Chấn thương dây chằng: chấn thương dây chằng chéo trước (ACL) hoặc chấn thương dây chằng trung gian (MCL) Rách sụn Căng hoặc bong gân Làm thế nào để xử trí đau đầu gối do bệnh thoái hóa khớp?
Tùy thuộc vào nguyên nhân đau đầu gối, các phương pháp điều trị cũng khác nhau, gồm thuốc, vật lý trị liệu, tập thể dục, tiêm thuốc và phẫu thuật (6) (18).
Tập thể dục
Các bài tập mức độ nhẹ sẽ có lợi cho người bệnh thoái hóa khớp gối, nếu tập thường xuyên giúp: (18)
- Giảm cân, từ đó sẽ giảm áp lực lên khớp gối
- Duy trì phạm vi hoạt động của khớp
- Cải thiện lực cơ
- Giảm đau và sưng khớp
Tuy nhiên, bạn nên tập theo đúng kế hoạch mà bác sĩ đề ra. Việc tập quá nhiều, quá nhanh hoặc sai động tác có thể làm khớp bị tổn thương thêm (19).
Vật lý trị liệu và các liệu pháp thay thế khác
Vật lý trị liệu bao gồm các bài tập giúp điều hòa các cơ, cải thiện tính linh hoạt và khả năng vận động của khớp (18).
Ngoài ra, một số bệnh nhân có thể thử bổ sung biện pháp châm cứu và hương trị liệu để chữa trị đau đầu gối. Tuy nhiên, vẫn còn thiếu bằng chứng về hiệu quả của phương pháp này và Viện Sức khỏe và Chăm sóc Sức khỏe Vương Quốc Anh (NICE) không khuyến nghị người bệnh nên thực hiện nó (19).
Phẫu thuật
Phẫu thuật chỉ được thực hiện trong một số ít trường hợp, khi các biện pháp khác đều không hiệu quả hoặc tình trạng khớp cực kì nghiêm trọng (20).
Tuy nhiên, phẫu thuật không thể đảm bảo sẽ loại bỏ hoàn toàn các triệu chứng thoái hóa khớp. Do đó bạn vẫn có thể bị đau và cứng khớp từ bệnh (19).
Thuốc
Bác sĩ thường chỉ định thuốc giảm đau để tạm thời làm dịu cơn đau (20). Paracetamol hoặc các thuốc thoa tại chỗ là thuốc giảm đau được lựa chọn đầu tiên do ít tác dụng phụ (17) (20).
Tuy nhiên, các thuốc này thường không giúp giảm đau nhiều liên quan đến thoái hóa khớp (22).
Do đó, khi cơn đau không giảm, bác sĩ sẽ chỉ định các thuốc giảm đau kháng viêm không steroid (NSAIDs) (7).
Các thuốc giảm đau kháng viêm có tác dụng phụ nào không?
Thực tế, bất kì thuốc nào cũng có khả năng gây ra tác dụng không mong muốn, cho dù là thuốc kê đơn và không kê đơn (23). Thuốc NSAIDs cũng có thể gây ra nhiều tác dụng phụ trên đường tiêu hóa, tim mạch và huyết áp (8), (13), (14).
NSAIDs có tác dụng ức chế men COX tham gia vào quá trình gây viêm trong cơ thể. Thực tế, men COX gồm hai men riêng biệt là COX-1 và COX-2. COX-1 bảo vệ niêm mạc dạ dày khỏi axit và hóa chất trong đường tiêu hóa. Men này cũng giúp duy trì chức năng thận. Ngược lại, COX-2 chỉ được sản xuất khi khớp bị thương hoặc bị viêm (8).
Các thuốc NSAIDs cổ điển có tác dụng giúp kháng viêm hiệu quả do ức chế men COX-2, nhưng đồng thời cũng gây ra nhiều tác dụng phụ, đặc biệt ở đường tiêu hóa do ức chế men COX-1 (8).
Các biến chứng của NSAIDs cổ điển ở đường tiêu hóa gồm viêm, loét, xuất huyết hoặc thậm chí có thể gây thủng dạ dày-ruột (9).
Có thuốc giảm đau nào để bảo vệ dạ dày của tôi không?
Mặc dù các thuốc NSAIDs có nhiều tác dụng phụ, nhưng nó lại là thuốc được sử dụng nhiều nhất trong điều trị viêm khớp (7), nên bác sĩ sẽ cân nhắc lựa chọn những phương pháp điều trị bằng NSAIDs an toàn.
NSAIDs thường được chỉ định cùng với các thuốc bảo vệ dạ dày, như PPI (tên đầy đủ là thuốc ức chế bơm proton) có tác dụng làm giảm quá trình sản xuất axit ở dạ dày (10), để giảm nguy cơ xảy ra các biến cố ở đường tiêu hóa trên (từ miệng, thực quản, dạ dày đến tá tràng). Tuy nhiên, các thuốc này không thể bảo vệ được đường tiêu hóa dưới, gồm ruột non, ruột già, trực tràng và hậu môn (11).
Vậy nếu phải dùng thuốc giảm đau, làm sao để cả đường tiêu hóa được bảo vệ trong thời gian dùng thuốc?
Bác sĩ sẽ lựa chọn thuốc giảm đau tùy theo đáp ứng và tình trạng bệnh của từng bệnh nhân. Các thuốc giảm đau kháng viêm NSAIDs thế hệ sau thuộc nhóm ức chế chọn lọc COX-2 thường ít gây tổn thương đến niêm mạc dạ dày, tá tràng (12) vì nó không ức chế men COX-1.
Một thuốc an toàn hơn trên cả đường tiêu hóa trên (từ miệng đến dạ dày) và dưới (từ dưới dạ dày đến hậu môn) sẽ là một lựa chọn tốt (15) cho người bệnh.
Nếu đang dùng thuốc điều trị huyết áp tôi có nên uống thuốc giảm đau khớp không?
Như đã nói ở trên, NSAIDs cũng có thể làm tăng huyết áp ở bệnh nhân có huyết áp bình thường và cả bệnh nhân tăng huyết áp (14). Ngoài ra, các thuốc NSAIDs cũng có thể làm giảm hiệu quả của các thuốc điều trị huyết áp (24). Tuy nhiên, không phải tất cả các thuốc giảm đau kháng viêm đều có ảnh hưởng như nhau. Một số thuốc sẽ ít ảnh hưởng lên huyết áp hơn các thuốc khác (25).
Vì vậy, tùy vào tình trạng sức khỏe của người bệnh, bác sĩ sẽ chỉ định loại thuốc NSAIDs phù hợp, được chứng minh ít gây ảnh hưởng lên đường tiêu hóa và tim mạch (15)(16).
Đặt câu hỏi cho bác sĩ
Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để tạo câu hỏi
Chia sẻ với bác sĩ các thắc mắc của bạn để được giải đáp miễn phí.
Đăng ký hoặc Đăng nhập để đặt câu hỏi cho bác sĩ!