backup og meta

Bệnh lậu có nguy hiểm không? Các biến chứng thường gặp

Bệnh lậu có nguy hiểm không? Các biến chứng thường gặp

Bệnh lậu (gonorrhea) là căn bệnh nhiễm trùng lây lan chủ yếu qua đường tình dục. Mặc dù khá phổ biến nhưng vẫn còn nhiều người chưa hiểu rõ bệnh lậu là gì và có nguy hiểm không?

Bệnh lậu có thể chữa khỏi dễ dàng bằng kháng sinh. Tuy nhiên, nếu không được điều trị kịp thời và đúng cách, bệnh có thể dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng. Trong bài viết này, Hello Bacsi sẽ cùng bạn tìm hiểu xem bệnh lậu có nguy hiểm không cũng như những tác hại của bệnh lậu là gì.

Tìm hiểu về bệnh lậu

1. Bệnh lậu là gì?

Trước khi biết được bệnh lậu có nguy hiểm không, bạn cần hiểu rõ bệnh lậu (gonorrhea) là gì.

Bệnh lậu là một bệnh lây truyền qua đường tình dục do vi khuẩn Neisseria gonorrhoeae gây ra. Vi khuẩn này lây lan chủ yếu qua tiếp xúc với bộ phận sinh dục hoặc dịch cơ thể.

Mặc dù thường xâm nhập vào cổ tử cung, tử cung, ống dẫn trứng ở phụ nữ cũng như niệu đạo ở cả nam và nữ, nhưng N. gonorrhoeae cũng có thể gây nhiễm trùng ở niêm mạc miệng, cổ họng, mắt và trực tràng.

2. Dấu hiệu phổ biến của bệnh lậu

Nhiều trường hợp cả nam và nữ mắc bệnh lậu đều không có triệu chứng. Tuy nhiên, dù không biểu hiện ra ngoài nhưng bệnh lậu vẫn có thể dẫn đến các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng. Cũng vì vậy mà nhiều người thắc mắc bệnh lậu có nguy hiểm không.

Ngay cả khi gây ra bất kỳ dấu hiệu nào thì bệnh lậu cũng thường bị nhầm lẫn với các tình trạng nhiễm trùng khác, chẳng hạn như nhiễm trùng bàng quang hoặc âm đạo.

Ở nữ giới, các triệu chứng của bệnh lậu ở đường sinh dục có thể là:

  • Cảm giác đau hoặc rát khi đi tiểu
  • Tăng tiết dịch âm đạo
  • Chảy máu âm đạo bất thường giữa các kỳ kinh.

Ở nam giới, dấu hiệu cảnh báo mắc bệnh lậu ở đường sinh dục bao gồm:

  • Cảm giác nóng rát khi đi tiểu
  • Chất dịch màu trắng, vàng hoặc xanh chảy ra từ dương vật
  • Tinh hoàn đau hoặc sưng (triệu chứng này ít phổ biến).

Ở cả nam và nữ, nhiễm trùng lậu trực tràng có thể không biểu hiện triệu chứng hoặc gây ra các dấu hiệu như:

  • Tiết dịch
  • Ngứa hậu môn
  • Sưng đau vùng trực tràng
  • Chảy máu
  • Đau khi đi đại tiện.

Nhiễm trùng lậu ở họng có thể gây đau họng nhưng trong hầu hết các trường hợp thường không có triệu chứng.

Bệnh lậu có nguy hiểm không?

bệnh lậu có nguy hiểm không

1. Giải đáp thắc mắc: Bệnh lậu có nguy hiểm không?

Bởi vì bệnh lậu thường không gây ra các triệu chứng đặc trưng, nên nhiều người băn khoăn không biết bệnh lậu có nguy hiểm không? Thực tế, vi khuẩn Neisseria gonorrhoeae gây ra bệnh lậu một cách âm thầm đến mức nhiều người không nhận biết được bản thân đang mắc bệnh để điều trị.

Theo các chuyên gia sức khỏe, nếu không được điều trị kịp thời và đúng cách, bệnh lậu có thể gây ra các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng và mãn tính ở cả nam và nữ giới. Bệnh lậu càng để lâu thì nguy cơ nhiễm trùng sang các bộ phận khác trên cơ thể càng cao, gây ra càng nhiều biến chứng nguy hiểm.

Nếu không điều trị bệnh lậu, người bệnh còn có nguy cơ cao mắc hoặc lây truyền HIV. Ngược lại, nếu được điều trị sớm, bệnh lậu khó dẫn đến các biến chứng hoặc vấn đề lâu dài nào.

Bạn cũng cần hiểu rằng bệnh lậu không có triệu chứng điển hình trong giai đoạn sớm và có nguy cơ lây nhiễm cao thông qua đường tình dục. Do đó, ngày càng có nhiều bệnh nhân bị nhiễm trùng lậu nhưng không ý thức được để điều trị, dẫn đến lây lan bệnh trong xã hội. Điều quan trọng là bạn nên đi khám ngay khi nghi ngờ bản thân mắc bệnh lậu.

2. Biến chứng bệnh lậu

Câu trả lời cho vấn đề “Bệnh lậu có nguy hiểm không?” đã được bật mí. Vậy, bệnh lậu có thể gây ra những biến chứng nào? Nếu không được điều trị, nhiễm trùng lậu có thể dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng, chẳng hạn như:

2.1. Tác hại của bệnh lậu ở nữ

bệnh lậu ở nữ

Nếu bạn thắc mắc “Bệnh lậu ở nữ có nguy hiểm không?”, thì sau đây là những biến chứng nghiêm trọng ở phụ nữ:

  • Viêm vùng chậu: Ở phụ nữ, bệnh lậu có thể lây lan đến cơ quan sinh sản và gây ra bệnh viêm vùng chậu. Ước tính có khoảng 10-20% trường hợp mắc bệnh lậu không được điều trị gặp phải tình trạng này. Các biến chứng do viêm vùng chậu gây ra là:
    • Hình thành mô sẹo ở ống dẫn trứng, làm tắc ống dẫn trứng
    • Mang thai ngoài tử cung
    • Vô sinh, xảy ra khi vi khuẩn gây bệnh lậu xâm nhập vào tử cung và ống dẫn trứng
    • Áp xe bên trong
    • Đau vùng chậu, đau bụng kéo dài.
  • Biến chứng thai kỳ ở phụ nữ mang thai mắc bệnh lậu, bao gồm:
    • Sảy thai
    • Chuyển dạ sớm và sinh non
    • Trẻ sơ sinh bị viêm kết mạc. Nếu không được điều trị kịp thời bằng kháng sinh thì trẻ sơ sinh có nguy cơ bị tổn thương thị lực tiến triển và vĩnh viễn.

2.2. Hậu quả của bệnh lậu ở nam giới

“Bệnh lậu ở nam có nguy hiểm không?” cũng là vấn đề khiến nhiều người đau đầu. Dưới đây là những hậu quả của bệnh lậu ở nam giới:

  • Nhiễm trùng tinh hoàn
  • Nhiễm trùng tuyến tiền liệt
  • Viêm mào tinh hoàn
  • Vô sinh: Nếu không được điều trị, viêm mào tinh hoàn có thể dẫn đến vô sinh trong một số ít trường hợp.

Bên cạnh đó, bệnh lậu không được điều trị cũng có thể lây lan vào máu và gây nhiễm lậu cầu lan tỏa (DGI). Tình trạng này đặc trưng bởi viêm khớp, viêm bao gân và viêm da, có thể đe dọa tính mạng.

Ngoài ra, bệnh nhân mắc bệnh lậu dễ nhiễm virus HIV gây bệnh AIDS hơn. Đồng thời, những người mắc cả bệnh lậu và HIV dễ lây cả hai bệnh này cho bạn tình hơn.

Cách trị bệnh lậu

điều trị bệnh lậu

Đến đây, chắc hẳn là bạn không còn băn khoăn “Bệnh lậu có nguy hiểm không?” nữa rồi! Vậy, bệnh lậu có chữa được không? Câu trả lời là “Có”. Để hạn chế tối đa các biến chứng của bệnh lậu, bạn cần đi khám ngay khi nghi ngờ mắc bệnh, đồng thời tuân thủ phác đồ điều trị bệnh lậu của bác sĩ nếu chẳng may có chẩn đoán dương tính với căn bệnh xã hội này.

Theo khuyến cáo của CDC, bệnh lậu có thể được điều trị bằng cách tiêm bắp tay một liệu 500mg ceftriaxone duy nhất. Nếu không thể dùng ceftriaxone, các phác đồ thay thế thường có sẵn, chẳng hạn như uống cefixime 800mg một liều duy nhất.

Mặc dù thuốc có thể ngăn chặn tình trạng nhiễm trùng lây lan nhưng nó không có tác dụng chữa trị bất kỳ tổn thương vĩnh viễn nào do bệnh lậu gây ra. Do đó, người bệnh cần thăm khám sớm và dùng thuốc đúng liều, đúng cữ để bệnh mau khỏi.

Ngày nay, việc điều trị một số bệnh lậu ngày càng trở nên khó khăn hơn vì các chủng bệnh lậu kháng kháng sinh ngày càng gia tăng. Vì vậy, nếu các triệu chứng lậu tiếp tục kéo dài nhiều ngày sau khi điều trị, bạn cần tái khám để được hỗ trợ điều trị.

Như vậy là bạn đã biết được bệnh lậu có nguy hiểm không. Hi vọng những thông tin trên đã giúp bạn hiểu rõ tầm quan trọng của việc điều trị bệnh lậu đúng cách, kịp thời, từ đó mau khỏi bệnh.

[embed-health-tool-ovulation]

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

STD Facts – Gonorrhea https://www.cdc.gov/std/gonorrhea/stdfact-gonorrhea.htm Ngày truy cập: 11/03/2024

Gonorrhoea – Complications – NHS https://www.nhs.uk/conditions/gonorrhoea/complications/ Ngày truy cập: 11/03/2024

Complications from Gonorrhea | Stanford Health Care https://stanfordhealthcare.org/medical-conditions/sexual-and-reproductive-health/gonorrhea/symptoms/complications.html Ngày truy cập: 11/03/2024

Gonorrhea: Causes, Symptoms, Treatment & Prevention https://my.clevelandclinic.org/health/diseases/4217-gonorrhea Ngày truy cập: 11/03/2024

Gonorrhea https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/gonorrhea/symptoms-causes/syc-20351774 Ngày truy cập: 11/03/2024

Phiên bản hiện tại

26/03/2024

Tác giả: Minh Châu Văn

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

Cập nhật bởi: Tố Quyên


Bài viết liên quan

Bệnh lậu nên kiêng gì? 4 thứ bạn đừng làm ngơ

Bệnh lậu có dễ tái phát không? Cách phòng tránh bệnh lậu


Tham vấn y khoa:

Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: Minh Châu Văn · Ngày cập nhật: 26/03/2024

ad iconQuảng cáo

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo