backup og meta

Chụp cắt lớp vi tính phát xạ đơn (SPECT)

Chụp cắt lớp vi tính phát xạ đơn (SPECT)

Chụp SPECT là gì? Quy trình thực hiện và những lưu ý trong chụp SPECT là gì? Tất cả sẽ được trình bày trong bài viết sau, hãy cùng Hello Bacsi tìm hiểu ngay nhé!

Tìm hiểu chung

SPECT là gì?

SPECT hay còn gọi là chụp cắt lớp vi tính phát xạ đơn là kỹ thuật cho phép bác sĩ phân tích chức năng của một số cơ quan nội tạng. SPECT là một xét nghiệm hình ảnh trong y học hạt nhân, sử dụng chất phóng xạ và thiết bị chụp cắt lớp vi tính để tạo ra hình ảnh 3 chiều.

Nếu chụp X-quang có thể cho thấy cấu trúc bên trong cơ thể thì SPECT giúp bác sĩ nhận biết hoạt động của các cơ quan, chẳng hạn như xác định lưu lượng máu chảy vào tim hoặc khu vực nào trong não hoạt động nhiều hơn hay ít hơn.

Khi nào bạn cần thực hiện chụp SPECT?

chụp spect là gì

Các ứng dụng phổ biến nhất của SPECT là giúp chẩn đoán hoặc theo dõi các rối loạn não, xương cũng như các vấn đề về tim mạch.

Rối loạn não

SPECT có thể hữu ích trong việc xác định phần nào của não bị ảnh hưởng bởi:

  • Sa sút trí tuệ, đãng trí
  • Tắc mạch máu não
  • Co giật, động kinh kháng thuốc
  • Chấn thương đầu

Bạn có thể xem thêm: Phản ứng Pandy: Quy trình thực hiện và ý nghĩa lâm sàng

Rối loạn xương

Các vị trí xương đang hồi phục hoặc tiến trình ung thư thường tập trung nhiều chất đánh dấu phóng xạ khi thực hiện chụp quét SPECT, vì vậy phương pháp này đang được sử dụng thường xuyên hơn nhằm giúp chẩn đoán gãy xương kín. SPECT cũng có thể dùng chẩn đoán và theo dõi sự tiến triển của ung thư đã di căn đến xương, cũng như đánh giá kết quả sau 1 liệu trình điều trị.

Vấn đề tim mạch

Vì chất đánh dấu phóng xạ làm nổi bật các khu vực lưu thông máu trên ảnh chụp nên SPECT có thể chỉ định thực hiện nhằm kiểm tra:

  • Tắc động mạch vành. Nếu các động mạch nuôi cơ tim bị hẹp hoặc bị tắc, các phần của cơ tim được phục vụ bởi các động mạch này có thể bị hỏng hoặc thậm chí chết.
  • Giảm chức năng bơm máu. Hình ảnh từ SPECT có thể cho thấy máu không lưu thông trong buồng tim của người bệnh khi có các cơn co thắt.

Điều cần thận trọng

Chụp SPECT có nguy hiểm không?

Đối với hầu hết trường hợp, kỹ thuật SPECT nhìn chung là an toàn. Tuy nhiên, do đây là phương pháp chẩn đoán trong Y học hạt nhân nên người bệnh cũng cần lưu ý một số trường hợp như:

  • Chảy máu, đau hoặc sưng ở vị trí tiêm chất đánh dấu phóng xạ
  • Phản ứng dị ứng với chất đánh dấu phóng xạ (hiếm)
  • SPECT không an toàn khi thực hiện cho phụ nữ đang mang thai hoặc cho con bú. Chất đánh dấu phóng xạ có thể truyền qua thai nhi hoặc qua sữa mẹ.

Khi thực hiện, cơ thể người bệnh được tiêm 1 lượng phóng xạ nhỏ và không gây bất kỳ rủi ro lâu dài nào về sức khỏe. Nếu có lo lắng về phơi nhiễm phóng xạ trong quá trình chụp SPECT, hãy trình bày với bác sĩ.

Quy trình thực hiện

quy trình chụp spect

Những thông tin được cung cấp không thể thay thế cho lời khuyên của các chuyên viên y tế. Hãy luôn tham khảo ý kiến bác sĩ.

Trước khi thực hiện

Tùy vào tình trạng bệnh mà mỗi trường hợp sẽ được hướng dẫn cụ thể cách chuẩn bị trước khi thực hiện chụp SPECT. Tuy nhiên, nguyên tắc chung vẫn là:

  • Mặc trang phục gọn nhẹ, không mang theo trang sức, phụ kiện kim loại
  • Nếu đang mang thai hoặc cho con bú, hãy thông báo ngay cho bác sĩ hoặc kỹ thuật viên
  • Liệt kê thành danh sách tất cả các loại thuốc cũng như viên uống bổ sung nếu đang sử dụng

Trong khi thực hiện

SPECT bao gồm 2 bước: tiêm chất đánh dấu phóng xạ và thực hiện chụp quét SPECT.

Giai đoạn tiêm chất đánh dấu

Người bệnh được tiêm một chất đánh dấu phóng xạ (hoặc đồng vị phóng xạ) qua tĩnh mạch cánh tay với một liều rất nhỏ. Người bệnh có thể cảm thấy một chút lạnh khi chất đánh dấu đi vào cơ thể. Bác sĩ có thể yêu cầu người bệnh nằm yên trong 20 phút hoặc hơn trước khi chụp SPECT. Chất đánh dấu phóng xạ cần có thời gian luân chuyển trong dòng máu đến bộ phận cần chụp. Trong một số trường hợp hiếm hơn, người bệnh có thể phải đợi vài giờ hoặc vài ngày sau khi tiêm để được chụp SPECT.

Chất đánh dấu phóng xạ phát ra các tia gamma có thể được phát hiện bởi máy xạ hình SPECT. Các mô hoạt động mạnh hơn sẽ hấp thụ nhiều chất phóng xạ hơn. Trong trường hợp xuất hiện cơn động kinh, khu vực não phát động kinh có thể giữ lại nhiều chất đánh dấu phóng xạ hơn. Khi thể hiện qua ảnh chụp SPECT, các bác sĩ có thể xác định chính xác khu vực não ảnh hưởng để có phác đồ điều trị phù hợp cho người bệnh.

Thủ thuật này khác với chụp PET ở chỗ chất đánh dấu phóng xạ sẽ lưu lại trong dòng máu của người bệnh thay vì được hấp thụ bởi các mô xung quanh.

Giai đoạn chụp quét SPECT

Máy SPECT là một thiết bị hình tròn lớn với bàn nằm ở khoảng trống chính giữa. Máy có gắn camera phát hiện chất đánh dấu phóng xạ mà cơ thể người bệnh đã được hấp thu. Trong quá trình quét, người bệnh nằm yên trên bàn, máy SPECT xoay vòng quanh. Máy sẽ chụp ảnh các cơ quan nội tạng và những cấu trúc khác của cơ thể cần chẩn đoán bệnh. Các hình ảnh được gửi đến một máy tính. Máy tính này hỗ trợ tạo ra các hình ảnh 3 chiều. Tùy vào lý do chỉ định thực hiện mà thời gian chụp quét sẽ dao động khác nhau.

Sau khi thực hiện

Hầu hết các chất đánh dấu phóng xạ sẽ đào thải khỏi cơ thể người bệnh qua nước tiểu trong vòng vài giờ. Người bệnh có thể được khuyên uống nhiều nước lọc hoặc nước trái cây hơn để đẩy nhanh quá trình này. Trong vòng vài ngày (24-72 giờ) sau khi thực hiện chụp SPECT, toàn bộ chất đánh dấu phóng xạ sẽ được đào thải hoàn toàn.

Kết quả

kết quả chụp spect

Kết quả của SPECT là gì?

Bác sĩ X-quang hoặc bác sĩ chuyên khoa Chẩn đoán hình ảnh và Y học hạt nhân sẽ phân tích kết quả chụp SPECT của người bệnh. Kết quả này sẽ được gửi cho bác sĩ điều trị.

Trong hình ảnh từ SPECT, phần hiển thị màu sắc cho biết khu vực trên cơ thể người bệnh hấp thụ nhiều hay ít chất đánh dấu phóng xạ hơn. Ví dụ, hình ảnh SPECT chụp não có thể hiển thị màu sáng hơn – các tế bào não ít hoạt động hơn và màu tối hơn – các tế bào não hoạt động nhiều hơn. Ngoài ra, một số máy chụp SPECT sẽ chỉ hiển thị các sắc độ của màu xám trên ảnh.

SPECT giúp các bác sĩ nhận định khu vực bị ảnh hưởng bởi ung thư hay các rối loạn từ não hoặc xương, từ đó biết được vị trí chính xác để phẫu thuật, lấy mẫu thử, cũng như đánh giá kết quả sau một kỳ điều trị.

Nếu bạn có bất kỳ câu hỏi nào về kết quả hay quy trình chụp SPECT, hãy tham khảo ý kiến thêm ý kiến của các bác sĩ chẩn đoán hình ảnh hay bác sĩ điều trị để được tư vấn phương pháp hỗ trợ tốt nhất nhé!

[embed-health-tool-bmi]

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

SPECT scan. https://www.mayoclinic.org/tests-procedures/spect-scan/about/pac-20384925 Ngày truy cập 24/12/2019

SPECT (single photon emission computed tomography) scan. https://mayfieldclinic.com/pe-spect.htm Ngày truy cập 24/12/2019

Single Photon Emission Computed Tomography (SPECT) https://www.heart.org/en/health-topics/heart-attack/diagnosing-a-heart-attack/single-photon-emission-computed-tomography-spect Ngày truy cập 24/12/2019

SPECT Imaging https://www.ncbi.nlm.nih.gov/books/NBK564426/ Ngày truy cập 30/5/2022

SPECT vs PET https://radiopaedia.org/articles/spect-vs-pet Ngày truy cập 30/5/2022

Brain SPECT Scan https://www.cedars-sinai.org/programs/imaging-center/exams/nuclear-medicine/brain-spect-scan.html Ngày truy cập 30/5/2022

 

Phiên bản hiện tại

30/05/2022

Tác giả: Ngà Trương

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

Cập nhật bởi: Vi Quỳnh


Bài viết liên quan

Top 4 Bệnh viện và Phòng khám Đa khoa Quốc tế uy tín tại Bình Dương

Người bệnh động kinh nên ăn gì, kiêng gì để hạn chế co giật?


Tham vấn y khoa:

Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: Ngà Trương · Ngày cập nhật: 30/05/2022

ad iconQuảng cáo

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo