Khi mắc bệnh cơ xương khớp, bên cạnh những bệnh nhân tích cực đi khám chữa bệnh để điều trị dứt điểm, vẫn có những trường hợp vì lo ngại chi phí khám chữa bệnh cơ xương khớp cao mà chần chừ, dẫn đến tình trạng bệnh ngày càng nghiêm trọng hơn.
Hệ thống cơ xương khớp bao gồm cơ, dây chằng, sụn khớp và bao khớp cùng các mô liên quan đến việc vận động của cơ thể, giúp duy trì cấu trúc và hình dạng bên ngoài của cơ thể. Giữ hệ thống cơ xương khớp khỏe mạnh rất quan trọng vì điều này sẽ ảnh hưởng đến cả cơ thể, khả năng di chuyển và chất lượng cuộc sống. Do đó, nếu cảm thấy các cơn đau nhức xương khớp xuất hiện, bạn nên đi khám để sớm tìm ra nguyên nhân, đồng thời giảm thiểu chi phí chữa bệnh trước khi biến chứng xảy ra.
Biến chứng của bệnh cơ xương khớp
Nếu chủ quan và không có biện pháp chữa trị đúng cách hoặc luôn trì hoãn mỗi khi phải đến bác sĩ, bệnh nhân viêm khớp sẽ gặp phải các biến chứng sau:
-
Chức năng vận động giảm dần hoặc thậm chí mất hẳn
Các cơn đau từ bệnh cơ xương khớp sẽ khiến bạn gặp khó khăn trong những cử động dù là đơn giản nhất, chẳng hạn như co duỗi ngón tay, cầm nắm… Nghiêm trọng hơn, bạn có thể mất đi khả năng vận động.
-
Các bệnh về tim mạch
Khi tình trạng viêm khớp dạng thấp trở nên tồi tệ hơn, thường dẫn đến viêm màng ngoài bao quanh tim. Tình trạng này có thể làm cho lớp màng trở nên dày và kém đàn hồi hơn ảnh hưởng đến khả năng hoạt động của tim. Ngoài ra, bệnh còn có thể gây viêm cơ tim, bệnh tim mạch nên tăng nguy cơ bị đột quỵ.
-
Bệnh thần kinh
Nếu mắc viêm khớp và không thể giữ thăng bằng, có khả năng bạn đã bị biến chứng thần kinh. Khi những khớp cơ chịu áp lực trong thời gian bị bệnh, dây thần kinh có thể bị viêm, làm tăng đau nhức hoặc rối loạn vận động. Do bạn thường bị đau, cứng khớp nên khó phát hiện biến chứng này.
-
Biến chứng trên da
Bạn có thể phát triển các nốt thấp khớp, là những hạt hay cục nổi lên khỏi mặt da, chắc, không đau, không di động, đôi khi rất đau. Chúng thường xuất hiện trên khuỷu tay, cẳng tay, gót chân, ngón tay hoặc ở phổi và tim. Các nốt thấp khớp có thể xuất hiện đột ngột hoặc phát triển chậm. Viêm khớp dạng thấp còn gây viêm mạch máu, hình thành những vết loét trên da.
-
Biến chứng mắt
Viêm khớp dạng thấp có thể ảnh hưởng đến mắt theo nhiều cách.
- Viêm thượng củng mạc (một màng mỏng bao phủ tròng trắng) thường nhẹ, nhưng có thể gây mắt đỏ và đau.
- Viêm củng mạc nghiêm trọng hơn và có thể dẫn đến mất thị lực.
- Hội chứng Sjogren có thể khiến bạn cảm thấy mắt có sạn và khô. Nếu không điều trị, tình trạng khô mắt có thể gây nhiễm trùng và sẹo kết mạc.
Còn viêm cột sống dính khớp có thể gây viêm màng bồ đào và viêm mắt dẫn đến đau mắt, mắt nhạy cảm với ánh sáng và mờ mắt.
-
Bệnh máu
Viêm khớp dạng thấp có thể làm giảm tế bào hồng cầu, dẫn đến thiếu máu. Điều này có thể gây mệt mỏi, nhịp tim nhanh, khó thở, chóng mặt, chuột rút ở chân và mất ngủ.
Tăng tiểu cầu là một biến chứng khác của viêm khớp dạng thấp. Tiểu cầu giúp đông máu để ngăn chặn chảy máu, nhưng quá nhiều tiểu cầu có thể dẫn đến đột quỵ, đau tim hoặc cục máu đông trong mạch máu.
-
Biến chứng ở phổi
Viêm khớp dạng thấp có thể gây viêm trong phổi, dẫn đến viêm màng phổi, khiến việc hít thở trở nên đau đớn. Bên cạnh đó, các nốt thấp khớp có thể hình thành trong phổi khiến xẹp phổi, ho ra máu, nhiễm trùng hoặc tràn dịch màng phổi.
Bệnh phổi mô kẽ liên quan đến sẹo mô phổi và tăng huyết áp phổi, một loại huyết áp cao gây tổn thương động mạch ở phổi và tim. Đây cũng là biến chứng do bị viêm khớp dạng thấp.
-
Ảnh hưởng đến cảm xúc
Trong một nghiên cứu tại Đại học King, Anh, có khoảng 16% bệnh nhân viêm khớp dạng thấp bị trầm cảm. Người bị viêm khớp càng nghiêm trọng thì càng dễ bị trầm cảm hơn.
-
Gãy xương do đè ép
Đối với viêm cột sống dính khớp, bệnh nhân có thể bị gãy xương cột sống, làm tổn hại đến tủy sống và các dây thần kinh kết nối với nó.
Chi phí khám chữa bệnh cơ xương khớp khi điều trị nội trú
Khi bị viêm khớp nghiêm trọng, bệnh nhân có thể phải điều trị nội trú để tiến hành phẫu thuật. Thông thường, bạn sẽ phải chi trả cho những mục sau đây:
- Xét nghiệm, chụp X-quang
- Thuốc điều trị, dịch truyền, máu (nếu cần)
- Giường bệnh
- Chi phí phẫu thuật
- Vật tư: bông, băng, gạc, dung dịch sát khuẩn, vệ sinh vết thương, khớp, gân, xương nhân tạo, gốm sinh học dùng để thay thế xương các loại…
Bà Ngọc Huyền (67 tuổi) thường bị đau nhiều khớp gối 2 bên, lụp cụp mỗi khi co duỗi và không đi đứng được. Bà đã được chẩn đoán là thoái hóa khớp gối 2 bên nhiều năm. Khi chụp X-quang, 1/3 trên xương cẳng chân có gai tại rìa khớp đầu tiên trên xương chày và mâm chày 2 bên. 1/3 dưới xương đùi có gai tại rìa khớp và xơ xương dưới sụn mặt khớp đầu dưới xương đùi hai bên. Vì vậy, để giải quyết vấn đề này, bác sĩ tiến hành thay khớp gối cho bà. Bà thực hiện ca phẫu thuật này với tổng chi phí điều trị nội trú là 57 triệu đồng.
Dưới đây là mức phí của một số loại phẫu thuật liên quan đến cơ xương khớp:
- Mổ nội soi ống cổ tay tại Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình TP. HCM: 2.500.000 đồng
- Phẫu thuật thay khớp gối nhân tạo: 50.000.000 – 70.000.000 đồng tùy vào tình trạng bệnh cũng như cơ sở y tế thực hiện
- Phẫu thuật nội soi khớp gối: 20.000.000 – 30.000.000 đồng
- Điều trị thoái hóa khớp bằng tế bào gốc mô mỡ tự thân và huyết tương giàu tiểu cầu: 50.000.000 đồng
- Phẫu thuật thay khớp háng nhân tạo: 85.000.000 – 90.000.000 đồng
- Phẫu thuật thay khớp vai nhân tạo: trên 70.000.000 đồng.
Ngoài chi phí điều trị cho bệnh viêm khớp, bạn có nguy cơ tốn thêm các khoản phí khi viêm khớp dẫn đến các biến chứng ở mắt, da, phổi, tim, mạch máu… Do vậy, bạn không nên chủ quan xem nhẹ khi thấy các cơn đau xuất hiện hoặc tự ý dừng điều trị dù tình trạng bệnh mới cải thiện. Việc phát hiện và chẩn đoán sớm sẽ giúp tiết kiệm chi phí điều trị biến chứng của bệnh cơ xương khớp rất nhiều.
Phương Uyên/HELLO BACSI