Thế là một mùa Tết nữa đã lại qua đi. Tết là dịp mà người người nhà nhà cùng nhau dọn dẹp để đón mừng năm mới sắp đến. Nhà ông M cũng không phải ngoại lệ. Tết đến, ông đã tất bật cùng các con chuẩn bị đồ đón năm mới, nào là dọn dẹp, sắp xếp lại nhà cửa. Mang vác nhiều vật nặng khiến ông M bị đau lưng, đặc biệt ở vùng thắt lưng. Trước đây, ông cũng thường bị đau thắt lưng. Tuy nhiên, tình trạng lần này kéo dài và có vẻ nghiêm trọng hơn, khiến ông không thể làm việc mà phải nằm nghỉ ngơi. Vì e ngại những tác dụng phụ trên dạ dày của thuốc uống, ông chỉ dùng thuốc dán, dầu xoa bóp và không thấy đỡ hơn. Lúc này, con gái đưa ông đến gặp bác sĩ để được hướng dẫn cách chữa bệnh đau lưng hiệu quả.
Khi đến bệnh viện, con gái ông M chia sẻ với bác sĩ rằng ba mình thường xuyên bị đau lưng nhưng không chịu uống thuốc giảm đau do hay bị đau dạ dày khi dùng thuốc.
Chắc hẳn không chỉ ông M mà nhiều người cũng đang phải “vật lộn” với các cơn đau lưng mỗi dịp dọn nhà. Vậy hãy cùng chúng tôi tìm hiểu nguyên nhân gây đau lưng dai dẳng và những cách chữa bệnh đau lưng đơn giản để giúp bạn kiểm soát hiệu quả tình trạng của mình nhé.
Vì sao bạn bị đau lưng dai dẳng?
Có rất nhiều nguyên nhân khiến bạn bị đau lưng, như:
● Nguyên nhân cơ học: Đây là nguyên nhân gây ra khoảng 80-90% các trường hợp đau thắt lưng, có thể bao gồm thoái hóa đĩa đệm hoặc bệnh về khớp, gãy đốt sống, dị tật bẩm sinh, thoái hóa đốt sống hoặc các nguyên nhân không xác định [1]. Trong đó, các nguyên nhân không xác định được cho là liên quan đến tình trạng căng cơ và chấn thương dây chằng, có thể gặp phải do nâng vật nặng hoặc cúi người sai tư thế [1, 2].
● Nguyên nhân thần kinh: Các nguyên nhân thần kinh như thoát vị đĩa đệm, hẹp ống sống, gai xương làm tổn thương rễ thần kinh cũng có thể gây đau thắt lưng [1]. Việc lựa chọn phương pháp điều trị các cơn đau lưng do nguyên nhân thần kinh thường khác biệt so với phương pháp điều trị cơn đau do các nguyên nhân khác. Các thuốc giảm đau thông thường có thể không mang lại hiệu quả giảm đau [3].
● Các bệnh lý cột sống không do nguyên nhân cơ học: chẳng hạn như nhiễm trùng, lao, viêm khớp (viêm khớp dạng thấp, viêm cột sống dính khớp)… [1]
● Do bệnh lý của các cơ quan khác: như bệnh đường tiêu hóa, bệnh thận, phình tách động mạch chủ bụng…[1]
● Do nguyên nhân khác: như đau cơ xơ hóa, rối loạn dạng cơ thể, trầm cảm… [1]
7 cách chữa bệnh đau lưng đơn giản
Sử dụng thuốc
Có nhiều loại thuốc khác nhau có thể được sử dụng để kiểm soát và chữa bệnh đau lưng [4]. Trong đó, paracetamol và NSAIDs là hai loại thuốc được sử dụng phổ biến và đầu tiên trong điều trị tình trạng này [5, 6].
● Paracetamol: Paracetamol thuộc nhóm hạ sốt, giảm đau không có đặc tính kháng viêm. Đây là một trong những thuốc đầu tiên được sử dụng để điều trị đau thắt lưng [6]. Tuy nhiên, một số nghiên cứu đã chứng minh rằng, paracetamol không thể hiện nhiều lợi ích trong chữa bệnh đau lưng cấp so với giả dược [7].
● Thuốc giảm đau kháng viêm không steroid (NSAIDs): NSAIDs cũng là một trong các loại thuốc được sử dụng đầu tiên để điều trị đau lưng vì khả năng hoạt động nhanh và dung nạp tốt [8]. Nhóm thuốc này được chứng minh là có hiệu quả trong việc giảm các triệu chứng tạm thời của đau lưng, cả cấp tính lẫn mạn tính [6]. Các NSAIDs giúp giảm đau, sưng và viêm ở cơ, khớp xương hoặc phần xung quanh đĩa đệm cột sống bị tổn thương [9]. NSAIDs có khả năng kháng viêm nên có hiệu quả hơn paracetamol trong điều trị các tình trạng đau lưng có viêm [9, 10].
● Thuốc giảm đau gây nghiện opioid: Nếu các thuốc giảm đau lưng trước đó không hiệu quả, bạn có thể được chỉ định sử dụng một nhóm thuốc mạnh hơn, gọi là opioid. Thuốc nhóm opioid có thể làm giảm nhiều tình trạng đau cấp tính khác nhau. Tuy nhiên, vì các tác dụng phụ như táo bón, chóng mặt, mệt mỏi hoặc phụ thuộc thuốc, opioid thường không được sử dụng lâu hơn 12 tuần và phải dùng dưới sự chỉ định của bác sĩ [4].
● Thuốc giãn cơ: Thuốc giãn cơ được cho là có tác dụng giảm đau bằng cách tác động lên hệ thần kinh trung ương và giúp giảm căng cơ [4, 11].
● Steroid dạng tiêm: Bác sĩ cũng có thể chỉ định cho bạn tiêm steroid trong những trường hợp đau lưng nghiêm trọng. Tuy nhiên, khả năng giảm đau của steroid dạng tiêm thường hết sau khoảng 3 tháng [11].
Tác dụng phụ của thuốc giảm đau và những đối tượng cần lưu ý
Theo thăm khám ban đầu, bác sĩ chỉ định cho ông M sử dụng nhóm thuốc giảm đau kháng viêm không steroid. Tuy nhiên, từ những vấn đề tiêu hóa trước đó mà ông gặp phải, bác sĩ đã cân nhắc kê đơn cho ông một loại thuốc NSAIDs mới ít gây ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa hơn.
Trường hợp của ông M không phải là ngoại lệ. Nhiều báo cáo cho thấy, 3-23% bệnh nhân sử dụng NSAIDs dừng dùng thuốc sớm vì gặp phải các tác dụng phụ [12]. Theo đó, dù có hiệu quả giảm đau, nhưng NSAIDs cũng mang đến một số rủi ro nhất định, thường gặp nhất là các tác dụng phụ trên đường tiêu hóa [13]. Nhóm thuốc này có thể gây đau bụng, tiêu chảy, buồn nôn, ợ nóng, táo bón… Nếu dùng trong thời gian dài, NSAIDs còn làm tăng nguy cơ phát triển loét và chảy máu đường tiêu hóa [13, 14]. Không những thế, thuốc giảm đau kháng viêm không steroid có thể làm tăng nhẹ nguy cơ phát triển một số vấn đề về tim và thận [4, 9]. Vì vậy, bạn cần trao đổi với bác sĩ về lợi ích và nguy cơ để lựa chọn thuốc sử dụng phù hợp [4].
Một số đối tượng sau đây có nhiều nguy cơ gặp phải tác dụng phụ của NSAIDs [15]:
● Bệnh nhân trên 65 tuổi
● Bệnh nhân mắc nhiều bệnh nền như đái tháo đường, tăng huyết áp, bệnh tim mạch, bệnh thận hoặc suy gan
● Bệnh nhân có tiền sử bị loét dạ dày-tá tràng hoặc chảy máu đường tiêu hóa
● Bệnh nhân sử dụng nhiều loại thuốc
● Bệnh nhân sử dụng NSAIDs thời gian dài hoặc sử dụng liều tối đa.
Nhiều nghiên cứu đã chứng minh rằng, thuốc NSAIDs chọn lọc COX-2, ít gây tổn thương niêm mạc đường tiêu hóa hơn so với NSAIDs không chọn lọc, từ đó làm giảm nguy cơ gặp phải tình trạng viêm loét và các biến chứng đường tiêu hóa nghiêm trọng khác [16, 17]. Thêm vào đó, ảnh hưởng trên tim mạch của một số NSAIDs nhóm coxib gần như tương đương với NSAIDs không chọn lọc và cho thấy nhiều ưu thế hơn các NSAIDs chọn lọc COX-2 cùng nhóm [17]. Vì vậy, bác sĩ có thể chỉ định các thuốc này cho bệnh nhân gặp vấn đề trên đường tiêu hóa.
Ngoài ra, trong quá trình chữa bệnh đau lưng, bệnh nhân cần theo dõi thêm tình trạng của mình. Nếu không đỡ hơn và nhận thấy các triệu chứng như đau dữ dội, bị tê, ngứa ran hoặc cảm thấy đau lan rộng từ cột sống đến tay, bàn tay, chân hoặc bàn chân, bạn cần thông báo lại ngay cho bác sĩ. Bởi vì đây có thể là biểu hiện của tình trạng đau lưng do nguyên nhân thần kinh và cần phải được điều trị bằng các thuốc giảm đau có nguồn gốc thần kinh [3].
Tích cực vận động
Mặc dù nghỉ ngơi là phương pháp cơ bản để giảm đau lưng cấp tính do căng cơ hoặc chấn thương nhẹ, nhưng bạn chỉ nên nằm nghỉ trong một khoảng thời gian nhất định. Bởi vì việc nghỉ ngơi trên giường trong thời gian dài sẽ làm chậm quá trình phục hồi và gây ra nhiều vấn đề khác. Trong hầu hết các trường hợp, bạn nên bắt đầu hoạt động nhẹ nhàng như đi bộ sau 24 – 72 tiếng nghỉ ngơi [18].
Thực hiện các bài tập cho người đau lưng
Một số bài tập lưng và giãn cơ đơn giản có thể giúp bạn giảm đau lưng và ngăn tình trạng này quay trở lại một cách hiệu quả [19]. Ngoài ra, yoga, pilate và thái cực quyền cũng là những bộ môn hiệu quả giúp bạn tăng cường sức mạnh vùng lõi và các cơ quanh hông, từ đó mang lại tác dụng làm giảm đau lưng [20].
Chườm nóng/ chườm đá
Một số người nhận thấy, chườm nóng hoặc chườm đá có thể làm dịu cơn đau lưng trong thời gian ngắn [21]. Chườm nóng có tác dụng tăng lưu lượng máu đến vị trí đau. Điều này giúp thư giãn các sợi cơ, vì vậy có hiệu quả khi bạn bị co cơ hoặc cứng khớp. Ngược lại, chườm đá làm co mạch máu và giúp làm giảm sưng tấy hiệu quả. Bạn có thể chườm nóng hoặc chườm đá 15 – 20 phút mỗi lần lên phần lưng bị đau. Tuy nhiên, hãy lưu ý không để túi chườm tiếp xúc trực tiếp với da để tránh nguy cơ bị tổn thương. Tốt nhất, bạn nên đặt một cái khăn hoặc một miếng vải trên da trước khi đặt túi chườm lên [22].
Massage
Massage là một cách đơn giản giúp chữa bệnh đau lưng hiệu quả. Bạn có thể tự massage hoặc nhờ bạn và người thân “trợ giúp” trong trường hợp này. Nếu nhờ người khác massage, bạn hãy nằm sấp trên chiếu, nệm, giường và nhờ người thân tiến hành các động tác xoa bóp vùng bị đau. Các động tác này có thể bao gồm: xoay lòng bàn tay (palm circling), nâng cơ (muscle lifting) và trượt ngón tay (thumb circling) [23].
Duy trì tư thế đúng
Việc duy trì tư thế đúng sẽ làm giảm áp lực lên lưng, đặc biệt là vùng thắt lưng. Bạn có thể sử dụng đai, dây thun hoặc băng dán để giúp cố định cột sống. Hãy cố gắng không gù lưng hoặc đưa cằm về phía trước quá nhiều. Nếu phải ngồi làm việc trước màn hình, hãy tựa đều hai tay lên bàn và để màn hình ngang tầm mắt. Ngoài ra, trong quá trình ngồi, bạn nên đứng dậy, giãn cơ và đi bộ thường xuyên [20].
Thư giãn tinh thần
Lo lắng có thể làm tình trạng đau lưng trở nên tồi tệ hơn. Nhiều bằng chứng cho thấy, những người vẫn giữ được tinh thần lạc quan bất chấp cơn đau có xu hướng hồi phục nhanh hơn người bình thường [21]. Vì vậy, bạn hãy cố gắng thư giãn tinh thần và tránh lo lắng quá mức nhé.
Sau khi đi khám, ông M uống thuốc theo đúng chỉ định của bác sĩ cũng như thực hiện thêm một số cách chữa bệnh đau lưng tại nhà khác đã được hướng dẫn. Ông nhận thấy triệu chứng đau lưng giảm rõ rệt mà không gặp phải bất kỳ tác dụng phụ nào của thuốc như trước. Ông rất vui vì mình có thể dành nhiều thời gian hơn cho gia đình thay vì dồn hết “tâm tư” vào những cơn đau. Nếu bị cơn đau lưng ám ảnh mỗi dịp dọn nhà, bạn hãy đến gặp bác sĩ để được thăm khám và chỉ định sử dụng thuốc hợp lý, đặc biệt khi đã lớn tuổi.
PP-CEL-VNM-0478
VIATRIS đồng hành nâng cao kiến thức bệnh học cộng đồng.
HelloBacsi.com cung cấp đường dẫn trong mục các chủ đề liên quan, bài cùng chuyên mục và bài có nhiều người đọc vì mục đích thuận tiện tra cứu. VIATRIS không kiểm duyệt các đường dẫn trong trang này và cũng không chịu trách nhiệm về nội dung hay hoạt động của các trang liên kết này.
[embed-health-tool-bmi]