Việc tưởng chừng đơn giản này có thể giúp bạn xác định lại giá trị của bản thân và từ đó có thêm niềm tin vào chính mình.
5. Giữ vững quan điểm cá nhân
Nếu là một người nhạy cảm và hay lo lắng về mọi thứ, bạn thường suy nghĩ mọi chuyện theo hướng tiêu cực. Giả sử, bạn không đậu kỳ thi đại học như ý muốn và bắt đầu lo lắng vì có thể sẽ trượt tất cả những chương trình học mà mình đăng ký. Điều này khiến bạn phải ôn luyện để thử lại vào năm sau.
Tiếp đến, bạn lại nghĩ rằng biết đâu năm sau mình cũng sẽ lại trượt nữa. Sau này, tương lai sự nghiệp của bạn sẽ về đâu, công ty nào sẽ chấp nhận bạn khi không có bằng cấp, rồi kinh tế của bạn sẽ bất ổn. Bạn không thể mua nhà, xây dựng tổ ấm…
Vòng suy nghĩ tiêu cực này được gọi là bi kịch hóa (catastrophizing) và dĩ nhiên nó chẳng đúng thực tế chút nào. Thay vì cứ suy nghĩ về những trường hợp xấu và cảm thấy sợ hãi, sao bạn không giữ vững quan điểm và niềm tin vào bản thân, và từ đó xây dựng một vài kế hoạch dự phòng để có thể chế ngự nỗi sợ hãi của chính mình.
6. Tìm hiểu điều bạn thật sự sợ khi bị từ chối

Khám phá được sự thật đằng sau nỗi sợ bị từ chối sẽ giúp bạn giải quyết được nỗi lo lắng này. Việc sợ bị từ chối tình cảm có lẽ là do bạn không thích cảm giác cô đơn và cần một ai đó yêu thương.
Nếu vậy, thay vì tìm kiếm một người yêu, sao bạn không thử tìm cách xây dựng hoặc củng cố những mối quan hệ bền vững hơn như bạn bè hoặc gia đình? Điều đó có thể giúp bạn không còn cảm thấy cô đơn và sợ hãi khi bị từ chối nữa. Đôi khi, việc bị từ chối sẽ không còn đáng sợ nữa nếu bạn biết mình vẫn còn những mối quan hệ khác tốt đẹp hơn.
Nếu nỗi sợ bị một nhà tuyển dụng từ chối đến từ việc không biết làm sao có được nguồn thu nhập ổn định hoặc không có kế hoạch dự phòng cho tương lai, vậy tại sao bạn không phác thảo một vài hướng đi khác phù hợp với khả năng của bản thân và thực hiện chúng khi chưa tìm được công việc như ý?
7. Đối diện với nỗi sợ của chính mình
Đúng vậy, nếu cứ sống mãi trong vùng an toàn của chính mình, bạn sẽ tránh được việc phải trải qua cảm giác đau đớn khi bị từ chối mà bản thân sợ hãi. Tuy nhiên, điều đó cũng đồng nghĩa với việc bạn sẽ không thể đạt được bất kỳ mục tiêu nào. Không ai biết được, kết quả cuối cùng của sự việc sẽ là một lời từ chối hay là cái gật đầu nên hãy mạnh dạn đối diện với nỗi sợ và cho mình cơ hội để đạt được những điều bản thân mong muốn.
Một số chuyên gia khuyên bạn nên lập ra một “danh sách các nỗi sợ” và đánh giá mức độ của chúng. Sau đó, hãy tìm ra các giải pháp để từ từ vượt qua chúng. Đây là một phần trong liệu pháp tiếp xúc. Bạn có thể tự làm việc này hoặc nhờ đến các chuyên gia tâm lý nếu cần.
Hãy nhớ rằng không có nỗi sợ nào quá lớn nếu bạn dũng cảm đối mặt với nó.
8. Ngừng nghĩ về những điều tiêu cực

Bạn thường có xu hướng tự phê phán và chất vấn chính mình sau khi bị từ chối, kiểu như: “Chính mình đã phá hỏng mọi chuyện”, “Là do mình đã làm sai quá nhiều” hay “Tôi thực sự quá tẻ nhạt”…
Thế nhưng, việc này chỉ khiến bạn càng tin rằng việc bị từ chối chính là do lỗi của bản thân, trong khi sự thật có thể không phải vậy. Nếu bạn tin rằng việc bị từ chối là do bản thân bạn chưa đủ tốt thì nỗi sợ đó có thể cứ tiếp diễn và trở thành một lời tiên tri tự ứng nghiệm (self-fulfilling prophecy). Đây là một thuật ngữ do nhà xã hội học Robert K. Merton đặt ra. Theo đó, những lời tiên tri sai có thể thành đúng nếu người ta thật sự tin vào nó.
Việc suy nghĩ tích cực không phải lúc nào cũng làm cho tình huống trở nên tốt đẹp hơn nhưng nó giúp thay đổi quan điểm của bạn. Khi tự khuyến khích và động viên bản thân, bạn sẽ tin tưởng vào khả năng của mình và cố gắng hơn để đạt được mục tiêu mong muốn.
9. Tìm kiếm sự hỗ trợ tinh thần từ những người xung quanh
Mỗi khi nhận được lời từ chối, hãy dành thời gian ở bên những người luôn quan tâm đến bạn để củng cố lại niềm tin của chính mình. Những người thân yêu xung quanh bạn như người thân trong gia đình, bạn bè hoặc đôi khi là những chú thú cưng sẽ luôn là nguồn động viên tinh thần to lớn giúp bạn vượt qua nỗi sợ hãi để tiếp tục cố gắng đạt đến các mục tiêu khác. Khi biết mình luôn có điểm tựa về mặt tinh thần, mọi chuyện dù là đáng sợ đến đâu dường như cũng trở nên bớt nghiêm trọng hơn rất nhiều.
10. Nói chuyện với chuyên gia tâm lý
Việc bị từ chối thường xảy ra trong cuộc đời của mỗi người nhưng không vì thế mà chúng không nghiêm trọng, thậm chí có thể gây ra những ảnh hưởng lâu dài đến tâm lý. Một vài cú sốc tâm lý khi bị từ chối có thể dẫn đến nhiều suy nghĩ tiêu cực, đôi khi còn có thể gây nguy hiểm đến thân thể và tính mạng nếu không được nhận thức đúng đắn.
Dù bạn hoàn toàn có thể tự mình vượt qua nỗi sợ bị từ chối nhưng nói chuyện với một chuyên gia tâm lý cũng là cách vô cùng hiệu quả. Bạn nên cân nhắc đến việc gặp một chuyên gia tâm lý khi tình trạng sợ bị từ chối khiến bạn:
- Lo âu hoặc hoảng loạn
- Ngăn cản bạn làm những điều mình muốn
- Gây ra đau khổ trong cuộc sống hàng ngày.
Đa số những nỗi đau đều mờ dần theo thời gian, dù là nỗi đau tinh thần hay thể chất. Sau vài tháng hay nhiều năm, bạn có thể cảm thấy chúng không còn quan trọng nữa. Thế nên, đừng để nỗi sợ bị từ chối tác động đến những điều mà bạn muốn làm, những cơ hội mà bạn xứng đáng có được. Hãy thử theo những lời khuyên phía trên của Hello Bacsi và biến những nỗi sợ trở thành nguồn động lực để bạn tiếp tục cố gắng. Ai cũng có nỗi sợ, nhưng đừng để nỗi sợ ấy đánh gục bản thân!
Phương Quỳnh/HELLO BACSI
Đặt câu hỏi cho bác sĩ
Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để tạo câu hỏi
Chia sẻ với bác sĩ các thắc mắc của bạn để được giải đáp miễn phí.
Đăng ký hoặc Đăng nhập để đặt câu hỏi cho bác sĩ!