backup og meta

Tìm hiểu 12 tác dụng phụ của cấy que tránh thai để cân nhắc sử dụng

Tìm hiểu 12 tác dụng phụ của cấy que tránh thai để cân nhắc sử dụng

Cấy que tránh thai là một trong những biện pháp tránh thai nội tiết hiệu quả và tiện lợi. Tuy nhiên, giống như tất cả các biện pháp tránh thai khác, que cấy tránh thai cũng có thể gây ra một số tác dụng phụ. Vậy tác dụng phụ của cấy que tránh thai là gì?

Mức độ nghiêm trọng của các tác dụng phụ khi cấy que tránh thai thường phụ thuộc vào cơ địa của mỗi người. Trong bài viết dưới đây, bạn hãy cùng Hello Bacsi tìm hiểu một số tác dụng phụ của cấy que tránh thai thường gặp, cũng như biện pháp giúp giảm thiểu các vấn đề này.

Que cấy tránh thai hoạt động như thế nào?

Que cấy tránh thai là một que nhựa nhỏ, dẻo, đường kính khoảng 0,3cm, dài khoảng 4cm, chứa hormone progestin được cấy vào dưới da cánh tay phụ nữ. Khi được đưa vào cơ thể, que cấy sẽ giải phóng lượng hormone thấp và ổn định giúp phòng tránh thai hiệu quả và lâu dài.

Hormone progestin có tác dụng ức chế quá trình rụng trứng, làm mỏng nội mạc tử cung và làm cho dịch nhầy cổ tử cung đặc lại, ngăn cản tinh trùng gặp trứng và thụ tinh.

Quá trình cấy que cấy tránh thai được thực hiện bởi bác sĩ chuyên khoa phụ sản với dụng cụ chuyên biệt để luồn que cấy dưới da. Que được cấy một lần duy nhất và có thể tháo ra bất cứ lúc nào bạn muốn.

Que cấy ngừa thai có hiệu quả lên đến 99% nếu được sử dụng đúng cách. Đây cũng là một biện pháp tránh thai tiện lợi, không cần uống thuốc hàng ngày và phù hợp với các đối tượng không sử dụng được phương pháp tránh thai có chứa estrogen.

Cấy que tránh thai có an toàn không?

Cấy que tránh thai là phương pháp ngừa thai an toàn. Hầu hết phụ nữ sau cấy que tránh thai đều không gặp phải vấn đề sức khỏe nghiêm trọng nào. 

Cách tránh thai này cũng phù hợp với các mẹ đang cho con bú vì nó không gây ảnh hưởng đến sự tiết sữa, lượng sữa và sự phát triển của trẻ. Thời điểm có thể cấy que là sau sinh từ 4-6 tuần trở lên.

Dù vậy, phương pháp này không phù hợp với mọi phụ nữ muốn ngừa thai. Nếu đang có các vấn đề sức khỏe sau, bạn cần cân nhắc kỹ và tham khảo ý kiến bác sĩ để xem mình có nên cấy que tránh thai hay không:

  • Nghi ngờ đang mang thai. Trước khi cấy que, bạn cần làm xét nghiệm để đảm bảo rằng mình không mang thai. 
  • Dị ứng với bất kỳ thành phần nào của que cấy
  • Chảy máu giữa các kỳ kinh hoặc sau quan hệ mà không rõ nguyên nhân
  • Có tiền sử bị bệnh huyết khối, thuyên tắc phổi, đau tim, đột quỵ, bệnh gan nặng, ung thư vú…
  • Đang dùng một số loại thuốc như thuốc điều trị động kinh, thuốc an thần, thuốc điều trị HIV…

Tác dụng phụ của cấy que tránh thai

12 tác dụng phụ của cấy que tránh thai

Tác dụng phụ của cấy que tránh thai ở mỗi người là khác nhau, tùy thuộc vào cơ địa và thể trạng. Nhiều chị em sử dụng phương pháp này mà không gặp bất kỳ tác dụng phụ nào. Đa số các tác dụng phụ thường giảm dần và biến mất sau vài tháng, khi cơ thể đã thích nghi với que cấy.

1. Tác dụng phụ tại chỗ cấy

Sau khi cấy que ngừa thai, bạn có thể cảm thấy khó chịu, đau nhức tại vị trí cấy que. Đây là tác dụng phụ thường gặp và sẽ tự khỏi sau vài ngày. Bác sĩ sẽ hướng dẫn bạn cách chăm sóc và theo dõi vùng da xung quanh vị trí cấy.

Trong một số trường hợp hiếm gặp, que cấy có thể gây sưng tấy, nhiễm trùng, nặng hơn là áp xe. Nếu có các triệu chứng đau nhiều, sưng đỏ, chảy mủ, bạn nên đến ngay cơ sở y tế để được kiểm tra.  

Quá trình cấy que có thể để lại một vết sẹo nhỏ ở vị trí cấy que. Vết sẹo này sẽ mờ dần theo thời gian.

2.Tác dụng phụ của cấy que tránh thai: Chảy máu âm đạo bất thường

Tác dụng phụ thường gặp nhất của que cấy tránh thai là gây chảy máu âm đạo bất thường. Tình trạng này có thể bao gồm ra máu giữa các kỳ kinh, kinh ít, cường kinh hoặc rong kinh. Triệu chứng thường giảm hoặc biến mất trong vòng 6-12 tháng.

Tuy nhiên, nếu bị chảy máu âm đạo nghiêm trọng hoặc kéo dài, ra huyết kèm theo sốt, ớn lạnh, đau bụng dưới dữ dội… bạn nên đến gặp bác sĩ ngay để được thăm khám. Đây có thể là dấu hiệu của các bệnh lý nguy hiểm như u xơ tử cung, bệnh polyp cổ tử cung, ung thư cổ tử cung, ung thư nội mạc tử cung…

Tác dụng phụ của cấy que tránh thai

3. Tác dụng phụ của cấy que tránh thai gây vô kinh

Vô kinh là tình trạng không có kinh nguyệt trong ít nhất 3 chu kỳ. Có khoảng 20-30% phụ nữ bị vô kinh khi sử dụng que cấy.

Vô kinh khi dùng que cấy tránh thai không gây ảnh hưởng đến sức khỏe. Mất kinh trong trường hợp này xảy ra do cơ chế hoạt động của hormone progestin, hoàn toàn khác với mãn kinh ở phụ nữ lớn tuổi. Kinh nguyệt của bạn sẽ trở lại bình thường sau khi tháo que cấy. Dù vậy, nếu cảm thấy lo lắng, bạn có thể gặp bác sĩ để được thăm khám và tư vấn.

4. Cấy que tránh thai gây nổi mụn

Sự thay đổi nồng độ hormone khi cấy que tránh thai có thể gây nổi mụn ở một số người. Mụn có thể xuất hiện ở bất kỳ vị trí nào trên da, nhưng hay gặp nhất ở mặt, lưng và ngực.

Mụn trứng cá ở mức độ nhẹ hoặc vừa trong vài tháng đầu sau khi cấy không phải là vấn đề đáng lo ngại. Tình trạng này sẽ tự thuyên giảm và biến mất khi nội tiết tố trong cơ thể ổn định trở lại. Bạn nên giữ tinh thần thoải mái, ăn uống lành mạnh và tập trung chăm sóc da để mụn cải thiện nhanh chóng.

5. Cấy que tránh thai gây sạm, nám da

Thay đổi nội tiết tố trong cơ thể cũng có thể dẫn đến sạm, nám da. Dù vậy, không phải trường hợp nào cũng gặp phải tình trạng này. Hiện tượng sạm, nám chỉ diễn ra trong thời gian đầu. Khi cơ thể ổn định trở lại, các vết nám sẽ mờ dần và biến mất.

6. Nhức đầu, buồn nôn, căng tức ngực

Bạn có thể gặp phải các thay đổi thể chất sau khi cấy que tránh thai. Những thay đổi này bao gồm nhức đầu, chóng mặt, đau ở vùng lưng hoặc vùng bụng, đầy hơi, buồn nôn, đau và căng tức ngực…

Dù vậy, bạn không nên quá lo lắng vì những tác dụng phụ này thường nhẹ và thoáng qua. Chúng cũng thường hết hẳn sau vài tháng khi nội tiết trong cơ thể đã cân bằng.

7. Thay đổi tâm trạng

Thay đổi tâm trạng, như phiền muộn, lo lắng, dễ cáu kỉnh có thể xảy ra khi sử dụng que cấy tránh thai. Sự thay đổi hormone có khả năng ảnh hưởng đến sức khỏe tâm lý của bạn. Mặt khác, những tác dụng phụ về thể chất như đau đầu, đầy hơi, căng tức ngực… cũng khiến bạn dễ thấy mệt mỏi.

Ngủ đủ giấc, tập thể dục đều đặn, ăn uống lành mạnh và quản lý căng thẳng sẽ giúp bạn phấn chấn hơn. Nếu sự thay đổi tâm trạng ảnh hưởng đến sinh hoạt hàng ngày, hoặc bạn có tiền sử bị lo âu, trầm cảm, bạn hãy liên hệ ngay với bác sĩ để được hỗ trợ.

Tác dụng phụ của cấy que tránh thai

8. Tăng cân là tác dụng phụ tiềm ẩn của cấy que tránh thai

Nhiều phụ nữ nhận thấy mình tăng cân sau khi cấy que tránh thai. Đây cũng là lý do phổ biến khiến họ ngừng sử dụng phương pháp ngừa thai này. Dù vậy, cho đến nay, chưa có bằng chứng nào cho thấy que cấy tránh thai là nguyên nhân trực tiếp gây tăng cân.

Trên thực tế, nhiều nghiên cứu đã đưa ra kết luận ngược lại. Một nghiên cứu năm 2016 đã xem xét các biện pháp tránh thai chỉ chứa progestin, bao gồm cả que cấy. Các nhà nghiên cứu nhận thấy không có nhiều bằng chứng về việc tăng cân đối với các loại biện pháp tránh thai này.

Tăng cân có thể do các yếu tố khác gây ra như lão hóa, lối sống ít vận động, thói quen ăn uống kém hoặc các tình trạng bệnh lý khác.

9. Ảnh hưởng đến hoạt động tình dục

Thông tin tham khảo từ Mayo Clinic cho biết, tác dụng phụ của cấy que tránh thai có thể gây giảm ham muốn tình dục. Những tác dụng phụ khác của que cấy, như làm thay đổi tâm trạng, gây khô âm đạo cũng là nguyên nhân gây giảm hứng thú trong “chuyện ấy”.

Nếu bạn nhận thấy que cấy tránh thai làm giảm ham muốn tình dục, hãy trao đổi với bác sĩ về các phương pháp có thể giúp cải thiện ham muốn. Đồng thời, bạn cũng nên trao đổi với nửa kia để đối phương thông cảm và tìm cách giải quyết phù hợp.

Tác dụng phụ của cấy que tránh thai

10. Mang thai ngoài tử cung

Dù đem lại hiệu quả ngừa thai rất cao, nhưng bạn vẫn có khả năng mang thai sau khi đã cấy que tránh thai. Trên thực tế, không có biện pháp ngừa thai nào đem lại hiệu quả tuyệt đối 100%.

Trong trường hợp này, khả năng bạn mangthai ngoài tử cung sẽ cao hơn. Mang thai ngoài tử cung xảy ra khi trứng đã thụ tinh không di chuyển đến tử cung mà lại phát triển ở các bộ phận khác, thường là trong ống dẫn trứng. Đây là tình trạng rất nguy hiểm và có thể gây ảnh hưởng đến sức khỏe thai phụ.

Dù vậy, nguy cơ mang thai ngoài tử cung ở người cấy que tránh thai vẫn thấp hơn so với những người quan hệ tình dục không dùng biện pháp tránh thai. Nguyên nhân là do tỷ lệ có thai khi sử dụng que cấy rất thấp.

Hiệu quả của que cấy tránh thai có thể bị giảm nếu bạn sử dụng que kém chất lượng hoặc thực hiện thủ thuật chưa đúng. Do đó, chị em nên đến các cơ sở y tế uy tín để tiến hành thăm khám và cấy que ngừa thai.

11. Tăng nguy cơ mắc một số bệnh lý

Que cấy tránh thai có thể làm tăng nguy cơ mắc một số bệnh lý như viêm nhiễm đường sinh dục, hình thành cục máu đông và u nang buồng trứng lành tính. Nguy cơ gặp phải những tác dụng phụ của cấy que tránh thai này rất thấp.

Nếu có bất kỳ lo lắng nào về nguy cơ mắc các bệnh lý và u nang khi sử dụng que cấy tránh thai, bạn nên trao đổi với bác sĩ để được tư vấn.

Tác dụng phụ của cấy que tránh thai

12. Que cấy tránh thai di chuyển

Que cấy sau khi được đưa vào cơ thể sẽ giữ nguyên vị trí cho đến lúc được tháo ra. Dù vậy, trong một số trường hợp cực kỳ hiếm gặp, que cấy có thể bị dịch chuyển đến các vị trí khác trong cơ thể, làm mất hiệu quả và gây nguy hiểm.

Đa phần trường hợp gặp biến chứng này là do thực hiện cấy que ở cơ sở y tế kém chất lượng hoặc que không đạt yêu cầu. Các nguyên nhân khác là do nhiễm trùng hoặc chấn thương tay.

Nếu bạn không sờ thấy que cấy hoặc que bị biến dạng, vùng cấy bị sưng đỏ, bạn nên báo ngay cho bác sĩ để được kiểm tra.

Cách hạn chế tác dụng phụ của cấy que tránh thai

Bất kỳ phương pháp ngừa thai nào cũng tiềm ẩn những tác dụng không mong muốn. Những lưu ý dưới đây giúp bạn giảm thiểu nguy cơ gặp tác dụng phụ của cấy que tránh thai:

  • Thăm khám và nhận tư vấn đầy đủ trước khi cấy que tránh thai: Thăm khám trước cấy que tránh thai là một bước quan trọng để đảm bảo que cấy tránh thai phù hợp với bạn và không gây ra bất kỳ vấn đề sức khỏe nào.
  • Lựa chọn cơ sở y tế uy tín, có đội ngũ bác sĩ sản phụ khoa chuyên môn cao và đầy đủ trang thiết bị cần thiết.
  • Tái khám đúng lịch: Sau khi cấy que ngừa thai, bạn cần đi tái khám theo đúng hướng dẫn để bác sĩ kiểm tra vị trí cấy que và theo dõi các tác dụng phụ. Điều này giúp sớm phát hiện ra các bất thường để có biện pháp can thiệp kịp thời, hợp lý.
  • Tập thể dục thường xuyên: Tập các bài thể dục nhẹ nhàng như đi bộ, yoga, thiền… có thể giúp cải thiện tâm trạng và giảm căng thẳng, từ đó giảm thiểu một số tác dụng phụ của cấy que tránh thai như thay đổi tâm trạng, đau đầu và căng tức ngực.
  • Xây dựng chế độ ăn uống lành mạnh, cân bằng: Giúp cải thiện sức khỏe tổng thể, cân bằng hormone, hạn chế tăng cân và nổi mụn. Trong thực đơn hàng ngày, bạn nên bổ sung nhiều trái cây, hoa quả tươi, uống nhiều nước, hạn chế tối đa dùng rượu, bia, chất kích thích.

Địa chỉ cấy que tránh thai an toàn

Lựa chọn cơ sở y tế uy tín khi cấy que tránh thai là điều quan trọng để đảm bảo quá trình cấy que diễn ra an toàn và hiệu quả.

Khi lựa chọn cơ sở y tế, bạn cần lưu ý những điều sau:

  • Cơ sở y tế phải được cấp phép hoạt động.
  • Bác sĩ thực hiện cấy que tránh thai phải là bác sĩ sản phụ khoa có kinh nghiệm.
  • Cơ sở y tế phải có đầy đủ trang thiết bị y tế cần thiết.
  • Cơ sở y tế có dịch vụ chăm sóc khách hàng tốt.

Dưới đây là một số gợi ý các địa điểm uy tín cung cấp dịch vụ cấy que tránh thai tại Hà Nội và TP HCM để bạn tham khảo.

Bệnh viện Phụ sản Hà Nội

  • Điện thoại: 1900 6922
  • Cơ sở 1: Số 929 đường La Thành, Ngọc Khánh, Ba Đình, Hà Nội
  • Cơ sở 2: Số 38 Cảm Hội, Hai Bà Trưng, Hà Nội
  • Cơ sở 3: Số 10 đường Quang Trung, Hà Đông, Hà Nội
  • Website: https://benhvienphusanhanoi.vn/

Bệnh viện Phụ sản Trung Ương

Bệnh viện Từ Dũ

  • Điện thoại: 1900.2125
  • Địa chỉ: 227 Cống Quỳnh – P. Nguyễn Cư Trinh – Quận 1, TP HCM
  • Website: https://tudu.com.vn/vn/

Bệnh viện Hùng Vương

  • Điện thoại: 028 3855 8532
  • Địa chỉ: 128 Hồng Bàng, Phường 12, Quận 5, TP HCM
  • Website: bvhungvuong.vn

Bệnh viện Đại học Y dược TP HCM

  • Cơ sở 1
    • Địa chỉ: 215 Hồng Bàng, P.11, Q.5, TP.HCM
    • Điện thoại: (84.28) 3855 4269
    • Website: www.bvdaihoc.com.vn
  • Cơ sở 2
    • Địa chỉ: 201 Nguyễn Chí Thanh, P.12, Q.5, TP.HCM
    • Điện thoại: (84.28) 3955 5548
    • Website: www.bvdaihoccoso2.com.vn
  • Cơ sở 3
    • Địa chỉ: 221B Hoàng Văn Thụ, P.8, Q.PN, TP.HCM
    • Điện thoại: (84.28) 3845 1889
    • Website: www.bvdaihoccoso3.com.vn

Sử dụng que cấy tránh thai là một biện pháp tránh thai hiệu quả, mang lại nhiều lợi ích cho phụ nữ. Tuy nhiên, bạn cần cân nhắc các tác dụng phụ của cấy que tránh thai trước khi quyết định sử dụng biện pháp này. Nếu bạn gặp bất kỳ tác dụng phụ nào nghiêm trọng khi sử dụng que cấy, bạn nên đi khám bác sĩ để được tư vấn và điều trị.

[embed-health-tool-ovulation]

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Contraceptive implant

https://www.nhs.uk/conditions/contraception/contraceptive-implant/?tabname=getting-started

Ngày truy cập: 15/12/2023

Contraceptive implant

https://www.mayoclinic.org/tests-procedures/contraceptive-implant/about/pac-20393619

Ngày truy cập: 15/12/2023

Contraceptive implant

https://my.clevelandclinic.org/health/articles/24564-contraceptive-implant

Ngày truy cập: 15/12/2023

What are the side effects of the birth control implant?

https://www.plannedparenthood.org/learn/birth-control/birth-control-implant-nexplanon/nexplanon-side-effects

Ngày truy cập: 15/12/2023

Que cấy tránh thai: một biện pháp tuyệt vời?

https://tudu.com.vn/vn/y-hoc-thuong-thuc/ke-hoach-gia-dinh/bien-phap-tranh-thai/que-cay-tranh-thai-mot-bien-phap-tuyet-voi/

Ngày truy cập: 15/12/2023

Phiên bản hiện tại

18/12/2023

Tác giả: Dung Nguyễn

Tham vấn y khoa: Ban Tham vấn Y khoa Hello Bacsi

Cập nhật bởi: Đài Trương


Bài viết liên quan

Cấy que tránh thai bao lâu thì quan hệ được?

Cấy que tránh thai là gì? Có an toàn không:


Tham vấn y khoa:

Ban Tham vấn Y khoa Hello Bacsi

Đa khoa · Hello Bacsi


Tác giả: Dung Nguyễn · Ngày cập nhật: 18/12/2023

ad iconQuảng cáo

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo