Vết thương rộng sẽ không thể tự lành trong một khoảng thời gian nhất định. Chúng có thể được điều trị bằng một số phương pháp khác nhau như băng bó chuyên dụng, phẫu thuật ghép da hoặc sử dụng phương pháp thay da sinh học.
Sự phát triển của kỹ thuật thay da sinh học nhằm đáp ứng nhu cầu che phủ các vết thương, vết bỏng trên diện rộng ở những bệnh nhân không đủ da để ghép. Các chất thay da sinh học cũng đã được sử dụng rộng rãi cho nhiều loại vết thương rộng với mục đích thúc đẩy da tự chữa lành nhanh hơn, giảm nhiễm trùng và có vẻ ngoài thẩm mỹ hơn. Cùng Hello Bacsi tìm hiểu về loại thủ thuật này trong bài viết ngay sau đây nhé!
Da sinh học là gì?
Da sinh học là một loại mô nhân tạo bao gồm một lớp biểu bì bên ngoài và một lớp hạ bì (lớp da giữa biểu bì và mô dưới da) được nuôi cấy trong phòng thí nghiệm để tạo thành một chất thay thế da tự nhiên. Mô tế bào nhân tạo này có thể được nuôi cấy từ tế bào của chính bệnh nhân hoặc từ các nguồn không tự thân khác.
Các tính năng cần có đối với một chất dùng để nuôi cấy da sinh học bao gồm:
- Bám dính nhanh chóng và lâu dài trên bề mặt vết thương
- Có khả năng chống nhiễm trùng
- Có khả năng ngăn ngừa thất thoát nước
- Khả năng chống thấm với vi khuẩn bên ngoài
- Cho phép truyền hơi nước tương tự như da bình thường
- Cấu trúc bề mặt bên trong cho phép tế bào di chuyển, tăng sinh và phát triển mô mới
- Độ dày linh hoạt và mềm dẻo để phù hợp với các bề mặt vết thương không đều trên da
- Có khả năng phân hủy sinh học
- Giá thành phải chăng
- Thời hạn sử dụng lâu dài và dễ bảo quản
- Thiếu tính kháng nguyên để không bị cơ thể đào thải miễn dịch khi thay da sinh học
- Không có độc tính tại chỗ hoặc toàn thân.
Thay da sinh học là gì?
Thay da sinh học là phương pháp sử dụng mô tế bào nhân tạo để tạm thời tiếp nhận các chức năng quan trọng của biểu bì hoặc hạ bì của da cho đến khi hàng rào bảo vệ da tự nhiên của bệnh nhân tự chữa lành hoặc có thể thay thế da dứt điểm bằng ghép da.
Kỹ thuật này giúp tăng tốc độ chữa lành vết thương. Phương pháp này sẽ đưa các tế bào sống vào môi trường ẩm ướt, hỗ trợ da tự nhiên về mặt cấu trúc, thúc đẩy cytokine và các yếu tố tăng trưởng để kích thích phản ứng miễn dịch và tái tạo mô tế bào da tự nhiên..
Khi nào cần thực hiện thay da sinh học?
Thay da sinh học sẽ được chỉ định để điều trị các tình trạng sau:
- Loét ứ do suy tĩnh mạch
- Loét chân do tiểu đường
- Loét liên quan đến bệnh động mạch ngoại vi
- Loét mạch máu
- Loét do tì đè ở lòng bàn chân
- Bỏng nặng
- Epidermolysis bullosa (EB), một rối loạn đa di truyền hiếm gặp khiến da rất mỏng
- Viêm da
- Xơ cứng hệ thống
- Phẫu thuật tái tạo vú
- Vết thương phẫu thuật cấp tính, chẳng hạn như như vết thương do cắt bỏ ung thư da.
Thận trọng
Một số ưu điểm có thể kể đến của phương pháp thay da sinh học bao gồm:
- Ít đau hơn ghép da
- Ít biến chứng hơn ghép da
- Luôn có sẵn một số lượng tế bào da sinh học cần thiết
- Nguy cơ lây nhiễm chéo không đáng kể.
Thay da sinh học có an toàn không? Thay da sinh học được coi là an toàn tương tự như các phương pháp tiêu chuẩn khác để chữa bỏng và chăm sóc vết thương.
Tuy nhiên, bác sĩ sẽ cần xem xét cẩn thận trước khi quyết định thực hiện kỹ thuật này trong các trường hợp sau:
- Vết thương có dấu hiệu bị nhiễm trùng
- Bệnh nhân bị dị ứng hoặc quá mẫn với thành phần trong da sinh học
- Quá mẫn với các thành phần trong môi trường vận chuyển agarose của sản phẩm.
Sau khi thay da sinh học nên làm gì? Làn da cần thời gian để thích nghi với lớp da sinh học mới và tự chữa lành hoàn toàn. Vì vậy, bạn nên tuân thủ theo chỉ định và hướng dẫn chăm sóc da của bác sĩ điều trị. Nếu có thắc mắc gì hay cần kiêng ăn gì để da mau lành thì hãy hỏi ý kiến bác sĩ để được tư vấn chính xác nhé!
[embed-health-tool-bmi]