Siêu âm dạ dày là một xét nghiệm hữu ích trước khi gây mê vì nó có thể quản lý nguy cơ hít phải các chất chứa trong dạ dày vào phổi trong quá trình gây mê và phẫu thuật. Cùng Hello Bacsi tìm hiểu rõ hơn về xét nghiệm này trong bài viết ngay sau đây nhé!
Tìm hiểu chung
Siêu âm dạ dày là gì?
Siêu âm dạ dày là một xét nghiệm cho kết quả nhanh chóng với độ tin cậy cao, cơ động, không xâm lấn và không gây biến chứng. Hình ảnh siêu âm dạ dày cho phép bác sĩ gây mê phân biệt giữa dạ dày đầy và rỗng, xác định trong dạ dày còn thức ăn hay dịch không và ước tính thể tích dịch dạ dày. Từ đó, bác sĩ có thể kiểm soát nguy cơ hít phải các chất chứa trong dạ dày, xác định thời gian thích hợp nhất để gây mê, lựa chọn loại thuốc mê và phương pháp quản lý đường thở hiệu quả trong khi làm phẫu thuật.
Bạn có thể quan tâm: Siêu âm là gì? Kỹ thuật siêu âm chẩn đoán được những bệnh gì?
Khi nào cần thực hiện siêu âm dạ dày?
Siêu âm dạ dày thường được thực hiện trước khi gây mê cho những bệnh nhân có nguy cơ hít sặc cao. Họ bao gồm người mắc các bệnh lý gây chậm làm rỗng dạ dày như bán tắc ruột, hẹp môn vị, liệt ruột cơ năng, đái tháo đường, bệnh thận mãn tính, phụ nữ có thai, người béo phì, người cao tuổi…. Bên cạnh đó, các trường hợp phẫu thuật cấp cứu, bác sĩ không có thời gian để đợi dạ dày rỗng mà phải gây mê và phẫu thuật ngay, dễ gặp tình huống hít sặc nên siêu âm dạ dày để đánh giá nguy cơ, lựa chọn phương án xử trí là rất cần thiết.
Ngoài ra, bác sĩ có thể yêu cầu thực hiện xét nghiệm này nếu không chắc chắn về tình trạng nhịn ăn của bệnh nhân (đối với người lớn tuổi, bệnh nhân có vấn đề thần kinh).
Thận trọng
Những điều bạn cần biết trước khi siêu âm dạ dày
Hít phải các chất chứa trong dạ dày là mối lo ngại lớn trong khi phẫu thuật. Sự hiện diện của thức ăn hoặc chất lỏng trong dạ dày trước khi gây mê là yếu tố nguy cơ lớn nhất của tai biến hít sặc này.
Vì dạ dày có tính axit mạnh nên khi hít sặc sẽ gây tổn thương cực kỳ lớn cho phổi. Tai biến này có thể dẫn đến thiếu oxy, co thắt phế quản, viêm phổi hít, suy hô hấp cấp tính, suy đa cơ quan và thậm chí là dẫn đến tử vong. Viêm phổi hít ở những bệnh nhân trải qua phẫu thuật làm tăng nguy cơ phải chăm sóc đặc biệt gấp 4 lần, thời gian nằm viện kéo dài 9 ngày và nguy cơ tử vong trong bệnh viện tăng gấp 7,6 lần. Vì vậy, siêu âm dạ dày là một trong những xét nghiệm quan trọng trước khi thực hiện phẫu thuật.
Không có chống chỉ định tuyệt đối đối với siêu âm dạ dày. Xét nghiệm này sẽ chống chỉ định tương đối với những bệnh nhân có vết thương ở bụng, băng vùng thượng vị và những người không thể nằm an toàn ở tư thế nghiêng bên phải.
Các biến chứng và tác dụng phụ
Siêu âm dạ dày là một thủ thuật an toàn, không gây phản ứng không mong muốn.
Quy trình
Chuẩn bị trước khi siêu âm dạ dày
Nhiều bệnh nhân thường thắc mắc rằng “Siêu âm dạ dày có cần nhịn ăn không?”. Thông thường, nếu là phẫu thuật đã được lên kế hoạch trước, người bệnh sẽ được hướng dẫn cụ thể giờ ăn uống trước khi siêu âm 3D dạ dày và làm phẫu thuật.
Hiệp hội bác sĩ gây mê Hoa Kỳ hướng dẫn thực hành nhịn ăn trước phẫu thuật nhằm giảm nguy cơ hít phải như sau: bệnh nhân khỏe mạnh nên nhịn ăn tối thiểu 2 giờ đối với chất lỏng trong suốt, 4 giờ đối với sữa mẹ, 6 giờ đối với các loại sữa khác hoặc bữa ăn nhẹ và 8 tiếng đối với đồ chiên rán, chất béo, thịt.
Tốt nhất, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để biết trước khi siêu âm dạ dày có được ăn không và bạn nên nhịn ăn trước đó bao lâu.
Bạn có thể quan tâm: Siêu âm ổ bụng
Quá trình siêu âm dạ dày diễn ra như thế nào?
Quá trình làm xét nghiệm khá nhanh, phù hợp cả với những ca cần cấp cứu khẩn cấp hoặc phải phẫu thuật càng sớm càng tốt.
Quy trình làm xét nghiệm như sau:
Bước 1: Siêu âm dạ dày ở tư thế ngửa
Để bệnh nhân nằm ngửa và cởi áo để lộ vùng thượng vị, có thể che ngực và vùng chậu. Bác sĩ sẽ đứng ở phía bên phải bệnh nhân và đối diện với máy siêu âm để tiện quan sát.
Sau đó, bác sĩ đặt đầu dò của máy siêu âm vuông góc với cơ thể, quét từ trái sang phải. Sau khi đã xác định vị trí của dạ dày, gan, tụy, động mạch mạc treo tràng trên, động mạch chủ bụng và tĩnh mạch chủ dưới, bác sĩ sẽ kiểm tra dạ dày và quan sát đặc điểm của bất kỳ chất nào chứa trong dạ dày.
Bước 2: Siêu âm dạ dày ở tư thế nghiêng phải
Sau khi đã thực hiện siêu âm dạ dày ở tư thế nằm ngửa xong, chuyển bệnh nhân sang tư thế nằm nghiêng bên phải để tiếp tục dùng đầu dò và quét. Vị trí này tạo điều kiện thuận lợi cho dòng chảy các chất trong dạ dày đến hang vị, làm tăng độ nhạy của siêu âm và tạo điều kiện thuận lợi cho việc đo thể tích dạ dày.
Kết quả
Kết quả siêu âm dạ dày
Kết quả siêu âm dạ dày được chia làm 3 mức độ như sau:
- Độ 0: Dạ dày trống ở cả 2 tư thế
- Độ I: Dịch dạ dày chỉ xuất hiện ở tư thế nghiêng phải
- Độ II: Dịch dạ dày xuất hiện ở cả hai tư thế.
Nếu dạ dày chứa chất lỏng trong suốt, thể tích dịch dạ dày (đơn vị mililit) có thể được ước tính bằng cách đo CSA (diện tích mặt cắt ngang) của hang vị ngang với động mạch chủ. Thể tích dịch dạ dày được tính theo công thức Pelas như sau: 27 + (14,6 * CSA) – (1,28 * tuổi).
Kết quả cho ra nếu thể tích dịch dạ dày dưới 1,5 ml/kg được coi là bình thường, nguy cơ hít sặc thấp khi gây mê. Lượng dịch dạ dày trên 1,5ml/kg hoặc kết quả siêu âm dạ dày thuộc độ II thì đánh giá bệnh nhân bụng đầy, có nguy cơ hít sặc cao.
Ví dụ, một bệnh nhân 20 tuổi, nặng 80 kilôgam (kg) với CSA là 20 cm² sẽ có thể tích dịch dạ dày ước tính là: 27 + 14,6 * 20 – 1,28 * 20 = 293 (ml). Kết luận thể tích dịch dạ dày là 293/80 = 3,7 ml/kg, nghĩa là bụng đầy, nguy cơ cao.
Điều gì xảy ra sau khi siêu âm dạ dày?
Sau khi xác định được dạ dày đầy hay rỗng, tùy từng trường hợp mà bác sĩ sẽ đưa ra các giải pháp cụ thể nhằm đảm bảo an toàn nhất cho người bệnh.
Trong lĩnh vực phẫu thuật, ý nghĩa kết quả siêu âm dạ dày phụ thuộc vào mức độ khẩn cấp của ca đó.
- Khi phẫu thuật không cần gấp, nếu dạ dày chứa chất rắn, chất lỏng đặc hoặc thể tích dịch trong suốt vượt quá 1,5 ml/kg thì nên hủy bỏ hoặc hoãn lại.
- Trong các trường hợp cấp cứu hoặc khó để dự tính khi nào dạ dày rỗng hay dạ dày sẽ khó rỗng dù có chờ đợi (ví dụ liệt dạ dày), bác sĩ sẽ xem xét nguy cơ hít sặc và đưa ra thời gian tối ưu để thực hiện ca phẫu thuật. Nếu tiến hành gây mê trong những trường hợp này nên thực hiện các biện pháp phòng ngừa đầy đủ. Bệnh nhân không được dùng thuốc an thần để duy trì phản xạ bảo vệ đường thở, hoặc nếu phải sử dụng thuốc an thần, đường thở nên được bảo vệ bằng khởi mê nhanh và đặt nội khí quản. Tùy thuộc vào trường hợp cụ thể, dạ dày nên được giải áp bằng ống thông dạ dày qua mũi hoặc qua đường miệng trước khi gây mê hoặc sau khi đặt nội khí quản.
Trên đây là toàn bộ thông tin về siêu âm dạ dày, hi vọng đã cung cấp cho bạn những thông tin hữu ích về xét nghiệm này.
[embed-health-tool-bmi]