Những lời than vãn không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe tinh thần mà còn khiến bạn dễ nản lòng khi gặp khó khăn. Không chỉ dừng lại ở đó, thói quen “than thân trách phận’ còn được xem như là một loại thuốc độc làm lây lan những suy nghĩ tiêu cực cho mọi người xung quanh. Vậy làm thế nào để bạn ngừng than vãn và có cuộc sống lạc quan hơn?
Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng những lời than vãn có thể gây ảnh hưởng đến não bộ của bạn và khiến bạn gặp một số vấn đề về sức khỏe như rối loạn lo âu, trầm cảm, căng thẳng… Thói quen than vãn cũng sẽ làm tan vỡ các mối quan hệ của bạn và khiến bạn bị mắc kẹt trong những khó khăn của mình.
Bạn hãy cùng tìm hiểu những cách giúp bạn ngừng than vãn để bình tĩnh và tự tin đối mặt với những khó khăn trong cuộc sống nhé.
1. Thường xuyên vận động thể chất
Khi buồn phiền và chán nản về cuộc sống, bạn nên vận động thể chất để giúp tinh thần thư giãn, cải thiện tâm trạng và giải tỏa được những lo âu. Thói quen tập thể dục cũng giúp bạn có suy nghĩ lạc quan hơn về cuộc sống và tự tin giải quyết những khó khăn.
Nếu là người ưa thích những môn thể thao nhẹ nhàng, bạn có thể tập yoga, thiền định, chạy bộ, đi bộ, bơi lội… Còn nếu bạn yêu thích những môn thể thao cường độ cao thì bạn có thể đăng ký tham gia những bộ môn mình yêu thích như đá banh, tập gym…
Bạn nên hình thành thói quen tập thể dục từ 15 – 30 phút mỗi ngày để bảo vệ sức khỏe tinh thần và thể chất. Bạn cũng có thể rủ bạn bè hoặc người thân tập thể dục với mình để tăng hứng thú tập luyện.
Bạn có thể tìm hiểu thêm: Tập thể dục điều độ mới khỏe đẹp như ý!
2. Thư giãn tinh thần khi bị stress
Bạn nên dành thời gian chăm sóc bản thân và thư giãn tinh thần nếu là người bận rộn và phải lo lắng nhiều công việc cùng một lúc. Khi bị stress, bạn sẽ dễ dàng có những suy nghĩ tiêu cực, than phiền và trách móc người khác.
Bạn có thể áp dụng nhiều cách giúp bản thân mình thư giãn như đọc sách, nghe nhạc, xem phim, đi mua sắm, dưỡng da mặt, massage toàn thân…
3. Nói chuyện với người tích cực
Bạn có thể học được cách suy nghĩ tích cực của người lạc quan trong cuộc sống khi gặp vấn đề xảy ra. Bạn trở nên buồn chán và không có động lực để cố gắng trong cuộc sống là vì bạn không nhìn các vấn đề theo hướng tích cực.
Theo một nghiên cứu tại trường Đại học bang Ohio (Mỹ), những bệnh nhân bị mắc bệnh ung thư vú có suy nghĩ tích cực đã cải thiện bệnh gấp 4 lần so với những bệnh nhân có suy nghĩ tiêu cực. (1)
4. Giúp đỡ mọi người xung quanh
Việc giúp đỡ mọi người xung quanh sẽ giúp bạn cảm thấy bản thân mình có giá trị và xây dựng niềm tin vào bản thân mình.
Bạn có thể chỉ đơn giản là giúp một cụ già qua đường, nấu một bữa ăn cho một cô hàng xóm hoặc giúp đồng nghiệp mới vào công ty không bị bỡ ngỡ với môi trường làm việc.
5. Đặt mục tiêu vừa tầm với bản thân
Bạn hãy đặt mục tiêu vừa tầm với khả năng của mình để tránh cảm giác hụt hẫng khi không hoàn thành được những mục tiêu đã đề ra. Bạn có thể chia nhỏ những mục tiêu và từng bước hoàn thành từng mục tiêu một. Khi mục tiêu này hoàn thành thì bạn mới chuyển sang thực hiện mục tiêu tiếp theo.
Thay vì bạn muốn thi IELTS được 7.0 trong vòng 6 tháng nhưng trình độ hiện tại chỉ là 3.0 – 4.0 thì bạn hãy chia nhỏ mục tiêu của mình để khả năng thành công cao hơn. Bạn có thể đặt mục tiêu trong 2 tháng đầu, mỗi ngày sẽ dành ra 1 tiếng để ôn luyện các cấu trúc ngữ pháp tiếng Anh, 2 tháng tiếp theo ôn từ vựng cho người muốn thi IELTS, 2 tháng tiếp theo bạn luyện tập giải đề…
Những cách giúp bạn ngừng than vãn sẽ khiến cuộc sống của bạn ngày càng ý nghĩa hơn. Người ta có câu: “Sống càng đơn giản, càng hạnh phúc’, vì thế bạn hãy suy nghĩ ít đi và hành động nhiều hơn để luôn cảm thấy lạc quan nhé!
Hoa Vũ HELLO BACSI
(1) Sciencedaily Cancer survivors see mostly positives in how they have changed Những người khỏi bệnh ung thư nhận thấy suy nghĩ tích cực ảnh hưởng đến khả năng phục hồi bệnh.
[embed-health-tool-bmi]