Tiêm filler cằm là một trong các lựa chọn thẩm mỹ phổ biến hiện nay với những người quan tâm đến các công nghệ làm đẹp. Đây được xem là giải pháp giúp bạn sở hữu dáng cằm V-line như mong đợi không cần đến “dao kéo”. Tuy nhiên, nhiều người vẫn lo lắng rằng liệu tiêm filler cằm có ảnh hưởng gì không, có biến chứng nào không?
Hãy cùng Hello Bacsi tìm hiểu rõ hơn về thủ thuật tiêm filler cằm ngay sau đây nhé!
Tìm hiểu chung
Tiêm filler cằm là gì?
Tiêm filler cằm hay còn gọi là tiêm chất làm đầy vào cằm, dùng để nâng mô dưới da hoặc tăng kích cỡ của vùng cần tạo hình lại. Cằm, môi, mũi, hàm là những vị trí thường cần tiêm filler để cải thiện cấu trúc khuôn mặt.
Các loại chất làm đầy dùng trong công nghệ tiêm filler phổ biến hiện nay gồm:
- Hyaluronic acid (HA) là một loại filler có nguồn gốc giống như HA tự nhiên trong cơ thể – chất giữ cho làn da căng mọng và ngậm nước. Hiệu quả của liệu trình sử dụng filler là HA thường chỉ duy trì được trong thời gian ngắn, tầm khoảng 6-12 tháng hoặc lâu hơn. Sau đó, nó được cơ thể hấp thụ dần dần.
- Canxi hydroxylapatite (CaHA) cũng là một chất làm đầy có nguồn gốc tự nhiên, thường có nhiều trong xương. CaHA dùng làm filler có độ đặc hơn HA nên có thể kéo dài lâu hơn, khoảng 12 tháng. Ngoài ra, CaHA cũng được báo cáo là có khả năng kích thích sản sinh collagen, thích hợp để làm đầy các nếp nhăn.
- Axit poly-L-lactic là một chất làm đầy tổng hợp có tính tương thích sinh học cao, được dùng từ rất lâu trong lĩnh vực thiết bị y tế. Gel làm đầy này thường được dùng để điều trị các nếp nhăn sâu trên khuôn mặt, có hiệu quả duy trì trong 2 năm với cơ chế kích thích sản sinh collagen.
- Polymethylmethacrylate (PMMA) cũng là một chất tổng hợp có tính tương thích sinh học được sử dụng trong y khoa. PMMA thường được sản xuất dưới dạng vi cầu, nằm dưới da vô thời hạn để làm đầy liên tục. Đồng thời PMMA cũng chứa collagen, giúp da săn chắc hơn.
- Làm đầy với chất béo tự thân (hay còn gọi là cấy mỡ tự thân). Đây là phương pháp tiêm chất làm đầy duy nhất đến hiện nay cần phẫu thuật. Nhưng thay vào đó sẽ duy trì hiệu quả lâu dài, trong nhiều năm.
Khi nào cần thực hiện tiêm filler cằm?
Nếu bạn muốn cải thiện thẩm mỹ cho toàn bộ khuôn mặt, mong muốn sở hữu chiếc cằm cân đối với tỷ lệ khuôn mặt mà không cần phẫu thuật thì tiêm filler cằm có thể là phương pháp mà bạn đang tìm kiếm. Filler sẽ giúp lắp đầy vùng mô thiết hụt, kỹ thuật này thường được dùng để:
- Làm mịn da, mờ các vết nhăn ở cằm.
- Cải thiện sự đối xứng trên khuôn mặt
- Thay đổi đường nét của cằm, đường viền hàm
- Bù vào phần thiếu của cằm ngắn để tạo độ cân đối cho khuôn mặt.
Có thể bạn quan tâm: 6 điều bạn có thể chưa biết về lúm đồng tiền ở cằm
Thận trọng
Những rủi ro có thể xảy ra khi tiêm filler cằm
Mặc dù biến chứng tiêm filler cằm là không phổ biến nhưng nhiều người vẫn băn khoăn liệu tiêm filler cằm có ảnh hưởng gì không. Các rủi ro tiềm ẩn của phương pháp thẩm mỹ này còn tùy thuộc vào loại chất làm đầy và thời gian duy trì hiệu quả của nó, cụ thể bao gồm:
- Da nổi mụn
- Cằm lệch, mất đối xứng
- Bầm tím
- Tổn thương để lại sẹo trên da
- Nhiễm trùng tại chỗ tiêm
- Sưng đỏ da
- Sờ thấy chất làm đầy gồ lên dưới da
- Phát ban kèm theo ngứa
- Kết quả thẩm mỹ kém
Ngoài ra, một số trường hợp hiếm gặp chất làm đầy không được tiêm vào dưới da mà vào mạch máu, làm tắc nghẽn dòng chảy của máu gây hoại tử, áp xe và cần dẫn lưu ở vùng tiêm.
Quy trình
Chuẩn bị trước khi tiêm filler cằm
Trước khi tiêm filler cằm, các bác sĩ sẽ tiến hành thăm khám và kiểm tra tiền sử bệnh của bạn. Mặc dù biến chứng tiêm filler cằm là rất thấp nhưng cũng cần cẩn trọng để xác suất xảy ra rủi ro là tối thiểu.
Bác sĩ sẽ hỏi cụ thể tình trạng dị ứng, các vấn đề về da, thần kinh hoặc thuốc bạn đang sử dụng. Đặc biệt cần thông báo với bác sĩ nếu bạn đang uống thuốc kháng viêm giảm đau NSAIDs hoặc các thuốc làm loãng máu vì chúng có thể gây bầm tím sau khi tiêm.
Quá trình tiêm filler cằm như thế nào?
Quá trình tiêm filler diễn ra theo trình tự như sau:
- Bước 1: Đánh dấu vị trí tiêm
Sau khi chọn được loại filler phù hợp, bác sĩ sẽ tiến hành đánh giá tổng thể kết cấu gương mặt của bạn và vùng cần tạo hình. Sau đó tiến hành đánh dấu vị trí phù hợp để tiêm filler cằm.
- Bước 2: Làm sạch và gây tê
Sát khuẩn chỗ tiêm. Bạn sẽ được bôi thuốc gây tê để giảm đau tại chỗ (nếu cần).
- Bước 3: Tiêm filler cằm
Quá trình tiêm thường chỉ mất từ 15 phút đến 1 tiếng. Bác sĩ sẽ tiến hành tiêm chất làm đầy vào cằm, nắn chỉnh và có thể tiêm bổ sung nếu thấy cần thiết.
- Bước 4: Làm sạch sau tiêm
Các vết đánh dấu vị trí tiêm sẽ được làm sạch. Bạn có thể cần một túi chườm đá để giảm sưng và đỡ khó chịu hơn.
Điều gì xảy ra sau khi tiêm filler cằm
Tùy thuộc vào chất làm đầy được chọn và dáng cằm của mỗi người mà bạn có thể quan sát được hiệu quả cải thiện hình thể khuôn cằm và mặt ngay sau khi tiêm hoặc vài ngày sau đó. Một số người sẽ bị bầm tím và sưng nhẹ ở vị trí tiêm trong vài ngày sau tiểu phẫu và giảm dần.
Phục hồi
Giai đoạn phục hồi sau khi tiêm filler cằm
Thời gian phục hồi khác nhau đối với từng bệnh nhân và đối với từng loại chất làm đầy được tiêm. Bạn hầu như có thể quay lại sinh hoạt và làm việc ngay lập tức, nhưng nên tránh hoạt động thể chất cường độ cao trong 24-48 giờ đầu tiên để giảm thiểu sưng và bầm tím.
Hầu hết các tình trạng trên có thể được giảm bớt trong vài giờ đến vài ngày bằng cách chườm lạnh và xoa bóp tại chỗ. Tuy nhiên, một số rủi ro (đã được đề cập ở trên) cần điều trị y tế. Do đó, lưu ý nên hỏi ý kiến bác sĩ ngay khi phát hiện các dấu hiệu bất thường sau khi tiêm filler.
[embed-health-tool-bmi]