backup og meta

Dấu hiệu nhận biết khi tuột vòng tránh thai và cách xử lý

Dấu hiệu nhận biết khi tuột vòng tránh thai và cách xử lý

Mặc dù đa số vòng tránh thai sau khi đặt vào cơ thể sẽ giữ nguyên vị trí ban đầu, nhưng vẫn có trường hợp chúng bị xê dịch và tuột khỏi tử cung, dẫn đến nguy cơ có thai ngoài ý muốn. Vậy dấu hiệu nhận biết khi tuột vòng tránh thai là gì? 

Hiện tượng tuột vòng tránh thai thường diễn ra trong vòng vài tháng đầu tiên sau khi đặt. Vòng tránh thai có thể rơi ra ngoài tử cung hoặc tuột vào sâu hơn trong tử cung. Nó cũng có thể nằm lệch, nằm ngược, thậm chí đâm thủng thành tử cung để đi vào ổ bụng hoặc khoang phúc mạc.

Nếu vòng tránh thai không ở đúng vị trí, bạn có thể mang thai ngoài ý muốn và gặp nhiều biến chứng khác. Vì vậy, điều quan trọng là bạn cần biết cách kiểm tra vòng tránh thai và các dấu hiệu tuột vòng tránh thai.

Cách kiểm tra vòng tránh thai

Vòng tránh thai luôn đi kèm với hai sợi dây nhỏ và mỏng ở đuôi vòng, thòng xuống khoảng 2 – 3 cm từ buồng tử cung ra âm đạo. Cách tốt nhất để biết vòng tránh thai có bị tuột hay không là kiểm tra những sợi dây này thường xuyên.

Bạn có thể kiểm tra mỗi tháng một lần, vào cuối kỳ kinh hoặc khi bạn thấy đau bụng bất thường trong kỳ kinh nguyệt.

Cách kiểm tra vòng tránh thai như sau:

  • Bước 1: Rửa sạch tay bằng xà phòng và nước
  • Bước 2: Ngồi xổm ở tư thế thoải mái, từ từ đưa một ngón tay vào sâu trong âm đạo cho đến khi cảm nhận được cổ tử cung. Cổ tử cung cứng và săn chắc như đầu mũi của bạn.
  • Bước 3: Các sợi dây sẽ thò qua cổ tử cung. Bạn có thể cảm nhận các sợi dây nhưng đừng kéo chúng.

Nếu trong mỗi lần bạn kiểm tra đều thấy cảm nhận các sợi dây giống nhau, khả năng cao là vòng tránh thai vẫn được đặt đúng vị trí.

dấu hiệu tuột vòng tránh thai

8 dấu hiệu nhận biết khi tuột vòng tránh thai

Như đã đề cập ở trên, sau khi đặt vòng tránh thai, bác sĩ sẽ hướng dẫn chị em cách kiểm tra vị trí của sợi dây (dây của vòng tránh thai), cách nhận biết các dấu hiện nhận biết khi vòng tránh thai bị lệch, bị tuột ra khỏi vị trí…

Khi vòng tránh thai bị tuột hay bị lệch ra khỏi vị trí, chị em có thể cảm thấy ít nhất các thay đổi sau đây khi kiểm tra sợi dây:

  • Ngắn hơn bình thường
  • Hai sợi dây có vẻ không cân xứng
  • Hai sợi dây bị di lệch khỏi vị trí ban đầu
  • Không sờ thấy sợi dây nữa.

Ngoài ra, dưới đây là một số dấu hiệu nhận biết khác.

1. Cảm nhận sự khác lạ về sợi dây của vòng tránh thai

  • Không tìm thấy sợi dây: Có khả năng dụng cụ đã bị tụt sâu vào trong tử cung
  • Sợi dây dài hoặc ngắn hơn bình thường: Vị trí vòng có thể đã thay đổi
  • Cảm nhận được phần nhựa cứng của vòng tránh thai: Nếu vòng tránh thai nằm đúng vị trí, bạn sẽ chỉ sờ được sợi dây của nó và không cảm nhận được phần nhựa cứng.

2. Đối tác cản nhận được vòng tránh thai khi quan hệ

Nếu trong lúc quan hệ tình dục mà đối tác của bạn cảm nhận được phần nhựa cứng của vòng tránh thai, nó có thể đã rời khỏi vị trí ban đầu.

3. Đau bụng kéo dài, cảm giác khó chịu

Bạn có thể bị đau bụng trong vài ngày đầu tiên sau khi đặt dụng cụ tử cung. Co thắt nhẹ là hiện tượng bình thường. Tuy nhiên, nếu cơn đau nghiêm trọng, trở nên tồi tệ hơn hoặc không biến mất trong vòng 3 – 6 tháng sau khi đặt vòng tránh thai, khả năng cao là vòng đã bị tuột khỏi vị trí.

Nếu bạn bị đau kiểu này và các loại thuốc NSAID như ibuprofen hoặc naproxen không giúp giảm triệu chứng, bạn nên đến gặp bác sĩ và thông báo về nghi ngờ dấu hiệu tuột vòng tránh thai.

4. Dấu hiệu nhận biết khi tuột vòng tránh thai: Đau khi quan hệ tình dục

Vòng tránh thai bị tuột cũng có thể khiến bạn bị đau khi quan hệ. Nhiều trường hợp cho biết họ không thoải mái với một số tư thế quan hệ tình dục nhất định sau khi đặt vòng. Tuy nhiên, sự không thoải mái này khác hẳn với tình trạng đau khi quan hệ. Cơn đau có thể là dấu hiệu cho thấy vòng tránh thai đã di chuyển đến một vị trí không mong muốn hoặc đã gây tổn thương các cơ quan sinh dục.

5. Chảy máu nhiều hoặc bất thường

Ra máu là hiện tượng phổ biến sau khi đặt vòng tránh thai, nhưng chảy máu nhiều hoặc bất thường giữa kỳ kinh có thể là do dụng cụ tử cung đang ở nhầm chỗ, không ngoại trừ trường hợp vòng đã chọc thủng tử cung.

6. Dấu hiệu nhận biết khi tuột vòng tránh thai: Dịch tiết âm đạo bất thường

Dịch tiết âm đạo có kết cấu, màu sắc hoặc mùi bất thường cũng có thể là dấu hiệu của vòng tránh thai bị tuột. Bạn cũng thể xem qua tình trạng vùng kín bị tiết dịch âm đạo bất thường.

7. Dấu hiệu tuột vòng tránh thai: Nhiễm trùng

Nhiễm trùng tái phát liên tục là một trong những dấu hiệu mà nhiều người thường không chú ý đến. Nếu cơ thể cảm thấy không khỏe, ốm sốt thường xuyên và gần đây bạn có đi đặt vòng tránh thai, bạn hãy đi kiểm tra vị trí của nó càng sớm càng tốt.

8. Nghi ngờ mình đang mang thai

Dù hiệu quả ngừa thai đạt đến trên 99%, vẫn có tỷ lệ nhỏ những phụ nữ đã đặt vòng có thể mang thai mà nguyên nhân chủ yếu là do vòng bị tuột khỏi vị trí. 

Việc mang thai trong khi đặt vòng có thể làm tăng nguy cơ mang thai ngoài tử cung. Tình trạng này gây nguy hiểm đến tính mạng. Do đó, nếu bạn cảm thấy đau nhói ở lưng và xương chậu, đồng thời cảm thấy cơ thể mệt mỏi, ủ rũ hoặc chán nản, hãy cho bác sĩ biết ngay lập tức.

Những đối tượng dễ bị tuột vòng tránh thai

Cần làm gì khi có các dấu hiệu tuột vòng tránh thai?

Đầu tiên, bạn hãy liên hệ với bác sĩ chuyên khoa Sản – Phụ khoa để hỏi về các triệu chứng hoặc nghi ngờ mình có dấu hiệu nhận biết khi tuột vòng tránh thai. Lúc này, bạn nên kiêng quan hệ để tránh bị đau và tránh mang thai ngoài ý muốn hoặc bạn có thể sử dụng bao cao su khi quan hệ.

Ngoài ra, bạn cũng không nên tự ý kiểm tra hay tự ý chỉnh sửa vị trí của vòng tránh thai nếu không biết chính xác mình đang gặp phải vấn đề gì. Cách tốt nhất là hãy đến gặp bác sĩ để được siêu âm và được chẩn đoán chính xác.

Vòng tránh thai bị tụt ra ngoài có thường gặp không? Ai là đối tượng thường bị tuột vòng tránh thai?

Vòng tránh thai di chuyển trong cơ thể là rủi ro mà bất cứ ai đã đặt vòng đều có thể gặp phải. Đặc biệt, một số người có nguy cơ bị tuột vòng tránh thai cao hơn những người khác, bao gồm:

Phụ nữ đặt vòng ngay sau sinh thường

Trong một kết quả nghiên cứu được đăng tải trên Viện Y học Quốc gia Hoa Kỳ – NIH năm 2018, khi khảo sát trên 162 phụ nữ đặt vòng tránh thai ngay sau khi sinh thường, kết quả cho thấy có 8% trong số người khảo sát đã bị tuột vòng tránh thai hoàn toàn và khoảng 16% bị tuột vòng tránh thai một phần trong vòng 6 tháng đầu sau khi đặt vòng tránh thai.

Thanh thiếu niên và phụ nữ trẻ

Mặt khác, trong một nghiên cứu khi khảo sát trên nhóm phụ nữ trẻ từ 14 – 19 tuổi, kết quả cho thấy những phụ nữ trẻ vị thành niên đã đặt vòng tránh có nguy cơ bị tuột vòng tránh thai cao hơn nhóm phụ nữ trưởng thành. Nguy cơ này giảm dần khi bước qua tuổi 19.

Tuy nhiên, các nghiên cứu trên cũng lưu ý rằng với nhóm đối tượng trên, tác dụng ngừa thai của dụng cụ vẫn vượt trội so với nguy cơ tuột hay lệch vòng tránh thai.

Phụ nữ vừa phá thai bằng thuốc

Những phụ nữ mới phá thai bằng thuốc cũng nên trì hoãn việc đặt vòng tránh thai vì nguy cơ vòng bị lệch hoặc tuột tăng là rất cao.

Để khẳng định cho cho kết luận này, một nghiên cứu được công bố trên Tạp chí Ngừa thai & Chăm sóc Sức khỏe Sinh sản Châu Âu – Taylor and Francis, đã báo cáo rằng, nhóm phụ nữ đặt vòng tránh thai trong vòng 2 tuần sau khi phá thai bằng thuốc có nhiều khả năng bị rơi vòng tránh thai hơn những người đợi đến ít nhất 3 tuần sau đó. Cụ thể hơn, kết quả cho thấy có 6,7% phụ nữ đặt vòng sớm bị tuột vòng trong 6 tháng và tỷ lệ này ở nhóm đặt vòng muộn là 3,3%.

Kết luận

Tóm lại, các dấu hiệu nhận biết khi tuột vòng tránh thai thường gặp là: Sợi dây của vòng tránh thai bị ngắn hơn bình thường, không cân đối, dây lệch khỏi vị trí ban đầu, không tìm thấy sợi dây khi kiểm tra…

Hy vọng nội dung bài viết đã giúp bạn biết cách nhận biết các dấu hiệu khi bị tuột vòng tránh thai và biết cách xử lý phù hợp nếu lỡ gặp phải tình huống này.

[embed-health-tool-ovulation]

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

IUD

https://www.plannedparenthood.org/learn/birth-control/iud

Ngày truy cập: 28/12/2022

How effective are IUDs?

https://www.plannedparenthood.org/learn/birth-control/iud/how-effective-are-iuds

Ngày truy cập: 28/12/2022

Six-month expulsion of postplacental copper intrauterine devices placed after vaginal delivery

https://pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/29870737/

Ngày truy cập: 28/12/2022

How effective is contraception at preventing pregnancy?

https://www.nhs.uk/conditions/contraception/how-effective-contraception/

Ngày truy cập: 28/12/2022

Association of age and parity with intrauterine device expulsion

https://pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/25198262/

Ngày truy cập: 28/12/2022

Phiên bản hiện tại

22/12/2023

Tác giả: Dung Nguyễn

Tham vấn y khoa: Ban Tham vấn Y khoa Hello Bacsi

Cập nhật bởi: Phong Huỳnh


Bài viết liên quan

Bạn đã biết cách sử dụng vòng tránh thai?

Đặt vòng tránh thai bao lâu thì quan hệ được?


Tham vấn y khoa:

Ban Tham vấn Y khoa Hello Bacsi

Đa khoa · Hello Bacsi


Tác giả: Dung Nguyễn · Ngày cập nhật: 22/12/2023

ad iconQuảng cáo

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo