Trong đời sống thường nhật, đồng cảm (sympathy) và thấu cảm (empathy) thường được dùng để chỉ sự đồng điệu, thông cảm cho cảm xúc của người khác. Thường không hoặc ít có sự phân biệt trong việc sử dụng 2 từ này. Tuy nhiên, thực chất, chúng là có những điểm khác biệt rất rõ ràng.
Trong bài viết này, HelloBacsi mời bạn cùng tìm hiểu chi tiết đồng cảm là gì, ý nghĩa, biểu hiện của sự đồng cảm. Cách phân biệt giữa thấu cảm và đồng cảm. Mời bạn đọc tiếp ngay sau đây.
Đồng cảm là gì?
Theo định nghĩa trên Từ điển của Hiệp hội Tâm lý học Hoa Kỳ – APA, sự đồng cảm (sympathy) sự quan tâm, lòng thương cảm của một người đối với mất mát hay đau khổ của người khác. Nó cũng để chỉ khả năng chia sẻ và đáp lại sự quan tâm hay cảm xúc mà người khác dành cho mình.
- Ôi hoàn cảnh của cô ấy thật đáng thương
- Tôi rất thương cảm cho hoàn cảnh của bạn
- Khi thấy bạn đau lòng như vậy, tôi cũng thấy rất buồn.
Ý nghĩa của sự đồng cảm là gì?
Trong tiếng Hy Lạp, hậu tố ‘-pathy’ bắt nguồn từ ‘pathos’, có nghĩa là cảm xúc, tình cảm hay còn được hiểu là niềm đam mê; sự từng trải. Do đó, hai từ empathy và sympathy được dịch là thấu cảm và đồng cảm. Nhìn chung thì hai từ này đều được gắn với ý nghĩa là có liên quan đến cảm xúc và tình cảm.
Phân biệt thấu cảm (empathy) và đồng cảm (sympathy)
Điểm khác biệt chính giữa thấu cảm và đồng cảm là cách mà bạn thể hiện sự thấu hiểu cảm xúc và ý thức được vấn đề, hoàn cảnh của một ai đó.
- Thấu cảm (empathy): Ngoài đồng điệu về cảm nhận, còn cần có cả trí óc để nỗ lực trong việc hiểu suy nghĩ và đồng hoá cảm xúc với đối tượng. Vậy nên thấu cảm nghiêng về việc là một kỹ năng thuộc lĩnh vực chuyên môn Tâm lý học và cần qua trường lớp đào tạo hơn là một đặc tính có sẵn và có thể tự phát triển của con người như đồng cảm. Ngoài ra, thực hành thấu cảm không đúng cách còn có nguy cơ khiến chủ thể bị choáng ngợp khi chứa đựng một lượng cảm xúc lớn hoặc quá tải, kiệt sức khi cố gắng hiểu suy nghĩ, hành vi của đối tượng.
- Đồng cảm (sympathy): Là một đặc tính có sẵn ở mỗi người, đối tượng mà nó hướng đến là cảm xúc của người khác với mục đích là cảm nhận, quan tâm. Đồng cảm có thể là sự vui mừng cho những thành tựu hay sự thương xót, thông cảm cho những mất mát. Đó cũng là một sự đồng điệu, lan truyền của cảm xúc, giống như thấy người khác vui, tôi cũng vui lây hoặc khi thấy họ khóc, tôi cũng không tránh khỏi buồn lòng.
Vậy nên trong đời sống hàng ngày, chúng ta nên nuôi dưỡng, phát triển sự đồng cảm với người khác và sử dụng kỹ năng thấu cảm một cách thận trọng, phù hợp với mức độ được đào tạo.
Ngoài ra, thấu cảm còn có một phần quan trọng là truyền tải đến đối tượng điều mình hiểu. Để hiểu thêm về nhiệm vụ này của thấu cảm, các bạn có thể tham khảo thêm các tài liệu, bài viết chuyên sâu về thấu cảm.
Cách xây dựng và nuôi dưỡng sự đồng cảm
Trên thực tế, sự đồng cảm và sự thấu cảm gần như tương đồng về mặt biểu hiện và có cùng mục đích là hướng đến việc quan tâm đến cảm xúc của người khác. Như đã đề cập, mỗi chúng ta đều có khả năng đồng cảm ở một mức độ nhất định, và đặc tính này sẽ phát triển tốt nếu được nuôi dưỡng, bồi đắp đúng cách.
Lắng nghe tích cực
Lắng nghe tích cực hay lắng nghe chủ động (active listening) là khi bạn dành toàn bộ sự chú ý để lắng nghe người khác. Bạn tập trung để nghe và để hiểu tường tận những gì họ nói. Điều này sẽ rất khác với những kỹ năng nghe thông thường.
Về phía chủ thể là người lắng nghe, họ sẽ nắm bắt được vấn đề, thông tin một cách triệt để, từ đó đưa ra phản hồi hay quyết định một cách đúng đắn và tiết kiệm thời gian khi chỉ cần khai thác thông tin 1 lần. Đối với người được lắng nghe, họ sẽ cảm nhận được sự thoải mái, thoả mãn khi được lắng nghe, được hiểu và được trình bày toàn bộ điều mình mong muốn. Vậy nên về cả phương diện mối quan hệ hay chất lượng công việc sẽ đều được cải thiện.
Vậy làm thế nào để lắng nghe tích cực?
Bước đầu tiên và cũng là quan trọng nhất đó là ta cần chuẩn bị tâm thế cầu thị, xác định mục đích lắng nghe để lấy thông tin. Có thể hình dung giống như một học sinh khi đi thi với sự sẵn sàng, tập trung hết sức khi nghe đề bài được đọc, với mục đích không bỏ sót bất cứ một mô tả hay câu hỏi nào của đề ra.
Một số lỗi thường gặp ở bước này đó là chúng ta thường có khuynh hướng nghĩ mình đã biết và hiểu chuyện này rồi hoặc chuyện này đã lặp lại nhiều lần rồi. Vậy nên khi lắng nghe sẽ dễ đưa đến kết luận và bỏ sót những thông tin mới. Hoặc một trường hợp khác là trước khi bước vào lắng nghe, đã có sẵn những dự đoán, hình dung của bản thân mình. Từ đó trong lúc nghe những thông tin sẽ bị sai lệch để phù hợp với suy nghĩ có sẵn.
Sau khi đã chuẩn bị xong tâm thế, phần còn lại của việc này sẽ là những kỹ năng giúp quá trình nghe được hiệu quả, thông tin được khai thác triệt để. Nó rất phong phú và nằm trong bộ các kỹ năng giao tiếp thường ngày, có thể đến từ các kỹ năng ghi chú để giúp thông tin được tiếp nhận, kỹ năng tóm tắt và phản hồi để xác nhận độ chính xác của thông tin, các ngôn ngữ cơ thể như gật đầu, giao tiếp mắt,…
Ngoài ra, đối với các mối quan hệ cá nhân, lắng nghe tích cực cũng không hề khác về cả cách thức thực hiện và những hiệu quả nó mang đến. Kỹ năng này giúp chúng ta có thể hiểu sâu sắc hơn về người thân, bạn bè để có thể tạo kết nối sâu hay ứng xử đúng mực, từ đó duy trì và phát triển mối quan hệ một cách lành mạnh.
Không cần thiết phải đưa ra lời khuyên
Chúng ta rất dễ nảy sinh cảm giác muốn phán xét hoặc phản bác lại ý kiến của người hoặc tỏ ra hiểu vấn đề của trong khi chỉ mới nghe qua câu chuyện. Đây không phải là biểu hiện của sự đồng cảm.
Ví dụ, một người bạn kể cho bạn nghe về tình trạng hôn nhân của người ấy và cho biết họ sắp ly hôn, sự đồng cảm nửa vời của bạn sẽ được biểu hiện là: ‘Chuyện tệ đến mức này rồi sao. Mấy đứa trẻ chắc sẽ khổ lắm vì chúng sẽ sống trong hoàn cảnh thiếu cha hoặc thiếu mẹ’.
Trong khi đó với trường hợp người bạn kia nói họ đang rất buồn, một phản hồi đồng cảm và lắng nghe tích cực sẽ là: “Ồ, đây là một tình huống không ai mong muốn cả, nghe bạn báo tin tôi cũng thấy buồn thay cho bạn”.
Cởi mở hơn và chấp nhận sự khác biệt
Cởi mở hơn cũng có nghĩa là đôi khi bạn cũng có thể trở nên yếu đuối và dễ bị tổn thương như bao người khác. Mặc dù phần lớn chúng ta thường được dạy phải thể hiện sự mạnh mẽ và nên che đậy những tổn thương của mình.
Ngoài ra, bạn cũng nên hiểu rằng, môi trường sống và hoàn cảnh của mỗi người là khác nhau nên mỗi người có mỗi cách hiểu cũng là chuyện bình thường. Do đó, để có thể chấp nhận được nhiều sự khác biệt và thoát khỏi sự thiếu hiểu biết của mình, bạn hãy: Đọc nhiều hơn, chấp nhận rằng bản thân không biết tất cả, chủ động tiếp xúc với nhiều người có nhiều quan điểm khác mình, học tập theo tư duy phát triển (growth mindset).
Câu hỏi thường gặp
Đồng cảm và thấu cảm cái nào tốt hơn?
Không có cái nào tốt hơn cái nào, nó phụ thuộc vào hoàn cảnh và tình huống và sự hiểu biết của bạn. Đồng cảm và thấu cảm đều có những chức năng riêng của nó. Đồng cảm là một đặc tính tự nhiên, sẽ mang lại cảm giác gần gũi, thân thuộc với người nhận sự đồng cảm. Còn thấu cảm trong Tâm lý học có chức năng làm việc, trị liệu. Một ví dụ minh họa, cũng giống như khi bị ốm, bạn có thể chỉ cần người thân chăm sóc, nhưng cũng có khi cần thêm cả bác sĩ vậy. Bạn biết khi nào nên thấu cảm và khi nào nên đồng cảm, cả hai đều hướng đến việc quan tâm và muốn tốt cho sức khỏe tinh thần của đối phương.
Nguyên tắc đồng cảm trong giao tiếp là gì?
Như đã đề cập trong nhiều ví dụ ở trên, để thể hiện được sự đồng cảm trong giao tiếp bạn cần học cách lắng nghe tích cực, bày tỏ và tìm hiểu về cảm xúc của đối phương trong khi giao tiếp. Bên cạnh đó, thay vì đưa ra lời khuyên, bạn hãy tập trung lắng nghe và giữ sự tò mò bằng cách đặt thêm câu hỏi cho đối phương.
Khi nào nên thể hiện sự đồng cảm?
Mọi lúc, bất kỳ khi nào bạn cảm thấy là cần thiết và bạn muốn xây dựng và gia tăng sự kết nối trong các mối quan hệ. Đây là một kỹ năng cần thiết giúp bạn cải thiện kỹ năng giao tiếp của mình.
Siêu đồng cảm hay siêu thấu cảm là gì?
Hội chứng siêu đồng cảm (hyper empathy syndrome) là một mức độ cao của chứng rối loạn đồng cảm. Theo trang thông tin về sức khỏe tinh thần Mind Diagnostics, các chuyên gia cho biết, siêu đồng cảm hoặc siêu thấu cảm là tình trạng bạn đồng cảm quá mức, bạn nhập tâm quá sâu vào cảm xúc tiêu cực của người khác.
Chưa có những nghiên cứu được chứng nhận hay một mã chẩn đoán chính thức cho dạng rối loạn này, nhưng nó được miêu tả trong nhiều tài liệu với những điểm chung như sau:
- Khi tiếp xúc với cảm xúc của người khác, bạn không chỉ cảm nhận mà còn đau khổ, bị tổn thương vì chúng
- Một cách thường xuyên, trạng thái thương xót, thông cảm cho đối phương nhanh chóng chuyển biến thành cơn tức giận mà không do tác động của đối tượng.
- Và một vài các biểu hiện khác.
Tình trạng này có thể đến từ việc quá sức trong đồng cảm, chứa đựng với người khác hoặc cũng có thể do thực hành thấu cảm một cách chưa chính xác, khiến chủ thể bị tràn ngập và kiệt sức.
Tuy thuật ngữ siêu đồng cảm hay siêu thấu cảm chưa có mã chẩn đoán rối loạn, nhưng những biểu hiện mà nó được mô tả đã được nghiên cứu và có hướng điều trị hay trị liệu từ rất lâui. Vậy nên, nếu gặp phải những tình trạng này, hãy tìm gặp các chuyên gia, bác sĩ chuyên khoa để được tư vấn.
Kết luận
Tóm lại, thấu cảm sẽ cần được tìm hiểu, đào tạo để an toàn cho cả chủ thể và đối tượng. Còn đồng cảm là một đặc tính tự nhiên mà mỗi người nên nuôi dưỡng và phát triển, vừa để nội tâm bản thân được phong phú hơn, vừa có thể giúp các mối quan hệ trở nên lành mạnh và bền chặt. Hy vọng qua bài viết này bạn đã hiểu rõ hơn về đồng cảm là gì cũng như đã phân biệt được sự khác nhau giữa đồng cảm và thấu cảm.
[embed-health-tool-bmi]