backup og meta
Chuyên mục
Công cụ
Hỏi bác sĩ
Lưu
Mục lục bài viết

U xương ngón chân cái

Tham vấn y khoa: TS. Dược khoa Trương Anh Thư · Dược · Bệnh viện Đại học Y Dược TP. HCM


Tác giả: Ban biên tập Hello Bacsi · Ngày cập nhật: 11/05/2020

Tìm hiểu chung

Phẫu thuật u xương ngón chân cái là gì?

Phẫu thuật u xương ngón chân cái được thực hiện khi u xương ngón chân cái gây đè ép và đau. Phẫu thuật này có thể nắn thẳng lại ngón cái và làm bàn chân của bạn vừa vặn trở lại với những loại giày thông thường.

U xương ngón chân cái là một cục u xương ở mặt bên của bàn chân, tại phần nền ngón chân cái của bạn.

Nguyên nhân phổ biến nhất của u xương ngón chân cái là do giày dép không đủ chứa vừa ngón chân của bạn, do đó ngón chân cái không được nằm ở vị trí tự nhiên. Đôi khi bệnh đi kèm với viêm khớp phần nền ngón chân cái của bạn.

Khi nào bạn nên thực hiện phẫu thuật u xương ngón chân cái?

Hầu hết u xương ngón chân cái có thể được điều trị không cần phẫu thuật. Nhưng khi các biện pháp điều trị không phẫu thuật không thể khắc phục được hoặc không thể chữa khỏi bệnh hoàn toàn, các bác sĩ sẽ thực hiện phẫu thuật để làm giảm đau, chỉnh sửa các biến dạng bàn chân có liên quan và giúp bạn tiếp tục hoạt động bình thường. Phẫu thuật thường được thực hiện khi:

  • Những phương pháp điều trị không phẫu thuật không làm giảm đau do u xương ngón chân cái;
  • Bạn gặp khó khăn khi đi bộ hoặc thực hiện các hoạt động trong sinh hoạt thường ngày.

Điều cần thận trọng

Bạn nên biết những gì trước khi thực hiện phẫu thuật u xương ngón chân cái?

Khi bạn tìm hiểu về phẫu thuật u xương ngón chân cái, hãy cẩn trọng rằng hiện nay có những phẫu thuật được gọi là “đơn giản” hay “tối thiểu” thường là những phẫu thuật “sửa chữa”, và thường có những lời quảng cáo sai rằng phẫu thuật này có thể sửa chữa lại chân bạn một cách hoàn hảo giống như ban đầu. Thực tế là những lời quảng cáo đó không đúng. Bởi vì mục đích của phẫu thuật là để làm giảm cơn đau càng nhiều càng tốt và sửa chữa biến dạng nhiều nhất có thể chứ không thể làm hết hoàn toàn được. Bạn cần lưu ý phẫu thuật này không phải là phẫu thuật thẩm mỹ.

Bạn nên nhớ rằng sau phẫu thuật u xương ngón chân cái bạn sẽ vẫn không thể mang một số loại giày kích cỡ nhỏ, hoặc là loại giày mũi nhọn. Trong thực tế, bạn sẽ phải hạn chế mang một số loại giày cho suốt quãng đời còn lại. Hãy tìm hiểu những loại giày nào phù hợp với bạn.

Hãy nhớ rằng nguyên nhân chính của sự biến dạng u xương ngón chân cái là do đôi giày quá chặt. Nếu bạn quay trở lại dùng kiểu giày đó, u xương ngón chân cái sẽ xuất hiện trở lại.

Trước khi tiến hành phẫu thuật, bạn nên hiểu rõ các cảnh báo và lưu ý. Nếu bạn có bất cứ câu hỏi nào, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để có thêm thông tin và hướng dẫn cụ thể.

Liệu có nguy hiểm gì có thể xảy ra hay không?

Biến chứng chung của các loại phẫu thuật bao gồm:

  • Đau;
  • Chảy máu;
  • Nhiễm trùng vết mổ (vết thương);
  • Sẹo xấu;
  • Tạo cục máu đông;
  • Tiểu khó.

Biến chứng chuyên biệt khi thực hiện phẫu thuật u xương ngón chân cái gồm:

  • Tổn thương thần kinh;
  • Vấn đề về lành xương;
  • Mất vận động ở ngón chân cái của bạn;
  • Đau dữ dội, cứng khớp và mất khả năng sử dụng của bàn chân của bạn (hội chứng đau vùng phức tạp);
  • Đau lòng bàn chân;
  • Dị tật tái phát.

Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc nào về các biến chứng có thể xảy ra, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để được tư vấn và giải đáp.

Quy trình thực hiện

Bạn nên làm gì trước khi thực hiện phẫu thuật u xương ngón chân cái?

Nếu bạn quyết định phẫu thuật u xương ngón chân cái, bạn có thể được yêu cầu khám tổng quát với bác sĩ trước khi phẫu thuật để đánh giá sức khỏe của bạn. Nếu bạn có bệnh tim, phổi hoặc các bệnh mạn tính khác, bạn sẽ cần một bản xác nhận tiền phẫu là đủ sức khỏe từ bác sĩ gia đình của bạn.

Trước khi phẫu thuật, nói với bác sĩ phẫu thuật chỉnh hình về các loại thuốc mà bạn đang dùng. Họ sẽ cho bạn biết những loại thuốc bạn nên và không nên ngừng uống trước khi phẫu thuật.

Các xét nghiệm, bao gồm xét nghiệm máu, điện tâm đồ, chụp X-quang ngực, xét nghiệm nước tiểu, và X-quang chân đặc biệt, có thể được đề nghị bởi bác sĩ phẫu thuật chỉnh hình để giúp họ lên kế hoạch làm thủ thuật.

Quy trình thực hiện phẫu thuật u xương ngón chân cái là gì?

Hiện có nhiều kỹ thuật gây mê khác nhau. Phẫu thuật thường mất 30 phút đến một giờ.

Có nhiều phương pháp phẫu thuật khác nhau. Việc lựa chọn phương pháp nào dựa trên mức độ nặng của bệnh và độ biến dạng của ngón chân.

Bác sĩ phẫu thuật sẽ sử dụng đinh ghim, dây hoặc là đinh vít để giữ xương thật chắc vào vị trí bình thường và chờ cho nó lành lại. Tùy thuộc vào loại phẫu thuật mà bác sĩ sẽ quyết định để lại những đinh vít này trong bàn chân của bạn luôn, hay là phải thực hiện phẫu thuật lần nữa để rút đinh ra.

Một số phương pháp phẫu thuật hiện nay thường được dùng:

  • Phương pháp gọt xương: đây là loại phẫu thuật rất thường được dùng. Trong quá trình phẫu thuật, bác sĩ sẽ gọt bớt phần xương nhô lên ở ngón chân cái đồng thời sắp xếp lại các xương ở ngón chân cái cho chúng thẳng hàng lại;
  • Phương pháp làm cứng khớp: trong quá trình phẫu thuật, bác sĩ sẽ làm dính xương ngón chân và xương bàn chân ở ngón chân cái lại với nhau. Loại phẫu thuật này được dùng cho người có ngón chân bị dị dạng nặng hoặc khớp đã bị thoái hóa quá nặng;
  • Phẫu thuật cắt khớp: trong quá trình phẫu thuật, các bác sĩ sẽ cắt bỏ phần khớp ngón đã bị hư hại, sau đó tạo ra một khớp giả bằng những mô sẹo.

Hồi phục sức khỏe

Bạn nên làm gì sau khi thực hiện phẫu thuật u xương ngón chân cái?

Bạn sẽ có thể về nhà trong ngày hoặc vào ngày hôm sau.

Bạn nên dành phần lớn thời gian trong tuần đầu tiên nâng chân lên cao để bớt sưng.

Tập thể dục thường xuyên sẽ giúp bạn trở lại hoạt động bình thường càng sớm càng tốt. Trước khi bạn bắt đầu thực hiện, hãy xin lời khuyên của các nhân viên y tế hoặc bác sĩ của bạn.

Có thể mất sáu tuần hoặc lâu hơn để bớt sưng đủ cho bạn mang giày mềm bình thường.

Thường thì bạn sẽ không thể mang lại giày một cách bình thường trong vòng 6 tháng sau phẫu thuật. Có thể bác sĩ sẽ bó bột chân cho bạn hoặc sử dụng một chiếc giày đặc biệt đóng vai trò như một cái nẹp để giúp cho bạn có thể đi được bằng gót chân và bảo vệ chỗ phẫu thuật.

Nếu bạn có bất cứ câu hỏi nào, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để được tư vấn và giải đáp.

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Tham vấn y khoa:

TS. Dược khoa Trương Anh Thư

Dược · Bệnh viện Đại học Y Dược TP. HCM


Tác giả: Ban biên tập Hello Bacsi · Ngày cập nhật: 11/05/2020

advertisement iconQuảng cáo
app promote banner

Bài viết này có hữu ích với bạn?

advertisement iconQuảng cáo
advertisement iconQuảng cáo