backup og meta
Chuyên mục
Công cụ

1

Hỏi bác sĩ
Lưu
Mục lục bài viết

Sốt xuất huyết: Nguyên nhân, triệu chứng, cách điều trị và phòng ngừa

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh · Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: Tố Quyên · Ngày cập nhật: 04/08/2023

Sốt xuất huyết: Nguyên nhân, triệu chứng, cách điều trị và phòng ngừa

Hằng năm, cứ vào giai đoạn tầm tháng 7 đến tháng 11 là dịch sốt xuất huyết lại bùng phát và lây truyền rất nhanh. Nếu không có biện pháp phòng ngừa và điều trị kịp thời, người bệnh có thể gặp phải các biến chứng nguy hiểm.

Bài viết sau đây sẽ cung cấp tất cả thông tin về bệnh sốt xuất huyết cũng như giúp bạn bỏ túi một số mẹo phòng ngừa căn bệnh này một cách đơn giản, hiệu quả.

Bệnh sốt xuất huyết là gì?

Sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm phổ biến ở những nước nhiệt đới và cận nhiệt đới, trong đó có Việt Nam. Thực tế, có nhiều loại sốt xuất huyết khác nhau như sốt xuất huyết Lassa, sốt xuất huyết Bolivia, sốt xuất huyết Hantavirus… trong đó, phổ biến hơn cả là sốt xuất huyết Dengue.

Mỗi năm, trên thế giới có hàng triệu ca nhiễm virus Dengue gây bệnh sốt xuất huyết. Nếu không được điều trị kịp thời, bệnh có thể gây chảy máu nghiêm trọng, giảm huyết áp đột ngột và thậm chí là sốc sốt xuất huyết và dẫn đến tử vong.

Nguyên nhân gây bệnh sốt xuất huyết

Nguyên nhân gây sốt xuất huyết chủ yếu do virus Dengue lây truyền từ muỗi vằn thuộc chi Aedes: muỗi Aedes aegypti. Khi muỗi vằn hút máu bệnh nhân nhiễm virus Dengue, virus này sẽ ủ bệnh trong cơ thể muỗi vằn. Sau đó, nếu muỗi vằn đốt người khỏe mạnh, virus Dengue sẽ được truyền sang cho người ấy và gây bệnh sốt xuất huyết.

Triệu chứng sốt xuất huyết

Nhiều người thắc thắc mắc triệu chứng sốt xuất huyết ở người lớn hay trẻ em là gì? Theo các chuyên gia bệnh truyền nhiễm, nhiều người, đặc biệt là trẻ em và thanh thiếu niên, có thể không có bất cứ biểu hiện sốt xuất huyết nào nếu bệnh chỉ ở thể nhẹ. Các triệu chứng thường xảy ra sau khi muỗi đốt từ 4-7 ngày.

Bệnh thường gây ra các triệu chứng sau đây:

  • Sốt cao (39-40ºC)
  • Đau đầu
  • Đau các khớp
  • Buồn nôn
  • Nôn
  • Đau hốc mắt
  • Sưng các tuyến
  • Phát ban

Vậy sốt xuất huyết kéo dài bao lâu hay sốt xuất huyết sốt mấy ngày? Câu trả lời là hầu hết người bệnh sẽ phục hồi trong vòng một tuần hoặc hơn. Tuy nhiên, đối với một số trường hợp, các dấu hiệu bệnh có thể xấu đi, thậm chí đe dọa tính mạng. Lúc này, mạch máu sẽ bị tổn thương và rò rỉ huyết tương. Số lượng tế bào hình thành cục máu đông trong máu (tiểu cầu) giảm. Điều này sẽ gây ra sốt xuất huyết Dengue, một tình trạng nghiêm trọng có thể nguy hiểm đến tính mạng người bệnh. Các triệu chứng của tình trạng này gồm:

  • Đau bụng dữ dội
  • Nôn kéo dài
  • Chảy máu ở nướu hoặc mũi
  • Máu trong nước tiểu, phân hoặc chất nôn
  • Chảy máu dưới da, có thể trông giống các vết bầm tím
  • Khó thở hoặc thở nhanh
  • Da lạnh và ẩm
  • Mệt mỏi
  • Khó chịu và bồn chồn
  • Gọi cấp cứu ngay nếu bạn có các dấu hiệu nghiêm trọng, chẳng hạn như đau bụng dữ dội, nôn, khó thở, chảy máu nướu hoặc mũi, máu trong phân hoặc chất nôn.

    Bệnh sốt xuất huyết có lây không?

    muỗi vằn gây bệnh sốt xuất huyết

    Nhiều người thường thắc mắc sốt xuất huyết có lây không? Câu trả lời có, bởi nguyên nhân gây sốt xuất huyết là do virus nên bệnh chắc chắn có khả năng lây từ vật chủ mang virus gây bệnh, từ người mang bệnh sang người khác trong cùng môi trường sinh sống. Vậy đâu là con đường lây truyền bệnh chính?

    Bệnh sốt xuất huyết lây nhiễm như thế nào? Thực tế, virus gây bệnh được truyền theo 3 đường chính gồm:

    1. Lây nhiễm từ muỗi sang người

    Muỗi Aedes aegypti nhiễm bệnh và đốt người khỏe mạnh sẽ truyền virus Dengue sang người đó. Sau khi truyền nhiễm bệnh, muỗi vẫn có khả năng lây lan virus cho những người khác.

    2. Lây nhiễm từ người sang muỗi

    Muỗi có thể nhiễm virus gây bệnh sau khi đốt người mắc virus Dengue. Đây có thể là những người nhiễm virus gây bệnh sốt xuất huyết nhưng chưa có dấu hiệu hoặc không có bất cứ dấu hiệu nào của bệnh.

    Thời gian lây truyền virus sang muỗi có thể diễn ra 2 ngày trước khi người bệnh có các dấu hiệu sốt xuất huyết và kéo dài đến 2 ngày sau khi hết sốt.

    3. Lây qua đường lấy máu hoặc dùng chung kim tiêm

    Một người khỏe mạnh có thể bị lây nhiễm virus nếu được truyền máu của người mắc bệnh hoặc dùng chung kim tiêm với họ. Tuy nhiên, con đường lây nhiễm này thường ít phổ biến hơn so với lây qua đường muỗi đốt.

    Chẩn đoán

    Xét nghiệm máu chẩn đoán sốt xuất huyết

    Ngoài việc đi tìm câu trả lời cho thắc mắc sốt xuất huyết có lây không, nhiều người cũng băn khoăn về  việc bệnh sốt xuất huyết được chẩn đoán như thế nào hay khi bị sốt xuất huyết uống thuốc gì?

    Theo các chuyên gia sức khỏe, việc chẩn đoán bệnh có thể gặp nhiều khó khăn vì các dấu hiệu và triệu chứng sốt xuất huyết có thể nhầm lẫn với các bệnh khác, như sốt rét, xoắn khuẩn vàng da leptospirathương hàn.

    Bác sĩ có thể hỏi bệnh sử, đặc điểm môi trường nơi bạn sinh sống, lịch sử du lịch gần đây. Bạn hãy cung cấp chi tiết các thông tin liên quan để giúp bác sĩ chẩn đoán bệnh chính xác hơn.

    Ngoài ra, bác sĩ còn chỉ định xét nghiệm máu để phát hiện virus Dengue hoặc các virus tương tự khác như: zika hoặc chikungunya.

    Phương pháp điều trị sốt xuất huyết

    Nhiều người khi nhận chẩn đoán bị sốt xuất huyết rất băn khoăn về việc điều trị sốt xuất huyết tại nhà có được không hay sốt xuất huyết làm gì cho nhanh khỏi?

    Theo các chuyên gia sức khỏe, hiện nay vẫn chưa có một phương pháp điều trị sốt xuất huyết cụ thể, việc điều trị chỉ nhằm giảm nhẹ triệu chứng, giúp người bệnh bớt cảm thấy khó chịu. Bên cạnh đó, các bác sĩ thường khuyên người bệnh nên uống nhiều nước để tránh mất nước khi nôn và sốt cao.

    Vậy sốt xuất huyết uống thuốc gì? Để giúp giảm đau và hạ sốt, bạn có thể dùng paracetamol. Tuy nhiên, không nên dùng các thuốc kháng viêm không steroid, như aspirin, naproxen hoặc ibuprofen, vì sẽ làm tăng nguy cơ chảy máu ở người bệnh.

    Trong trường hợp bệnh tiến triển nghiêm trọng, bạn cần:

    • Nhập viện để được theo dõi, chăm sóc và điều trị đúng cách
    • Truyền dịch và chất điện giải
    • Theo dõi huyết áp
    • Truyền máu

    Trong thời gian phục hồi bệnh, người bệnh cần theo dõi các dấu hiệu thiếu nước của cơ thể và đến bệnh viện ngay nếu có các triệu chứng sau:

    • Ít hoặc không đi tiểu
    • Khô miệng hoặc môi, da chùng nhão
    • Ít hoặc không có nước mắt khi khóc (với trẻ nhỏ)
    • Người lờ đờ hoặc nhầm lẫn
    • Da cực kỳ lạnh hoặc ẩm ướt…

    Phòng ngừa và kiểm soát sốt xuất huyết

    phòng ngừa sốt xuất huyết: dùng thuốc xịt muỗi

    Nếu bạn biết mình bị sốt xuất huyết, hãy tránh để muỗi đốt thêm trong thời gian mắc bệnh và tuần đầu tiên sau khi khỏi bệnh. Virus có thể di chuyển trong máu vào thời gian này, do đó, bạn có thể truyền virus sang muỗi bị khị đốt. Muỗi mang virus gây bệnh sẽ tiếp tục lây truyền cho người khác.

    Hiện nay, yếu tố nguy cơ chính khiến một người dễ nhiễm sốt xuất huyết là sống gần khu vực sinh sản của muỗi và bị muỗi đốt. Một số biện pháp có thể phòng ngừa bệnh này như:

    1. Phòng chống muỗi sinh sản

    • Không tạo môi trường cho muỗi đẻ trứng và sinh sôi bằng cách phát quang bụi rậm quanh nhà, đậy nắp chum vại…
    • Thả cá bảy màu vào các dụng cụ chứa nước lớn (bể, giếng, chum, vại…) để diệt loăng quăng, bọ gậy
    • Thường xuyên rửa các dụng cụ chứa nước vừa và nhỏ hàng tuần
    • Thu gom và bỏ các vật dụng phế thải trong và xung quanh nhà, như chai lọ, mảnh lu vỡ, vỏ dừa, lốp xe cũ… Lật úp hoặc đậy kín các dụng cụ chứa nước khi không dùng đến
    • Bỏ muối hoặc dầu vào bát kê chân chạn/tủ đựng bát (chén), thường xuyên thay nước bình hoa, chậu cây thủy sinh…

    2. Phòng chống muỗi đốt

    • Mặc quần áo dài tay, màu sáng
    • Ngủ mùng, kể cả ban ngày
    • Dùng bình xịt diệt muỗi, kem chống mũi hoặc vợt điện diệt muỗi…

    Hello Bacsi tin rằng qua bài viết này, bạn đã có thêm những thông tin cơ bản về bệnh sốt xuất huyết, biết cách chăm sóc người bệnh khi điều trị tại nhà đúng cách, đồng thời phòng bệnh hiệu quả.

    Miễn trừ trách nhiệm

    Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

    Tham vấn y khoa:

    Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

    Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


    Tác giả: Tố Quyên · Ngày cập nhật: 04/08/2023

    advertisement iconQuảng cáo
    app promote banner

    Bài viết này có hữu ích với bạn?

    advertisement iconQuảng cáo
    advertisement iconQuảng cáo