Chuyên mục
Công cụ
Hỏi bác sĩ
Lưu

Sức khỏe ngày Tết: đau dạ dày khi dùng thuốc giảm đau kháng viêm, bạn đã hiểu hết?

Thông tin kiểm chứng bởi: HHG Admin


Tác giả: Tố Quyên · Ngày cập nhật: 20/04/2021

    Sức khỏe ngày Tết: đau dạ dày khi dùng thuốc giảm đau kháng viêm, bạn đã hiểu hết?
    Quảng cáo

    Sau một năm bộn bề, căng thẳng, những ngày Tết là giây phút thoải mái để nghỉ ngơi, thư giãn, sum họp và vui chơi cùng bạn bè, gia đình. Tuy vậy, bên cạnh những giờ phút vui vẻ đó, những bữa ăn không kiểm soát, những cuộc nhậu thâu đêm suốt sáng, thức khuya dậy trễ, ít vận động, quên uống thuốc… đã gây nên không ít hậu quả như tăng cân, ngộ độc rượu, mất kiểm soát huyết áp, rối loạn giấc ngủ, và cả bệnh lý khớp. Đặc biệt, với những người có bệnh khớp trước đó, tình trạng giảm vận động, rối loạn ăn uống và rối loạn giấc ngủ có thể làm bệnh nặng hơn, gây đau khớp trầm trọng hơn.

    Khi xuất hiện đau hoặc sưng nóng đỏ khớp, bạn cần đi khám bác sĩ ngay lập tức. Bác sĩ sẽ kiểm tra và đánh giá tìm nguyên nhân. Bên cạnh đó, tùy theo kết quả khám, bác sĩ có thể kê cho bạn một số loại thuốc để giảm đau và viêm. Một trong các loại thuốc này là thuốc giảm đau kháng viêm không chứa steroid, gọi tắt là NSAID.

    Vậy NSAID là gì?

    Đúng như tên gọi của nó, NSAID là một loại thuốc được dùng để giảm đau và viêm. Nhóm thuốc này trong cấu trúc không chứa vòng steroid, để phân biệt với các loại thuốc gọi là steroid (tên dân gian hay gọi là thuốc “hạt dưa”, viên “đề-xa”)(1). Steroid là các thuốc kháng viêm mạnh; tuy nhiên nếu lạm dụng hoặc dùng không đúng cách nó có thể gây nên nhiều tác dụng phụ như dễ bị bầm, phù do giữ nước trong cơ thể (2), (3). Trong khi đó, các thuốc NSAID do không chứa vòng steroid nên ít tác dụng phụ hơn so với steroid (4). Tất nhiên, để đảm bảo an toàn, bất cứ loại thuốc nào cũng cần phải dùng đúng cách theo hướng dẫn của bác sĩ.

    Vậy loại thuốc NSAID này hoạt động ra sao?

    Để hiểu được điều này, trước tiên chúng ta cần biết viêm là gì và tại sao chúng ta lại bị viêm. Nói một cách ngắn gọn, viêm là một phản ứng của cơ thể chúng ta nỗ lực chống lại các tác nhân tấn công bên ngoài hoặc bên trong để bảo vệ cơ thể. Viêm biểu hiện bằng các triệu chứng chính: sưng, nóng, đỏ, đau vùng bị viêm và gây hạn chế vận động vùng viêm. (5)

    NSAID giảm đau kháng viêm bằng cách đánh vào một tác nhân gây viêm quan trọng trong cơ thể là men cyclooxygenase (hay gọi tắt là men COX). Trước đây, người ta nghĩ rằng trong cơ thể chỉ có một loại men COX duy nhất. Tuy vậy, đến sau này các nhà khoa học mới phát hiện rằng COX gồm hai loại men riêng biệt, được gọi là men COX-1 và COX-2. Men COX-1 là một loại men sẵn có trong thành phần cấu tạo của đường tiêu hóa. Trong khi đó, men COX-2 là một loại men chỉ xuất hiện khi có yếu tố tấn công, và mới là “thủ phạm” gây nên những biểu hiện của viêm. (6)

    Tôi nghe nói dùng thuốc NSAID sẽ bị đau bao tử, điều này có đúng không?

