backup og meta

Tổng quan về chế độ bảo hiểm thai sản năm 2022

Tổng quan về chế độ bảo hiểm thai sản năm 2022

Bảo hiểm thai sản là chế độ thuộc hệ thống Bảo hiểm Xã hội bắt buộc bên cạnh các chế độ bảo hiểm như ốm đau, tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp, hưu trí, tử tuất… Lợi ích của chế độ bảo hiểm thai sản giúp đảm bảo thu nhập cho người lao động và góp phần quan trọng trong việc chăm sóc sức khỏe người lao động, đảm bảo quyền được chăm sóc của trẻ em. Vậy chế độ thai sản có những quy định nào?

Mời bạn cùng tìm hiểu các thông tin liên quan đến chế độ bảo hiểm thai sản trong bài viết này của Hello Bacsi! 

I. Chế độ thai sản là gì? 

Chế độ bảo hiểm thai sản là một trong các chế độ của Bảo hiểm Xã hội bắt buộc nhằm bảo đảm thu nhập và sức khỏe cho lao động nữ khi mang thai, sinh con, nuôi con nhỏ, nuôi con nuôi dưới 6 tháng, thực hiện các biện pháp tránh thai; lao động nam có vợ sinh con được hưởng khi tham gia bảo hiểm xã hội đủ thời gian và đáp ứng các điều kiện theo quy định.

Chế độ bảo hiểm thai sản quy định các quyền lợi và chế độ mà người tham gia được hưởng. Vậy các chế độ bảo hiểm thai sản là gì? Điều kiện và mức hưởng các chế độ thai sản được quy định cụ thể như thế nào?

Có thể bạn quan tâm



Bảo hiểm xã hội: 5 thông tin cơ bản bạn cần biết

II. Đối tượng nào được hưởng chế độ thai sản? 

Theo quy định tại Điều 31 Luật Bảo hiểm Xã hội (BHXH) năm 2014, người lao động tham gia BHXH bắt buộc được hưởng chế độ thai sản nếu thuộc một trong các trường hợp: 

  • Lao động nữ mang thai
  • Lao động nữ sinh con
  • Lao động nữ mang thai hộ và người mẹ nhờ mang thai hộ
  • Người lao động nhận con nuôi dưới 06 tháng tuổi
  • Lao động nữ thực hiện các biện pháp kế hoạch hóa gia đình như đặt vòng tránh thai, triệt sản
  • Lao động nam đang tham gia BHXH có vợ sinh con.

Tuy nhiên, để được hưởng chế độ thai sản, người lao động cần đáp ứng thêm điều kiện về thời gian tham gia BHXH cụ thể như sau: 

  • Người mang thai hộ và người nhờ mang thai hộ phải tham gia đóng BHXH từ đủ 06 tháng trở lên trong 12 tháng trước khi sinh hoặc nhận nuôi con nuôi
  • Lao động nữ sinh con đã đóng BHXH từ đủ 12 tháng trở lên mà khi mang thai phải nghỉ việc để dưỡng thai theo chỉ định của bác sĩ thì phải đóng BHXH từ đủ 03 tháng trở lên trong 12 tháng trước khi sinh.

Bên cạnh đó, người lao động đáp ứng đủ các điều kiện nêu trên mà chấm dứt hợp đồng lao động hoặc thôi việc trước khi sinh hoặc nhận con nuôi dưới 06 tháng tuổi thì vẫn được hưởng chế độ này.

III. Quy định về thời gian nghỉ chế độ bảo hiểm thai sản 

quy định về chế độ thai sản

Luật Bảo hiểm Xã hội 2014 số 58/2014/QH13, quy định cụ thể về thời gian nghỉ chế độ bảo hiểm thai sản như sau:

1.  Thời gian hưởng chế độ khi khám thai 

  • Trong suốt thai kỳ, lao động nữ được nghỉ việc để đi khám thai 05 lần, mỗi lần 01 ngày 
  • Trường hợp ở xa cơ sở khám bệnh, chữa bệnh hoặc người mang thai có bệnh lý hoặc thai không bình thường thì được nghỉ 02 ngày cho mỗi lần khám thai 
  • Thời gian nghỉ này tính theo ngày làm việc không kể ngày nghỉ lễ, nghỉ Tết, ngày nghỉ hằng tuần. 

2. Thời gian hưởng chế độ khi sảy thai, nạo, hút thai, thai chết lưu hoặc phá thai bệnh lý 

Trong trường hợp sảy thai, nạo, hút thai, thai chết lưu hoặc phá thai bệnh lý, lao động nữ được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản theo chỉ định của cơ sở khám, chữa bệnh có thẩm quyền. Thời gian nghỉ việc tối đa trong trường hợp này tuân theo chỉ định của cơ sở khám chữa bệnh và được quy định cụ thể như sau: 

  • 10 ngày đối với trường hợp thai dưới 05 tuần tuổi. 
  • 20 ngày đối với trường hợp thai từ 05 tuần tuổi đến dưới 13 tuần tuổi. 
  • 40 ngày đối với trường hợp thai từ 13 tuần tuổi đến dưới 25 tuần tuổi. 
  • 50 ngày đối với trường hợp thai từ 25 tuần tuổi trở lên.

Thời gian nghỉ kể trên bao gồm cả ngày nghỉ lễ, nghỉ Tết, ngày nghỉ hàng tuần. 

3. Thời gian hưởng chế độ thai sản khi sinh con

A. Đối với lao động nữ 

  • Lao động nữ sinh con được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản trước và sau khi sinh con là 06 tháng, trong đó thời gian nghỉ trước sinh không quá 02 tháng. 
  • Trường hợp lao động nữ sinh đôi trở lên thì tính từ con thứ hai trở đi, cứ mỗi con, người mẹ được nghỉ thêm 01 tháng. Thời gian nghỉ hưởng chế độ thai sản trước khi sinh tối đa không quá 02 tháng. 

B. Đối với lao động nam

  • Trường hợp thông thường, lao động nam tham gia đóng BHXH được nghỉ 05 ngày khi có vợ sinh con. 
  • Trường hợp vợ sinh con bằng phương pháp phẫu thuật, thời gian nghỉ là 07 ngày. 
  • Trường hợp sinh đôi: Nghỉ 10 ngày. 
  • Trường hợp sinh ba trở lên, cứ thêm mỗi con thì lao động nam được nghỉ thêm 03 ngày. 
  • Nếu vợ sinh đôi và phải phẫu thuật, lao động nam được nghỉ 14 ngày làm việc.

C. Đối với trường hợp nhận nuôi con nuôi 

Người lao động nhận nuôi con nuôi dưới 06 tháng tuổi sẽ được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản cho đến khi con đủ 06 tháng tuổi.

* Lưu ý thời gian nghỉ theo chế độ thai sản với các trường hợp đặc biệt sau: 

  • Trường hợp sau khi sinh con, nếu con dưới 02 tháng tuổi tử vong thì mẹ được nghỉ việc 04 tháng tính từ ngày sinh con. 
  • Trường hợp con từ 02 tháng tuổi trở lên bị tử vong, mẹ được nghỉ việc 02 tháng tính từ ngày con tử vong và thời gian nghỉ này không tính vào thời gian nghỉ việc riêng. 
  • Trường hợp mẹ tử vong sau khi sinh con thì chồng hoặc người trực tiếp nuôi dưỡng trẻ sẽ được hưởng chế độ thai sản theo quy định của pháp luật. 
  • Người lao động nhận nuôi con dưới 06 tháng tuổi vẫn được nghỉ việc hưởng chế độ cho đến khi con đủ 06 tháng tuổi. Trường hợp cả cha và mẹ cùng tham gia BHXH và đủ điều kiện hưởng thì chỉ cha hoặc mẹ được nghỉ việc hưởng chế độ. 

D. Thời gian hưởng chế độ thai sản khi lao động nữ thực hiện các biện pháp tránh thai

Khi thực hiện các biện pháp tránh thai, người lao động sẽ được nghỉ: 

  • 07 ngày đối với lao động nữ đặt vòng tránh thai
  • 15 ngày đối với người lao động thực hiện biện pháp triệt sản.

IV. Mức hưởng theo chế độ thai sản 

chế độ thai sản

1. Trợ cấp một lần khi sinh con

Căn cứ theo Điều 39 Luật Bảo hiểm Xã hội 2014 quy định về mức hưởng chế độ thai sản trong trường hợp này là: 

  • Lao động nữ sinh con được hưởng trợ cấp một lần cho mỗi con bằng 2 lần mức lương cơ sở tại tháng sinh con. 
  • Đối với trường hợp sinh con nhưng chỉ có chồng tham gia BHXH thì người chồng được trợ cấp một lần bằng 2 lần mức lương cơ sở tại tháng sinh con cho mỗi con”. 

Trợ cấp một lần khi sinh con = 2 lần mức lương cơ sở. 

2. Mức hưởng chế độ thai sản 

Tại Điểm a Khoản 1 Điều 39 Luật Bảo hiểm Xã hội 2014 quy định về mức hưởng chế độ thai sản: 

Đối với lao động nữ: 

Mức hưởng một tháng bằng 100% mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội của 06 tháng liền kề trước khi nghỉ việc hưởng chế độ thai sản.

Đối với lao động nam 

Trợ cấp một lần đối với lao động nam đóng BHXH và có vợ sinh con sẽ tính bằng 2 lần lương cơ sở. Tiền thai sản của chồng sẽ được tính như sau:

Mức hưởng = Mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH của 06 tháng liền kề trước khi nghỉ việc/24 x số ngày nghỉ. 

Mặt khác, căn cứ Điều 41, Luật Bảo hiểm Xã hội 2014 quy định, lao động nữ sau thời gian hưởng chế độ bảo hiểm thai sản, trong khoảng thời gian 30 ngày đầu đi làm mà sức khỏe chưa phục hồi thì được nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe từ 05 – 10 ngày. Lao động nữ được hưởng trợ cấp tiền dưỡng sức sau sinh mỗi ngày bằng 30% mức lương cơ sở.

Mức lương cơ sở được lấy làm căn cứ tính tiền trợ cấp một lần khi sinh con. Do vẫn chịu ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 nên kể từ năm 2019 đến tháng 10 năm 2022, mức lương cơ sở hiện vẫn ở mức 1.490.000 đồng. 

V. Hồ sơ hưởng chế độ thai sản cần có những gì? 

chế độ thai sản

Việc chuẩn bị hồ sơ hưởng chế độ thai sản thường sẽ do người lao động và người sử dụng lao động cùng chuẩn bị. Trong trường hợp đã nghỉ việc và muốn hưởng chế độ thai sản, người lao động cần tự chuẩn bị hồ sơ và nộp cho cơ quan Bảo hiểm Xã hội. 

Theo Quyết định 166/QĐ-BHXH năm 2019 và Quyết định 222/QĐ-BHXH năm 2021 thì người lao động cần phải chuẩn bị hồ sơ để hưởng chế độ thai sản cụ thể như sau:

1. Đối với lao động nữ  

a. Trường hợp đi khám thai, sảy thai, nạo hút thai, thai chết lưu, phá thai bệnh lý, thực hiện các biện pháp tránh thai, hồ sơ cần chuẩn bị bao gồm: 

  • Trường hợp điều trị nội trú:
    • Bản sao giấy ra viện
    • Trường hợp chuyển tuyến khám, chữa bệnh trong quá trình điều trị: Bản sao giấy chuyển tuyến hoặc giấy chuyển viện.
  • Trường hợp điều trị ngoại trú:
    • Giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội của cơ quan có thẩm quyền 
    • Hoặc bản sao giấy ra viện có chỉ định của y, bác sỹ điều trị cho nghỉ thêm sau thời gian điều trị nội trú.

b. Trường hợp lao động nữ sinh con, hồ sơ cần chuẩn bị bao gồm:

  • Bản sao giấy khai sinh
  • Hoặc trích lục khai sinh
  • Hoặc bản sao giấy chứng sinh.

Trong trường hợp con tử vong sau khi sinh, ngoài chuẩn bị những giấy tờ như trên thì cần có: 

  • Bản sao giấy chứng tử hoặc trích lục khai tử hoặc bản sao Giấy báo tử của con
  • Trường hợp con chưa được cấp giấy chứng sinh: Sử dụng trích lục/ bản sao/tóm tắt hồ sơ bệnh án hoặc giấy ra viện của người mẹ hoặc của lao động nữ mang thai hộ có chứng nhận con chết.

c. Trường hợp người mẹ hoặc lao động nữ mang thai hộ tử vong sau khi sinh con thì ngoài hồ sơ của trường hợp thông thường, có thêm:

  • Bản sao giấy chứng tử
  • Hoặc trích lục khai tử của người mẹ hoặc của lao động nữ mang thai hộ.

d. Trường hợp người mẹ sau khi sinh hoặc người mẹ nhờ mang thai hộ sau khi nhận con mà không còn đủ sức khỏe để chăm sóc con thì cần phải có thêm biên bản giám định y khoa của người mẹ/người mẹ nhờ mang thai hộ.

e. Trường hợp khi mang thai phải nghỉ việc để dưỡng thai thì cần phải có thêm một trong các giấy tờ sau:

  • Trường hợp điều trị nội trú: Bản sao giấy ra viện hoặc tóm tắt hồ sơ bệnh án thể hiện việc nghỉ dưỡng thai.
  • Trường hợp điều trị ngoại trú: Giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội thể hiện việc nghỉ dưỡng thai.
  • Trường hợp phải giám định y khoa: Biên bản giám định y khoa.

f. Trường hợp lao động nữ mang thai hộ sinh con hoặc người mẹ nhờ mang thai hộ nhận con cần có thêm các giấy tờ như: 

  • Bản sao văn bản thỏa thuận về mang thai hộ vì mục đích nhân đạo
  • Văn bản xác nhận thời điểm giao đứa trẻ của bên nhờ mang thai hộ và bên mang thai hộ.

g. Đối với trường hợp lao động nữ nhận nuôi con nuôi dưới 06 tháng thì hồ sơ gồm bản sao giấy chứng nhận nuôi con nuôi.

2. Đối với lao động nam 

a. Trường hợp lao động nam thực hiện biện pháp triệt sản, hồ sơ xin hưởng chế độ thai sản bao gồm: 

  • Trường hợp điều trị nội trú:
    • Bản sao giấy ra viện;
    • Trường hợp chuyển tuyến khám, chữa bệnh trong quá trình điều trị: Có thêm bản sao giấy chuyển tuyến hoặc giấy chuyển viện.
  • Trường hợp điều trị ngoại trú:
    • Giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội;
    • Hoặc bản sao giấy ra viện có chỉ định của y, bác sỹ điều trị cho nghỉ thêm sau thời gian điều trị nội trú.

b. Đối với lao động nam hoặc người chồng của lao động nữ mang thai hộ nghỉ việc khi vợ sinh con thì hồ sơ bao gồm:

  • Bản sao giấy chứng sinh hoặc bản sao giấy khai sinh hoặc trích lục khai sinh của con
  • Trường hợp sinh con phải phẫu thuật hoặc sinh con dưới 32 tuần tuổi thai mà giấy chứng sinh không thể hiện: Có thêm giấy tờ của cơ sở khám, chữa bệnh thể hiện nội dung này.
  • Trường hợp con tử vong ngay sau khi sinh mà chưa được cấp giấy chứng sinh: Sử dụng trích sao hoặc tóm tắt hồ sơ bệnh án hoặc giấy ra viện của người mẹ hoặc của lao động nữ mang thai hộ thể hiện con chết.

c. Đối với trường hợp lao động nam hoặc người chồng của người mẹ nhờ mang thai hộ hưởng trợ cấp một lần khi vợ sinh con thì hồ sơ bao gồm:

  • Bản sao giấy chứng sinh hoặc bản sao giấy khai sinh hoặc trích lục khai sinh của con.
  • Trường hợp con chết sau khi sinh mà chưa được cấp giấy chứng sinh: Sử dụng trích sao/tóm tắt hồ sơ bệnh án hoặc bản sao giấy ra viện của người mẹ hoặc của lao động nữ mang thai hộ thể hiện con chết.

VI. Thủ tục hưởng chế độ thai sản

chế độ thai sản

Lưu ý người lao động xin hưởng chế độ bảo hiểm thai sản cần chuẩn bị đầy đủ hồ sơ theo yêu cầu trên và thực hiện theo quy trình gồm 3 bước, cụ thể như sau:

Bước 1: Nộp hồ sơ hưởng chế độ thai sản 

  • Trong thời hạn 45 ngày kể từ ngày trở lại làm việc, người lao động nộp hồ sơ hưởng chế độ thai sản đúng với trường hợp của mình cho người sử dụng lao động. 
  • Trường hợp thôi việc trước khi sinh hoặc nhận con nuôi thì người lao động sẽ nộp hồ sơ và xuất trình sổ BHXH cho cơ quan BHXH. 

Bước 2: Người lao động chờ xét duyệt  

  • Căn cứ theo Điều 102, Luật BHXH 2014, sau khi nộp đủ hồ sơ theo quy định người lao động sẽ phải chờ để được xử lý hồ sơ.
  • Trong vòng 10 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ từ người lao động, người sử dụng lao động có trách nhiệm lập hồ sơ tổng hợp theo quy định nộp lên cơ quan BHXH. 
  • Thời gian chờ xét duyệt giải quyết và chi trả cho người lao động từ cơ quan BHXH như sau: 
    • 10 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ từ người sử dụng lao động. 
    • 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ từ người lao động thôi việc trước khi sinh, nhận con nuôi.

Bước 3. Nhận chi trả từ cơ quan bảo hiểm xã hội 

Trong thời gian chờ giải quyết (tối đa trong vòng 20 ngày kể từ ngày nộp hồ sơ) người lao động sẽ nhận được thông báo chi trả của cơ quan BHXH. Trường hợp cơ quan bảo hiểm xã hội không giải quyết thì phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do. 

Sau khi nhận được thông báo chi trả, người lao động sẽ nhận chi trả từ cơ quan bảo hiểm xã hội, thời gian nhận tối đa không quá 20 ngày kể từ ngày nộp hồ sơ hợp lệ. 

Hello Bacsi hy vọng rằng với những thông tin được chia sẻ trong bài, bạn đã có được những thông tin cần thiết nhất về chế độ thai sản năm 2022.

[embed-health-tool-bmi]

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Chế độ thai sản với lao động nữ

https://baohiemxahoi.gov.vn/hoidap/pages/default.aspx?ItemID=24487  Ngày truy cập 28/10/2022

Hướng dẫn cách tính tiền thai sản khi sinh con năm 2022

https://thuvienphapluat.vn/chinh-sach-phap-luat-moi/vn/thoi-su-phap-luat/tu-van-phap-luat/43384/huong-dan-cach-tinh-tien-thai-san-khi-sinh-con-nam-2022 Ngày truy cập 28/10/2022

Điều kiện hưởng chế độ thai sản năm 2022

https://thuvienphapluat.vn/chinh-sach-phap-luat-moi/vn/thoi-su-phap-luat/tu-van-phap-luat/42484/dieu-kien-huong-che-do-thai-san-nam-2022#:~:text=%2D%20Lao%20%C4%91%E1%BB%99ng%20n%E1%BB%AF%20sinh%20con,%C4%91a%20kh%C3%B4ng%20qu%C3%A1%2002%20th%C3%A1ng.

Bảo hiểm xã hội: Toàn bộ quy định cần biết năm 2022

https://thuvienphapluat.vn/chinh-sach-phap-luat-moi/vn/thoi-su-phap-luat/tu-van-phap-luat/35763/bao-hiem-xa-hoi-toan-bo-quy-dinh-can-biet-nam-2021 Ngày truy cập 28/10/2022

Hồ sơ – Chế độ thai sản cho lao động nữ khi sinh con, nhận con nuôi

https://baohiemxahoidientu.vn/bhxh/ho-so-che-do-thai-san-cho-lao-dong-nu-khi-sinh-con-nhan-con-nuoi.html Ngày truy cập 28/10/2022

Phiên bản hiện tại

28/10/2022

Tác giả: Ban biên tập Hello Bacsi

Thông tin kiểm chứng bởi: Ban biên tập Hello Bacsi

Cập nhật bởi: Lan Quan


Bài viết liên quan

Hello Bacsi | New Office Introduction

HỎI ĐỂ KHỎE HƠN - Tổng quan về thuyên tắc huyết khối tĩnh mạch | Hello Bacsi x SANOFI


Thông tin kiểm chứng bởi:

Ban biên tập Hello Bacsi


Tác giả: Ban biên tập Hello Bacsi · Ngày cập nhật: 28/10/2022

ad iconQuảng cáo

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo