backup og meta

Cách để vượt qua nỗi đau và sự mất mát

Cách để vượt qua nỗi đau và sự  mất mát

Đối mặt với nỗi đau mất đi người thân là điều khó khăn hơn bao giờ hết. Tuy nhiên, đau đớn chỉ là cảm giác tạm thời. Sau đây là cách giúp bạn vượt qua nỗi đau, vực dậy tinh thần.

Vào những thời điểm nhất định trong đời, bạn sẽ phải đối mặt với nỗi đau mất đi người thân hoặc đồ vật đã từng gắn bó với bạn. Nỗi đau đó có thể khiến bạn không bao giờ quên được.

Tuy nhiên, dù cảm thấy đau đớn đến mức nào thì đó cũng chỉ là cảm giác tạm thời. Để có thể vượt qua, bước đầu tiên bạn phải học chấp nhận nỗi đau và để bản thân đau khổ. Nỗi đau nào cũng cần phải có thời gian mới có thể lành lại được.

Những điều bạn cần biết về nỗi đau và sự mất mát

Khi bạn trải qua sự mất mát, lẽ dĩ nhiên tâm hồn bạn sẽ đau khổ. Sự đau khổ là cảm giác đau đớn khi người thân của bạn mất. Sự mất mát càng nhiều, nỗi đau càng lớn. Sự mất mát không chỉ là khi một ai đó mất mà còn là khi bạn bị đuổi việc hoặc bán nhà hoặc chia tay người yêu. Mỗi tình huống sẽ tạo ra những nỗi đau khác nhau.

Đau khổ là cảm xúc thông thường của con người và ai cũng sẽ trải qua trong đời. Hiểu được điều này sẽ giúp bạn chữa lành nỗi đau và phục hồi nhanh hơn. Có thể việc chữa lành cảm xúc sẽ tốn khá nhiều thời gian đối với mỗi người, nhưng cuối cùng họ vẫn vượt qua được. Sau đây là một số gợi ý giúp bạn vượt qua nỗi đau và sự mất mát:

Tìm đến bạn bè và các thành viên trong gia đình

“Một giọt máu đào hơn ao nước lã”. Không ai quan tâm nhiều đến bạn khi bạn gặp khó khăn hơn gia đình và những người bạn tốt. Nếu bạn thường tự hào mình là người mạnh mẽ, thì đây là thời điểm bạn nên dựa vào người khác. Chỉ có bạn mới giúp được chính bản thân, vì vậy hãy nói với họ những điều bạn cần và họ sẽ trở thành nguồn động viên tuyệt vời của bạn, có thể đó là một bờ vai để bạn tựa vào và khóc hoặc giúp bạn tổ chức lễ tang cho người thân đã khuất.

Đối diện với cảm xúc

Bạn có thể cố gắng không thể hiện nỗi đau ngay lập tức nhưng bạn không thể dấu chúng trong lòng suốt đời. Để làm lành vết thương lòng, bạn phải học cách thừa nhận, nếu không nỗi đau đó sẽ theo bạn mãi. Nỗi đau không được chữa lành có thể sẽ khiến bạn trở nên trầm cảm, lo âu, lạm dụng thuốc và những vấn đề về sức khỏe khác.

Nếu bạn buồn, sợ hãi hoặc cô đơn, hãy nhắc nhở bản thân rằng đó chỉ là những phản ứng bình thường xảy ra khi bạn trải qua sự mất mát. Khóc không có nghĩa bạn là người yếu đuối và không khóc không có nghĩa là bạn mạnh mẽ. Thành thật với những cảm xúc của bản thân có thể giúp được cho bạn và những người xung quanh.

Hãy tạo ra sự thoải mái từ lòng tin

Nếu bạn là người theo tôn giáo, bạn nên thực hiện những hoạt động tinh thần có ý nghĩa như cầu nguyện, ngồi thiền hoặc đi nhà thờ – đây là những việc mang đến cho bạn sự tĩnh lặng trong tâm hồn. Những hành động này còn cho thấy rằng bạn đang thể hiện sự quan tâm người bạn yêu thương thông qua những lời cầu nguyện, qua trái tim và tâm hồn bạn.

Thể hiện cảm xúc của bạn theo cách hữu hình hoặc sáng tạo

Bạn không thể nào nói những lời ngọt ngào với người đã khuất, nhưng bạn có thể viết về sự mất mát qua báo hoặc thư nói về những điều mà bạn không bao giờ nói ra được. Nhiều người thường lưu giữ hình ảnh về người đã mất ở trong lòng hoặc đóng bức ảnh đó vào khung hình để được thấy rằng người đó vẫn luôn bên họ.

Chăm sóc sức khỏe bản thân

Luôn có mối liên kết giữa thể chất và tâm hồn. Khi tình trạng thể chất của bạn tốt thì cảm xúc của bạn cũng sẽ tốt. Do vậy, điều bạn cần làm để nâng cao sức khỏe là ngủ đủ giấc, ăn uống đúng giờ, luyện tập thể dục và tiến về phía trước. Sử dụng rượu hoặc thuốc có thể xóa đi nỗi đau mất người thân hoặc để làm dịu tâm trạng trong giây lát những sẽ ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của bạn trong dài lâu.

Tham gia nhóm hỗ trợ

Người mang nỗi đau mất đi người thân có thể sẽ cảm thấy cô độc, thậm chí ngay cả khi những người yêu thương vẫn luôn ở quanh họ. Chia sẻ nỗi buồn với những người biết cảm thông cho bạn là một điều bạn nên làm vào lúc này. Bạn có thể liên hệ với bệnh viện, nhà tang lễ và trung tâm tư vấn để tìm sự trợ giúp. Mặt khác, giúp đỡ người khác sẽ khiến bạn cảm thấy tốt hơn còn chia sẻ với mọi người sẽ giúp bạn đối mặt với nỗi đau dễ dàng hơn.

Đối mặt với nỗi đau và sự mất mát là điều mà ai cũng phải trải qua trong đời. Mỗi người sẽ có những phản ứng khác nhau tùy thuộc vào nhiều yếu tố như tính cách, kinh nghiệm sống, niềm tin và bản chất của sự mất mát. Các nhà tâm lý học hoặc chuyên gia tâm thần về nỗi đau sẽ giúp bạn rất nhiều trong quá trình làm lành vết thương lòng.

Vượt qua nỗi đau mất đi người thân không khi nào dễ dàng với bất kì ai trong chúng ta.Nhưng chúng ta vẫn phải vượt qua nỗi đau, tiếp tục sống và trải nghiệm những điều quý giá trên đời.

[embed-health-tool-bmi]

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Coping with Grief and Loss. http://www.helpguide.org/articles/grief-loss/coping-with-grief-and-loss.htm Ngày truy cập 01/12/2016

What Is Normal Grieving, and What are the Stages of Grief. http://www.webmd.com/mental-health/mental-health-coping-with-grief Ngày truy cập 01/12/2016

Dealing with grief and loss. http://www.nhs.uk/Livewell/emotionalhealth/Pages/Dealingwithloss.aspx Ngày truy cập 01/12/2016

Phiên bản hiện tại

15/11/2019

Tác giả: Lê Vân Anh

Thông tin kiểm chứng bởi: Ban biên tập Hello Bacsi

Cập nhật bởi: Hà Nguyễn


Bài viết liên quan

Nên làm gì khi có ý định tự sát? Bác sĩ tâm thần hướng dẫn cách đối diện và ứng phó tình huống

Hello Bacsi | Tăng động giảm chú ý ở trẻ (ADHD) - nỗi lo của phụ huynh


Thông tin kiểm chứng bởi:

Ban biên tập Hello Bacsi


Tác giả: Lê Vân Anh · Ngày cập nhật: 15/11/2019

ad iconQuảng cáo

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo