backup og meta

Chế độ tử tuất là gì? Đối tượng, điều kiện và mức hưởng mới nhất

Chế độ tử tuất là gì? Đối tượng, điều kiện và mức hưởng mới nhất

Chế độ tử tuất là một trong những chế độ quan trọng của bảo hiểm xã hội. Thế nhưng, rất ít người quan tâm đến chế độ này dẫn đến việc ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của bản thân và gia đình. 

Chế độ tử tuất là gì? Đối tượng nào được hưởng chế độ tử tuất? Người đang hưởng lương hưu khi mất người thân trong gia đình có được hưởng chế độ tử tuất? Những chia sẻ dưới đây của Hello Bacsi sẽ phần nào giúp bạn giải đáp những câu hỏi trên cũng như cung cấp thêm cho bạn một số thông tin về mức hưởng cũng như thủ tục làm chế độ tử tuất. 

Chế độ tử tuất là gì? 

Chế độ tử tuất là một trong các chế độ của bảo hiểm xã hội (BHXH) nhằm bù đắp phần thu nhập của người lao động dùng để đảm bảo cuộc sống cho thân nhân của họ hoặc các chi phí khác phát sinh do người lao động đang tham gia quan hệ lao động hoặc đang hưởng bảo hiểm xã hội bị chết. 

Theo đó, người thân của người tham gia đóng BHXH sẽ được hưởng các quyền lợi của chế độ tử tuất bao gồm các khoản trợ cấp căn cứ theo Luật Bảo hiểm Xã hội số 58/2014/QH13 năm 2014: 

  • Trợ cấp mai táng (mai táng phí) 
  • Trợ cấp hàng tháng 
  • Trợ cấp tuất một lần. 

Đối tượng, điều kiện và mức hưởng của chế độ tử tuất  

Không giống như chế độ ốm đau hay chế độ thai sản, mỗi loại trợ cấp của chế độ tử tuất sẽ có điều kiện và đối tượng hưởng khác nhau:

1. Trợ cấp mai táng

– Điều kiện: 

Theo Khoản 1 Điều 66 Luật Bảo hiểm Xã hội 2014, khi người lao động chết, người lo mai táng sẽ được nhận trợ cấp mai táng nếu người lao động: 

  • Đã đóng BHXH hoặc đang bảo lưu thời gian đóng mà đã đóng đủ từ 12 tháng trở lên 
  • Mất do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hoặc mất do trong thời gian điều trị do tai nạn lao động (TNLĐ), bệnh nghề nghiệp (BNN)
  • Đang hưởng lương hưu, trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hàng tháng đã nghỉ việc. 

Đối với BHXH tự nguyện thì người lo mai táng sẽ được nhận trợ cấp mai táng nếu người lao động: 

  • Đã đóng BHXH tự nguyện tối thiểu 60 tháng 
  • Đang hưởng lương hưu của chế độ hưu trí.

– Mức hưởng: 

Theo khoản 2, khoản 3 Điều 66 Luật Bảo hiểm Xã hội năm 2014, trợ cấp mai tháng bằng 10 lần mức lương cơ sở tại tháng mà người lao động mất. 

Hiện mức lương cơ sở là 1,49 triệu đồng, như vậy, nếu người lao động mất thì người lo mai táng có thể được hưởng 14,9 triệu đồng.  

2. Trợ cấp tuất hàng tháng

chế độ tử tuất

– Điều kiện: 

Hàng tháng, thân nhân của người lao động đã mất sẽ được hưởng khoản trợ cấp tuất hàng tháng nếu người lao động đáp ứng các điều kiện của trợ cấp mai táng và thuộc một trong những trường hợp sau: 

  • Đã tham gia BHXH bắt buộc tối thiểu 15 năm và chưa từng hưởng BHXH một lần 
  • Đang hưởng lương hưu của chế độ hưu trí 
  • Qua đời vì tai nạn lao động hoặc bệnh nghề nghiệp 
  • Đang hưởng trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp và tỷ lệ suy giảm khả năng lao động tối thiểu 61%. 

Đối với người tham gia BHXH tự nguyện thì sẽ không được hưởng trợ cấp tuất hàng tháng mà thay vào đó sẽ được hưởng trợ cấp tuất 1 lần. 

– Đối tượng: 

Theo khoản 2 Điều 67 Luật Bảo hiểm Xã hội 2014, thân nhân người lao động được hưởng trợ cấp tuất hàng tháng gồm: 

  • Con chưa đủ 18 tuổi, con từ đủ 18 tuổi trở lên bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên, con được sinh khi người bố chết mà người mẹ đang mang thai 
  • Vợ từ đủ 55 tuổi trở lên hoặc chồng từ đủ 60 tuổi trở lên, vợ dưới 55 tuổi, chồng dưới 60 tuổi nếu bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên 
  • Cha/mẹ đẻ, cha/mẹ đẻ của chồng hoặc vợ và đủ 60 tuổi với nam, 55 tuổi với nữ mà người tham gia BHXH đang thực hiện nghĩa vụ nuôi dưỡng thì qua đời. 
  • Cha/mẹ đẻ, cha/mẹ đẻ của chồng hoặc vợ dưới 60 tuổi với nam, dưới 55 tuổi với nữ và bị suy giảm khả năng lao động (KNLĐ) ít nhất 81% mà người lao động đang có nghĩa vụ nuôi dưỡng thì qua đời. 

Lưu ý: Ngoại trừ con thì những thân nhân khác phải không có thu nhập hoặc có thu nhập hàng tháng thấp hơn mức lương cơ sở (thấp hơn 1,49 triệu đồng/tháng). 

– Mức hưởng: 

Theo Khoản 1 Điều 68 Luật Bảo hiểm Xã hội 2014, mức trợ cấp hàng tháng bằng 50% mức lương cơ sở của thời điểm người tham gia BHXH qua đời. Nếu thân nhân không có người trực tiếp nuôi dưỡng thì mức hưởng là 70% mức lương cơ sở.  

Hiện mức lương cơ sở là 1,49 triệu, vậy mức trợ cấp tuất hàng tháng cho mỗi thân nhân là 745.000 đồng. Trường hợp không có người trực tiếp nuôi dưỡng là 1.043.000 đồng. 

3. Trợ cấp tuất 1 lần 

– Điều kiện và đối tượng: 

Thân nhân của người lao động đã mất sẽ được hưởng khoản trợ cấp tuất hàng tháng nếu người lao động đáp ứng các điều kiện của trợ cấp mai táng và thuộc các trường hợp sau: 

  • Không thuộc diện hưởng trợ cấp hàng tháng (không thuộc Khoản 1, Điều 67 của Luật BHXH năm 2014). 
  • Thuộc diện hưởng trợ cấp hàng tháng nhưng không có thân nhân để hưởng trợ cấp hàng tháng thì được hưởng trợ cấp một lần và thực hiện theo Luật thừa kế. 
  • Thân nhân thuộc diện hưởng trợ cấp hàng tháng nếu có mong muốn hưởng trợ cấp một lần thì sẽ được hưởng, trừ trường hợp con dưới 06 tuổi, con hoặc vợ hoặc chồng bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên. 

– Mức hưởng: 

Đối với thân nhân của người đang tham gia BHXH hoặc đang bảo lưu thời gian đóng BHXH, mức hưởng trợ cấp tuất 1 lần sẽ căn cứ theo số năm đóng BHXH trước khi qua đời: 

  • Trước năm 2014: trợ cấp giai đoạn này mỗi năm bằng 1.5 lần tiền lương bình quân đóng BHXH. 
  • Từ 2014 trở đi: trợ cấp bằng 2 lần tiền lương bình quân đóng BHXH. 

Mức trợ cấp sẽ tính bằng tổng hai giai đoạn trên nếu người tham gia trước năm 2014 có đóng BHXH. Trong đó, mức thấp nhất tính bằng 3 lần mức lương bình quân đóng BHXH. 

Đối với thân nhân người đang hưởng lương hưu, mức trợ cấp 1 lần sẽ căn cứ vào thời điểm đã hưởng lương hưu: 

  • Nếu 2 tháng đầu tiên hưởng lương hưu mà người hưởng qua đời thì thân nhân được hưởng trợ cấp một lần bằng 48 lần mức lương hưu đang hưởng. 
  • Nếu sau 2 tháng đầu mà người hưởng lương hưu qua đời thì cứ hưởng thêm 1 tháng hưu thì mức trợ cấp một lần giảm đi 0.5 lần tháng lương hưu. Mức hưởng thấp nhất không được dưới 3 tháng lương hưu. Cụ thể, mức trợ cấp tuất 1 lần = 48 x lương hưu – 0,5x (số tháng đã hưởng lương hưu – 2) x lương hưu. 

Hồ sơ và thủ tục làm chế độ tử tuất 

chế độ tử tuất

Hồ sơ hưởng chế độ tử tuất đối với thân nhân của người đang đóng BHXH và thân nhân người bảo lưu thời gian đóng BHXH gồm: 

  1. Bản chính sổ BHXH 
  2. Bản sao Giấy chứng tử hoặc bản sao Giấy báo tử hoặc trích lục khai tử hoặc bản sao Quyết định tuyên bố là đã chết của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật. 
  3. Bản chính Tờ khai của thân nhân (mẫu 09-HSB)   
  4. Bản chính Biên bản giám định mức suy giảm KNLĐ của Hội đồng Giám định Y khoa đối với thân nhân bị suy giảm KNLĐ từ 81% trở lên hoặc bản sao Giấy xác nhận khuyết tật mức độ đặc biệt nặng (tương đương mức suy giảm KNLĐ từ 81% trở lên) theo quy định tại Thông tư số 01/2019/TT-BLĐTBXH trong trường hợp hưởng trợ cấp tuất hàng tháng do suy giảm KNLĐ. 
  5. Trường hợp chết do TNLĐ, BNN thì có thêm Biên bản điều tra TNLĐ hoặc bản sao bệnh án điều trị BNN. 
  6. Trường hợp thanh toán phí GĐYK thì có thêm Hóa đơn, chứng từ thu phí giám định kèm theo bảng kê các nội dung giám định của cơ sở thực hiện GĐYK. 
  7. Bản chính Bản khai cá nhân về thời gian, địa bàn phục vụ trong Quân đội có hưởng phụ cấp khu vực (Mẫu số 04C – HBQP ban hành kèm theo Thông tư số 136/2020/TT-BQP ngày 29/10/2020) đối với người có thời gian phục vụ trong Quân đội trước ngày 01/01/2007 tại địa bàn có hưởng phụ cấp khu vực mà sổ BHXH không thể hiện đầy đủ thông tin làm căn cứ tính phụ cấp khu vực. 

Đối với thân nhân của người đang hưởng hoặc tạm dừng hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH hàng tháng: Hồ sơ như quy định tại các điểm 2,3, 4. 

Sau khi chuẩn bị hồ sơ kể trên, với trường hợp đang tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc thì cần nộp hồ sơ giấy:  

  • Trong 90 ngày kể từ ngày người lao động chết cho người sử dụng lao động. 
  • Trong 30 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, người sử dụng lao động phải nộp hồ cho cơ quan BHXH. 

Trường hợp người bảo lưu thời gian đóng BHXH, người tham gia BHXH tự nguyện, người đang hưởng lương hưu, trợ cấp TNLĐ, BNN hàng tháng thì cần nộp hồ sơ giấy trong 90 ngày cho cơ quan BHXH. 

Sau khi tiếp nhận đầy đủ hồ sơ, cơ quan BHXH có trách nhiệm giải quyết chế độ trong thời hạn tối đa 08 ngày làm việc. Nếu không giải quyết thì phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.

[embed-health-tool-bmi]

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Chế độ tử tuất BHXH https://baohiemxahoi.gov.vn/thu-tuc-hanh-chinh/Pages/default.aspx?ItemID=56 Ngày truy cập: 6/9/2021 

Luật Bảo hiểm xã hội (2014) https://baohiemxahoi.gov.vn/vanban/Pages/default.aspx?ItemID=3560 Ngày truy cập: 6/9/2021 

Nghị định số 58/2020/NĐ-CP http://vanban.chinhphu.vn/portal/page/portal/chinhphu/hethongvanban?class_id=1&_page=1&mode=detail&document_id=200108 Ngày truy cập: 19/8/2021 

Quyết định 595/QĐ-BHXH http://vanban.bhxhtphcm.gov.vn/handle/BHXHTPHCM_123456789/78 Ngày truy cập: 19/8/2021 

Tra cứu thông tin BHXH http://vanban.bhxhtphcm.gov.vn/ Ngày truy cập: 19/8/2021

Phiên bản hiện tại

14/09/2021

Tác giả: Ngân Phạm

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

Cập nhật bởi: Lan Quan


Bài viết liên quan

Hiến tạng là gì? Hiến tạng và hiến xác khác nhau thế nào?

Top 4 Bệnh viện và Phòng khám Đa khoa Quốc tế uy tín tại Bình Dương


Tham vấn y khoa:

Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: Ngân Phạm · Ngày cập nhật: 14/09/2021

ad iconQuảng cáo

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo