Mỗi khi cảm thấy gia đình không hạnh phúc, rất có thể ngay chính bản thân bạn cũng mắc những sai lầm khiến tình cảm bị rạn nứt ngày càng nhiều hơn.
Gia đình luôn là nơi mang đến cảm giác bình yên, nhưng làm sao để các thành viên trong gia đình hòa hợp với nhau luôn là bài toán khó từ xưa đến nay. Sự mất đoàn kết trong gia đình luôn là con dao sắc bén nhất, cắt đứt những mối quan hệ giữa các thành viên với nhau, khiến mọi người mất đi những điểm tựa tinh thần đáng trân trọng.
Để tránh đẩy mối quan hệ với người thân đi đến bờ vực, hãy cùng xem bản thân mình có đang mắc phải những sai lầm dẫn đến gia đình không hạnh phúc sau đây không nhé!
Phán xét người thân khiến họ tổn thương
Ông bà ta vẫn răn dạy: “Lời nói không mất tiền mua, lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau”, song chúng ta lại có xu hướng chủ quan nói thẳng suy nghĩ của mình với người thân, nhất là đối với trẻ con. Khi bạn dùng những từ ngữ không tốt với các thành viên trong gia đình, họ sẽ tổn thương gấp bội so với người ngoài.
Nếu những người thân trong gia đình bạn đang gặp phải vấn đề không như ý, bạn cần phải suy nghĩ thật kỹ trước khi phát ngôn bất kỳ điều gì. Thói quen nói về những điều tích cực trong ngày cũng là một cách giúp gắn kết mối quan hệ giữa bố mẹ và con cái. Hãy dùng những từ ngữ khuyến khích và cổ vũ tinh thần họ thay vì phán xét. Khi đó, bạn sẽ siết chặt sợi dây liên kết giữa các thành viên trong gia đình, khiến mối quan hệ ngày càng khăng khít hơn.
Lan truyền những câu chuyện không hay
Bạn có bao giờ kể lại một câu chuyện không hay của người thân cho người ngoài? Những câu chuyện “tam sao thất bản” luôn là nguyên nhân dễ gây tổn thương cho người thân. Hầu hết những lời đồn đều xuất phát từ những hiểu lầm hay sự khó chịu của người tạo ra lời đồn dành cho ai đó. Thậm chí, ngay cả khi bạn kể đúng sự thật 100% thì người thân bạn cũng không muốn chuyện đời tư của mình lan truyền khắp nơi!
Cách tốt nhất để tránh lan truyền những câu chuyện không hay là hãy suy nghĩ tích cực về mọi vấn đề. Nếu bạn có vấn đề với một ai đó trong gia đình, hãy chọn cách gặp mặt trực tiếp họ để chia sẻ vấn đề một cách lịch sự. Hành động này sẽ giúp chữa lành mối quan hệ đang tan vỡ và sửa chữa mọi sai lầm của nhau. Ngoài ra, đừng mang những vấn đề không liên quan đến bạn từ cuộc sống của họ vào cuộc thảo luận, điều này sẽ khiến mọi thứ trở nên tồi tệ hơn đấy.
Hiếm khi tham gia buổi họp mặt gia đình
Họp mặt gia đình luôn là gia vị cần thiết trong mối quan hệ của các thành viên. Nếu bạn luôn ưu tiên công việc bận rộn và cuộc sống cá nhân nên hiếm khi tham gia họp mặt, tình cảm gia đình cũng sẽ nhạt dần theo thời gian.
Hãy mời các thành viên về họp gia đình hoặc thu xếp thời gian để tham gia các buổi gặp mặt vào dịp cuối tuần, lễ Tết… Bạn có thể làm một bữa cơm gia đình hay lên kế hoạch một chuyến đi xa. Ngay cả khi người thân của bạn bận rộn thì lời mời tham gia các sự kiện gia đình vẫn khiến họ cảm thấy mình được trân trọng.
Nói dối các thành viên trong gia đình
Sự lừa dối sẽ phá hủy bất kỳ mối quan hệ nào, đặc biệt là mối quan hệ với những người thân trong gia đình. Chính bản thân bạn cũng cảm thấy khó chịu khi người thân không thật lòng với mình. Lời nói dối có thể được che đậy qua nhiều năm, nhưng sẽ đến một ngày sự thật sẽ được đưa ra ánh sáng. Hãy thành thật với gia đình mình, vì nếu không thành thật với họ, bạn có thể thật lòng với ai?
Nói dối hay sự giữ kín bí mật sẽ phá vỡ mối quan hệ gia đình về mặt lâu dài. Sự tan vỡ này bắt nguồn từ những niềm tin đã bị ăn mòn. Càng tin tưởng, họ sẽ càng tổn thương khi bị lừa dối. Chưa kể, nói dối còn ảnh hưởng đến sức khỏe của bạn!
“Thuốc đắng dã tật, sự thật mất lòng”, nếu cảm thấy quá khó xử thì tạm thời bạn nên im lặng. Bạn có thể lựa chọn thời điểm chia sẻ sự thật ở điều kiện thuận lợi như khi người thân đã bình tĩnh và vui vẻ hơn nhé.
Không chấp nhận sự khác biệt của nhau
Một trong những nguyên nhân cốt lõi dẫn đến gia đình không hạnh phúc chính là chúng ta không dễ chấp nhận sự khác biệt với các thành viên. Khi bạn dựa trên quan điểm sống của mình, những gì các thành viên khác làm có thể sẽ là “sai lầm” hoặc “kỳ cục”. Ngược lại, bạn có thể cũng chẳng hề đúng “chuẩn” trong mắt các thành viên còn lại!
Các thành viên trong gia đình dù sống cùng một nơi, đều do cha mẹ sinh ra, đều được dạy dỗ giống nhau thì họ vẫn không thể giống nhau như những giọt nước. Mỗi người đều là những cá thể hoàn toàn khác nhau.
Vì vậy, hãy chấp nhận những sự khác biệt để có thể dung hòa với người thân. Những thành viên trong gia đình có thể sẽ khác nhau về nhận thức chính trị hay những quan điểm khác trong lựa chọn sự nghiệp, nuôi dạy con cái… Nếu không cảm thấy thoải mái với lời đề nghị của người thân, bạn có thể học cách từ chối mà không khiến người khác phật ý thay vì bắt đầu một cuộc xung đột.
Luôn muốn đổ lỗi cho các thành viên khác
Đôi khi trong cơn tức giận, bạn sẽ vô tình nói những lời lẽ không hay và đổ lỗi cho người thân của mình. Hãy nói xin lỗi với họ sau khi bạn bình tĩnh hơn. Lời xin lỗi sẽ giúp chữa lành sự tổn thương và khiến mối quan hệ giữa các thành viên ngày càng khăng khít.
Nếu lời xin lỗi không được nói ra, các thành viên khác sẽ cho rằng bạn không quan tâm về mối quan hệ này và sẽ khiến mọi thứ ngày càng tồi tệ hơn. Bên cạnh đó, lời xin lỗi cần gắn liền với sự tha thứ. Đặc biệt đối với quan hệ vợ chồng, thành ý tha thứ khi cả hai đang xung đột sẽ giúp hóa giải được rất nhiều mâu thuẫn đấy.
Vì vậy, bất cứ khi nào cảm thấy gia đình không hạnh phúc, hãy tự xem xét bản thân mình trước khi trách cứ người thân. Bạn không thể điều khiển người khác, song bạn hoàn toàn có thể tự điều chỉnh cách hành xử của mình. Hãy sống vị tha một chút, bạn sẽ nhận được ngày càng nhiều yêu thương hơn!
[embed-health-tool-bmi]