu vấn đề tâm lý mà phái nam đang gặp phải, hãy hỏi lại lần thứ hai và thể hiện rằng bạn thực sự quan tâm tới họ. Một số bạn nam cảm thấy họ không cần sự giúp đỡ và rất dễ để cuộc trò chuyện trôi qua nếu bạn không nhấn mạnh thêm. Trong trường hợp này, hãy đặt câu hỏi cho họ lần thứ hai.

“Tôi quan tâm đến bạn nên muốn biết liệu bạn có thực sự ổn?”

Nghiên cứu đã phát hiện ra rằng khi được hỏi, 78% người nói rằng họ vẫn ổn ngay cả khi họ đang vật lộn với vấn đề sức khỏe tâm thần. Họ lo lắng và không muốn tạo gánh nặng cho người khác nên lảng tránh những cuộc trò chuyện như vậy. Tuy nhiên, câu hỏi thứ hai có thể là lời mở đầu để mở lòng chia sẻ. 

Tham gia hoạt động yêu thích

Với nhịp sống nhanh của cuộc sống hiện đại ngày nay, con người ta dễ bị cuốn theo những bận rộn công việc, điều này có thể khiến một số người cảm thấy mệt mỏi và căng thẳng. 

Hãy tìm cho mình một hoạt động giúp bản thân được giải tỏa và thư giãn. Một số hoạt động như thử các món ăn mới, học một kỹ năng mới như leo núi, đá bóng với bạn bè hay mải mê đọc một cuốn sách,… Những hoạt động giải trí lành mạnh sẽ giúp bạn nam giảm căng thẳng và lấy lại cân bằng cuộc sống.

Quản lý sự tức giận

Tức giận là một cảm xúc tự nhiên của con người khi chúng ta thất vọng hay bị đối xử tệ bạc. Giận dữ cũng thể hiện phản ứng tự vệ và giữ an toàn khi tình huống nguy hiểm xảy ra. Tức giận là một phản ứng chiến đấu hoặc chạy trốn tự nhiên của con người.
Tuy nhiên, khi cơn giận dữ khiến bạn hành xử một cách mất kiểm soát và mang tính phá hoại, có tác động tiêu cực đến bản thân và người khác thì bạn cần học cách quản lý cơn giận của mình. 

Nếu có vấn đề với quản lý sự tức giận, bạn có thể nhờ đến sự tham vấn trị liệu từ các chuyên gia tâm lý hoặc các bác sĩ tâm thần kinh để họ có thể giúp bạn áp dụng phương pháp điều trị phù hợp. Các phương pháp trị liệu có thể giúp bạn nhận diện, gọi tên được cảm xúc của mình, từ đó giúp điều hoà cảm xúc, thực hiện các kĩ năng để đối phó với những hành động bản năng của mình tốt hơn. 

Ngủ đủ giấc và ăn uống đủ chất

Sức khỏe tinh thần và giấc ngủ có mối quan hệ tương quan lẫn nhau. Hãy cố gắng ngủ đủ 7-9 tiếng mỗi đêm bằng cách: 

  • Hạn chế sử dụng thiết bị trước giờ đi ngủ ít nhất 30 phút, vì ánh sáng phát ra từ các thiết bị điện tử sẽ làm gián đoạn giấc ngủ của bạn và khiến bạn khó vào giấc hơn.
  • Tập thể dục trong ngày, duy trì đều đặn ít nhất 30 phút mỗi ngày.
  • Tạo không gian phòng ngủ thoải mái, ánh sáng dịu nhẹ. 

Bộ não của chúng ta luôn làm việc, liên tục suy nghĩ và hoạt động ngay cả khi bạn đang ngủ. Vì vậy, bạn cần bổ sung năng lượng cho não bằng các thực phẩm lành mạnh. Những gì bạn ăn sẽ ảnh hưởng đến chức năng của bộ não và sức khỏe tinh thần. Hãy bổ sung các thực phẩm lành mạnh chứa các axit béo thiết yếu, chẳng hạn như cá, thịt gia cầm, các loại hạt, quả bơ và sữa, trái cây tươi và rau chứa nhiều vitamin và khoáng chất để nuôi dưỡng não của bạn.

>>> Tìm hiểu thêm: Cách nói chuyện với người trầm cảm: 9 điều giúp họ vượt qua khó khăn

Tìm kiếm sự giúp đỡ từ chuyên gia

Ai cũng có thể phải đối mặt với những thách thức trong cuộc sống. Tuy nhiên nếu phái nam đang trải qua giai đoạn quá khó khăn và bạn bắt đầu nhận thấy các dấu hiệu như: 

  • Lạm dụng hoặc nghiện các chất kích thích
  • Có các hành vi tự làm đau bản thân hoặc các suy nghĩ, ý tưởng, hành vi tự sát.
  • Mất hứng thú với đam mê hoặc sở thích trước đây, tâm trạng buồn chán kéo dài trên 2 tuần..
  • Những thay đổi trong chế độ ăn uống hoặc thói quen.
  • Rối loạn về giấc ngủ và không tự điều chỉnh được sau 2 tuần.
  • Suy nghĩ tiêu cực, lo lắng kéo dài và khó kiểm soát.

vượt qua khủng hoảng tâm lý

Lúc này bạn nam cần sự trợ giúp của chuyên gia sức khỏe tâm thần để được kiểm tra và có trị liệu phù hợp, giúp nam giới vượt qua giai đoạn khủng hoảng tinh thần.

Cùng nhau nâng cao nhận thức khủng hoảng tâm lý ở nam giới để cùng họ vượt qua những khó khăn cuộc sống. Hy vọng bạn đọc đã hiểu hơn về cách giúp đàn ông vượt qua khủng hoảng tâm lý, từ đó giúp họ có một cuộc sống cân bằng với tinh thần lạnh mạnh.

[embed-health-tool-bmi]

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

How do we address men’s needs?

https://www.mentalhealth.org.uk/our-work/public-engagement/mens-mental-health

Ngày truy cập 14/10/2022

Time to Change: Three quarters of Brits would say they are ‘fine’ even if struggling with a mental health problem

https://www.rethink.org/news-and-stories/news/2018/oct/time-to-change-three-quarters-of-brits-would-say-they-are-fine-even-if-struggling-with-a-mental-health-problem/

Ngày truy cập 14/10/2022

Men’s mental health – common challenges

https://mensline.org.au/mens-mental-health/mens-mental-health-common-challenges/

“I’M FINE”: HOW TO TALK TO THE MEN IN YOUR LIFE ABOUT THEIR MENTAL HEALTH

https://www.jcmh.org/im-fine-how-to-talk-to-the-men-in-your-life-about-their-mental-health-blog/

Ngày truy cập 14/10/2022

4 ways to improve men’s mental health

https://connecthealth.org.au/enews/4-ways-to-improve-men-s-mental-health/

Ngày truy cập 14/10/2022

Phiên bản hiện tại

27/10/2022

Tác giả: Trần Thùy Linh

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Dương Thị Thùy Dung

Cập nhật bởi: Tố Quyên


Bài viết liên quan

Hello Bacsi | 7 cách thú vị giúp bạn giảm căng thẳng

Các rối loạn tâm lý đàn ông thường gặp


Tham vấn y khoa:

Bác sĩ Dương Thị Thùy Dung

Tâm thần · Bệnh viện Đại học Y Dược TP. HCM


Tác giả: Trần Thùy Linh · Ngày cập nhật: 27/10/2022

ad iconQuảng cáo

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo