Khi bạn tập luyện thể thao hoặc vận động mạnh sẽ rất dễ bị chấn thương dây chằng chéo ở đầu gối. Tùy theo tình trạng chấn thương, bác sĩ có thể chỉ định bạn điều trị thông thường hoặc phẫu thuật đầu gối để hỗ trợ phục hồi dây chằng chéo.
Dây chằng chéo nằm ở bên trong đầu gối và là một phần của đầu gối nhưng nằm phía ngoài khớp gối. Dây chằng chéo giúp kết nối xương chày và xương đùi lại với nhau và giúp tăng cường độ bền vững cũng như giúp khớp gối khỏe hơn.
Dây chằng chéo dễ bị tổn thương trong quá trình hoạt động, luyện tập thể thao hoặc do tai nạn, va đập. Chấn thương dây chằng chéo là một trong những chấn thương thể thao thường gặp nhất và có thể được điều trị bằng phương pháp thông thường hoặc cần phải phẫu thuật.
Cấp độ và triệu chứng của chấn thương dây chằng chéo
Chấn thương dây chằng chéo là tình trạng căng hoặc rách dây chằng. Tổn thương này của đầu gối thường do đầu gối bị kéo giãn hoặc va đập mạnh.
Các cấp độ của chấn thương dây chằng chéo
Tùy theo mức độ tổn thương, các chấn thương dây chằng chéo được phân loại thành độ 1, độ 2 và độ 3.
• Chấn thương dây chằng chéo độ 1: thường ít nghiêm trọng nhất. Ở cấp độ này, dây chằng chéo bị giãn nhưng không bị rách.
• Chấn thương dây chằng chéo độ 2: dây chằng chéo đã bị rách một phần, tình trạng này thường khiến cho khớp gối kém ổn định.
• Chấn thương dây chằng chéo độ 3: là dạng nghiêm trọng nhất, xảy ra khi dây chằng chéo bị rách hoàn toàn và khớp gối không ổn định.
Triệu chứng của chấn thương dây chằng chéo
Khi bị chấn thương dây chằng chéo, người bệnh thường thấy các triệu chứng khá tương tự với các tổn thương đầu gối khác. Bác sĩ có thể giúp xác định vấn đề sau khi kiểm tra khớp gối.
Các triệu chứng của chấn thương dây chằng chéo có thể bao gồm:
- Sưng khớp gối
- Bị cứng khớp gối
- Xuất hiện tiếng bốp to tại thời điểm bị chấn thương
- Đau khi ấn vào và đau dọc theo phần bên trong đầu gối
- Cảm thấy đầu gối của mình đang sắp rời ra nếu đặt trọng lượng lên nó
- Các vấn đề cho thấy khớp gối kém ổn định là dấu hiệu bị chấn thương dây chằng chéo độ 2, 3.
Cách xử lý và điều trị chấn thương dây chằng chéo
Các lựa chọn điều trị chấn thương dây chằng chéo tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của chấn thương.
Phần lớn các chấn thương sẽ tự lành lại sau khoảng một vài tuần nghỉ ngơi. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, nếu dây chằng chéo bị đứt và không thể tự liền lại được thì sẽ cần đến phẫu thuật.
Bước đầu tiên cần làm khi bị chấn thương dây chằng chéo là xử lý nhanh và kịp thời sau chấn thương.
Cách xử lý ngay sau khi bị chấn thương
Xử lý ngay sau chấn thương là rất cần thiết vì điều trị này giúp giảm đau và cố định đầu gối. Các biện pháp xử lý ngay sau chấn thương bao gồm:
- Chườm đá để giảm sưng
- Nâng đầu gối cao hơn tim
- Dùng nẹp hoặc gạc đàn hồi để cố định đầu gối
Sau đó nên đưa người bị chấn thương tới khám bác sĩ để xác định mức độ tổn thương dây chằng chéo và xác định cách điều trị tiếp theo.
Trường hợp nên điều trị thông thường
Điều trị thông thường khi bị chấn thương dây chằng chéo là những liệu pháp điều trị được áp dụng cho những trường hợp chỉ bị tổn thương nhẹ và có khả năng tự lành lại sau một vài tuần nghỉ ngơi.
Điều trị thông thường không liên quan đến phẫu thuật mà chỉ dùng các biện pháp hỗ trợ phục hồi và cố định vết thương, sau đó hỗ trợ phục hồi chức năng cho người bệnh.
Điều kiện để điều trị thông thường:
– Dây chằng chéo chỉ bị giãn nhưng chưa bị đứt
– Dây chằng chéo có bị đứt nhưng không hoàn toàn, đầu gối vẫn còn vững.
– Những người không có nhu cầu hoạt động thể thao mạnh, ít hoạt động, trẻ em (những đối tượng có khả năng phát triển sụn) bị chấn thương dây chằng chéo nhưng chưa quá nghiêm trọng.
Sau đây là các cách điều trị thông thường bạn có thể áp dụng:
- Nghỉ ngơi
- Dùng nẹp hoặc gạc đàn hồi để cố định đầu gối
- Dùng nạng để giảm gây tác động và áp lực lên đầu gối bị chấn thương
- Tìm kiếm nơi bán các loại dụng cụ hỗ trợ đầu gối để mua loại phù hợp
- Sử dụng các loại thuốc kháng viêm không steroid (NSAIDs) để giảm đau và giảm sưng
Khi hồi phục sau chấn thương dây chằng chéo, bước tiếp theo là cần giúp đầu gối phục hồi chức năng như trước và đề phòng xảy ra chấn thương. Ở giai đoạn này, những liệu pháp sau có thể cần áp dụng:
- Vật lý trị liệu để tăng cường cơ bắp và cải thiện phạm vi chuyển động của đầu gối
- Đeo dụng cụ hỗ trợ bảo vệ đầu gối khi hoạt động thể chất
- Hạn chế các hoạt động có thể gây thương tích thêm cho đầu gối, chẳng hạn như các môn thể thao tiếp xúc.
Trường hợp nên điều trị bằng phẫu thuật
Điều trị bằng phẫu thuật là cách điều trị cần phẫu thuật đầu gối và sử dụng vít neo, kẹp xương, vít kim loại hoặc khâu… để cố định khớp gối và hỗ trợ phục hồi dây chằng chéo bị tổn thương nghiêm trọng.
Đa số trường hợp chấn thương dây chằng chéo thường ít khi cần phải phẫu thuật. Phẫu thuật chỉ cần thiết trong các điều kiện sau đây:
– Dây chằng chéo bị rách đến mức độ không thể tự phục hồi, khớp gối kém ổn định.
– Phẫu thuật cũng được chỉ định nếu chấn thương dây chằng chéo xảy ra đồng thời với những chấn thương dây chằng khác.
– Những người trưởng thành cần hoạt động và lao động nhiều, những người thường xuyên luyện tập và thi đấu thể thao thì nên điều trị bằng phẫu thuật.
Trẻ em nên cân nhắc hoặc trì hoãn phẫu thuật vì phẫu thuật có thể gây ảnh hưởng đến sự phát triển sụn của trẻ.
Trước phẫu thuật, bác sĩ sẽ tiến hành nội soi khớp để kiểm tra kỹ mức độ tổn thương dây chằng chéo và những thương tích có liên quan xảy ra bên trong đầu gối. Nội soi khớp thực hiện bằng cách chèn một camera rất nhỏ qua một vết rách hoặc vết cắt nhỏ. Sau khi nội soi, bác sĩ sẽ rạch một vết nhỏ dọc theo mặt bên trong đầu gối.
Nếu dây chằng chéo bị đứt ở vị trí nơi gắn với xương ống chân hoặc xương đùi, bác sĩ có thể dùng các cách sau để gắn lại dây chằng chéo bị đứt:
- Những mũi khâu lớn
- Những chiếc kẹp xương
- Một vít kim loại
- Một thiết bị được gọi là vít neo
Nếu vết rách nằm ở giữa dây chằng chéo, bác sĩ sẽ khâu dây chằng lại với nhau.
Chấn thương dây chằng chéo trước là loại tổn thương thường gặp nhất trong các chấn thương khớp gối. Khi nhận thấy các dấu hiệu bị tổn thương dây chằng chéo, người bệnh và những người xung quanh nên nhanh chóng xử lý ngay sau chấn thương, cố định đầu gối và đưa người bệnh đến khám bác sĩ.
Tùy theo mức độ tổn thương, độ ổn định của khớp gối, tuổi tác, nhu cầu vận động và khả năng lành của vết thương, các bác sĩ sẽ cùng bàn bạc với người bệnh và gia đình để lựa chọn hình thức điều trị và phục hồi chức năng phù hợp nhất.
Hồng Nhung/HELLO BACSI