backup og meta

Phẫu thuật nữ hóa khuôn mặt

Phẫu thuật nữ hóa khuôn mặt

Tìm hiểu chung

Phẫu thuật nữ hóa khuôn mặt là gì?

Phẫu thuật nữ hóa khuôn mặt bao gồm một loạt các thủ thuật để thay đổi đặc điểm nam tính trên gương mặt thành đặc điểm nữ tính, trong đó có hạ đường chân tóc để tạo cảm giác vầng trán nhỏ hơn, làm căng mọng môi và nâng xương gò má hoặc định hình hàm và cằm. Một số dịch vụ khác có thể được đề xuất đi kèm là phẫu thuật căng da (nâng cơ mặt).

Ngoài ra, phẫu thuật nữ hóa khuôn mặt có thể được thực hiện như một bước trong quá trình phẫu thuật chuyển giới (nam sang nữ).

Đối tượng của phẫu thuật nữ hóa khuôn mặt

Nhiều đặc điểm trên khuôn mặt như mắt, hàm và trán phản ánh sự khác biệt giới tính. Trong khi các bộ phận cơ thể khác có thể được che đi thì những đặc điểm trên khuôn mặt lại dễ dàng nhận thấy nhất. Nếu bạn là nữ giới nhưng lại sở hữu những đường nét quá nam tính trên gương mặt, ảnh hưởng đến sự tự tin và trải nghiệm trong cuộc sống hay công việc thì có thể cân nhắc phẫu thuật này. Với người chuyển giới, việc thay đổi những đặc điểm nam tính có thể là điều cần thiết trong quá trình thay đổi toàn diện của họ. Khi có ngoại hình nữ tính hơn, người chuyển giới cũng giảm khả năng bị quấy rối và phân biệt giới tính.

Dù vậy, không phải tất cả mọi người đều phù hợp để thực hiện phẫu thuật nữ hóa khuôn mặt. Đặc biệt là nếu người đó có:

  • Tình trạng sức khỏe tâm thần không kiểm soát
  • Mắc các bệnh có mức độ nghiêm trọng đáng chú ý như bệnh tim hoặc thận, rối loạn chảy máu hoặc có tiền sử huyết khối tĩnh mạch
  • Bất kỳ điều kiện nào giới hạn mức độ khả thi của phẫu thuật

Điều cần thận trọng

Những rủi ro của phẫu thuật nữ hóa khuôn mặt

Tương tự như bất kỳ ca đại phẫu thuật nào khác, phẫu thuật nữ hóa khuôn mặt cũng tiềm ẩn nguy cơ gây chảy máu, nhiễm trùng, tổn thương các cấu trúc lân cận, tỷ lệ không đối xứng trên khuôn mặt và phản ứng bất lợi với gây mê. Các rủi ro khác có thể bao gồm:

  • Bung mũi khâu
  • Để lại sẹo nhìn thấy được
  • Hiện tượng tích tụ chất lỏng bên dưới da (seroma)
  • Hiện tượng tụ máu (hematoma)
  • Tổn thương thần kinh ở hàm hoặc cằm
  • Không hài lòng với ngoại hình sau phẫu thuật. Lúc này có thể cần phẫu thuật bổ sung để điều chỉnh sự bất cân xứng trên khuôn mặt, nhằm cải thiện kết quả cuối cùng.

Quy trình thực hiện

Những thông tin được cung cấp không thể thay thế cho lời khuyên của các chuyên viên y tế. Hãy luôn tham khảo ý kiến bác sĩ.

Người thực hiện phẫu thuật phải ở độ tuổi đã trưởng thành.

Trước khi thực hiện

Khi lên kế hoạch phẫu thuật nữ hóa khuôn mặt, bạn hãy tham khảo ý kiến ​​từ bác sĩ phẫu thuật được chứng nhận và có kinh nghiệm chuyên môn, vì mỗi người có một cấu trúc khuôn mặt độc đáo. Bác sĩ phẫu thuật sẽ cần bạn chia sẻ về khuôn mặt mình mong muốn. Bác sĩ cũng đề xuất các quy trình mang đến hiệu quả cao nhất cho việc nữ tính hóa khuôn mặt. Ngoài ra, bác sĩ sẽ mô tả kết quả tiềm năng trong trường hợp của bạn.

Để chuẩn bị cho phẫu thuật, bạn có thể cần chụp CT, giúp bác sĩ phẫu thuật có được thông tin giải phẫu chi tiết. Khuôn mặt cũng sẽ được chụp ảnh trước và sau phẫu thuật nhằm đối chiếu so sánh. Phẫu thuật này thực hiện khi bạn được gây mê. Do đó, bác sĩ sẽ tư vấn và thảo luận chi tiết hơn cũng như hướng dẫn về cách ăn uống, điều chỉnh các loại thuốc hiện tại và yêu cầu bỏ hút thuốc (nếu có).

Ngoài ra, bạn còn cần đáp ứng các tiêu chí cụ thể trước khi làm phẫu thuật. Bác sĩ sẽ thực hiện một số kiểm tra, đánh giá như:

  • Bệnh sử của cá nhân và gia đình
  • Kiểm tra thể chất, bao gồm đánh giá các cơ quan sinh sản
  • Xét nghiệm đo lipid, lượng đường trong máu, công thức máu, men gan và chất điện giải
  • Lịch sử chủng ngừa
  • Khám sàng lọc xác định độ phù hợp về lứa tuổi và giới tính
  • Kiểm soát việc sử dụng thuốc lá, lạm dụng ma túy, lạm dụng rượu, xét nghiệm HIV và các bệnh lây truyền qua đường tình dục khác
  • Các biện pháp tránh thai và khả năng sinh sản trong tương lai

Mặc dù bạn có thể đáp ứng đầy đủ các tiêu chí trên, hầu hết các bác sĩ phẫu thuật và công ty bảo hiểm đều có thể yêu cầu thêm đánh giá sức khỏe tâm thần. Trong đó có:

  • Bản sắc giới tính và rối loạn định dạng giới
  • Tác động của bản sắc giới tính tại nơi làm việc, trường học, gia đình và môi trường xã hội, bao gồm các vấn đề liên quan đến phân biệt đối xử, lạm dụng mối quan hệ và căng thẳng diện thiểu số (định kiến phân biệt nhóm người có đặc điểm khác với số đông)
  • Tâm trạng hoặc sức khỏe tâm thần nói chung
  • Những quan ngại về sức khỏe tình dục
  • Mức độ chấp nhận rủi ro, bao gồm sử dụng các chất và tiêm silicone hoặc bổ sung hormone để duy trì đặc điểm nữ tính
  • Hỗ trợ xã hội từ gia đình, bạn bè và đồng nghiệp
  • Mục tiêu, rủi ro và kỳ vọng điều trị cũng như kế hoạch chăm sóc trong tương lai

Vì phẫu thuật nữ hóa khuôn mặt có thể gây ra những thay đổi về thể chất không thể đảo ngược, bác sĩ sẽ cần sự chấp thuận của bạn về mọi mặt: rủi ro, lợi ích, chi phí, ý nghĩa về mặt xã hội và pháp lý, các biến chứng tiềm ẩn.

Bạn cũng nên cân nhắc tham khảo những người đã từng phẫu thuật nữ hóa khuôn mặt. Họ có thể giúp bạn định hình những kỳ vọng về phẫu thuật, những vấn đề cá nhân và xã hội mà bạn có thể gặp phải trong quá trình thực hiện.

Trong khi thực hiện

Các thủ thuật chính của phẫu thuật nữ hóa khuôn mặt

Phẫu thuật nữ hóa khuôn mặt có thể bao gồm:

  • Nâng trán. Ở nam giới, cung chân mày phía trên hốc mắt thường nhô rõ, đường nét thô cứng. Ở nữ, đường viền chân tóc giáp với trán có xu hướng cao hơn, trán trông phẳng hơn hoặc nhô tròn, không gồ ghề góc cạnh như nam. Để làm cho trán có vẻ nữ tính hơn, bác sĩ phẫu thuật sẽ cắt bỏ một phần xương trán và định hình lại.
  • Thủ thuật tạo sụn mi (blepharoplasty) là phẫu thuật thẩm mỹ để chỉnh các khuyết tật, dị dạng và biến dạng của mí mắt cũng như để thay đổi thẩm mỹ vùng mắt.
  • Nâng gò má. Xương gò má của nữ cong giúp khuôn mặt nhìn đầy đặn. Xương gò má nam lại thấp, phẳng và vuông. Để đạt được vẻ ngoài nữ tính hơn, bác sĩ có thể tiến hành nâng gò má bằng phương pháp cấy ghép. Ngoài ra, một số trường hợp có thể cần sắp xếp lại vị trí xương gò má hoặc cấy mỡ tự thân.
  • Định hình mũi (nâng mũi). Sóng mũi của nữ nhìn mềm mại hơn nam giới. Mũi của nam thường có độ đứng và nhìn vuông vức. Thủ thuật nâng mũi sẽ giảm kích thước tổng thể của mũi và các góc cạnh, giúp tạo đường nét thanh thoát hơn.
  • Nâng môi. Trên khuôn mặt nữ, đôi môi thường mọng và hơi mím. Đàn ông có môi mỏng, thẳng và dài hơn. Nâng môi có thể rút ngắn khoảng cách giữa đầu mũi và mép môi trên, tạo độ cong cho môi. Bác sĩ có thể tiêm chất làm đầy (filler) bằng mỡ tự thân vào môi để thực hiện quy trình này.
  • Gọt và tạo dáng hàm dưới. Quai hàm nam giới thường lớn hơn và rộng hơn so với nữ. Thủ thuật gọt và tạo dáng có thể thu nhỏ hàm và khiến tổng thể khuôn mặt cân đối hơn.
  • Phẫu thuật trượt cằm (genioplasty). Nữ giới thường có cằm nhỏ và nhọn

    Cằm nam giới rộng, nhô ra và trông vuông hơn. Để rút ngắn và thu hẹp cằm, bác sĩ tạo vết cắt ngang dọc theo xương cằm nhằm loại bỏ một đoạn xương nhỏ và tạo hình lại.

Các thủ thuật phụ của phẫu thuật nữ hóa khuôn mặt

Bên cạnh đó, một số thủ thuật khác có thể nằm trong quy trình phẫu thuật nữ hóa gương mặt là:

  • Cắt trái cổ. Đây là một thủ thuật nhằm giảm thiểu sụn tuyến giáp (giảm kích thước trái cổ). Bác sĩ tiến hành rạch 1 đường nhỏ nằm ngang dọc theo nếp ngang ở cổ để lộ sụn khí quản. Sau đó tiến hành cạo xuống phần lồi khí quản. Vết cắt phẫu thuật gần như không để lại sẹo vì được che bởi nếp nhăn tự nhiên của da cổ.
  • Hạ đường chân tóc. Đường chân tóc nữ có xu hướng nằm thấp hơn đường chân tóc nam. Trong quá trình phẫu thuật hạ đường chân tóc, bác sĩ sẽ tiến hành định hình lại vị trí da đầu, còn phần da trán thừa ra sẽ bỏ đi.
  • Cấy tóc. Tóc của nam thường rụng và tạo thành đường chân tóc hình chữ M cao dần lên trên thái dương, trong khi đường chân tóc phụ nữ có xu hướng tròn ôm vầng trán hơn. Để góp phần tạo nữ hóa khuôn mặt, bác sĩ có thể dùng các nang tóc từ phía sau và hai bên đầu được để cấy vào các khu vực có chiều hướng hói đi như vùng gần trán và thái dương.

Bạn cũng có thể cần phẫu thuật căng da, chẳng hạn như nâng cơ mặt hoặc các phương pháp điều trị khác.

Phẫu thuật nữ hóa khuôn mặt
Nguồn: UCSF

Sau khi thực hiện

Sau phẫu thuật, bạn sẽ cảm thấy đau, đỏ và sưng ở mặt, đáng chú ý nhất là ở mắt, mũi, hàm và cằm. Tránh các hoạt động quá sức trong một tháng. Bạn có thể bắt đầu tập thể dục vừa phải trong vòng 3 đến 6 tháng sau phẫu thuật.

Việc nhai và nuốt có thể còn khó khăn do vết mổ và sưng. Bác sĩ phẫu thuật có thể khuyên bạn nên tham khảo một chuyên gia dinh dưỡng để đảm bảo cơ thể có đủ chất sau phẫu thuật. Một chế độ ăn uống lành mạnh là một phần quan trọng trong quá trình phục hồi của bạn.

Kết quả phẫu thuật

Kết quả của phẫu thuật là gì?

Kết quả rõ ràng và ổn định có thể không xuất hiện cho đến 1 năm sau phẫu thuật nữ hóa khuôn mặt. Trong thời gian phục hồi, bạn cần tiếp tục gặp gỡ và trao đổi với các chuyên gia liên quan đến việc điều trị của bạn về tiến trình thay đổi đặc điểm trên khuôn mặt, cũng như bất kỳ biến chứng nào bạn gặp phải.

Phẫu thuật nữ hóa khuôn mặt có thể là một phần quan trọng của quá trình chuyển đổi giới tính. Nghiên cứu cho thấy những ca phẫu thuật này có thể cải thiện đáng kể chất lượng cuộc sống ở phụ nữ chuyển giới.

Nếu bạn có bất kỳ câu hỏi nào, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để được tư vấn phương pháp hỗ trợ điều trị tốt nhất.

Hello Bacsi không đưa ra các lời khuyên, chẩn đoán hay các phương pháp điều trị y khoa.

[embed-health-tool-bmi]

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Facial feminization surgery. https://www.mayoclinic.org/about/pac-20467962. Ngày truy cập 27/11/2019

Facial Feminization Surgery: What You Should Know. http://healthline.com/health/transgender/facial-feminization-surgery. Ngày truy cập 27/11/2019

Facial Feminization Surgery (FFS). https://ohns.ucsf.edu/facialplastics/trangender-surgery#four.Ngày truy cập 27/11/2019

Phiên bản hiện tại

27/02/2020

Tác giả: Ngà Trương

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

Cập nhật bởi: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh


Bài viết liên quan

Hiến tạng là gì? Hiến tạng và hiến xác khác nhau thế nào?

Những lưu ý về chăm sóc sau phẫu thuật chuyển giới


Tham vấn y khoa:

Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: Ngà Trương · Ngày cập nhật: 27/02/2020

ad iconQuảng cáo

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo