Biểu hiện của HIV ở nữ hay dấu hiệu nhiễm HIV ở nữ không có nhiều khác biệt so với các triệu chứng nhiễm HIV nói chung. Tuy nhiên, căn bệnh HIV/AIDS vẫn có những ảnh hưởng riêng đến sức khỏe phụ nữ mà có thể bạn chưa biết. Hơn nữa, nguy cơ nhiễm HIV có thể xảy ra đối với bất cứ ai, đặc biệt là khi bạn quan hệ tình dục không an toàn.
Thực tế cũng cho thấy phụ nữ thường bị nhiễm HIV qua đường tình dục là chủ yếu. Vì vậy, chị em nên cẩn thận hơn trong “chuyện ấy” và tốt nhất là nên sử dụng bao cao su khi quan hệ. Đồng thời, bạn cũng cần trang bị những kiến thức cơ bản về HIV để bảo vệ bản thân khỏi căn bệnh này.
HIV/AIDS là gì? Bệnh lây lan qua những con đường nào?
HIV là viết tắt của Human Immunodeficiency virus. Đây là loại virus gây suy giảm miễn dịch ở người bằng cách tấn công và phá hủy các tế bào bạch cầu. Từ đó khiến cơ thể không còn khả năng chống lại virus, vi khuẩn và nấm gây bệnh. Do đó, bệnh nhân dễ mắc bệnh nhiễm trùng cơ hội hoặc ung thư mà bình thường hệ miễn dịch của cơ thể có thể kháng lại được.
AIDS là giai đoạn cuối của quá trình lây nhiễm HIV. Bệnh nhân nhiễm HIV không phải lúc nào cũng bị AIDS. HIV có thể lây lan qua 3 con đường sau đây:
- Lây truyền qua đường tình dục: Quan hệ tình dục không an toàn với người nhiễm HIV.
- Lây truyền qua đường máu: Dùng chung kim tiêm, dụng cụ truyền dịch, kim xăm, kim châm cứu… hoặc tiếp xúc với dịch cơ thể, máu của người nhiễm HIV.
- Lây truyền từ mẹ sang con: HIV có thể lây truyền từ mẹ sang con khi người nữ mang thai, sinh con hoặc cho con bú trong giai đoạn nhiễm HIV.
Dấu hiệu nhiễm HIV ở nữ: Những điều bạn cần biết
Dấu hiệu nhiễm HIV ban đầu ở nữ giới
Trong giai đoạn đầu từ 2 – 4 tuần đầu tiên sau khi nhiễm HIV, bạn có thể bị sốt, mệt mỏi và đau nhức cơ thể. Những triệu chứng này khá giống bệnh cúm và là phản ứng đầu tiên của cơ thể đối với việc nhiễm virus HIV. Điều bất ngờ là các biểu hiện của HIV ở nữ hay các dấu hiệu HIV ở nữ kể trên chỉ kéo dài trong vài tuần và sẽ “lặn mất tăm” đến vài năm. Thậm chí bạn có thể hoàn toàn khỏe mạnh trong khoảng 10 năm trước khi bệnh tiến triển nặng hơn và chuyển sang giai đoạn AIDS.
Tuy nhiên, trong khoảng thời gian bạn không có triệu chứng thì virus HIV vẫn phát triển và có thể lây cho người khác theo 3 con đường đã kể trên. Vì vậy, nếu bạn đã quan hệ tình dục không an toàn hoặc thuộc nhóm đối tượng có nguy cơ nhiễm bệnh cao thì nên đi xét nghiệm HIV/AIDS định kỳ để sớm phát hiện và kiểm soát bệnh kịp thời.
Giai đoạn HIV trở thành AIDS
AIDS là giai đoạn tiến triển cao trào sau khi bạn nhiễm HIV trong thời gian dài, bao gồm những triệu chứng sau:
- Sưng hạch bạch huyết ở khắp cơ thể như vùng cổ, gáy, nách, bẹn…
- Viêm loét trong khoang miệng do nhiễm nấm Candida.
- Mệt mỏi, đi kèm với đau đầu, choáng váng và chóng mặt.
- Sụt cân nghiêm trọng dù không ăn kiêng hay tập thể dục.
- Tiêu chảy thường xuyên hơn.
- Sốt, đổ mồ hôi về đêm.
- Ho khan không dứt.
- Khó thở.
- Da hoặc niêm mạc bên trong miệng đổi màu đỏ tía.
- Dễ bị bầm tím hơn.
- Thường xuyên phát ban trên da một cách bất thường.
- Chảy máu không rõ nguyên nhân từ miệng, mũi, hậu môn hoặc âm đạo.
- Bàn tay, bàn chân bị tê liệt hoặc đau nghiêm trọng khiến bạn khó kiểm soát hoặc mất sức mạnh cơ bắp.
- Thường xuyên giảm hoặc mất khả năng hoạt động trí óc.
Bên cạnh những triệu chứng chung xảy ra đối với bệnh nhân HIV, các dấu hiệu nhiễm HIV ở nữ hay biểu hiện của HIV ở nữ còn thể hiện qua những triệu chứng hoặc ảnh hưởng sức khỏe khác với nam giới hoàn toàn, bao gồm:
- Nhiễm nấm âm đạo tái đi tái lại do cơ thể không có sức đề kháng chống lại nấm men.
- Viêm vùng chậu (PID) nghiêm trọng do tử cung, buồng trứng và ống dẫn trứng bị nhiễm trùng.
- Thay đổi liên quan đến chu kỳ kinh nguyệt như chảy máu nhẹ hơn hoặc nặng hơn bình thường, mất kinh hoặc các triệu chứng trước khi hành kinh tồi tệ hơn.
- Nguy cơ ung thư cổ tử cung cao hơn so với phụ nữ không nhiễm HIV.
- Chuyển sang giai đoạn mãn kinh sớm hơn hoặc có những cơn “bốc hỏa” nghiêm trọng.
Những dấu hiệu nhiễm HIV ở nữ giới không thường xuất hiện rõ ràng trong giai đoạn đầu. Do đó, bạn nên đi xét nghiệm HIV định kỳ hoặc đi bệnh viện kiểm tra ngay khi nghi ngờ mình nhiễm bệnh để sớm được điều trị và tránh lây lan HIV cho người khác, đặc biệt là khi bạn mang thai.
Những lưu ý dành cho phụ nữ nhiễm HIV đang mang thai hoặc muốn có thai
Phụ nữ nhiễm HIV có thể lây truyền cho em bé khi mang thai, chuyển dạ, sinh nở hoặc cho con bú. Do đó, trong trường hợp này, bạn nên lưu ý một vài điều sau đây:
- Phụ nữ mang thai nên thực hiện sớm các xét nghiệm HIV để được bác sĩ tư vấn, hỗ trợ về mặt y tế lẫn tâm lý nếu nhiễm bệnh. Hoạt động này giúp chị em ổn định tinh thần và áp dụng kịp thời các biện pháp dự phòng ngăn chặn HIV lây sang con.
- Nếu bạn nhiễm HIV và muốn sinh con thì nên hỏi thêm ý kiến bác sĩ trước khi mang thai. Thông qua theo dõi tải lượng virus và đánh giá tình trạng cơ thể, bác sĩ sẽ giúp bạn xây dựng kế hoạch sinh con, lựa chọn phương thức sinh và kế hoạch nuôi dưỡng con nhỏ an toàn.
- Nếu bạn nhiễm HIV khi đang mang thai thì nên điều trị sớm, đúng phác đồ, kết hợp với sự can thiệp của y tế trước và sau khi sinh để giảm tỷ lệ lây truyền HIV từ mẹ sang con được hiệu quả.
Dấu hiệu nhiễm HIV ở nữ giới hay biểu hiện của HIV ở nữ bao gồm những triệu chứng rất giống với các căn bệnh khác nên việc xét nghiệm HIV định kỳ là rất quan trọng. Nếu chị em có nguy cơ phơi nhiễm cao với HIV thì không nên chủ quan và bỏ qua hoạt động này. Việc phát hiện và điều trị sớm sẽ giúp bệnh nhân hạn chế nguy cơ chuyển sang giai đoạn AIDS và tránh tử vong.
[embed-health-tool-ovulation]