    Các thuốc NSAID trước đây (còn gọi là NSAID cổ điển) đánh vào cả hai loại men COX-1 và COX-2 trong cơ thể. Do vậy, ngoài tác dụng kháng viêm, thuốc còn có thể gây triệu chứng khó chịu và biến chứng trên đường tiêu hóa. Các tác dụng bất lợi trên đường tiêu hóa do NSAID cổ điển gây ra bao gồm viêm, loét, xuất huyết hoặc thậm chí có thể gây thủng dạ dày-ruột. (6)

    Sau khi phát hiện rằng cơ thể có đến hai loại men COX, các nhà khoa học giả thuyết rằng nếu chế tạo được một loại thuốc chỉ tác động trên men COX-2 mà không ảnh hưởng trên men COX-1, chúng ta sẽ có thuốc kháng viêm không ảnh hưởng hoặc ít ảnh hưởng đến dạ dày-ruột. Đó là cơ sở để các thuốc NSAID thế hệ mới hơn, còn gọi là thuốc ức chế chọn lọc COX-2, ra đời.

    Vậy tôi có nên dùng NSAID không và nên sử dụng loại NSAID nào?

    Quyết định dùng NSAID hay không cũng như sử dụng loại NSAID nào là do đánh giá và quyết định của bác sĩ. Nếu bác sĩ nhận thấy bạn có dấu hiệu viêm, đồng thời không có chống chỉ định, bạn sẽ được kê toa dùng NSAID. Việc lựa chọn loại NSAID nào tùy thuộc nhiều yếu tố, trong đó có yếu tố nguy cơ về đường tiêu hóa. Chẳng hạn, một số đối tượng sẽ có nguy cơ đường tiêu hóa cao hơn như (7):

    • Người được chỉ định phải dùng NSAID trong thời gian dài do bệnh khớp mạn tính. Hai bệnh khớp mạn tính thường gặp nhất là thoái hóa khớp và viêm khớp dạng thấp.
    • Người cao tuổi, từ 60 tuổi trở lên
    • Người phải dùng NSAID liều cao
    • Từng bị khó tiêu trước đây
    • Người từng bị viêm loét dạ dày tá tràng trước đây
    • Người nghiện rượu
    • Người đang uống hoặc tiêm một loại thuốc gọi là corticoid hoặc các thuốc kháng đông. Để biết mình có đang dùng các thuốc này hay không, bạn cần đưa cho bác sĩ xem các loại thuốc hoặc toa thuốc mình đang sử dụng.
    • Người đang bị bệnh nặng, có tình trạng sức khỏe yếu hoặc bị suy nhược

    Bác sĩ cho tôi dùng NSAID. Vậy tôi phải làm gì để hạn chế các vấn đề đường tiêu hóa?

    • Không được tự ý dùng thuốc điều trị bệnh: đối với các tình trạng đau và viêm, như viêm khớp, bạn phải đến gặp bác sĩ để được chẩn đoán và có phương pháp điều trị thích hợp.
    • Chia sẻ với bác sĩ đầy đủ về tình trạng và những lo ngại hiện tại của mình, nhất là trong lần khám ban đầu. Chẳng hạn như bạn có từng bị viêm loét dạ dày trước đây không, bạn có bệnh gì khác đang điều trị không, bạn có thường uống rượu bia nhiều do thói quen hoặc công việc không, và cho bác sĩ xem các loại thuốc khác bạn đang sử dụng.
    • Ngoài ra, bạn cần dùng thuốc theo đúng hướng dẫn của bác sĩ. Bạn không nên tự ý tăng liều, giảm liều hoặc ngưng thuốc, có thể ảnh hưởng đến hiệu quả điều trị và gây tác dụng không mong muốn. Bên cạnh đó, nếu sau khi dùng hết đợt thuốc của bác sĩ chỉ định mà vẫn không hết đau khớp, bạn cần quay lại bác sĩ để kiểm tra và không nên tự mua thuốc uống thêm. Lúc này, bác sĩ sẽ khám và đánh giá để tìm thêm nguyên nhân gây bệnh.
    • Vui chơi nhưng không quên sức khỏe. Những ngày Tết – với những bữa ăn thịnh soạn, kém điều độ hơn, cùng với bia rượu, thuốc lá – không những có thể làm bệnh viêm khớp nặng hơn mà còn có thể gây rối loạn tiêu hóa, viêm loét dạ dày, trào ngược dạ dày-thực quản tăng lên. Tình trạng này có thể trở nên nặng hơn nếu bạn đang dùng NSAID.(8)

    Client_nhậu nhẹt gây đau dạ dày
    Ảnh – Shutterstock.com: 1529599553
    • Nhận biết các triệu chứng nguy hiểm. Bạn cần hỏi bác sĩ để biết rõ các dấu hiệu nguy hiểm của biến chứng đường tiêu hóa, đặc biệt là xuất huyết đường tiêu hóa. Một số dấu hiệu xuất huyết tiêu hóa điển hình bao gồm: Ói ra máu đỏ tươi, ói ra máu đen, tiêu ra phân có máu hoặc phân đen, sệt, có mùi tanh, kèm với triệu chứng choáng váng, xây xẩm hoặc thậm chí ngất. Nếu nhận thấy những dấu hiệu này, bạn cần đến bệnh viện ngay, vì xuất huyết tiêu hóa là một trường hợp cấp cứu khẩn.
    • Tùy trường hợp, bác sĩ có thể chỉ định thêm cho bạn một loại thuốc để bảo vệ dạ dày. Tên gọi của loại thuốc này là thuốc ức chế bơm proton, gọi tắt là PPI. Tuy vậy, loại thuốc này chỉ bảo vệ được dạ dày-tá tràng và không bảo vệ được các biến chứng trên ruột non, ruột già và trực tràng. (9)
    • Biện pháp được cho là tối ưu nhất hiện nay là các bác sĩ sẽ lựa chọn cho bạn loại NSAID ít tác động lên đường tiêu hóa, cụ thể là các NSAID thế hệ mới chỉ ức chế chọn lọc trên COX-2. Quyết định sử dụng loại NSAID này là do bác sĩ đánh giá, cân nhắc trên từng trường hợp cụ thể.

    Tóm lại, ngày Tết, những bệnh lý viêm khớp có thể xuất hiện hoặc trở nặng hơn. Nếu cảm thấy đau, nóng hoặc sưng đỏ khớp, bạn cần đi khám bác sĩ ngay. Một trong những loại thuốc giảm đau kháng viêm thường được bác sĩ sử dụng trong điều trị bệnh khớp là thuốc giảm đau kháng viêm không chứa steroid (NSAID), với tác dụng phụ thường gặp là biến chứng trên đường tiêu hóa. Do vậy, khi đi khám, bạn cần trình bày và chia sẻ với bác sĩ đầy đủ về tình trạng bệnh hiện tại của mình, bệnh lý dạ dày trước đây (nếu có) cũng như các loại thuốc bạn đang sử dụng. Tùy vào từng trường hợp cụ thể, bác sĩ sẽ tư vấn cho bạn một số biện pháp để phòng ngừa biến chứng đường tiêu hóa khi dùng loại thuốc này. Đặc biệt, nếu bạn có yếu tố nguy cơ xuất hiện biến chứng đường tiêu hóa cao, bác sĩ có thể lựa chọn cho bạn loại NSAID thế hệ mới hơn, chỉ ức chế trên men COX-2, được chứng minh cho thấy ít ảnh hưởng lên đường tiêu hóa hơn (6).

    Miễn trừ trách nhiệm

    Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

    Thông tin kiểm chứng bởi:

    HHG Admin


    Tác giả: Tố Quyên · Ngày cập nhật: 20/04/2021

    Quảng cáo

    Bài viết này có hữu ích với bạn?

    Quảng cáo
    Quảng cáo
    Quảng cáo