Mỗi năm, có hơn 1 triệu người phải hứng chịu căn bệnh thế kỉ mang tên HIV/AIDS. Đâu đó trong số những người bạn biết, có thể có những người đang phải sống cùng nỗi đau âm ỉ này. Nếu đó là người thân hay bạn bè, liệu bạn đã biết nên làm thế nào để giúp đỡ một người bị nhiễm HIV hay chưa?
Nguyên nhân dẫn đến HIV đã được tuyên truyền rõ ràng qua nhiều năm, chẳng hạn như do quan hệ tình dục không an toàn, tiêm chích ma túy, truyền máu. Thậm chí có trường hợp sinh ra đã trở thành người bị nhiễm HIV. Vì thế nhiều thanh thiếu niên nhiễm HIV cảm thấy xấu hổ và không dám chia sẻ chuyện này.
Tuy nguyên nhân mỗi người mỗi khác, nhưng những người nhiễm HIV thường luôn có cảm giác mặc cảm, cô đơn, bị xa lánh và đe dọa. Do đó, họ cần những người bạn tốt để tin tưởng và dựa vào hơn bất kì ai.
Đầu tiên, hãy chấp nhận sự thật
Nếu vừa phát hiện kết quả dương tính với HIV, bạn sẽ muốn biết điều gì là đúng và không đúng về căn bệnh này, vì xung quanh HIV có nhiều tin đồn cũng như thông tin sai lệch.
HIV là từ viết tắt của human immunodeficiency virus (virus làm suy giảm hệ miễn dịch ở người). Virus này ảnh hưởng tới chức năng cơ bản của hệ miễn dịch. Đó là lý do khiến người bị nhiễm HIV có thể mắc thêm nhiều “bệnh cơ hội’ nghiêm trọng.
Nỗi lo sợ lớn nhất với hầu hết người bị nhiễm HIV là virus HIV sẽ phát triển thành AIDS – acquired immunodeficiency syndrome (Hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người), nhưng không phải ai mang virus HIV cũng bị bệnh AIDS.
Các nhà khoa học đã phát triển một loại thuốc điều trị HIV và ngày càng nhiều người bệnh vẫn có thể sống khỏe mạnh và lâu dài. Bên cạnh đó, nhờ có liệu pháp chữa trị mới cho phụ nữ mang thai nhiễm HIV, số lượng trẻ sinh ra dương tính với virus này cũng đã giảm xuống. Tuy nhiên, nếu bạn là người có mối quan hệ thân thiết với người bị nhiễm HIV, bạn cũng phải cực kỳ cẩn thận, không được mạo hiểm (như quan hệ tình dục không an toàn hay sử dụng chung vật dụng cá nhân). Điều quan trọng nhất mà chúng ta cần biết là: bạn không thể nhiễm HIV qua những cách tiếp xúc thông thường với bạn bè như uống chung, hôn má, ôm hoặc bắt tay.
Trở thành một người thật sự đáng tin
Nếu có người tiết lộ với bạn rằng họ nhiễm virus HIV, hãy trân trọng họ vì họ đã phải rất tin tưởng ở bạn để nói ra sự thật này. Bạn cần trấn an họ và cùng tìm ra hướng giải quyết.
Sự quan tâm và hỗ trợ từ bạn sẽ giúp người bị nhiễm HIV bớt tự ti và xấu hổ. Hãy tìm kiếm thêm thông tin từ các nguồn uy tín để có đủ kiến thức giúp người bệnh vượt qua mặc cảm.
Trong một số trường hợp, bạn biết người thân của bạn nhiễm HIV nhưng họ không dám chia sẻ với bạn thì đừng dò hỏi. Thay vào đó, bạn có thể chọn một dịp phù hợp để bày tỏ quan điểm một cách tích cực, chẳng hạn như khi có thông tin về người bị nhiễm HIV trên phim ảnh hoặc các phương tiện truyền thông.
Giúp họ giải tỏa căng thẳng
Người bị nhiễm HIV vẫn có thể hẹn hò, kết hôn và lập gia đình. Nhưng không may thay, có rất nhiều thông tin sai lệch về HIV nên việc bệnh nhân cảm thấy tự ti và không muốn nhiều người chung quanh biết được là điều dễ hiểu.
Nếu người bệnh không muốn người khác biết, sự giúp đỡ và quan tâm lại càng quan trọng hơn cả. Căng thẳng có thể làm suy giảm khả năng miễn dịch và dẫn tới những triệu chứng liên quan như lo lắng, trầm cảm, nên nếu họ có ai đó để trò chuyện và chia sẻ thì rất có lợi cho sức khỏe tinh thần của họ. Vì vậy, đừng ngại bày tỏ mong muốn người thân, người bạn của mình chia sẻ tâm trạng, cảm giác khi chỉ có hai người trò chuyện cùng nhau.
Người nhiễm virus HIV thường cảm thấy buồn bã, tức giận và hàng loạt những cảm xúc khác nhau là điều tự nhiên. Nếu mọi chuyện có vẻ như quá sức chịu đựng, họ nên tìm đến bác sĩ, nhà tư vấn tâm lý, hay các chuyên gia về sức khỏe tinh thần. Những nhóm hỗ trợ hay các tổ chức cũng có thể đem lại sự giúp đỡ vô cùng hữu ích.
Cách chữa trị và lời khuyên
Tìm được sự hỗ trợ sẽ giúp người nhiễm HIV tránh khỏi căng thẳng, trầm cảm, lo lắng. Tuy nhiên, đề cập tới việc chữa trị hay tìm sự tư vấn đối với họ có thể rất khó khăn. Bạn hãy thử nói “Dạo này, tớ thấy cậu rất buồn, mình thấy rất lo lắng. Mình biết cậu phải đối mặt với nhiều thứ. Cậu đã từng nghĩ tới hay trao đổi với chuyên gia tư vấn chưa? Cậu thấy tin tưởng khi kể với ai về việc này?”
Sẽ rất hữu ích nếu bạn có thể đưa ra một cái tên cụ thể, số điện thoại của một chuyên gia tư vấn hay hội nhóm hỗ trợ. Bạn có thể khuyên họ gặp bác sĩ hay y tá để được tư vấn chính xác nhất.
Bạn có thể đến trung tâm y tế hay bệnh viện địa phương để được cung cấp những dịch vụ tư vấn hoặc hội nhóm hỗ trợ người bị nhiễm HIV/AIDS. Tuy nhiên, bạn nên bí mật, không tiết lộ tên người bệnh.
Hãy bênh vực bạn mình
Nếu bất kỳ ai khác biết được một người nhiễm HIV, họ có thể đề phòng và không muốn tiếp xúc với họ. Ngoài ra, họ còn có nguy cơ bị trêu chọc hay bắt nạt – đây là một trong những nguyên nhân khiến người bị HIV không muốn nói cho người khác biết.
Do đó, khi thấy bạn mình đang trong hoàn cảnh như vậy. Bạn cần phải bảo vệ bạn mình. Cách tốt nhất để làm điều đó là đừng nổi giận hay gây thù địch với bất cứ ai, ngay cả khi họ xấu tính như thể nào đi nữa. Thấu hiểu và trấn an người bệnh rằng người kia rất bất lịch sự và thiếu hiểu biết về HIV. Hãy cố gắng giúp họ cảm thấy hòa nhập bằng cách ăn trưa với bạn mình mỗi ngày hay làm nhóm với bạn ấy trong giờ học.
Nếu mọi thứ tồi tệ hơn, đừng do dự nói cho giáo viên hay người lớn biết về tình hình của bạn mình.
Luật nhà nước giúp bảo vệ quyền lợi của người bị nhiễm HIV – bao gồm cả quyền tham gia các hoạt động trường lớp và các môn thể thao. Vì vậy, người nhiễm HIV có quyền tham gia các hoạt động xã hội và được đối xử như những người bình thường.
Những việc khác bạn có thể làm
Hãy thực tế nhưng lạc quan. Bạn có thể giúp bạn mình bằng cách nói về tương lai, những dự định trong thực tế theo một cách thông cảm nhất có thể. Đừng thờ ơ với sự lo lắng và sợ hãi của bạn ấy về việc điều trị, thuốc thang, quan hệ, kết hôn, bệnh tật, kể cả cái chết. Thay vào đó, hãy cố đưa ra những trường hợp thực tế, cụ thể của những người nổi tiếng đang sống với HIV. (Bạn thấy mình không biết ai cả? Hãy tìm trên internet về những nhân vật sống với HIV như Magic Johnson và Greg Louganis).
Nếu bạn bè hoặc người thân của bạn là người hay quên, hãy đề nghị giúp họ bằng cách nhắc nhở về việc uống thuốc và các buổi tái khám với bác sĩ.
Đưa ra những sự trợ giúp cụ thể, thực tế. “Nếu có bất cứ gì mình có thể làm…” là cách hay nhất để mở đầu. Hãy luôn giữ liên lạc, quan tâm và hỏi thăm đến họ.
Vậy bạn nên làm gì?
Đầu tiên, tốt nhất bạn đừng gạt bỏ những cảm xúc dè chừng của mình với căn bệnh. Đừng để những cảm xúc của mình trở thành gành nặng cho người bệnh. Một khi bạn tìm ra cách kiểm soát cảm xúc của mình, bạn sẽ thấy việc làm một người bạn tốt dễ dàng và cởi mở hơn.
Điều quan trọng thứ hai bạn có thể làm là ở bên cạnh bạn mình, giúp đỡ chân thành và giữ việc chẩn đoán HIV của bạn ấy một cách riêng tư. Luôn sẵn sàng đi chơi hay ăn trưa cùng nhau để giúp họ cảm thấy hòa nhập hơn.
Cuộc đời này là để sống. Nếu bạn của bạn biết rằng bạn quan tâm và tôn trọng họ, bạn có thể cứu sống một người mạnh mẽ và vượt qua căn bệnh thế kỉ này.
[embed-health-tool-ovulation]