backup og meta

Cách tốt nhất và tệ nhất khi đối phó stress

Cách tốt nhất và tệ nhất khi đối phó stress

Cuộc sống xung quanh chúng ta chứa đầy những yếu tố gây căng thẳng. Các nhà tâm lý học nói rằng có một số loại stress có lợi. Tuy nhiên, việc đối phó với căng thẳng kéo dài có thể làm thay đổi gien của bạn, dẫn đến sự gia tăng tình trạng sưng, viêm và nhiều vấn đề sức khỏe khác.

Học cách đối phó với căng thẳng có thể giúp làm giảm tình trạng stress của bạn. Ở đây, chúng ta hãy cùng tìm hiểu những phương pháp tốt nhất và tệ nhất để giải tỏa stress.

Tốt nhất: Ra ngoài hít thở không khí trong lành

Nghiên cứu chỉ ra rằng việc tăng cường vitamin D từ ánh sáng mặt trời có thể làm tăng serotonin là những “phân tử hạnh phúc” do khả năng làm sản sinh những cảm xúc tốt đẹp cho con người. Ngoài ra, hình ảnh, âm thanh và mùi hương xung quanh có thể chuyển hướng sự tập trung của bạn khỏi những lo lắng. Một nghiên cứu được công bố trên Tạp chí Trồng trọt môi trường cho thấy, khi cây xanh được thêm vào không gian làm việc có thể làm giảm bớt căng thẳng trong công việc.

Tốt nhất: Xây dựng thói quen lành mạnh

Đối phó với stress

Ví dụ như tắm trước khi đi ngủ, nghe nhạc trên đường đi làm hoặc dắt chó đi dạo công viên mỗi sáng. Những thói quen này sẽ giúp chuyển trạng thái căng thẳng trở nên thoải mái hơn. Cơ thể chúng ta thường tự nhiên làm theo các thói quen này và khiến ta mất tập trung vào những căng thẳng đang xảy ra. Khi những tình huống căng thẳng khiến bạn cảm thấy bất lực, việc tuân thủ một thói quen cho phép bạn lấy lại quyền kiểm soát của bản thân, từ đó giúp giảm bớt lo lắng và căng thẳng.

Tốt nhất: Đẩy những suy nghĩ tiêu cực ra khỏi đầu

Bạn có bao giờ luẩn quẩn trong những suy nghĩ tiêu cực mà không thoát ra được? Đó là bởi vì stress đã làm rối tung tâm trí của bạn. Một cách thú vị để những suy nghĩ đó thoát ra khỏi đầu bạn là tham gia các hoạt động tập trung vào tay của bạn (như nhào bột, vẽ, may vá hay đan móc). Khi bàn tay và ngón tay bắt đầu những động tác nhịp nhàng quen thuộc đó, nó sẽ gửi tín hiệu đến não của bạn ngay lập tức, giúp bạn thư giãn và khiến bạn cảm thấy có động lực.

Tốt nhất: Tưởng tượng

Tìm một không gian yên tĩnh, nhắm mắt lại, tập trung vào hơi thở và hình dung đến những nơi khiến bạn hạnh phúc trong vài phút mỗi ngày. Cơ thể bạn sẽ sản xuất ra rất ít hormone cortisol gây căng thẳng khi làm theo hướng dẫn trên. Có rất nhiều sách và bài báo có thể hướng dẫn cho những người mới bắt đầu phương pháp này, nhưng điều quan trọng nhất là tìm một hình ảnh thoải mái, êm dịu và phải phù hợp với bạn (một đại dương xanh tuyệt đẹp có thể giúp thư giãn cho một người, nhưng lại là ác mộng cho những ai sợ nước).

Tốt nhất: Ngâm mình trong bồn tắm

Đối phó với stress

Nước có tác dụng làm dịu tự nhiên đối với tâm trí và cơ thể vì nó đưa chúng ta trở lại thời gian còn trong bụng mẹ. Thường xuyên ngâm mình trong bồn tắm hoặc tốt hơn nữa là sử dụng thêm nến thơm. Chọn một mùi hương có mùi bạn thấy dễ chịu nhất hoặc có thể cho thêm hoa oải hương hoặc hoa nhài, cả hai đều có đặc tính giảm căng thẳng.

Tốt nhất: Bày tỏ lòng biết ơn của bạn

Khi thể hiện lòng biết ơn sẽ kích hoạt cơ thể tiết dopamine – một trong những chất dẫn truyền thần kinh tốt. Ngoài ra, sức mạnh của lòng biết ơn cũng giúp cơ thể sản sinh thêm hormone serotonin giảm stress. Vì vậy, để giảm căng thẳng, hãy viết ra cảm giác biết ơn hàng ngày của bạn trên giấy và gửi cho bạn bè hoặc gia đình.

Tốt nhất: Tập thể dục

Tập thể dục có thể làm giảm căng thẳng cho sức khỏe, nó giúp sản sinh ra endorphin tốt cho cơ thể, điều hòa giấc ngủ, giảm các triệu chứng liên quan đến trầm cảm nhẹ, tăng cường năng lượng và giúp bạn bình tĩnh, tập trung hơn. Hãy chọn một môn thể thao mà bạn yêu thích và rủ một người bạn cùng tham gia.

Tệ nhất: Uống rượu và hút thuốc lá

Giảm căng thẳng bằng cách uống 1 chai rượu hoặc hút một điếu thuốc lá có thể mang lại sự giải tỏa tạm thời, nhưng khi sử dụng quá nhiều sẽ làm bạn nghiện rượu, ma túy, thuốc lá hoặc caffeine, khiến bạn căng thẳng thêm. Vì những thói quen này có xu hướng làm tăng các tác động tiêu cực trên cơ thể bạn (làm tăng huyết áp, khiến bạn bồn chồn, tỉnh táo vào ban đêm). Ngoài ra, chúng còn gây ảnh hưởng rất xấu đến sức khỏe của bạn.

Tệ nhất: Ngủ

Ý nghĩ nằm dài trên giường nghe có vẻ khá tuyệt vời khi có quá nhiều thứ phải giải quyết ngoài cửa phòng ngủ của bạn, nhưng ngủ quá nhiều không phải là cách hay. Theo nghiên cứu cho thấy càng ngủ nhiều, bạn càng cảm thấy mệt mỏi, sự thờ ơ gia tăng sẽ chỉ khiến bạn khó tập trung hơn và ít có khả năng đối phó với các yếu tố gây căng thẳng. Thêm vào đó, ngủ quá nhiều có thể gây bệnh tiểu đường, bệnh tim, tăng cân và tỷ lệ tử vong cao hơn.

Tệ nhất: Bỏ qua các vấn đề của bản thân

Đôi lúc, việc tránh các căng thẳng gặp phải trong cuộc sống lại phản tác dụng. Khi trốn tránh các vấn đề của bản thân, bạn không cho phép mình xử lý hoặc hiểu những gì mình đang gặp phải. Bạn càng cố phớt lờ qua nó, nó sẽ càng lớn hơn. Tốt nhất, bạn nên tìm kiếm sự giúp đỡ hoặc lập một kế hoặc để giúp giảm tải các vấn đề mình đang gặp phải.

Tệ nhất: Suy nghĩ tiêu cực

Khi cảm thấy căng thẳng, chúng ta thường suy nghĩ theo hướng tiêu cực. Để làm dịu những suy nghĩ này, bạn nên hướng đến những suy nghĩ lạc quan hơn hoặc tự động viên, đưa ra lời khuyên cho bản thân. Hoặc tốt hơn, hãy chia sẻ với gia đình và bạn bè, bạn có thể nhận được những lời khuyên, sự an ủi hữu ích từ họ, từ đó xua tan những suy nghĩ tiêu cực.

Tệ nhất: Ăn

Giống như rượu hoặc ma túy, thực phẩm thường trở thành một cứu cánh tạm thời để chúng ta giải tỏa căng thẳng. Sử dụng nhiều calorie, đường hoặc chất béo ban đầu có thể làm bạn cảm thấy tốt hơn. Nhưng dần dần, cứ mỗi lần cảm thấy căng thẳng, tức giận hoặc buồn bã, bạn sẽ lại tìm đến thức ăn. Ăn quá nhiều dễ gây tăng cân và khiến bạn cảm thấy bản thân tồi tệ hơn, cũng như gây ra các vấn đề như đầy hơi, trào ngược dạ dày và táo bón.

[embed-health-tool-bmi]

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Best and Worst Ways to Cope With Stress

https://www.health.com/health/gallery/0,,20765943,00.html

Ngày truy cập: 15/04/2019

Stress and your health

https://medlineplus.gov/ency/article/003211.htm

Ngày truy cập: 15/04/2019

Why stress happens and how to manage it

https://www.medicalnewstoday.com/articles/145855.php

Ngày truy cập: 15/04/2019

Phiên bản hiện tại

15/11/2019

Tác giả: Cẩm Quyên

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

Cập nhật bởi: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh


Bài viết liên quan

Hello Bacsi | Tăng động giảm chú ý ở trẻ (ADHD) - nỗi lo của phụ huynh

Hello Bacsi | 7 cách thú vị giúp bạn giảm căng thẳng


Tham vấn y khoa:

Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: Cẩm Quyên · Ngày cập nhật: 15/11/2019

ad iconQuảng cáo

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo