Bạn xin lỗi hoặc nhận hết lỗi về mình dù chẳng làm gì sai
Có phải bạn luôn là người nói xin lỗi khi một việc không mong muốn xảy ra? Hãy trả lời thành thật câu hỏi này.
Những người sống để làm vui lòng người khác thường sẵn sàng nhận hết mọi lỗi lầm về mình, ngay cả khi bản thân chẳng hề làm gì sai. Ví dụ như đồng nghiệp nhờ bạn đặt thức ăn cho cả văn phòng, nhưng vì nhà hàng bị sót đơn nên mọi người phải chờ hết 2 giờ mới được ăn trưa. Mặc dù bạn đã cẩn thận đặt đồ ăn trước giờ ăn và việc sót đơn chính là lỗi của nhà hàng, nhưng bạn vẫn cứ xin lỗi và cảm thấy có lỗi với đồng nghiệp, thậm chí, bạn còn tin rằng đồng nghiệp sẽ ghét bỏ và không bao giờ tin tưởng nhờ bạn đặt bữa trưa nữa.
Nhanh chóng đồng ý với ai đó, mặc dù bản thân nghĩ điều đó sai

Bạn cho rằng việc đồng quan điểm với ai đó thường đồng nghĩa với giành được sự công nhận của họ.
Đôi khi, bạn được hỏi về cảm nhận đối với ý kiến hoặc ý tưởng của đồng nghiệp. Trong khi những người khác đều tấm tắc khen ngợi: “Quả là một ý kiến tuyệt vời”, bạn cũng nói rằng: “Đây đúng là một ý kiến hay” mặc dù bản thân bạn cảm thấy ý kiến này còn nhiều sai sót và chưa thật sự tốt.
Nếu bạn miễn cưỡng đồng ý với những điều mà bản thân cho là chưa ổn chỉ để làm vui lòng người khác, bạn đang vô tình tự đẩy mình và cả người khác vào nhiều bế tắc trong tương lai. Nếu ý kiến của người khác thật sự có vấn đề, bạn sẽ khiến cho bạn và cả người đó gặp nhiều rắc rối khi không chịu nói ra những điểm sai này để họ rút kinh nghiệm. Đôi khi việc chỉ ra những khuyết điểm lại chính là điều người khác cần ở bạn, chứ không phải cứ gật đầu đồng ý hùa theo.
Gặp khó khăn trong việc xác định mong muốn của bản thân
Những người sống vì người khác quá nhiều thường khó nhận ra những điều mà họ thật sự mong muốn. Sở dĩ như vậy là vì họ chọn cách bỏ qua những suy nghĩ của bản thân để chiều theo mong muốn của những người xung quanh. Dần dần, họ mất phương hướng và không biết rõ mình cần gì hoặc thật sự muốn gì.
Đôi khi, những người này không dám nói lên cảm xúc thật của mình, mặc dù rất muốn người khác lắng nghe. Ví dụ như, bạn thường tránh nói với đồng nghiệp rằng họ làm bạn cảm thấy mệt mỏi và phải tự động viên mình bằng câu: “Họ không cố ý mà. Nếu mình nói vậy, mình sẽ làm họ bị tổn thương”. Thế nhưng, vô tình bạn đang phủ nhận một thực tế quan trọng rằng: Họ mới chính là người làm tổn thương bạn.
Người sống vì người khác quá nhiều luôn là người cho đi
Có phải bạn luôn thích trao đi hơn là nhận lại? Quan trọng hơn, có phải bạn cho đi vì để nhận được sự yêu quý của những người xung quanh?
Những người sống để làm hài lòng người khác thường có xu hướng thích cho đi, Myers giải thích: “Sự hy sinh có thể nuôi dưỡng ý thức về bản thân, tuy nhiên đôi khi cũng có thể dẫn đến chủ nghĩa tử vì đạo”. Bạn cứ cho đi và cho đi, với hy vọng rằng mọi người có thể đền đáp sự cho đi đó bằng tình yêu và sự trân trọng mà bạn khao khát.
Tuy nhiên, bạn không biết rằng, người khác đôi khi chỉ đang yêu thích những việc mà bạn làm cho họ, chứ không phải đang yêu thích con người thật của bạn. Và như thế, họ càng dễ dàng thất vọng hơn khi bạn không thực hiện được mọi việc như họ mong đợi.
Bạn không hề có thời gian rảnh rỗi
Việc bận rộn bình thường không đồng nghĩa với việc bạn là một người sống vì người khác quá nhiều. Nhưng hãy quan tâm đến cách bạn dùng thời gian rảnh của mình như thế nào. Sau khi thực hiện hết các trách nhiệm thiết yếu của bản thân như làm việc, làm việc nhà, chăm sóc con thì bạn làm gì? Bạn dành bao nhiêu thời gian cho việc nghỉ ngơi và những sở thích của bản thân?
Hãy nghĩ đến lần cuối cùng bạn dành thời gian cho bản thân mình xem. Liệu bạn đã từng trải qua những khoảnh khắc đó chưa? Nếu bạn không thể nhớ nổi những thời điểm như vậy, bạn có thể đã dành quá nhiều thời gian cho những người xung quanh thay vì chính bản thân đấy.
Tranh cãi và xung đột làm bạn khó chịu

Những người sống vì người khác quá nhiều thường rất sợ những cơn tức giận. Điều này cũng khá hợp lý, bởi vì giận dữ đồng nghĩa với việc: “Tôi cảm thấy không hài lòng”. Nếu mục tiêu của bạn là giữ cho mọi người vui vẻ thì tức giận cũng đồng nghĩa với thất bại trong việc làm họ vui lòng.
Để tránh những cơn tức giận này, bạn có thể phải xin lỗi rối rít hoặc làm những điều mà bạn nghĩ sẽ khiến họ cảm thấy vui, ngay cả khi họ không thật sự nổi giận với bạn.
Đôi khi, bạn cũng sợ xung đột giữa những người xung quanh ngay cả khi việc đó chẳng hề liên quan gì đến bạn. Ví dụ như hai người bạn thân của bạn cãi nhau, bạn sẽ tìm cách giúp họ làm hòa, bởi vì bạn sợ rằng mâu thuẫn đó sẽ ảnh hưởng đến mối quan hệ của bạn và họ.
Suy nghĩ cho người khác là một việc không hề xấu, tuy nhiên sống vì người khác quá nhiều mà quên đi chính mình lại vô tình khiến bạn dần đánh mất bản thân và trở nên phụ thuộc. Thay vì chiều theo mọi ý kiến của những người xung quanh, bạn cần cân bằng giữa những mong muốn của mình và của họ để vừa giữ được chính kiến của bản thân, vừa nhận được sự tín nhiệm của người khác.
Đặt câu hỏi cho bác sĩ
Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để tạo câu hỏi
Chia sẻ với bác sĩ các thắc mắc của bạn để được giải đáp miễn phí.
Đăng ký hoặc Đăng nhập để đặt câu hỏi cho bác sĩ!