Bệnh giang mai có thể gây ra nhiều vấn đề sức khỏe nghiêm trọng nếu không được điều trị kịp thời và đúng cách. Bệnh diễn tiến qua nhiều giai đoạn khác nhau. Dưới đây là 4 giai đoạn bệnh giang mai mà bạn cần biết để có kế hoạch thăm khám khi phát hiện triệu chứng bất thường.
Theo Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ, bệnh giang mai có bốn giai đoạn gồm: giai đoạn 1, giai đoạn 2, giai đoạn tiềm ẩn và giai đoạn cuối. Mỗi giai đoạn có những dấu hiệu và triệu chứng khác nhau.
1. Giang mai giai đoạn 1
Dấu hiệu đầu tiên của bệnh giang mai là một vết loét nhỏ, được gọi là săng giang mai. Đó chính là nơi vi khuẩn gây giang mai xâm nhập vào cơ thể người bệnh.
Săng có hình tròn hoặc bầu dục, không nổi gờ cao, màu đỏ thịt tươi, nền cứng, bóp không đau. Hầu hết người bệnh chỉ xuất hiện một săng, nhưng cũng có thể có nhiều hơn.
Săng thường nằm ở âm hộ, âm đạo, hậu môn, dương vật, bìu, Có thể bắt gặp săng giang mai ở niêm mạc miệng, môi hay lưỡi ở những đối tượng có hành vi quan hệ tình dục bằng miệng (oral sex). Săng cũng có thể ẩn sâu trong âm đạo, dưới bao quy đầu, bên trong trực tràng và những nơi khác.
Ngoài săng giang mai, trong thời kỳ này người bệnh thường bị nổi hạch kèm theo các săng. Hạch xuất hiện sau khoảng 1 tuần và nổi thành chùm, không đau ở vùng bẹn. Người bệnh rất dễ nhầm săng giang mai với lông mọc ngược, mụn nhọt hoặc vết sưng vô hại. Săng không gây đau và có thể nằm ở những nơi khuất nên người bệnh có thể khó hoặc không phát hiện. Chúng thường phát triển trong khoảng 3 tuần đến 3 tháng sau khi người bệnh bị nhiễm trùng. Vết săng kéo dài khoảng 3 đến 6 tuần và sau đó tự biến mất. Tuy nhiên, nếu người bệnh không phát hiện và điều trị, giai đoạn bệnh giang mai sẽ tiến sang giai đoạn 2.
Hãy đọc thêm: Săng giang mai và mối quan hệ với bệnh giang mai
2. Giang mai giai đoạn 2
Trong vòng vài tuần sau khi vết săng ban đầu lành lại, người bệnh có thể bị phát ban trên lòng bàn tay, lòng bàn chân hoặc các bộ phận cơ thể khác. Phát ban này thường không ngứa và có thể kèm theo các nốt mụn giống như mụn nước ở miệng hoặc vùng sinh dục.
Người bệnh cũng cảm thấy ốm yếu và có các triệu chứng giống cúm nhẹ như sốt nhẹ, mệt mỏi, đau họng, sưng hạch, đau đầu, đau cơ, đi kèm giảm cân hoặc rụng tóc.
Các triệu chứng của giai đoạn bệnh giang mai giai thứ 2 này thường kéo dài từ 2 đến 6 tuần. Sau đó, chúng có thể tái phát liên tục và biến mất trong khoảng 1 năm. Các biểu hiện tương tự như các bệnh thông thường khác, nên rất khó để người bệnh nhận ra mình đang bị giang mai.
Nếu người bệnh không được điều trị, nhiễm trùng sẽ vẫn tiếp tục phát triển và bệnh có thể chuyển sang giai đoạn nguy hiểm. Đó là lý do tại sao việc tiến hành các xét nghiệm, sàng lọc định kỳ các bệnh lây qua đường tình dục là rất quan trọng.
Hãy đọc thêm: Giang mai giai đoạn 2: Bạn biết gì về giai đoạn bệnh này?
3. Giai đoạn bệnh giang mai tiềm ẩn
Giai đoạn bệnh giang mai tiềm ẩn không có dấu hiệu hoặc triệu chứng rõ ràng. Nếu không điều trị, bệnh sẽ tiếp tục tồn tại trong cơ thể trong nhiều năm.
Những người mắc bệnh giang mai trong thời gian dài sẽ phải đối mặt với những vấn đề sức khỏe nghiêm trọng. Do đó, dù ko có biểu hiện, bệnh vẫn cần được điều trị.
4. Bệnh giang mai giai đoạn 3 (giai đoạn cuối)
Theo Mayo Clinic, khoảng 15% đến 30% những người bị nhiễm giang mai nếu không được điều trị sẽ phát triển các biến chứng ở giai đoạn cuối. Ở giai đoạn này, bệnh có thể gây tổn thương não, thần kinh, mắt, tim, mạch máu, gan, xương khớp, thậm chí dẫn đến tử vong.
Dù giang mai được chia làm 4 giai đoạn, nhưng không phải lúc nào cũng rõ ràng như vậy. Các giai đoạn bệnh giang mai có thể chồng chéo lên nhau, triệu chứng cũng có thể không xuất hiện tuần tự. Ở bất cứ giai đoạn nào, đều có khả năng giang mai lây lan đến các bộ phận khác, như não, hệ thần kinh, mắt hoặc tai và gây ra nhiều biến chứng nặng nề.
Hãy đọc thêm: Bệnh giang mai ở nam giới nguy hiểm đến mức nào?
Tuy nhiên, những tổn thương ở giai đoạn cuối của bệnh giang mai không thể thay đổi hoặc chữa lành được. Do đó, điều tốt nhất bạn có thể làm là chủ động nắm bắt thông tin về các giai đoạn bệnh giang mai, phòng tránh lây nhiễm, kiểm tra sức khỏe định kỳ và đi khám ngay khi nhận ra các biểu hiện bất thường của cơ thể.
[embed-health-tool-ovulation]